Đà Nẵng: Lễ tưởng niệm Húy nhật lần thứ 8 cố Hòa thượng Thích Viên Minh – Khai sơn chùa Nam Hải

PGĐs – Sáng ngày 29/9/2022 (nhằm ngày 04/9 năm Nhâm Dần) tại chùa Nam Hải, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức lễ Tưởng niệm Húy nhật lần thứ 8 cố Trưởng lão Hòa thượng thượng Viên hạ Minh – Nguyên Ủy viên Thường trực HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng; nguyên Phó trưởng ban Trị sự  kiêm Trưởng ban Tăng Sự GHPGVN TP.Đà Nẵng; Khai sơn chùa Nam Hải.

Quang lâm niêm hương cầu nguyện có Hòa thượng Thích Trí Viên – Giáo phẩm Chứng minh BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng; Hòa thượng Thích Minh Thành – Giáo phẩm Chứng minh BTS GHPGVN TP.Đà Nẵng, đương vi Sám chủ buổi lễ; Hòa thượng Thích Thiện Toàn – UV HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng; Hòa thượng Thích Từ Nghiêm – UV HĐTS, Phó trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng; chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Trị sự Phật giáo thành phố và các quận, huyện; chư Tăng Ni trụ trì các tự viện tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đông đảo đồng bào Phật tử về tham dự.

Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Minh, pháp húy Không Thiên, pháp tự Trí Mẫn. Thế danh Nguyễn Quang Vinh, sinh năm Nhâm Tuất (1922) tại làng Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Nguyên quán của Trưởng lão là làng Trung Kiên, tổng Bích La, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ ông Tâm Đại Nguyễn Quang Vỹ, thân mẫu là cụ bà Tâm Từ Phan Thị Kỷ. Trưởng lão Hòa thượng là con trưởng trong gia đình có 03 anh em. Hòa thượng Thích Minh Tuấn – Viện chủ thiền viện Bồ Đề (Đà Nẵng) là em út của Ngài.

Nguyên quán của Ngài vốn là xứ địa linh nhân kiệt, xuyên suốt gần hơn thế kỷ, từ nữa đầu thế kỷ 19 đến thế kỷ 20 đã lưu xuất bao vị Cao Tăng cho Phật giáo miền Trung nói riêng, cũng như Phật giáo Việt Nam nói chung. Có nhiều bậc Tôn túc đang còn hiện thế phụng sự Phật pháp tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp. Từ nơi môi trường thấm nhuần đạo vị, đạo tâm ở nơi xứ sở và gia đình, nên năm 1931, thân mẫu khuất núi, Ngài cảm khái thế sự vô thường, mạng người như nước cuốn hoa trôi, tâm hướng Thiền gia đã nung nấu chí xuất trần. Vừa đúng 9 tuổi, Ngài hướng về tổ đình Quy Thiện nơi kinh đô Huế, quy y thế phát làm môn hạ của Cao Tăng Hòa thượng thượng Chơn hạ Đạo, tự Chánh Thống, hiệu Bích Phong. Bổn sư của Ngài là một trong những bậc Long Tượng của thời Chấn hưng Phật giáo, chí đào tạo Tăng tài có thừa, mộng quang hưng Chánh Pháp cũng hữu dư. Chính vì vậy, kịp khi Ngài vừa đủ tuổi 15, Bổn sư đã thuận duyên mà cho Ngài thọ Sa-di giới vào năm 1937, ban pháp danh là Không Thiên. Bảy năm sau, năm 1947, Ngài lưu trú tại sơn môn Phật học hiệu Linh Quang – Huế. Đây là một trong những trường Phật học tiên khởi của nền giáo dục Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam. Do biến chuyển của thế cuộc còn điêu linh chướng ngại, Trường Phật học Linh Quang bị gián đoạn một thời gian. Năm 1947, Ngài tu học tại Phật học đường Báo Quốc – Huế. Đây cũng là nơi đào tạo những Tăng tài cho Phật giáo nước nhà, và cũng là tiền thân cho Phật học viện Trung Phần được khai mở sau này.

Một năm sau, năm 1948, Ngài được Bổn sư cho phép thọ Cụ túc giới tại giới đàn Hộ Quốc được tổ chức tại chùa Báo Quốc – Huế, ban pháp tự là Trí Mẫn, hiệu Viên Minh, nối dòng Lâm Tế đời thứ 41. Đàn đầu Hòa thượng là Trưởng lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Yết ma là Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên, Giáo thọ là Trưởng lão Hòa thượng Thích Vĩnh Thừa. Cùng thọ với Ngài trong Giới đàn này có cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Quang Thể, nguyên Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Đà Nẵng.

Sau khi tốt nghiệp tại Phật học viện Báo Quốc – Huế, Ngài theo học Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Đây cũng là chủ trương đào tạo thế học và đạo học của chư tôn Trưởng lão lãnh đạo Phật giáo thời ấy.

Sau Pháp nạn năm Quý Mão 1963, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, đã công cử Hòa thượng giảng dạy tại trường Trung học Bồ Đề Đà Nẵng, nay là trường Trung học Cơ sở Nguyễn Huệ. Cũng trong năm này, Giáo hội cử Ngài nhận chức Trú trì chùa Sơn Trà và chùa An Hải. Năm 1968, Trưởng lão Hòa thượng kiến thiết xây dựng trường Trung học Bồ Đề Đông Giang, nay là trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Cừ và kiến tạo tịnh thất Nam Hải, nay là chùa Nam Hải bên cạnh Trường để thuận lợi cho việc tu tập và giảng dạy.

Từ năm 1964 đến 1975 Ngài là Chánh đại diện Phật giáo Quận 3, Quảng Nam – Đà Nẵng. Thế cuộc vần xoay, tan rồi lại hợp, đến năm 1975 chiến tranh chấm dứt, đất nước giang sơn nối liền một dãi, Giáo hội Đà Nẵng theo quyết định của tổng vụ Giáo dục Phật giáo Trung ương, bàn giao các trường Bồ Đề và các chi nhánh cho Nhà nước mượn, Ngài thôi giảng dạy, lui về cùng với chư Tôn đức tiếp tục phục vụ Đạo pháp và Dân tộc trên lĩnh vực khác.

Đến năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, Ngài cũng tùy thuận phụng hành để hoằng pháp và phụng sự nhân sinh. Năm 1997, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được tách ra làm hai đơn vị hành chánh là thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam. Trong Đại hội Phật giáo Đà Nẵng lần thứ nhất, nhiệm kỳ 1997-2002, Ngài được suy cử Phó trưởng Ban Trị Sự, kiêm Trưởng ban Tăng sự. Nhiệm kỳ 2007-2012, Ngài được Đại hội thỉnh cử vào hàng Chứng minh ban Trị sự thành phố, kiêm Trưởng ban Tăng sự. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 6 (2007-2012), Ngài được suy tôn vào Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ 7 (2012-2017), Ngài được suy tôn vào Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Năm 2008, thành hội Phật giáo Đà Nẵng cung thỉnh Ngài làm Đàn đầu Hòa Thượng cho Giới đàn Trí Thủ, truyền giới cho hàng ngàn giới tử Tăng, Ni và Phật tử tại gia.

Một số hình ảnh ghi nhận được:

      

                            

Tin, ảnh: Hoàng Quả

Nguồn: phatsuonline.com

Bài viết liên quan

Phản hồi