Các tà kiến về pháp môn tịnh độ

Danh hiệu Phật A Di Đà (Amitābha) có nghĩa là Vô Lượng Thọ (Amitāyus) và Vô Lượng Quang (Amida). Ngoài ra, theo các kinh khác như Kinh Bình Đẳng Giác, Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thụ … Đức Phật A Di Đà còn có danh hiệu là Vô Lượng Thanh Tịnh Phật. Cho nên ý nghĩa Vô Lượng Công Đức, có lẽ do người sau thêm vào.

Ngài là vị giáo chủ của Pháp môn Tịnh Độ, tiếp dẫn người niệm Phật sinh về tịnh độ phương tây, nên gọi là Phật tiếp dẫn. Tượng Di Đà Tam Tôn thường có Bồ Tát Quán Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí đứng hầu hai bên, nên gọi là Tây Phương Tam Thánh. Tuy nhiên, gần đây nhiều nơi đặt tượng nhị vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí thiếu nhất quán. Có nơi đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm bên tay phải Phật A Di Đà, có nơi để bên tay trái, làm cho Phật tử sơ cơ phân vân.
Theo Phật Quang Đại Từ Điển, hình tượng phổ thông của A Di Đà Tam Tôn hay còn gọi là Tây Phương Tam Thánh, thì Phật A Di Đà đứng giữa, bên trái là Bồ Tát Quán Thế Âm, bên phải là Bồ Tát Đại Thế Chí. Kiểu tượng Di Đà Tam Tôn này bắt nguồn từ Ấn Độ, dựa theo pháp tu quán thứ tám trong Kinh Vô Lượng Thọ. Bức tranh vẽ trên vách hang động thứ 9 của quần thể chùa viện hang đá Ajanta (A Chiên Đa Thạch Quật) cũng được thể hiện theo mẫu này. Đây là một trong những hang động được xoi đục sớm nhất trong quần thể chùa hang Ajanta, vào thế kỷ thứ II – I trước Tây Lịch. Nghĩa là tín ngưỡng Phật A Di Đà đã hình thành và phát triển trước đó tại Ấn Độ, sau mới truyền đến Trung Quốc.
Những hoài nghi của các học giả phương Tây như về nguồn gốc tín ngưỡng Phật A Di Đà có liên hệ đến I ran và Ấn Độ, hoàn toàn thiếu tính thuyết phục, chỉ để tham khảo thêm trong lĩnh vực học thuật. Điều này không cần thiết bận tâm đối với một hành giả tịnh độ. Vì tông chỉ của pháp môn niệm Phật là “tín, hạnh, nguyện”. Nếu chẳng có đức tin có Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc, hành giả niệm Phật quyết định sẽ được Phật tiếp dẫn và lời Đức Phật Thích Ca giảng dạy về pháp môn tịnh độ là không hư dối, thì không thể thành tựu. Cho nên, gần đây nhiều vị dựa theo các giả thuyết đó công kích Phật giáo Đại Thừa, sau cái cớ bài Trung, như Pháp Môn Niệm Phật là do chư Tổ Trung Quốc bịa đặt, thật là thiển cận.
Như học giả Laurence Austine Waddell (1854-1938) cho rằng sự phát triển của Phật A Di Đà bắt nguồn từ thần mặt trời của I ran. Còn Joseph Edkins (1823 – 1905), Pelliot và Lévi chủ trương tín ngưỡng Phật A Di Đà là xuất phát từ tín ngưỡng Đấng Toàn Năng Ormazd của Hoả Giáo Ba Tư (Kinh Avesta của Zarathustra). Nhưng xét về nguồn gốc I ran đều thiếu căn cứ về sự liên hệ ngôn ngữ học giữa Ormazd và Amitaba. Nên giả thiết này không được chú trọng.
Riêng đối với nguồn gốc Ấn Độ, lại có các học giả Wogihara, Kern và Matsumoto Bunzabùro chủ trương Phật A Di Đà là hoá thân của thần Viṣnu ( Thần Mặt Trời) trong tín ngưỡng Bà La Môn giáo vì hai đặc tính Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang có sự liên hệ ngôn ngữ học. Nhưng điều này chẳng phù hợp với giáo pháp của nhà Phật, khi Bà La Môn giáo chủ trương giải thoát là tiểu ngã nhập vào đại ngã, hoàn toàn trái với chủ trương “Vô ngã là Niết Bàn” của Phật giáo. Vì niệm Phật tức là tự tịnh tâm mình, nhờ vậy thấu tỏ chân lý “Ngã, pháp đều không”, thì chư Phật hiện tiền. Do đó, năng lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà chỉ là phương tiện hoá thành chứ không phải là bảo sở. Hoàn toàn chẳng trái với tinh thần giải thoát của Phật giáo.
Càng không thể đồng hoá với Bà La Môn Giáo, khi xuyên tạc Phật A Di Đà đồng với Brahma ( Phạm Thiên), vì Phạm Thiên là đấng sáng tạo. Tuy nhiên cõi Phật tức là cõi tâm. Nên Kinh Duy Ma Cật nói: “Dục đắc tịnh độ, tuỳ kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh”. Tư tưởng tịnh độ như thế đã được Đức Phật đề cập trong Kinh Trường Bộ như sau: ”Khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, khi ấy vị ấy biết thế giới là thanh tịnh…”. Còn Tịnh Độ hay Uế Độ đều do nguyện lực hoặc nghiệp lực mà chiêu cảm. Điều ấy cũng không ngoài lý duyên sanh.
Do Đức Phật A Di Đà chẳng phải là Đức Phật lịch sử của cõi này, vì Ngài là Đức Phật ở Phương Tây, thì đâu thể nào dựa vào các dữ liệu lịch sử của cõi này mà bài xích. Chẳng lẽ trí tuệ của các học giả phương Tây lại hơn cả chư lịch đại Tổ Sư Phật giáo? Mà tuệ giác Phật giáo chỉ biểu hiện thông qua sự chứng ngộ hoàn toàn, chứ không phải vin vào sự phân biệt suy lường của trí thế gian. Huống chi hơn 2600 năm trước Đức Phật đã tuyên bố trước cả khoa học là có vô lượng thế giới, cũng như trong nước có vi trùng, thì làm sao chỉ vịn vào giới hạn của khoa học hiện đại mà phủ nhận thế giới Cực Lạc? Cho nên, đức tin Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc của hành giả niệm Phật là dựa vào lời giới thiệu của Đức Phật Thích Ca, trong các bản kinh Đại Thừa, cũng như sự thực chứng của chư Tổ Sư Bồ Tát. Hoàn toàn có y cứ, chứ không thể dựa vào khoa học ước lệ.
Dù các Kinh Vô Lượng Thọ và những bản kinh liên quan đến Phật A Di Đà được ghi nhận xuất hiện vào thế kỷ thứ I trước Tây Lịch, cũng không thể cho là ngụy tạo bởi các bậc trí giả như Mã Minh (~80-150 Sau CN), Long Thọ (150-250 Sau CN). Vì các ngài xuất hiện vào khoảng thế kỉ 1-2 sau Tây Lịch. Do đó, tư tưởng tịnh độ tại Ấn Độ đã được quý ngài tiếp thu và cực lực xiển dương trong giai đoạn hưng khởi Phật giáo Đại Thừa. Hơn nữa chẳng thể dựa vào thời điểm xuất hiện các kinh Đại Thừa, rồi cho đó là ngụy tạo, mới có. Vì Phật Pháp là nhân duyên, nên Chánh Pháp của chư Phật tuỳ theo phước báo của chúng sanh mà hưng khởi hay ẩn diệt. Dù bản chất của giáo pháp là bất hoại. Nên chỉ có sự thực chứng pháp môn niệm Phật mới là câu trả lời chính xác.
Do đó, tín ngưỡng Phật A Di Đà hoàn toàn không phải do chư Tổ Trung Quốc ngụy tạo, mà được truyền thừa trực tiếp từ Ấn Độ thông qua việc phiên dịch kinh điển của chư Tổ cũng như công đức sâu dày của Tổ Sư Huệ Viễn (334-416) đã sáng lập nên Tịnh Độ Tông tại Trung Quốc. Do lấy tịnh độ tam kinh gồm: Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ làm tông chỉ. Tuy nhiên, tùy theo căn cơ, quốc độ, mà chư Tổ sư có nhiều chủ trương khác nhau để hoằng dương pháp môn niệm Phật nhằm lợi ích chúng sanh. Ngoài chư Tổ Thiền Tông xiển dương Lý Tịnh Độ, đa phần chư Tổ sư tịnh độ giáo hoá thiên về tha lực, tức Sự Tịnh Độ, nổi bậc nhất là Tổ sư Thiện Đạo chủ trương tín nguyện vãng sanh, làm cho pháp môn niệm Phật ảnh hưởng sâu rộng.
Vào thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, Phật giáo đã được du nhập vào nước ta. Người Phật tử đầu tiên là Chử Đồng Tử thuộc đời vua Hùng Vương thứ 18. Tuy dấu ấn lịch sử của pháp môn niệm Phật không rõ nét vì sự truyền thừa của Phật giáo Việt Nam chủ yếu là Thiền Tông, nhưng vào thế kỷ thứ 4 đã xuất hiện Ngài Đàm Hoằng (?-455) chuyên tu theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, cuối đời tự thiêu ở núi Tiên Du Bắc Việt và mọi người trong thôn thấy toàn thân Ngài sáng chói đi về hướng Tây.
Chư Tổ Thiền Tông Việt Nam như Thiền Sư Thảo Đường, ngài Trần Thái Tông, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, … cho đến các bậc cao Tăng hiện đại như Bồ Tát Thích Quảng Đức, HT. Thiền Tâm, HT. Trí Quang… đều hoằng dương pháp môn niệm Phật. Bởi ngoài đề cao tư tưởng “Phật tại tâm” còn mở ra một phương tiện bình dị thiết yếu để tuỳ thuận thu nhiếp căn cơ của chúng sanh dù là vãng sanh hay kiến tánh. Điều ấy, khác với tinh thần ức dương tha lực của tịnh độ tông Trung Quốc hay Tịnh Độ Chân Tông Nhật Bản. Vì vậy, chẳng thể chủ quan phê phán các hành giả tịnh độ Việt Nam là rập khuôn theo Phật giáo nước ngoài để bài xích.
Hơn nữa, bất kỳ pháp môn nào làm người khác trở nên cao thượng thì hoàn toàn có giá trị riêng của nó. Nếu bác bỏ tín ngưỡng Đức Phật A Di Đà rốt chỉ làm cho Phật giáo Việt Nam thêm suy vi, bởi đó là niềm tin bất hoại trong tâm thức của Dân tộc. Ngay cả những tín đồ Phật giáo, chưa từng đến chùa, vẫn biết ăn chay, niệm Phật, khi có người thân qua đời, chỉ mong thỉnh được chư Tăng tụng một thời kinh cho người mất vãng sanh về tịnh độ. Đó là phương tiện hữu ích để Phật giáo tiếp cận quần chúng, cũng như gìn giữ số lượng tín đồ, chứ chưa nói đến việc giác ngộ giải thoát xa vời. Vì mục đích hoằng pháp đầu tiên là phải hướng dẫn người khác trở thành Phật tử.
Nếu cảm thấy mình trí tuệ cao viễn, bác học đa văn thì cứ y theo pháp môn khác mà tu, tại sao lại bài xích, gây chia rẽ hoang mang trong lòng Phật giáo? Cùng qua một dòng sông sanh tử, nếu có khả năng đi thuyền thì đi, còn ai dùng phương tiện khác cũng xin tuỳ hỷ, tại sao lại muốn đập tan xuồng của người khác cho hả dạ, chỉ vì họ không giống mình? Cho nên, chấp pháp cũng là trá hình của chấp ngã. Đâu chỉ trong Kinh Kim Cang Đức Phật mới dạy “Pháp Môn chỉ là phương tiện” mà ngay trong Kinh Trung Bộ, Đức Phật đã từng dạy: ”Chánh Pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp”. Chẳng lẽ đập tan Phật giáo Đại Thừa, bứng sạch gốc rễ Phật giáo đã cắm sâu vào lòng Dân tộc hơn 2000 lịch sử thì họ mới vừa lòng? Tại sao lại đi ngược lại tinh thần Phật giáo và Dân tộc? Vậy “giác ngộ” như thế có ích lợi gì nếu ảnh hưởng bất lợi cho Đạo pháp và Dân tộc bằng thái độ cực đoan ngạo nghễ?
Niệm Phật chính là Chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Nhân Niệm sanh Định, nhân định phát Tuệ. Sự triển khai của pháp môn niệm Phật từ niệm ân hay niệm công đức Phật trong Phật giáo Nam Truyền đến trì danh niệm Phật trong Bắc Truyền, đều là phương tiện quyền xảo của chư Tổ. Cái gì là lõi cây, cái đó sẽ tồn tại. Giá trị của pháp môn niệm Phật cũng vậy. Dù có vịn vào bất cứ lý do gì để đả phá thì cũng sẽ không thể lay động được pháp tính. Nhưng sẽ tự hủy hoại chính mình vì tội phá pháp đồng với tội phỉ báng pháp thân của chư Phật làm thân Phật chảy máu. Do đó, hành giả sơ cơ phải nên cẩn thận. Pháp môn niệm Phật như kinh Hoa Nghiêm nói do lòng tin mà vào vì tin là mẹ đẻ các công đức. Cho nên, đừng vì bất kì lý do gì mà khởi lên tà kiến hủy báng tịnh độ, bài xích Đại Thừa, chia rẽ Phật giáo, đó tiếp tay cho ngoại đạo phá kiến.

Chí Ngu

Bài viết liên quan

Phản hồi