Cầu siêu và tạo phước để hồi hướng cho hương linh
Ngoài lễ cầu siêu, đạo Phật còn triển khai rất nhiều pháp thức khác nữa để gia quyến thực hành nhằm trợ duyên cho hương linh. Nhất là trong thời gian sau khi chết, từ 1 đến 49 ngày, hương linh rất mong mỏi người thân làm phước để hồi hướng phước báo cho mình.
Hỏi: Vừa qua, gia đình tôi có xảy ra chuyện, chỉ trong 60 ngày mà có hai người (bà và chú) chết. Sau đó gia đình vì quá lo lắng nên đi xem bói và nghe phán là bị chết trùng, phải chết thêm mấy người nữa. Trong lễ tuần thất thứ 3 của chú thì chú hộ lên, nhập vào một người nói do kiếp trước chú đã chém đầu một bà, nay con của bà bị chém ấy lên bắt chú và mẹ của chú đi và sẽ còn bắt thêm một số người nữa.
Chú còn nói mẹ của chú (bà tôi) ở dưới đó bị xiềng xích đánh đập. Sự việc trên khiến gia đình tôi rất hoang mang và lo lắng, xin quý Báo hoan hỷ chỉ bảo và phân tích cho tôi một số thắc mắc sau:
1. Hiện tượng chết trùng, theo nhà Phật, có hay không? Nguyên nhân và cách khắc phục.
2. Sự việc chú tôi (người chết) về nhập vào một người và nói như vậy có nên tin không?
3. Một số thầy (ở chùa) nói phải chẩn tế và dùng bùa (của đạo Phật) để hóa giải chết trùng. Điều này có đúng không?
4. Đạo Phật ngoài cầu siêu cho người chết, có cách nào khác thiết thực hơn để con cháu trong gia đình đều có thể làm được trong đời sống hàng ngày nhằm hồi hướng phước đức cho hương linh?
(duong_joong…@yahoo.com)
Đáp:
Bạn duong_joong thân mến!
Trong vòng hai tháng mà gia đình bạn có đến hai người mất (một già, một trẻ) là điều thật đau buồn và gây lo lắng, hoang mang cho cả nhà. Tuy vậy, thay vì tin tưởng tuyệt đối vào Tam bảo để tu tập, cầu nguyện và tạo phước nhằm hồi hướng cho hương linh thì gia đình bạn lại đi xem bói để chuốc thêm những lo lắng không cần thiết. Các vấn đề bạn hỏi, chúng tôi lần lượt trao đổi với bạn như sau:
1. Vấn đề chết trùng, đây là quan niệm về lịch số của Trung Hoa xưa do chết hay an táng nhằm ngày trùng, được lưu truyền và tin tưởng sâu sắc trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Phật giáo không có quan niệm về chết trùng, ngày trùng… Sự sống chết của mỗi người là do nghiệp lực của chính người ấy quyết định và chi phối. Sự chết cùng với ngày giờ chôn cất của một người, dù cho là thân quyến có cộng nghiệp, vẫn không thể ảnh hưởng đến đời sống hay quyết định sự chết của người thân được.
2. Việc một người hộ lên, nhập vào người khác tuy có, nhưng khó có thể xác định “vong” đó đích thực là người thân của mình. Sự lạm xưng vẫn thường xảy ra trong nhiều trường hợp như vậy. Quan trọng hơn, những gì “vong” trình bày (theo như bạn mô tả) hoàn toàn mang sắc thái “oan oan tương báo” của tín ngưỡng dân gian. Mô thức báo oán theo kiểu “do kiếp trước chú đã chém đầu một bà, nay con của bà bị chém ấy lên bắt chú và mẹ của chú đi và sẽ còn bắt thêm một số người nữa” không hề có trong quan điểm Nghiệp và Nhân quả của Phật giáo. Do vậy, nếu người Phật tử tín sâu Tam bảo, có chánh kiến rõ ràng thì không thể tin vào những lời vu vơ, thiếu căn cứ kia được. Bởi lẽ, nghiệp của ai thì người ấy trả và dòng nghiệp lực luôn vận động nên hình thức trả nghiệp cũng theo đó mà uyển chuyển, thay đổi không ngừng.
3. Như đã nói, Phật giáo không có quan niệm về ngày trùng và chết trùng nên chắc chắn không có “bùa” nào để giải trùng cả. Mặt khác, Phật giáo không hề sử dụng bùa ngải để trấn yểm hay trừ khử, xua đuổi ma quỷ. Và nếu có vị xuất gia nào sử dụng thì đó là sự vay mượn của các đạo giáo khác làm phương tiện. Tuy nhiên, đó là con dao hai lưỡi, không ít người mang hệ lụy vì quá lạm dụng vào phương tiện này. Chẩn tế, là hình thức bố thí rộng khắp cho các chúng sanh (nhất là loài ngạ quỷ đói khát) được no đủ. Theo quan điểm Phật giáo, pháp thức chẩn tế là phương tiện nhằm cầu siêu và hồi hướng phước báo bố thí cho hương linh. Nương phước báo này, hương linh có thể được tỉnh thức và sanh vào các cõi lành.
4. Ngoài lễ cầu siêu, đạo Phật còn triển khai rất nhiều pháp thức khác nữa để gia quyến thực hành nhằm trợ duyên cho hương linh. Nhất là trong thời gian sau khi chết, từ 1 đến 49 ngày, hương linh rất mong mỏi người thân làm phước để hồi hướng phước báo cho mình. Những việc làm phước thiện mà thân nhân có thể thực hiện bao gồm: Phát tâm quy y, vâng giữ 5 giới, thực tập ăn chay, đi chùa tụng kinh niệm Phật hàng đêm, tham dự các khóa tu, sống hiền thiện, sẻ chia, bố thí, cúng dường… và đem tất cả những công đức lành này hồi hướng cho hương linh.
Chúc bạn tinh tấn!
Phản hồi