Hà Nội: Khoá Tu Sinh Viên “Đạo Phật với Tuổi Trẻ” chùa Tiêu Dao (lần thứ nhất)

PGĐS – Trong hai ngày 5-6/4/2025 (nhằm ngày 8-9/3/ Ất Tỵ) thứ bảy và chủ nhật, đã diễn ra Khóa tu Sinh Viên tại Thủ đô với chủ đề “Đạo Phật với Tuổi Trẻ” tại chùa Tiêu Dao, Giang Cao, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội, dưới sự hướng dẫn của HT.TS Thích Bửu Chánh – Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng khoa Pāli, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Phó ban Hoằng pháp Trung ương, Trụ trì Thiền viện Phước Sơn (đồi Lá Giang, Đồng Nai); TT.TS Thích Giác Duyên – Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Tôn giáo – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Phó Ban Trị sự tỉnh Gia Lai. Ban tổ chức Khóa tu Đại Đức Thích Bảo Đức cùng đạo tràng chùa Tiêu Dao và Dự án Phật học ứng dụng hỗ trợ triển khai. Khóa tu thu hút khoảng 200 Sinh Viên quy tụ trong không khí hoan hỷ, trang nghiêm và hứa hẹn nhiều Thiện pháp tích cực góp phần phát triển Phật giáo miền Bắc nói riêng cũng như Phật giáo cả nước và Quốc tế nói chung.
Sinh Viên với đặc tính bước đầu nhận thức, đánh giá, tìm hiểu nhân sinh quan, thế giới quan, đạo đức quan, vũ trụ quan,… thông qua cuộc sống, học tập, sinh hoạt hàng ngày; là hàng ngũ trí thức của đất nước, tiềm năng lãnh đạo quốc gia. Tuổi trẻ luôn khát vọng, ước mơ, hoài bão, lý tưởng; học tập nghiên cứu qua các chuyên ngành được giới thiệu tại giảng đường là môi trường để phát huy tìm tòi, sáng tạo, trải nghiệm bản thân, khám phá và định hướng cuộc sống. Tuổi trẻ Sinh Viên Việt Nam – nhất là Sinh Viên đang theo học các cấp học, các chuyên ngành, các trường Đại học công lập và dân lập quanh Thủ đô vốn ảnh hưởng văn hóa Thăng Long ngàn năm văn hiến mang trong mình căn tánh ham học hỏi, thích cống hiến phụng sự, sống trách nhiệm chan hòa; vừa giữ các truyền thống phẩm chất tốt đẹp của cha ông, vừa năng động chuyển mình đón nhiều tri thức mới thích nghi với hoàn cảnh Quốc tế hóa thời hiện đại.
Giáo dục của mỗi quốc gia là quốc sách của đất nước trong xây dựng và phát triển mọi mặt: quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội…; đức – trí – thể – mỹ văn minh bền vững. Giáo dục Phật giáo cũng quan tâm chú trọng yếu tố con người làm cốt lõi, nhất là con người tỉnh thức, biết phân biệt được đâu là thiện đâu là bất thiện, chọn thiện làm nền tảng dựa trên Tam quy, Ngũ giới, Bát quan trai, Thập thiện, 10 parami (6 ba-la-mật), để chuyển mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh, mục đích giác ngộ giải thoát sanh tử luân hồi.
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, cuộc sống xã hội hiện đại đầy đủ hơn về tiện nghi, nhưng tình trạng stress ngày càng nhiều; sự mất niềm tin nơi con người, lãnh cảm, xuống cấp đạo đức, xuất hiện khắp mọi nơi. Ứng dụng triết lý Phật giáo có thể giải quyết được các vấn nạn như: trộm cắp, bạo lực, thù hằn, mâu thuẫn đối kháng,… trong gia đình, nhà trường, xã hội, quốc gia và nhân loại. Một số nước phương Đông (Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan,…) và phương Tây hiện nay (Canada, Mỹ, Úc)… đã ứng dụng thực tập thiền rất tốt cho học sinh Sinh Viên cũng như nhiều giới khác để giữ sức khỏe, rèn luyện đạo đức, phát triển trí tuệ chân chánh.
Nhận thức được tầm quan trọng của giáo lý Phật trong việc ứng dụng phổ quát tinh hoa triết học Phật giáo để hoàn thiện giáo dục các cấp học, nhất là cho thế hệ trẻ rường cột của tương lai, Dự án Phật học ứng dụng dưới sự chứng minh chỉ dạy của HT Thích Quảng Tùng – Phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị sự, Trưởng Ban Từ Thiện Trung ương GHPGVN; TT Thích Thanh Huân – Uỷ viên Thư ký HĐTS TƯ GHPGVN, Phó Chánh VP TW GHPGVN, Phó Ban Phật giáo Quốc Tế; TT Thích Minh Thuận – Ủy viên Hội Đồng Trị sự TƯ GHPGVN; TT Thích Minh Tuân – Ủy viên Ban Kinh Tế Tài Chính Trung ương GHPGVN; Cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn – Chủ Tịch Hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức & Làng Hạnh Phúc; Thầy Trần Việt Quân – Chủ Tịch Viện Bách Khoa BKE… cùng sự kết nối đồng hành đông đảo của Tăng Ni, Cư sĩ, Nhà nghiên cứu Khoa học khắp ba miền, cả trong và ngoài nước; đang hướng về ủng hộ, tạo điều kiện để Pháp học Pháp hành Phật giáo qua các khóa tu được lan tỏa; đem giá trị minh triết/ Thiền học Phật giáo ứng dụng đóng góp tiến bộ cho cuộc đời chung.
Trong khóa tu ngày đầu tiên tháng 4 này tại địa điểm chùa Tiêu Dao thí điểm, Sinh Viên được trải nghiệm thanh quy Thiền môn, đảm bảo thời khóa giờ giấc từ 4h sáng thức chúng đến 10 đêm chỉ tịnh, được quý Thầy quý Sư Cô và các anh chị huynh trưởng hướng dẫn thực tập chánh niệm trong nói năng, hành động, im lặng thánh thiện; Pháp được vận dụng trong 24h trong các hoạt động ăn uống, đi lại kinh hành, nghe Pháp, ngồi thiền, chấp tác, ngủ nghỉ – tinh thần Phật hoàng Trần Nhân Tông đem mười điều thiện dạy dân và Nhị Tổ Pháp Loa Thiền Phái Trúc Lâm bàn về Thiền cả Định và Tuệ… Pháp Phục Thực Phẩm Thabarwa chi nhánh Thiền sư Ottamathara kết hợp Phật tử các đạo tràng Đại thừa đã phát tâm 200 áo đồng phục và hỗ trợ thực phẩm hậu cần, góp phần trang nghiêm khóa tu, giúp các tu sinh yên tâm tu học Phật Pháp ứng dụng.
Trong sự giao lưu, cộng tu, các tu sinh còn được cùng nhau thiền trà dưới sự dẫn chúng của Đại Đức Thích Thanh Đạo; diễn giả Nguyễn Thùy Linh. Trong đêm xa nhà, tạm gác lại sách vở giảng đường, thử tập sống trong môi trường linh thiêng Tam Bảo, thích nghi bản thân với huynh đệ khắp nơi “không hẹn mà tiền kiếp nên duyên lành thiện tri thức”, các tu sinh được tiếp nhận thêm nhiều nguồn năng lực thiện lành từ các hành giả đệ tử Phật để giữ tâm lành giữa mọi hoàn cảnh của cuộc sống hiện tại và tương lai đang cần Sinh Viên đủ kiến thức, nghị lực, hành trang, kiến thức, kĩ năng vượt qua, trở thành người tinh hoa của đất nước, có giá trị cho đạo và đời; người con hiếu thảo, người hàng xóm/ đồng nghiệp thân thiện, người công dân tốt, người chủ của gia đình xã hội tương lai.
Rất nhiều các cảm xúc đã lắng đọng lại trong đêm thiền trà giao lưu đầy nghĩa tình giữa cái rét Tháng ba Làng Bân và không khí hướng về Giỗ Tổ Hùng Vương, cả nước đang hướng về miền Bắc chốn Tổ. Phật giáo trên 2000 năm đồng hành cùng dân tộc, khóa tu Đạo Phật với Tuổi Trẻ như một bông hoa điểm tô chào mừng Vesak Liên Hiệp Quốc đang đến gần. Trong số 200 Sinh Viên, có một số đang tích cực hỗ trợ các khâu hậu cần trước Vesak rất đáng tự hào. Khóa tu còn khích lệ tinh thần tu học Phật – nét đẹp văn hóa trong tâm hồn của những người muốn sống đẹp, sống tốt, sống ý nghĩa, hoàn thiện bản thân và phụng hiến tha nhân đạt đến độ viên mãn. Cộng đồng tử tế vì vậy không ngừng được lan tỏa từ những khóa tu tràn nhập trí tuệ, yêu thương vô điều kiện trong tâm từ không dính mắc và sự dũng cảm, ý chí nghị lực kiên định, nhờ sự kham nhẫn và lòng vị tha xả ly khỏi các bất thiện pháp một cách vô điều kiện; sẵn sàng phụng hiến, hợp tác và phát triển. Khóa tu vì vậy định hướng thực tế kinh nghiệm sống, kiến thức, kĩ năng, kết duyên lành cho những tu sinh hữu duyên và không ngừng được đào tạo rèn luyện bài bản trong các khóa tu
TN Viên Giác
Phản hồi