Campuchia: Đoàn hành đạo hành hương Phật giáo Khất sĩ Việt Nam viếng tang Đại Tăng thống Tep Vong

Chiều ngày 30/4/2024, cùng với sự chứng minh của HT. Minh Tuyên, đoàn hành đạo hành hương Phật giáo Khất sĩ Việt Nam do TT. Giác Hoàng làm Trưởng đoàn đã đến chùa Ounalom, thủ đô Phnom Penh thành kính đảnh lễ tân viên tịch giác linh Đại Tăng thống Tep Vong, Lãnh đạo tinh thần tối cao, Vua sư Vương quốc Campuchia.

Hội đủ nhân duyên, đoàn hành đạo hành hương Phật giáo Khất sĩ do TT. Giác Hoàng Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Ban Văn hoá TƯ GHPGVN, Chánh Thư ký Hệ phái Khất sĩ làm Trưởng đoàn tổ chức, đã đến viếng tang ngài Đại Tăng thống Tep Vong. Theo sự sắp xếp của quý ngài, đoàn được đảnh lễ kim quan Đức Tăng thống tại Giác linh đường, đặt vòng hoa kính viếng, dâng hương tưởng niệm và sau đó cử hành khóa lễ cầu nguyện, ngưỡng vọng hồi hướng đến Giác linh Đức Đại Tăng thống Tep Vong, Vua sư Vương quốc Campuchia.

Tăng Thống Tep Vong sinh vào ngày 12 tháng 01 năm 1932, (nhằm ngày 05/12 năm Tân Mùi, PL.2476) tại làng Tropeang Chouk, xã Chriev, huyện Siem Reap, tỉnh Siem Reap. Thân phụ thế danh là Tep, thân mẫu thế danh là Bich At. Dưới thời Pol Pot giai đoạn 1975 – 1979, ngài bị buộc phải hoàn tục và trải qua nhiều khó khăn như phần lớn người dân Campuchia lúc bấy giờ. Sau khi chế độ diệt chủng Pol Pot bị lật đổ, ngài xuất gia lại và đến năm 2006 trở thành Đại Tăng thống của Phật giáo Hệ phái Đại thừa của đất nước chùa tháp.

Vua sư Tep Vong được biết đến với vai trò to lớn trong việc xây dựng lại giáo hội Phật giáo tại Campuchia sau sự sụp đổ của chế độ diệt chủng Pol Pot. Đồng thời, ngài được công nhận như một vị lãnh đạo tinh thần tối cao của Phật giáo tại Vương quốc Campuchia. Về đối ngoại, ngài có mối quan hệ gắn bó mật thiết và đạo tình sâu sắc với chư Tôn lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự kiện Đức ngài Tăng thống Tep Vong, Samdech Preah Agga Mahā Sangharājā Dhipati, viên tịch ngày 26 tháng 2 năm 2024 là một sự mất mát vô cùng to lớn đối với Phật giáo Campuchia nói riêng và Phật giáo thế giới nói chung.

Trước đó, vào ngày 27/02/2024, khi hay tin viên tịch của Đại Tăng thống Tep Vong – người pháp lữ có mối thân tinh sâu sắc với Phật giáo Việt Nam trong nhiều thập kỷ, Trưởng lão Hòa thượng Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN gửi điện thư phân ưu đến Giáo hội Tăng-già Phật giáo, Chính phủ Hoàng gia và Nhân dân Vương quốc Campuchia. Trong thư, Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch nhấn mạnh “Đức Đại Tăng thống Samdech Tep Vong là bậc cao tăng của cộng đồng Phật giáo thế giới. Ngài đã để lại di sản và thành tựu đáng thán phục, hồi sinh và phát triển Phật giáo Vương quốc Campuchia. Ngài là biểu tượng cao cả về sự hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc và thế giới tạo nên môi trường hòa bình và tôn trọng lẫn nhau. Sự ra đi của Ngài là sự mất mát to lớn đối với Chính phủ và Nhân dân Campuchia và của cộng đồng Phật giáo thế giới.”Theo đó, ngày 02/03/2024, Hòa thượng Chủ tịch HĐTS GHPGVN cũng đã thân lâm dẫn đầu phái đoàn lãnh đạo cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến thủ đô Vương Quốc Campuchia viếng tang Đại Tăng thống Tep Vong.

Theo thông tin từ Bộ Lễ nghi Tôn giáo Vương quốc Campuchia và Ban Thư ký Hội đồng Tăng thống Vương quốc Campuchia, thi hài của Vua sư Tep Vong sẽ được bảo quản tại chùa Ounalom cho đến ngày kết thúc tang lễ. Được biết,  nhục thân của ngài còn quàn tại đây cho đến 100 ngày mới trà-tỳ (hóa cốt). Dự kiến nghi thức trà-tỳ nhục thân của ngài sẽ được Chính phủ và nhân dân đất nước Campuchia cử hành vào ngày 06/06/2024. Trước đó, đoàn đã đến thăm và đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Samdech Preah Vannaroth Noy Chriek, Đệ nhị Tăng thống Vương quốc Campuchia tại chùa Chan Borey Vong và thăm trung tâm thiền Vipassana lớn nhất đất nước Campuchia tại chùa Samrong Kaldal.

    

 

Minh Lễ – Công Tây

Bài viết liên quan

Phản hồi