Cảm xúc mùa Vu lan: Tình thương
Ảnh minh họa |
GNO – Xuất gia để làm gì? Chắc hẳn, câu trả lời sẽ là: Để tìm cầu học đạo, để thoát khỏi những phiền não thế gian, để theo dấu chân Đức Từ Phụ tu tập giác ngộ và giải thoát, để đền đáp tứ trọng ân… Xuất gia đúng chánh pháp sẽ gieo trồng vô lượng, vô biên công đức và phước báu.
Nhưng ở cái tuổi 12, với những suy nghĩ đơn giản thì không thể nào với lên được tầm ý nghĩa đó. 12 tuổi, cái tuổi hồn nhiên vui đùa cùng bạn bè dưới mưa hay trên các con đường làng, vô tư chạy nhảy thỏa thích hay đơn giản chỉ biết ăn và học, chưa phải suy nghĩ và làm gì nhiều. Ấy thế mà năm 12 tuổi, con đã có quyết định quan trọng cho cuộc đời mình.
Nhớ năm ấy, không may mẹ bị bệnh nặng, đi nhiều bệnh viện, chạy Đông chạy Tây tìm thầy tìm thuốc nhưng bệnh không hề thuyên giảm. May mắn mẹ là một Phật tử thuần thành, ăn chay trường niệm Phật, lòng tin của mẹ đối với Tam bảo là vô cùng to lớn. Sau khi bàn bạc, một tháng sau, cha đã đồng ý cho mẹ xuất gia tu học, sám hối bệnh duyên.
Đối với chúng con lúc ấy thì chẳng biết gì là tu hành, chỉ đơn thuần là giống mẹ ở chùa cạo trọc đầu và mặc áo nâu sòng. Nhưng lúc ấy, trong chúng con lại nảy ra ý nghĩ: “Nếu mình đi tu thì mẹ sẽ khỏi bệnh, sẽ khỏe mạnh an vui”. Thế là hai chị em cùng nhau xin xuất gia. Cha gật đầu đồng ý. Đó là một quyết định nhanh chóng nhưng lại mở ra cả con đường lâu dài rộng lớn phía trước. Nhớ lúc ấy, chị hay chọc con: “Nhỏ này ham vui ghê” hay “Em ăn theo mẹ và chị à?”. Không biết nói gì, con chỉ mỉm cười mà thôi…
Thế rồi, con phải chào tạm biệt ngôi nhà thân thương, tạm biệt con đường làng quanh co phủ đầy bụi nắng, tạm biệt những rặng tre già đang chuyển mình trong gió, tạm biệt đám bạn ngây ngô thời thơ ấu, tạm biệt những trò chơi kỉ niệm đã gắn bó suốt 11 năm qua… Nhưng con không buồn hay tiếc nuối.
Cơ duyên đưa con gặp được Sư phụ của mình, một người thầy nghiêm khắc nhưng giàu lòng từ bi. Người đã yêu thương lo lắng cho đệ tử tận tâm, tận lực hơn cả bản thân mình, ân cần dạy dỗ chúng con từng li từng tí, làm thức tỉnh tâm con khi còn đang vướng bụi trần. Con vẫn nhớ lời thầy răn nhắc:
“Ra đi nguyện phủi tóc xanh
Trăm cay ngàn đắng cũng cam đành
Dù bao gian khổ nung ý chí
Nguyện không giữ lại mái tóc xanh”
Nương theo đó, chúng con cũng nguyện rằng:
“Thân, tâm, trí tánh giao cho Thầy
Mặc Thầy uốn nắn chuyển vần xoay”.
Nguyên Thiều, sáng nay trời trong xanh, gió nhè nhẹ lướt qua trong không trung và chầm chậm đẩy từng khe lá rung rung như chào tạm biệt cái mùa hè oi ả để đón thu sang. Và khi đất trời chuyển mình vào thu, thì cũng chính là lúc nhắc nhở cho chúng con: Mùa Vu lan báo hiếu đã về.
Do con đi học xa, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên con chưa có thể về thăm chùa, thăm Sư phụ, thăm mẹ cùng cha.
Cha mẹ ơi! Cha mẹ đã cho con cả cuộc đời, hy sinh thầm lặng mà không một lời than thở. Cha mẹ đã dùng cả tuổi trẻ của mình để chăm lo cho chúng con lớn khôn từng ngày. Những nếp nhăn khắc khổ trên vầng trán cha, những giọt mồ hôi ước đẫm lưng áo mẹ chỉ mong đổi lại nụ cười con thơ. Lưng mẹ cha còng theo năm tháng, gánh hết nhọc nhằn để hướng chúng con đến tương lai. Làm sao chúng con có thể đền đáp được hết thâm ân?!
Càng ngẫm lại, con lại càng thấy sự hy sinh của cha vô cùng to lớn. Suốt mấy năm qua, cha âm thầm lặng lẽ sống một mình trong căn nhà nhỏ. Có người hỏi cha: “Tại sao để tụi nó đi tu hết vậy?”. Cha chỉ mỉm cười nói: “Chúng là tài sản quý báu nhất của tôi, tôi đã cúng dường cho Đức Phật. Chỉ mong Ngài luôn gia hộ cho chúng có vững chãi trên lộ trình tu học, tìm được nguồn an vui đích thực”.
Mùa Vu lan năm nay vô cùng đặc biệt, không chỉ để nhắc nhở hạnh hiếu nơi mỗi người con mà từ những mất mát, đau thương của dịch bệnh, chúng ta thấy rõ được sự vô thường để biết trân trọng những gì mình đang có, biết yêu thương những người xung quanh, nhất là quan tâm, chăm sóc mẹ cha.
Con nghĩ rằng, dù dịch bệnh đang ngăn cách, nhưng không thể nào ngăn được lòng tri ân thành kính của những người con hướng về đấng sinh thành trong dịp lễ Vu lan. Nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ cho cha mẹ có thật nhiều sức khỏe, an vui. Nguyện cho tất cả mọi người đều bình an vượt qua đại dịch.
Phản hồi