Đại dịch và sự an bình nội tâm
Alex Kakuyo là một tu sĩ Phật giáo, và là người hướng dẫn phương cách thở.Thầy từng ở trong quân đội và được điều động tham gia chiến đấu ở cả Iraq và Afghanistan trước khi tình cờ biết đến Phật giáo, trở thành Phật tử, sau đó xuất gia.
Thật là một thảm họa khi tôi dự khóa tu thiền lần đầu tiên. Tôi còn nhớ lưng tôi yếu sau nhiều năm ngồi gù lưng trước máy tính và chân tôi không cộng tác với việc ngồi chéo trên gối thiền hàng giờ liền. Tôi nhận ra đó không phải là một thời gian thiền định trong an bình mà là một cuộc thử thách, tôi ngồi đếm ngược thời gian mong chờ lúc có thể tìm được một tư thế ngồi thoải mái hơn.Nhưng đã có sự thay đổi vào ngày thứ ba. Tôi quyết định rằng cho dù sự việc có trở nên tồi tệ như thế nào, tôi sẽ không rời khỏi khóa tu sớm. Tôi cũng chấp nhận thực tế rằng mình không thể làm gì để khiến cho trải nghiệm này có thể tốt hơn. Vì không thể làm gì hơn, tôi phải chịu đựng cho đến khi khóa tu kết thúc và từ bỏ việc cải thiện tình hình.
Khi đã quyết định như thế, dường như cả thế giới mở ra trước mắt tôi. Chân vẫn đau, nhưng tôi vẫn nhận thấy những con sóc chạy qua cửa sổ tu viện. Lưng tôi như thắt gút, nhưng vẫn thưởng thức các món ăn phục vụ. Và vào buổi ngồi thiền cuối cùng của khóa tu, tôi đã trải nghiệm được sự bình an nội tâm.
Tôi xem kinh nghiệm đó giống như khi ta theo dõi một trận bóng đá mà không quan tâm ai sẽ thắng. Chúng ta xuýt xoa khi có một pha tạt bóng hỏng, và chúng ta reo hò trong một trận đấu thú vị, nhưng không quan tâm đến tỷ số. Ta chỉ thưởng thức trò chơi đó.
Với thời gian, tôi thường xuyên nghĩ về thời điểm đó nhiều hơn. Tôi đã có rất nhiều dự định cho mùa hè của mình: Tiết kiệm tiền để đi du lịch; lên kế hoạch cho một tour du lịch sách để quảng bá cuốn sách tôi viết; mời khách đến nghỉ đêm ở nhà tôi – một nhiệm vụ khá khó khăn cho một người hướng nội như tôi. Nhưng khi đại dịch và bất ổn xã hội lan rộng khắp đất nước, các kế hoạch của tôi rụng như lá mùa thu.
Giờ thì mùa hè đã kết thúc và tất cả hy vọng của tôi đều tan tành. Thay vì chu du khắp thế giới, tôi đạp xe vòng quanh khu phố của mình. Thay vì đi khắp đất nước để quảng bá quyển sách của mình, tôi đọc sách của các tu sĩ Phật giáo khác, và các bữa dạ tiệc mà tôi mong chờ được thay thế bằng các cuộc gọi qua Zoom và các tin nhắn.
Nếu nói rằng tôi không buồn chút nào hết thì là nói dối – một cảm giác bùi ngùi tiếc cho những thứ có thể xảy ra. Nhưng tôi cũng có được sự bình yên; một khoảng lặng dường như giống với cái tôi cảm nhận được ngày nào ở tu viện.
Khi đào sâu thêm cảm giác này, tôi thấy rằng nó không xuất phát từ cảm giác thành tựu, mà ngược lại. Bởi vì tôi đã làm tất cả những gì có thể. Tôi mang khẩu trang, tôi giữ khoảng cách, tôi dự trữ thực phẩm và tuân giữ lệnh giới nghiêm được ban ra. Nhưng tất cả đều thất bại.
Chúng ta đã ở trong cuộc khủng hoảng này tám tháng, trong lúc đúng ra nó phải kết thúc trong hai tuần, và không ai biết khi nào chúng ta mới an toàn. Vì vậy, tôi đã đầu hàng. Tôi ngừng chia sẻ về những cơ hội mà tôi bỏ lỡ. Tôi không còn dự tính sẽ làm gì khi các hạn chế được gỡ bỏ và tôi cũng không kiểm tra xem nhà hàng mà tôi yêu thích đã mở cửa lại chưa.
Thay vào đó, tôi thức dậy mỗi buổi sáng với quyết tâm chỉ đơn giản chấp nhận thế giới “như nó là”. Việc đó nhắc nhở tôi rằng bất chấp mọi thứ đã xảy ra, và mọi thứ tôi đã đánh mất, thế giới này vẫn tốt tươi. Ánh sáng mặt trời vẫn tràn ngập phòng mỗi buổi sáng. Các cây trồng trong nhà vẫn ngày càng cao hơn, và chú mèo con vẫn lẻn vào phòng tắm để quậy phá giấy vệ sinh.
Tôi đã phải ngừng cố gắng sửa chữa kinh nghiệm tu tập của mình để học hỏi từ nó. Giống như thế, tôi phải ngừng cố gắng khắc phục đại dịch này để sống sót. Thông qua sự thực hành buông xả, đầu hàng về những gì tôi nghĩ thế giới này phải là, tôi có thể nhìn thấy vẻ đẹp của mọi thứ đang là.
Khi ngồi thiền lần đầu tiên, tôi biết rằng đôi khi nỗi khổ của chúng ta nằm ngoài sự kiểm soát của mình. Đôi khi trốn chạy không phải là một khả năng mà là chính sự chịu đựng. Và nếu ta sẵn sàng làm điều đó, sự bình an nội tâm là phần thưởng của ta. Chúng ta vẫn có thể trải nghiệm niềm vui giữa những khó khăn.
Khi đại dịch vẫn tiếp diễn, chúng ta tiếp tục thấy mình bị kẹt trong thế giới của khổ đau. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta phải chịu khổ. Dẫu có xảy ra điều gì, ta vẫn có thể giữ nội tâm bình an. Chúng ta chỉ cần buông những gì mà mình không thể kiểm soát và nhận thức rằng ta vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc giữa khổ đau.
Alex Kakuyo/Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ
Phản hồi