Ý nghĩa Tây Du Ký: Ngàn năm Hi Thị sáng nay sạch – Bụi phàm tẩy tịnh, thấy đài sen
(Ảnh chụp từ phim Tây Du Ký)
Chương trước nói đến Phật Di Lặc ra tay thu phục Hoàng Mi lão quái, giải vây cho đoàn người đi lấy kinh. Có lẽ mọi người đều cho rằng thầy trò Đường Tăng đã thoát ra được ma chướng của Tiểu Tây Thiên. Đến chương 67 mới phát hiện ra bốn thầy trò họ vẫn còn ở trong địa giới Tiểu Tây Thiên. Thì ra từ Tiểu Tây Thiên đến Đại Tây Thiên, thoát khỏi Phật giả đi bái Phật thật cần phải xuyên qua một hẻm núi nhỏ hẹp…
Con đường hẹp này tên là hẻm Hi Thị, nằm ở phía dưới núi Thất Tuyệt, riêng đường núi đã là tám trăm dặm. Trên núi toàn là cây hồng, hàng năm quả hồng chín rụng xuống bên trong hẻm, sau khi quả thối lên men, hẻm sâu sẽ trở thành con đường cực kỳ hôi thối và bẩn thỉu. Mùi xú uế còn kinh khiếp hơn là nhà xí. Vì vậy mấy ngàn năm qua, không người nào có thể đi qua con đường này cả, vậy thầy trò Đường Tăng phải làm thế nào để đi qua?
Vì dân làm phúc, giết trằn tinh…
Vừa đến chân núi, thầy trò Đường Tăng phải tá túc nhờ nhà dân, nhìn thấy có một hộ gia đình, Đường Tăng đích thân đi đến gõ cửa. Có lẽ vì ông nóng lòng muốn nghỉ chân nên tiếng gõ cửa hơi lớn hơn bình thường một chút, một ông lão vừa mở cửa ra liền hỏi: “Là kẻ nào đang la lối ở đây hả?”
“Đường Huyền Tây hành đồ”, lưu giữ tại Bảo tàng quốc gia Tokyo (Phạm vi công cộng).
Đường Tăng vẫn giống như trước đây tự giới thiệu bản thân: “Bần tăng là được Đông Thổ phái đi Tây Thiên lấy kinh”. Ông lão vừa nghe nói đến lấy kinh, liền nói cho Đường Tăng biết nơi này chính là Tiểu Tây Thiên, muốn đi đến Đại Tây Thiên lấy kinh không chỉ là đường đi xa xôi, mà còn rất gian nan. Sau đó ông lão tiếp tục giới thiệu về lai lịch của hẻm Hi Thị, bởi vì thực sự nơi ấy quá thối, người dân địa phương gọi nó là “hẻm hi thỉ” (nghĩa là hẻm phân lỏng).
Thật kỳ lạ mà, rõ ràng quả hồng có bảy điều tuyệt vời (thất tuyệt): Một là sống lâu, hai là tạo bóng mát, ba là không có chim làm tổ, bốn là không có sâu bọ, năm là lá có thể dùng để chơi, sáu là quả ngọt có thể đãi khách, bảy là lá rụng xuống làm phân bón cho đất”, tại sao lại bị tiếng xấu “hẻm hi thỉ” như vậy? Lại bị sự phân hủy làm che mất đặc tính thật của quả hồng? Điều này có phải tương ứng với việc trong mắt của Thần Phật thì những khát vọng, tài hùng biện, tài văn chương của người tu hành cũng giống như mùi của nhà xí, mùi hôi thối bốc lên khắp nơi không?
Cây hồng (Ảnh: Shutterstock).
Hơn nữa, đường hẻm này đã bị tắc nghẽn hơn một ngàn năm, không ai có thể đi qua cả. Điều này cũng có nghĩa là trong số trăm ngàn năm qua đã có biết bao nhiêu người bái lạy Phật giả mà tưởng là bái lạy Phật thật, bản thân lại còn không hay biết gì.
Ông lão tiếp đãi những người đi thỉnh kinh này vô cùng chu đáo. Trong lúc trò chuyện, mọi người mới biết nơi đây gọi là thôn Đà La, quanh năm đều có yêu quái làm hại người trong thôn. Ngộ Không hỏi, nếu như đã có yêu quái, vậy tại sao không mời người đến hàng yêu? Thì ra trưởng thôn đã từng mời hòa thượng, cũng mời cả đạo sĩ, nhưng kết quả đều bị yêu quái giết chết.
Dựa theo câu chuyện của chương trước, có thể biết được ngụ ý của Tiểu Tây Thiên, vừa bái Phật giả vừa bái Thần linh giả. Ý nghĩa sâu xa nằm ngoài miêu tả trong tiểu thuyết này là: người tu hành không thoát ra được địa giới Tiểu Tây Thiên, cho dù tu luyện thế nào cũng không có năng lực diệt yêu trừ ma, hoặc nói một cách chính xác là không có năng lực tiêu diệt ma tính của chính mình.
Vì muốn tạo phúc cho nơi này, Ngộ Không đã nhận lấy việc hàng yêu. Tranh minh họa đánh Bạch Cốt Tinh trong “Tây Du Ký” (Phạm vi công cộng).
Vì muốn tạo phúc cho nơi này, Ngộ Không quyết định nhận lấy việc hàng yêu. Ông lão hỏi Ngộ Không, hàng yêu cần bao nhiêu lễ vật để cảm tạ. Ngộ Không nói: “Cần gì nói phải lễ vật gì chứ? Tục ngữ nói: ‘nhắc đến vàng thì chói mắt, nhắc đến bạc thì ngây ngốc, nhắc đến đồng thì tanh tưởi’. Ta là hòa thượng hành thiện tích đức, tuyệt đối không cần tiền”. Một hành giả chân chính sẽ không suy nghĩ về lợi ích tiền bạc, những lời này của Ngộ Không chính là nhận thức trong cảnh giới của chính mình.
Đương nhiên, người tu hành có “quan niệm vật chất” của riêng mình. Ngộ Không nói: “Ta là người xuất gia, chỉ cần là một chén trà, một bát cơm, xem như là cảm tạ rồi”. Trong mắt của người tu hành, sự “giàu có” quan trọng nhất chính là kết thiện duyên rộng rãi, quảng độ chúng sinh. Trong thế giới của Thần Phật vốn dĩ đều là vàng ròng chói lóa, đều có vô lượng chúng sinh không thể đếm hết.
Trong lúc Ngộ Không đang kể về khả năng hàng phục yêu ma của mình, mọi người đột nhiên nghe thấy một trận gió hú, người dân trong thôn biết là yêu quái đến rồi, liền sợ đến nỗi run cầm cập, một người nói: “Cái miệng của hòa thượng này ăn mắm ăn muối, vừa nói yêu tinh là yêu tinh đến ngay”.
Nghe nói là yêu quái đến rồi, Bát Giới khiếp sợ vội chạy ngay vào trong nhà, Sa Tăng đi vào cùng. Ngộ Không dùng hai tay giữ lấy hai sư đệ của mình, kêu họ đứng lại. Đúng vậy, người xuất gia tu kỷ lợi nhân (bản thân tu hành để lợi lạc cho người khác), trong giờ phút nguy hiểm như vậy, làm sao có thể chỉ lo nghĩ đến sống chết của bản thân, không đi hàng yêu phục ma để bảo vệ sinh linh một vùng chứ!
Ngộ Không phản ứng rất nhanh, nhìn thấy yêu quái, liền rút cây kim cô bổng ra xông vào đánh nhau với nó. Trong trận chiến trừ yêu diệt ma này, một trận trường thương tung múa loạn xạ. Ngộ Không hỏi tên yêu quái đó: “Ngươi là yêu quái phương nào? Tinh linh nơi nào?” Tên yêu quái đó giống như một kẻ câm vậy, chỉ tập trung đánh nhau chứ không nói chuyện. Hai người đánh suốt ba canh giờ mà vẫn không phân thắng bại.
Bát Giới và Sa Tăng ở bên trong sân nhà Lý gia theo dõi trận đánh bên trên. Bát Giới cười nói rằng đi ra ngoài giúp Ngộ Không đánh yêu quái đó. Bát Giới phối hợp với Ngộ Không, đánh với yêu quái đó một hồi thì phát hiện ra một vấn đề, cách sử dụng giáo của tên yêu quái này có chút kỳ lạ, vì thế đã tự mình đặt cho nó một cái tên là “nhuyễn bính thương”.
Ngộ Không có sở trưởng dùng gậy, sử dụng gậy Kim Cô đến mức độ xuất thần nhập hóa, nhưng lại chưa từng nghe nói “nhuyễn bính thương” gì cả. Nhưng Đại Thánh bẩm sinh đã thông minh lanh lợi, lời của Bát Giới khiến Ngộ Không đột nhiên nhớ đến một điều, yêu quái này không biết nói chuyện, chắc chắn là vẫn chưa tu luyện thành hình người nên âm khí rất nặng. Đợi khi trời sáng, mặt trời nhô lên, dương khí gia tăng thì yêu quái sẽ phải bỏ chạy. Bát Giới lập tức trả lời rằng: “Đúng vậy, đúng vậy”. Hai anh em Ngộ Không phối hợp rất ăn ý với nhau.
Quả nhiên trời vừa sáng, yêu quái không dám chiến đấu nữa, quay đầu liền bỏ chạy. Ngộ Không và Bát Giới đuổi theo đến hẻm Hi Thị dưới chân núi Thất Tuyệt. Nơi này thực sự hôi thối đến mức không thể chịu nổi. Lúc này, hai anh em mới phát hiện thì ra yêu quái này chính là một con trăn khổng lồ có vảy màu đỏ.
Từ vẻ bề ngoài nhìn vào, con trăn khổng lồ này có hàm răng sắc bén như kiếm thép, móng vuốt như những chiếc móc vàng, phần đầu giống như được gắn hàng ngàn miếng mã não, những chiếc vảy màu đỏ trên người giống như dát hàng trăm miếng giấy đỏ. Nó nằm trên đất thì trông giống một tấm chăn gấm lộng lẫy, khi bay lên trời thì trông giống cầu vòng. Trong mắt của con người thế tục thì hình dạng bên ngoài của nó toàn là “bảo bối”. Đáng tiếc là nó mang đầy “bảo bối” trên người như vậy nhưng lại nằm ở một nơi còn hôi thối hơn cả nhà xí.
Bát Giới nhìn thấy con trăn này đang chui vào trong hang, lại thấy cái đuôi của nó vẫn còn ở bên ngoài hang, liền ném cây đinh ba xuống, một tay tóm lấy cái đuôi của nó, dùng hết toàn bộ sức lực để kéo nó ra ngoài. Ngộ Không cảm thấy yêu quái này toàn thân to lớn và nặng nề, cái hang vừa nhỏ vừa hẹp, nó chắc chắn không thể nào xoay người mà chỉ có thể bò thẳng về phía trước mà thôi. Thế là Ngộ Không kêu Bát Giới canh chừng ở phía sau, còn Ngộ Không thì đánh ở phía trước, hai người hợp phối với nhau khống chế yêu quái.
Ngụ ý của đoạn viết này muốn nói rằng, khi người tu hành giữ được nội tâm của mình, không bị tác động bởi ngoại cảnh thì sẽ dễ dàng diệt trừ ma tính, ma tính cũng khó có thể quay lại. Quả nhiên là như vậy, hai anh em hợp sức tiêu diệt yêu quái, giải cứu thôn Đà La thoát khỏi nguy hiểm. Mọi người đều vô cùng vui mừng, già trẻ lớn bé trong thôn đều đến quỳ lạy cảm tạ thầy trò Đường Tăng, nhiệt tình mời cơm và tặng lễ vật cảm tạ.
Ngàn năm Hi Thị sáng nay sạch – Bụi phàm quét sạch, thấy đài sen
Khó lòng từ chối tấm chân tình của người dân trong thôn, thầy trò Đường Tăng phải nán lại nhiều ngày, cuối cùng mới có thể khởi hành tiếp tục lên đường, mấy trăm người đưa tiễn đoàn người lấy kinh đi đến đầu hẻm Hi Thị dưới chân núi Thất Tuyệt, một mùi hôi thối xộc lên mũi. Đúng vậy, con đường này bị rác rưởi bẩn thỉu làm tắc nghẽn hơn một ngàn năm qua, có thể thấy được nó tồi tệ đến mức nào. Muốn dọn dẹp sạch sẽ một nơi bẩn thỉu như vậy thì cần phải có sự kiên nhẫn rất lớn!
Trư Bát Giới tại hẻm Hi Thỉ mở núi cho mọi người, mở lại con đường đi đến Đại Tây Thiên. Biểu hiện của Bát Giới trong chương này thật sự rất nổi bật.
Ngộ Không đưa ra chủ ý, kêu Bát Giới biến thành một con heo khổng lồ, đào ra một con đường mới để đoàn người lấy kinh hộ tống Đường Tăng đi qua ngọn núi này. Công việc dơ bẩn và vất vả như vậy, không ngờ Bát Giới lại vui vẻ nhận lời ngay; người dân trong thôn lấy ra lương khô, trái cây, bánh nướng, bánh bao cho Bát Giới ăn no. Bát Giới vô cùng hoan hỷ, dốc hết toàn bộ sức lực của mình để mở đường cho mọi người, mở lại con đường đi đến Đại Tây Thiên. Biểu hiện của Bát Giới trong chương này thật sự rất chói lọi. Ở phần kết của câu chuyện, tác giả Ngô Thừa Ân có thơ ca tụng như thế này: “Ngàn năm Hi Thị sáng nay sạch, hẻm núi Thất Tuyệt sáng nay mở. Thất tình lục dục đều đoạn tuyệt, bình an vô ngại bái đài sen”.
Theo Epoch Times/ Châu Yến biên dịch
Phản hồi