Bản tâm kinh đời người

Đời người vốn quanh co, phước tuệ thiếu thốn, con đường về đến ngôi nhà thật sự lắm lúc đầy chướng ngại và rất gian nan. Có một thời tôi thấy nhớ chính mình quay quắt, nhớ bản thân mình năm xưa lúc mới học đạo, là một kẻ sơ cơ đơn thuần, cung kính và tràn đầy niềm hoan hỷ.

Mở toang cánh cửa trần ai

Hồi còn nhỏ, tôi nghe trong nhạc Trịnh có câu hát, ‘tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người’. Lời ca khiến tôi tư lự.

Thế là mới ở tuổi niên hoa, tôi đã chớm khởi trong lòng những hồ nghi về đời người. Trộm lấy vài thời khắc mộng mơ giữa những buổi học, tôi đắm chìm trong vô vàn câu hỏi. Tôi là ai? Tại sao tôi ở đây và thế này? Thế giới này thực sự có vận hành như cách tôi đang biết hay không? Nếu sinh ra để rồi chết, vậy sống đây để làm gì? Liệu có cái gì quý giá hơn sự sống và nằm bên kia cái chết không? Tôi cố học cách đặt câu hỏi, nhưng không sao tìm được câu trả lời.

Lớn lên và cố gắng tìm kiếm từ khoa học, triết học, cả tôn giáo, nghệ thuật, đôi khi tôi cũng cảm nhận được lờ mờ một điều gì, nhưng rồi dường như vẫn chỉ là cành lá, chưa phải gốc rễ của mọi cái gốc mà tôi khao khát, hoặc giả niềm tin ở đó không thật sự lay động đến mình. Cuối cùng, qua một vài quyển sách cũng đặt ra vấn đề tương tự, tôi tìm được đến chỗ giao nhau của khoa học hiện đại và Phật học, và bắt đầu thấy ra một cái gì rõ ràng hơn. Albert Einstein không những cho rằng ‘Chúa không chơi trò xúc xắc’, lại còn khẳng định ‘nếu có một tôn giáo nào có thể đáp ứng được những yêu cầu của khoa học hiện đại, thì đó phải là Phật giáo’. Lòng tôi bồi hồi, biến chuyển, bắt đầu đặt ra những câu hỏi khác, trực tiếp hơn, rằng tại sao cứ phải có một cái gì mà không phải là không có một cái gì cả, nhân sinh là ngẫu nhiên hay tất yếu, hỗn độn hay trật tự, và mối liên kết thật sự giữa nội tâm mình và thế giới bên ngoài ấy ra sao? Liệu Phật học có phải chìa khóa để tôi có thể mở toang cánh cửa đi vào khám phá kho tàng nội tại của mình, tìm ra mối dây tương sinh giữa mình và đời sống, và rồi học hiểu thế giới theo cách đó?

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đi vào cửa Pháp

Sau rốt, tôi hiểu rằng, dũng cảm gõ và cửa sẽ mở, học cách hỏi và sẽ có được lời hồi đáp. Thời gian thực hiện đồ án tốt nghiệp đại học cũng là lúc tôi bắt đầu nghiền ngẫm những luận giải về Tâm Kinh, cùng những quyển sách Pháp khác. Được truyền cảm hứng mãnh liệt từ cuộc đời tu hành của những bậc thầy trong quá khứ, ánh sáng le lói hôm nào trong tôi trở nên ngày một rỡ ràng. Trong những đêm chong đèn đọc sách, tôi thấy tim mình thực sự rung động, một cái gì mở toang sau nhiều thời gian đóng kín; một cái gì đẹp đẽ và bền bỉ trong con người mình bắt đầu hé nở, thăng hoa; một suối nguồn tuôn chảy, dâng trào.

Vui mừng như kẻ nghèo phát hiện kho báu dưới gầm giường, nhiều năm sau đó, tôi luôn cố gắng tìm học thêm về Phật pháp bất cứ lúc nào có thể. Và cho đến mãi sau này, tôi vẫn luôn thấy biết ơn những lời giảng đầu tiên đã khai mở cho mình, đặc biệt là Tâm Kinh, một bài kinh ngắn ngủi với liên tục những phủ định. Là giọt cam lồ đầu tiên được nếm trong đời, tôi không bao giờ quên được hương vị sâu đậm mà nó để lại trên cuộc đời khúc khuỷu của mình.

Đường xa về nhà

Đôi khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã mất quá nhiều thời gian chỉ để biết được những điều hết sức căn bản của cuộc đời. Thế nên, tôi mừng vui cho những ai được học những điều như nghiệp quả, vô thường, ngay từ tấm bé, tiếp nhận và thấm nhuần chúng như chân lý và nền tảng căn bản của đời sống, mà chẳng phải nhọc công tìm kiếm như mình. Bởi sau khi kiếm tìm, còn phải mất thời gian mới có thể tin sâu, hiểu thấu, nói gì đến chuyện thực hành được như Pháp.

Đời người vốn quanh co, phước tuệ thiếu thốn, con đường về đến ngôi nhà thật sự lắm lúc đầy chướng ngại và rất gian nan. Có một thời tôi thấy nhớ chính mình quay quắt, nhớ bản thân mình năm xưa lúc mới học đạo, là một kẻ sơ cơ đơn thuần, cung kính và tràn đầy niềm hoan hỷ. Sau khoảng năm sáu năm học Phật, tâm tôi dần bị ‘bão hòa’, mất phương hướng, chông chênh giữa đạo và đời, giữa say đắm thế gian và khát khao giải thoát. Lẽ nhiên, tôi chưa bao giờ ngờ vực Pháp hay hoài nghi con đường mình đã chọn, chỉ là thiếu một động lực chắc thật để thúc đẩy mình không ngừng tinh tấn trên con đường. Càng dấn mình vào cuộc đời, tôi càng trở nên dính mắc vào những điều tạm bợ của đời sống. Những ý niệm phi Pháp và giãi đãi nổi lên ngày càng nhiều, những ham muốn an lạc nhất thời và làm Phật sự chỉ để chứng tỏ bản thân, những dự án cho tương lai ngày một dài hơi, lớn mạnh, lấn át chánh niệm về vô thường và tâm từ. Kết cục, đêm ngủ mộng mị kéo dài, những lầm lỡ trong lời nói, việc làm và suy nghĩ ngày một nhiều. Và rồi một ngày, lòng tràn ngập phiền não, tôi nhận ra mình sắp mất đi chiếc neo ngày nào đã cẩn thận gieo vào lòng. ‘Ta vốn dĩ cùng Phật đồng tâm không khác, sao lại ra nông nỗi này’, tôi sám hối trong nước mắt.

Đạp tuyết tầm mai

Không được tuyết lạnh nung nấu, hoa mai dường như chẳng thể tỏa hương. Mùa xuân của đời người lại càng ngắn ngủi, tôi không thể để tâm mình loạn lệch trong hỷ nộ ai lạc mãi, nên quyết tâm tìm lại chính mình.

Tôi bắt đầu lại bằng việc nghiền ngẫm cuộc đời Đức Phật và tấm gương tu hành của các bậc thầy giác ngộ, bất kể tông môn. Tôi học lại chậm hơn và chiêm nghiệm sâu sắc hơn những giáo lý căn bản như tứ Đế, nhị Đế, duyên khởi, vô ngã, cùng những phương pháp luyện tâm phù hợp với mình. Tôi tập quán sát tâm mình cẩn thận, cảnh giác với những lỗi lầm dễ mắc phải theo thói quen tập khí cũ. Tôi nhận ra nếu không bồi dưỡng cho chủng tử Phật trong mình đủ đúng, đủ nhiều, đủ sâu, đủ lâu, thì so với tập khí nhiều đời, chút kiến thức Phật học sẽ không thể giúp tâm mình trụ vững trước những cám dỗ quá lớn của dòng đời. Nguyện đi theo hướng Phật đã chỉ, tôi luôn cố gắng để Phật pháp không chỉ là một triết lý, một tín ngưỡng, mà nhất định phải trở thành con đường, nhân sinh quan của chính mình, là kim chỉ nam, là suối nguồn cho mọi điều mình nghĩ, nói và làm, một cách trung thực.

Tổ Longchenpa nói, ‘Không có hạnh phúc nào bất kể bạn sanh ra ở đâu, vì bản chất của dòng sanh tử, hay luân hồi, là một ngọn lửa dữ dội. Thế nên, hãy tìm kiếm một phương pháp để giải thoát khỏi nó ngay bây giờ!’. Phật không nói sanh tử luân hồi để gạt mình mà. Nếu chỉ để giúp con người có được một kiếp vui vầy rồi sau đó ra sao thì ra, tôi nghĩ Phật phápđã không cần đến những triết lý tuyệt vời và rốt ráo như Tánh Không, Duyên Khởi. Tôi tin cam lồ quý báu như thế nhất định không thể lãng phí vào những bình chứa tầm thường với những mục đích danh văn lợi dưỡng đơn thuần như vậy. Sau rốt, tôi hiểu rằng giáo lý của Đức Phật được gọi là ‘vi diệu Pháp’ cao tột và vô song, là bởi nó có khả năng cho chúng ta hiểu chính xác thế nào là khổ và rồi chỉ cho ta con đường để thoát khổ. Vì khao khát thoát khỏi khổ đau và giúp chúng sanh cùng được thoát, tôi nguyện cho tâm mình ngày một sáng tỏ, rộng lớn, để có thể bước từng bước ngay thẳng đến với mục đích cao quý nhất của đời mình.

*Bài viết được gửi từ tác giả Lê Nguyên Bảo Trân; địa chỉ: Lê Hồng Phong 2, Phước Hải, Nha Trang. 

Từ Ngọc

Bài viết liên quan

Phản hồi