Hà Tĩnh: Ngôi chùa cổ linh thiêng được thiên nhiên bao bọc

Nhân chuyến công tác tham dự Đại hội Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027, chúng tôi có dịp đến thăm và lễ Phật tại chùa Vĩnh Phúc, ngôi chùa cổ được bao bọc bởi cây xanh, tạo nên sự linh thiêng, độc đáo hiếm có.

Chùa Vĩnh Phúc (còn gọi là chùa Sắt, xưa có tên Nông Sắt) ở xã Hương Bộc, tổng Thượng Nhất, nay là thôn Tân Tiến, xã Thạch Hương, huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh.

Theo văn bia, câu đối còn ghi lại, cũng như theo lời của Giáo sư Phan Huy Lê, nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh năm 2013 về thăm chùa (sau này được in trong sách Chùa Cổ Hà Tĩnh) và các cụ cao niên trong làng tinh thông chữ Nho, Hán dịch lại từ các văn bia câu đối, chùa được xây dựng năm 654  khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công Nguyên, trên khuôn viên hơn 7.000 m2.

Trong chùa có hai câu đối:

Câu 1:

VĨNH cửu thiên trung khai tuệ nhật,

PHÚC duyên sơn thượng ấm từ vân.

Câu 2:

Dữ thiên địa trường tồn, Dương, Mặc, Lão, Trang hà tại

Cắng cổ kim phụng sự, Lương, Đường, Tần, Hán dĩ lai.

Chùa có đầy đủ các công trình như nhà Tăng, chùa Thượng, chùa Hạ, tượng hộ pháp, cổng Tam quan, giếng nước… xung quanh có nhiều cây cối rậm rạp, có nhiều cây lấy gỗ như cây dung, cây bời lời… cây ăn quả như cây nhời, cây bứa, cây nổ bìa… Đặc biệt có rất nhiều loài chim muông về đây làm tổ sinh sống.

Cảnh Chùa xưa uy nghi chứa nét đẹp bình an của chốn thiền môn thanh tịnh, cả bốn mùa đều có hoa nở. Cây nổ bìa khi quả chính tạo thành  những chùm quả trắng xóa trông rất đẹp mắt. Cây cối xum xuê quyện với tiếng hót của chim chóc làm tôn tạo nên một địa khí linh thiêng.

Phía Nam chính điện chùa có giếng nước trong vắt lấy nước ở giếng Chùa nấu với nước chè xanh Hương Bộc thì được xem như đặc sản tuyệt trần của vùng đất này. Cố Phật tử Biện Văn Hiếu, Pháp danh Lệ Quảng tự Thanh Bình (Năm 2016 – 93 tuổi) một trong những đệ tử tại gia của cố Hòa thượng Thích Nhật Sách, người ở xóm Cửa Nương, kể lại: “Chùa có từ đời Đường, ngày xưa lối vào cổng Chùa là lối giáp ranh giữa nhà ông Hiếu và nhà anh Hòa bây giờ. Cổng Chùa được làm bằng gỗ, phía trên lợp tranh, hai bên có tượng hai ông gọi là ông Hộ pháp. Qua cổng chùa là vào sân Chùa, trước cửa sân có xây một bàn gọi là thập loại… Sân Chùa là nhà bái đường, có diện tích khoảng 5mx 9m. Tường xây lợp ngói phía trước có mở ba cửa vòm. Trên đỉnh nóc có cấu tạo lưỡng chầu nguyệt. Cột kèo văn xà làm bằng gỗ lim ở chính giữa có xây một hương án để sư thầy làm lễ và có chổ chứa được khoảng 50 – 60 người dự lễ…”

Có một quả chuông đúc dòng chữ “Nông Sắt tự chung” có cù lao và bốn nụ cao khoảng 0,65m, đường kính 0,3m. Một chiếc trống lớn và một bộ chuông nhỏ để tụng kinh niệm Phật. Tiếp nhà bái đường đến chính điện là một khoảng trống có diện tích 4m x 5m, hai bên có hai dãy áp bái. Phía bên phải khoảng trống ngang hàng với áp bái cách 30m có một đền thờ Quan Công, phía bên trái thờ Tam tòa Thánh Mẫu có hoa văn cổ kính rất đẹp, cạnh dãy nhà thờ là giếng nước.

Nhà chính diện có diện tích khoảng 25m2 xây bằng đá, vôi, mật ong, mái lợp cong cuốn, đường nét tinh xảo. Phía trong thiết trí tôn tượng Tam Thế.  Kế đó một bậc có 3 tôn tượng không rõ tượng gì.

Bậc dưới chính giữa có tượng Phật Thích Ca đản sanh, có 9 con rồng bao phủ gọi là Cửu Long. Tất cả các pho tượng đều làm bằng gỗ quý sơn son thiếp vàng rất đẹp. Gian bên trái có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, bên phải có tượng Địa Tạng. Hai pho tượng này cao gần 2m. Chùa có ruộng riêng khoảng 9 sào đất tốt.

Cụ ông Nguyễn Đường (89 tuổi – 2014), người có thâm niên hơn 20 năm nguyên là Bí thư  Đảng ủy xã Thạch Hương, thì chùa bị hư hỏng đập phá hoàn toàn vào khoảng năm 1965 – 1966, đến năm 1972 chùa bị đem làm kho thuốc bảo vệ thực vật.

Đất vườn chùa bị chia cho các hộ dân trong xã, đến nay có 06 hộ dân đang sinh sống trên đất của chùa. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Hương Bộc thời bấy giờ được cấp ruộng riêng. Hàng năm dân làng thay nhau cày cấy để lấy sản phẩm phục vụ việc thờ cúng ở chùa.

Theo lời kể của các cụ cao niên tại địa phương và bà Đặng Thị Liệu (1925 – 2014) kể lại, Chùa Vĩnh Phúc được thực hành các nghi lễ thờ cúng theo đúng nghi thức Phật giáo.

Một năm có 03 ngày lễ lớn:

– Ngày Rằm tháng Giêng: (Lễ đầu năm).

– Ngày 8 tháng 4 (Âm lịch): (Lễ Trập Bụt)

– Ngày 3 tháng 7 (âm lịch): (từ năm 1956 đến nay giỗ Hòa thượng Thích Nhật Sách (Sư Hanh, Tỉnh Hội trưởng Hội Phật giáo Hà Tĩnh năm 1934 -1955) lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ và cúng cô hồn).

Trước đại lễ hai ngày, bà con đến dọn vệ sinh sạch sẽ Chùa để làm lễ. Người đảm nhiệm những việc này là người có uy tín trong làng như cụ Cửu Mậu, cụ Bẹp Kinh, cụ Nhuận, cụ Thành. 

Chùa Vĩnh Phúc (Chùa Sắt) còn là địa chỉ che chở cho con người trong chiến tranh thoát nạn bom đạn, cụ thể như những năm chiến tranh Mỹ đánh phá ác liệt toàn bộ các làng xã Thạch Hương đều bị bom Mỹ dọn tàn phá như làng Nhật Trung một đêm có 25 nóc nhà cháy, làng Tân Bình đạn bắn.., xóm Đình, xóm Nậy đều có bom rơi, riêng xóm Cửa Nương nơi có Chùa một thời kỳ dài chiến tranh không một quả bom rơi đạn lạc ở trên mảnh đất địa linh này. 

Như một năng lực tâm linh nào đó che chở vậy. Theo bà con nhân dân lân cận ở gần chùa kể lại, có rất nhiều câu chuyện nhiệm mầu và oai lực chốn linh thiêng này, những cây lá xung quanh hay giếng nước như là vị thuốc chữa trị những căn bệnh đơn giản cho dân làng, trâu bò sau khi thân chủ thành tâm thắp hương cầu nguyện, hay chuyện trẻ con bị sài lở lấy lá xung quanh giếng Chùa về sắc uống là bệnh tình lành ngay, điều này có cơ sở khoa học, bởi về cây cối mọc ở giếng nước tốt, cây cỏ mọc ở khu địa linh tốt chắc chắn sẽ hấp thụ được dược tính cao.

Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ quê hương, nhiều ngôi không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh, văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong thôn xóm mà còn là minh chứng lịch sử cho thời kỳ kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam trong các cuộc kháng chiến, hầu hết các đình, chùa, đền, miếu đều lấy làm địa điểm học tập và hội họp của đoàn thể, là nơi học tập, xóa nạn mù chữ.

Trong kháng chiến chùa Vĩnh Phúc là nơi tránh bom đạn của bà con nhân dân. Hiện nay, chùaVĩnh Phúc chỉ còn lại một nhà thượng điện, diện tích khoảng 25m2 được tọa lạc trên một diện tích đất gần 200m2

Các họa tiết hoa văn trong ngoài dù bị hư hỏng nhiều nhưng vẫn thể hiện nét cổ kính tinh xảo, được tô vẽ lại vào thâp niên 60 nội dung người xưa muốn lưu lại, một số mảng màu nguyên gốc thuở xưa, ngôi thượng điện này được “thiên nhiên bảo vệ” một cách tuyệt đối bằng một cây cổ thụ xanh tươi rất đẹp ôm chặt để chống chọi, thử thách với thời gian.

Chiến tranh kết thúc, các hoạt động của Phật giáo tạm lắng, nhiều chùa chiền bị hư hại trở thành phế tích kéo dài hàng trăm năm qua, trong đó có ngôi chùa Vĩnh Phúc vì phế tích, thiếu sự quan tâm nên diện tích đất chùa bị người dân lấn chiếm làm nhà ở. Còn lại một gian nhà không với một miếng gỗ cũ đặt ở phía trước.

Qua tài liệu và nhân chứng Chùa còn lưu dấu tích và nguồn gốc mang dáng dấp kiến trúc đậm nét văn hóa tâm linh truyền thống Việt đúng với những gì truyền thống văn hóa Phật giáo xưa để lại và tồn tại trên một vị trí đắc địa linh thiêng.

Với tinh thần tri ân, báo ân tiền nhân cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, quy hướng tâm thiện của Phật tử nhân dân. Ngày 09.4.Mậu Tuất (23/5/2018) Phật tử sinh hoạt thường xuyên tại chùa đã tổ chức cuộc họp, có sự chủ trì của BTS Giáo hội PGVN huyện Thạch Hà và cấp chính quyền địa phương, Đảng ủy, UBND, UB MTTQ xã Thạch Hương, hơn 100 Phật tử thống nhất bầu Ban Hộ tự để quản lý khôi phục chùa, xây dựng đạo tràng tu tập theo đúng giáo lý nhà Phật, Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đưa mọi  hoạt động đúng theo các quy định hiện hành của pháp luật, nhà nước.

Đã từ lâu, ngôi chùa luôn là biểu tượng của nét văn hoá, là nơi hun đúc Thánh hiền, dưỡng dục các bậc tài khí, là nơi bắt đầu của sự truyền bá chính pháp, nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo quần chúng nhân dân, Phật tử. Đặc biệt, ngôi chùa Vĩnh Phúc mang những giá trị văn hoá, lịch sử và tâm linh lớn. Xây dựng chùa là một việc làm có công đức rất lớn, không chỉ đời nay mà cho muôn đời sau, mọi người hãy chung tay góp sức để ngôi chùa Vĩnh Phúc sớm được xây dựng khang trang tố hảo.

Dịp này, đoàn cũng đến thăm và lễ Phật tại chùa Yên Lạc, Hà Tĩnh. Xin giới thiệu một số hình ảnh của Chùa:

PV

Bài viết liên quan

Phản hồi