Nghiệp có phải là cứng ngắc không thay đổi được không?

Muốn tương lai thay đổi, không theo điều khiển của nghiệp quá khứ nữa, ta cần nỗ lực tạo ra những nghiệp lành trong hiện tại. Nỗ lực như thế nào ?

 Hỏi:

Tất cả các pháp đều do nhân duyên hòa hợp tạm thời do nghiệp dẫn dắt.

Chỗ nghiệp dẫn dắt là nghiệp nhiều kiếp trước, vậy toàn bộ suốt quãng đời của mình đến chết đều do nghiệp kiếp trước dẫn dắt mọi hành động cử chỉ, ý nghĩ đều vào khuôn khổ rồi, vậy nếu toàn bộ nghiệp kiếp trước dẫn dắt thì kiếp này mình chỉ trả nợ thôi và vân vân thêm nhiều kiếp hết nợ nghiệp dẫn dắt nữa thì có một điểm dừng. Và như nghiệp dẫn dắt, vậy ý nghiệp mình vừa khởi lên trong kiếp này cũng đã bị nghiệp quá khứ chi phối vào khuôn khổ phải không ạ?

Đáp:

Nghiệp là một dòng nối tiếp nhau chứ không chia cắt rời ra kiếp trước – kiếp hiện tại – kiếp sau. Ta cần sửa lại là Nghiệp quá khứ ( tức là nghiệp đã tạo ) – Nghiệp hiện tại ( tức nghiệp đang làm) và Quả tương lai ( tương lai tính từ giây phút hiện tại, đến khi chết, và qua cả những kiếp sau, chứ không phải “toàn bộ suốt quãng đời của mình đến chết ” đâu, vì tính từ lúc này cho đến khi em chết, đó là tương lai rồi )

Trong đó, Nghiệp quá khứ chi phối rất lớn đến hiện tại và tương lai, chứ không phải là toàn quyền ấn định hiện tại và tương lai. Cái ta có thể thay đổi chính là những việc trong hiện tại, và nhờ đó, một phần ít nhiều của tương lai được sắp xếp lại.

Nói ‘một phần ít nhiều của tương lai’ là vì tương lai được hình thành bởi cả 2 : Nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại. Nếu hiện tại không có tạo phước tội gì đáng kể, thì tương lai sẽ y theo sự sắp xếp của Nghiệp quá khứ mà diễn ra.

Muốn thay đổi toàn bộ khối Nghiệp khổng lồ đó cần nỗ lực, kiên trì trong nhiều, rất nhiều kiếp sau nữa.

Muốn tương lai thay đổi, không theo điều khiển của Nghiệp quá khứ nữa, ta cần nỗ lực tạo ra những Nghiệp lành trong hiện tại. Nỗ lực như thế nào ?

Đó là cần thuận theo Nhân quả, gieo trồng thật nhiều phước đức cả về thân – khẩu – ý, nhờ vậy, tương lai sẽ dần thay đổi theo ý muốn của ta.

Tóm lại, dù Nghiệp quá khứ đã ấn định như thế, nhưng nếu trong hiện tại ta biết cách và cố gắng, vẫn có thể thay đổi tương lai được không nhiều thì ít. Chứ nếu chỉ có một chiều : Nghiệp quá khứ ấn định cho hiện tại và cả tương lai, không thể thay đổi, thì vĩnh viễn chúng sinh không ai tu thoát khỏi luân hồi sinh tử được.

Tầng cơ bản là như thế, nhưng xét kĩ ở tầng sâu xa. Người mà có khả năng hiểu biết nhân quả, để biết cách và đủ sức làm thay đổi Nghiệp quá khứ, thì cũng phải là có phước trí tuệ gieo trồng từ quá khứ, chứ không phải là ngẫu nhiên. Và những người như thế không phải nhiều nhặn gì so với vô số người không biết.

Vậy truy nguồn gốc tiếp, vì đâu người này có phước trí tuệ đó? Người khác thì không?

Do vì có các bậc Thiện Tri Thức trong Phật Pháp giáo hóa (Thiện Tri Thức tối thượng là các Đức Phật, dưới là các vị Bồ Tát, các vị Thanh Văn, Duyên Giác, các đệ tử Phật, những người hiểu thấu Đạo lí…) một số người nghe theo lời dạy của các bậc Thiện Tri Thức mà tạo được phước trí tuệ . Nhờ đó đến kiếp sau trí tuệ mở ra, mới có thể tin hiểu được Nhân quả và thực hành theo Đạo lí, nhờ thế mới chuyển hóa được Nghiệp quá khứ.

Còn những người không nghe lời giáo hóa, thì không làm phước gì, vì thế trí tuệ không mở ra, không tin hiểu Nhân quả, không sống theo Đạo lí được, thì không sao mà có thể chuyển được khối Nghiệp khổng lồ của quá khứ , thế thì cứ y theo Nghiệp quá khứ mà trôi lăn, đầy đọa trong sinh tử.

Vậy truy nguồn gốc tiếp, vì đâu người này có duyên mà nghe theo lời các bậc Thiện Tri Thức, người khác thì không ?

Là do có nợ ân nghĩa với các bậc Thiện Tri Thức.

Các bậc Thiện Tri Thức muốn đem Đạo lí dạy cho chúng sinh, trước tiên cần gieo duyên khiến cho chúng sinh mắc nợ mình, sau này nói Đạo lí chúng sinh mới nghe theo. Nếu không có duyên có nợ gì, chúng sinh sẽ có trăm ngàn cách khác nhau để không nghe. Hoặc là không tin, hoặc là cảm thấy chán không muốn nghe, hoặc quên, hoặc lười nhác, hoặc bận việc, hoặc bị ngoại cảnh lôi kéo sang hướng khác, hoặc không hiểu, .v.v…. mà đơn giản nhất là không gặp, không tiếp xúc gì với các bậc Thiện Tri Thức.

Là do các bậc Thiện Tri Thức khi gieo duyên, không thể đồng loạt cứu giúp hết thảy chúng sinh, vì chúng sinh đông quá, nên sẽ có chúng sinh này được cứu giúp trước, chúng sinh kia thì phải để sau. Ví dụ như khi đi phóng sinh, ta bình đẳng muốn thả hết những con vật sắp bị giết trên đời, nhưng túi tiền có hạn, ta chỉ mua được một phần nhỏ trong số những con bị giết thôi. Kiếp sau chỉ những con vật được ta phóng sinh mới nghe theo lời ta nói, còn vô số những con không được ta cứu thì không nghe, mọi chuyện đơn giản là vậy.

Cầu siêu, hiến máu, bố thí, tặng quà. v..v.. đều sẽ như thế. Dù có cứu giúp cho mọi chúng sinh trong cả một Phật sát vi trần thế giới, thì cũng luôn còn vô lượng chúng sinh trong vô biên Phật sát vi trần thế giới khác chưa được cứu.

Quay lại vấn đề ban đầu, ở hiện tại kiếp này, nếu biết cách và dốc sức, thì có thể thay đổi một phần nào đó khối nghiệp quá khứ.

Chỉ một phần nhỏ thôi vì khối Nghiệp quá khứ vô cùng khổng lồ. Muốn thay đổi toàn bộ khối Nghiệp khổng lồ đó cần nỗ lực, kiên trì trong nhiều, rất nhiều kiếp sau nữa.

Bài viết liên quan

Phản hồi