Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN tổ chức Triển lãm và Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng”

Nằm trong chuỗi sự kiện lễ công bố và trao quyết định nhân sự nhiệm kỳ 2022-2027, hôm nay 15.4, Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN tổ chức Triển lãm và Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng” tại Bảo tàng lịch sử Quốc Gia (TP Hà Nội).

Chứng minh và tham dự có HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư GHPGVN; HT. Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPGVN; HT.Thích Gia Quang, HT. Thích Bảo Nghiêm, HT.Thích Quảng Tùng, HT. Thích Tánh Nhiếp – đồng Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; HT. Thích Thọ Lạc – Ủy viên TT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN; chư Tôn đức HĐTS, các ban ngành viện TƯ GHPGVN và BTS GHPGVN các tỉnh thành phố đồng về tham dự.

Ông Lê Minh Khánh – Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT-DL; PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo; ông Đặng Khánh Ngọc – Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, Bộ VH-TT-DL, đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, v.v..

HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự T.Ư GHPGVN phát biểu nhấn mạnh, Phật giáo truyền vào Việt Nam cách nay gần 2.000 năm, với tinh thần tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên đã linh hoạt, dung hoà với văn hoá bản địa tạo nên nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam trên tất cả các khía cạnh, đặc biệt là văn hóa Phật giáo. Thông qua cách ngôn ngữ biểu đạt, y phục, nghi lễ, cách thức thờ tự, bài trí tượng pháp, hệ thống kiến trúc, biểu tượng trang trí… đã cho mỗi người trong chúng ta có thể nhận diện được sắc thái riêng của Phật giáo Việt Nam.

Trong buổi khai mạc Triển lãm và Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam thống nhất trong đa dạng” ngày hôm nay diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nơi lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa Phật giáo giá trị, một địa chỉ văn hóa vô cùng ý nghĩa này, tôi mong muốn rằng, Chư Tôn đức Tăng ni, Phật tử và các chuyên gia, nhà khoa học giúp sức, tập trung trí tuệ, nghiên cứu, trao đổi, tìm ra những nét truyền thống, đặc trưng kiến trúc Phật giáo Việt Nam; đồng thời, đánh giá những điểm bất cập trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam hiện nay, để xây dựng, định hướng phát triển kiến trúc văn hoá Phật giáo Việt Nam đảm bảo vừa bảo tồn nét đẹp truyền thống kiến trúc Phật giáo Việt Nam, vừa hiện đại, thể hiện được nét kiến trúc Phật giáo trong thời đại mới và đáp ứng thiết thực cho nhu cầu sử dụng, sinh hoạt tôn giáo của các cơ sở tự viện trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

TS. Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phát biểu cho biết, nhằm cung cấp thêm tư liệu phục vụ hội thảo khoa học, triển lãm Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng được phối hợp tổ chức, giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh khái quát về di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam, với những nội dung khái quát, tiêu biểu của kiến trúc Phật giáo từng vùng miền, hệ phái Phật giáo Việt Nam như: không gian cảnh quan, bố cục mặt bằng, các công năng kiến trúc; thực trạng, xu hướng phát triển kiến trúc Phật giáo trong bối cảnh đương đại và định hướng xây dựng bộ hướng dẫn, quy chuẩn và biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Cắt băng khai mạc Triển lãm và Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – Thống nhất trong đa dạng”

Đồng thời, thông qua triển lãm, góp phần giúp Tăng Ni, Phật tử, công chúng nhận diện bước đầu về những đặc trưng, nét đẹp, giá trị truyền thống của kiến trúc Phật giáo Việt Nam cũng như sự cần thiết định hướng phát triển kiến trúc Phật giáo Việt Nam phù hợp với đời sống xã hội đương đại. Từ đó, mỗi người sẽ nâng cao ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học, HT. Thích Thọ Lạc – Ủy viên TT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN thay mặt Ban văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến từ chư tôn đức Tăng ni, các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư, các nhà quản lý văn hoá, di sản văn hoá, các nhà quản lý về tín ngưỡng tôn giáo, nhằm định hướng bảo tồn kiến trúc Phật giáo truyền thống và phát huy hơn nữa kiến trúc Phật giáo trong tương lai thông qua những nguyên tắc, hay có những quy chuẩn trong kiến trúc Phật giáo, vừa bảo đảm tính thống nhất của tư tưởng Phật giáo, lại vừa đảm bảo tính đa dạng hệ phái, vùng miền,… Hy vọng rằng, các ý kiến tại Hội thảo hôm nay sẽ góp phần cho sự thành công của đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam mà Ban Văn hoá đang triển khai. Với những lý do đó, tôi xin tuyên bố khai mạc Hội thảo khoa học “Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng”.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Nghiên cứu Tôn giáo mong muốn chư Tôn đức, các nhà khoa học, các quý vị đại biểu tiếp tục cung cấp thêm thông tin, tư liệu, thảo luận về những chủ đề mà hội thảo đặt ra. Có thể nói, với 70 bài viết của các chư tôn đức, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trên cả nước đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đối với chủ đề Hội thảo. Các bài viết đã góp phần làm rõ nhiều phương diện khác nhau của kiến trúc Phật giáo, không chỉ là phương diện tư tưởng, triết lý của Phật giáo, của văn hoá truyền thống, mà còn là những phương diện rất chuyên sâu như quy hoạch, bố cục, kết cấu, chất liệu, trang trí hoa văn, hoạ tiết, mỹ thuật, v.v..

HT.Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN có bài tham luận đóng góp cho Hội thảo với chủ đề “Khái quát chùa cảnh, chùa tháp trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam”. Theo đó, ngôi chùa là mẫu hình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu hết sức kỳ đặc, tiêu biểu, phong phú và đa dạng. Mỗi ngôi chùa Việt Nam là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật riêng biệt mà không thể lẫn lộn kiến trúc chùa cảnh, chùa tháp nước nào khác trong lịch sử hình thành và phát triển các công trình văn hóa Phật giáo nói riêng, văn hóa kiến trúc Việt Nam nói chung.

Đóng góp tham luân cho Hội thảo, PGS.TS Tống Trung Tín nhấn mạnh, 2000 năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng và giữ nước, 2000 năm kiến trúc phật giáo là một tấm gương phản chiếu lịch sử văn hóa – văn minh Việt Nam, 2000 năm kiến trúc chùa tháp Việt Nam là một kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc và hiện đang sống trong các cộng đồng người Việt Nam. Một cuốn lịch sử kiến trúc Phật giáo Việt Nam khoảng 2000 – 5000 trang đồ sộ cần được nghiên cứu và biên soạn để góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Vũ Chiến Thắng – Thứ trưởng Bộ Nội vụ đóng góp tham luận cho Hội thảo với chủ đề “Bảo tồn phát huy kiến trúc văn hóa Phật giáo Việt Nam”; Hội thảo cũng nhận được nhiều tham luận của chư Tôn đức, các nhà khoa học, các nhà quản lý và nghiên cứu của các cơ quan nhà nước, một số Sở, Ban, ngành trình bày quan điểm về các vấn đề liên quan trong việc bảo tồn di sản kiến trúc Phật giáo trên tinh thần “thống nhất trong đa dạng”; trong đó chú ý đến những nét đặc trưng kiến trúc truyền thống, các biểu tượng, trang trí kiến trúc, hệ thống tượng thờ, đồ thờ pháp khí v.v… nhằm định hướng bảo tồn và phát triển. Đồng thời, một số ý kiến đề xuất, định hướng thiết kế xây dựng, trùng tu các ngôi chùa cổ, chùa cũ nhằm đảm bảo tính truyền thống và đáp ứng được các công năng sử dụng theo xu thế thời đại; Cần có định hướng kiến trúc Phật giáo với những ngôi chùa xây dựng mới.

Hội thảo sẽ tiếp tục phiên làm việc vào chiều nay, 15.4. Xin trân trọng gửi tới quý độc giả một số hình ảnh đã ghi nhận được:

             

Nhóm Phóng Viên

Bài viết liên quan

Phản hồi