Chàng trai Việt gieo hạt giống lành trên đất châu Phi
Thời gian qua, kênh YouTube “Quang Linh Vlogs – Cuộc sống ở châu Phi” của Phạm Quang Linh 24 tuổi, đang sinh sống tại Angola (châu Phi) được rất nhiều người, không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài, hào hứng theo dõi.
Có thể nói, hành trình lao động, sáng tạo, sẻ chia và kết nối để đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam gần gũi hơn với người dân Angola của chàng trai trẻ Phạm Quang Linh đã khiến nhiều người thực sự cảm phục.
Gieo yêu thương trên đất châu Phi
Kênh YouTube của Linh được thực hiện bởi nhóm bạn 9 người, gồm 4 người Việt Nam có tên lần lượt là: Quang Linh, Đông Paulo, Hùng Kaka, Linh Philip và 5 người Angola là: Lindo, Maitiloi, Victori, Fendi, Doimingu; nhờ vậy mà những clip của Linh đặc sắc và đa dạng về nội dung, không chỉ giới thiệu nét đẹp, văn hóa của người dân châu Phi, mà cả những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam hay những dự án cộng đồng mang ý nghĩa nhân văn. Tất cả đều để lại ấn tượng sâu sắc với người xem.
Thông qua những thước phim ghi lại chân thực cuộc sống, hoạt động của người dân châu Phi và nhóm bạn, Linh đã giúp người xem thấy được tình cảm đặc biệt của người dân châu Phi với Việt Nam, và hơn nữa là cuộc sống bình dị, dù còn khó khăn nhưng đầy tình cảm của con người nơi đây.
Trên hành trình của mình, Linh cùng nhóm bạn đã giúp người dân Angola biết trồng trọt hoa màu, lấy nước sạch. Những vườn rau cải, cây ngắn ngày như dưa leo, cà chua, bắp giống Việt Nam, sắn… được Linh và bạn bè giúp người dân khai luống, chỉ dẫn cách chăm sóc và thu hoạch đã có nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Linh và nhóm bạn còn xây dựng chương trình từ thiện, chăm sóc người già neo đơn bệnh tật, phát hơn 25 tấn gạo tặng người dân ở Angola. Khoan được 12 giếng nước sạch từ tiền túi và sự ủng hộ của cộng đồng tại miền núi xa xôi Sanzala (thuộc huyện Bailundo, tỉnh Huambo – một trong những địa phương nghèo nhất của Angola). Có được những giếng nước, người dân nơi đây vui mừng khôn xiết vì chưa bao giờ họ được dùng nước sạch bởi chi phí khoan giếng là quá khả năng so với thu nhập của họ.
Đón nhận nhiều tình cảm của người dân bản địa
Nói về những việc làm của Quang Linh, nhiều người dân ở Angola đã phải thốt lên: “Nhiều người nơi khác đến đây và lấy đi tài nguyên của chúng tôi, nhưng người Việt Nam đã mang đến cho chúng tôi ấm no, hạnh phúc và niềm vui mỗi ngày!”. Cũng nhờ Linh và nhóm bạn, hình ảnh của Việt Nam trong mắt người dân Angola đã trở nên thêm thân thiện và tươi đẹp.
Thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Linh không về nước mà ở lại, cùng nhóm bạn của mình mua nhu yếu phẩm, thuốc men, khẩu trang để hỗ trợ cho một phần người dân nơi này. Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh, nhưng khi biết Linh và các bạn của mình thực hiện dự án “đưa 5.000 trẻ em tới trường”, nhiều người dân bản địa bất ngờ, xúc động, nhiều kỳ vọng và nức lời khen ngợi.
Nói về dự án này, Linh tâm sự: “Dự định lớn nhất là làm sao đưa được 5.000 em có thể tới trường trong năm 2021. Linh đang tiếp tục khảo sát thêm một số địa điểm và sửa chữa lại một số điểm để giúp vận động các em đi học cho có kiến thức. Kinh phí cho việc xây dựng nhà cửa, giúp đỡ người dân trồng trọt, sửa chữa trường học đều đến từ việc làm YouTube và sự đóng góp của nhiều bạn khán giả, nhà hảo tâm đã đồng hành thông qua lan tỏa clip của Linh thực hiện”.
Hình ảnh chàng trai trẻ như Linh cùng nhóm bạn đã cùng ăn cùng ở, cùng làm việc với người dân Angola đã khiến nhiều người Việt tự hào.
Với những việc làm của mình, Linh đã vinh dự lọt vào danh sách Nhân vật truyền cảm hứng năm 2020 của chương trình WeChoice Awards 2020. Linh cũng xuất hiện trong “Ngày trở về – Trái tim có nắng” của Đài Truyền hình Việt Nam dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vừa qua như một sự ghi nhận xứng đáng sau rất nhiều nỗ lực giúp nâng cao vị thế người Việt tại năm châu, xây dựng hình ảnh người Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế.
Hành trình kết nối trái tim
Dù Phạm Quang Linh chỉ mới bén duyên với YouTube vào năm 2019, với việc mở kênh Quang Linh Vlogs. Nhưng từ 5 năm trước, khi Linh đến đất nước ở bên kia bán cầu tìm một cuộc sống mới với rất nhiều suy nghĩ. Linh tâm sự: “Những ngày đầu mới sang đây, khó khăn lớn nhất là giao tiếp với người dân vì bên này họ dùng nhiều ngôn ngữ. Tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng bản địa. Và mỗi địa phương lại có một ngôn ngữ khác nhau nên vấn đề giao tiếp thật sự là khó khăn!”.
Linh kể, thời điểm Linh sang Angola lúc ấy Linh mới hơn 19 tuổi, còn quá trẻ để đi đến một đất nước xa lạ cả về văn hóa, cách sống, ngôn ngữ… Những ngày mới sang lại chỉ có một mình, phải xa gia đình nên rất nhớ nhà, gia đình, bạn bè trong thời gian đầu. Nhưng vì công việc nên cũng dần dần hòa nhập với mọi người để cố gắng làm việc, hy vọng kinh tế khá hơn để gửi về giúp đỡ bố mẹ ở nhà.
Ban đầu, khi sang Angola, chàng trai người xứ Nghệ làm nghề xây dựng. Sau một thời gian làm việc miệt mài và chăm chỉ, Linh tích lũy được ít vốn và đã mở một xưởng đá nhỏ để kinh doanh. Nhưng nguyên cớ để đến với người dân nghèo ở mảnh đất này cũng rất tình cờ, ban đầu chỉ là những clip về ẩm thực của người dân châu Phi, nhưng sau đó, trong những lần đi rộng hơn, xa hơn và giao tiếp nhiều hơn, Linh nhận ra cuộc sống của người dân nơi này còn nhiều vất vả, thiếu thốn đủ bề, và hơn nữa là không có người hướng dẫn.
Và từ suy nghĩ ấy, Linh ấp ủ những dự định nhỏ, rồi lớn dần, lớn dần theo từng ngày từng tháng sống và gặp gỡ những con người chan hòa nơi này. Chàng Vlogger này bằng trái tim của mình, bằng những ấp ủ của mình đã cùng nhóm bạn làm nên những điều kỳ diệu.
Dù chưa rộng khắp, nhưng Phạm Quang Linh đang từng ngày từng giờ khiến những người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước đều tự hào. Những việc làm của chàng trai này xuất phát từ trái tim, nhưng đã nối kết tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Angola ở một đất nước châu Phi xa xôi.
Những câu nói: “Cảm ơn Việt Nam!”, “Người anh em Việt Nam!”, hay những hành động như anh chàng Lindo hát Quốc ca Việt Nam, những người dân Angola vẫy tay chào với câu nói quen thuộc: “Xin chào Việt Nam!”, và cả những sắc đỏ của lá cờ Việt Nam trên áo, trên những giếng nước sạch, trên những chuyến xe chở nông sản ra phố thị bán của người dân Angola đã nói lên tất cả tấm lòng của người dân với nhóm bạn trẻ này, đặc biệt là với Quan Linh
Phản hồi