Giải mã thân thế bất phàm và ý nghĩa tên gọi của Đường Tăng trong Tây Du Ký
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng là nhân vật có thân thế bất phàm. Kiếp trước là Kim Thiền Tử – đồ đệ thứ 2 của Phật Tổ Như Lai.
Tây Du Ký là 1 trong tứ đại kiệt tác của văn học Trung Quốc. Tác phẩm này được chia làm 100 hồi, gồm 4 tập kể về chuyện thầy trò Đường Tăng cùng Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng trải qua 81 kiếp nạn để sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Trong nguyên tác, nhà văn Ngô Thừa Ân mô tả, Đường Tăng (Đường Tam Tạng) họ Trần tên Huyền Trang. Tên hồi nhỏ là Giang Lưu. Đường Tăng có thân thế bất phàm. Kiếp trước của Đường Tăng là Kim Thiền Tử – Đồ đệ thứ hai của Phật Tổ Như Lai.
Vì không nghe giảng pháp, ngủ gật trong giờ giảng kinh và vô tình đá đổ một hạt gạo nên đã bị phạt đày xuống trần gian tu 10 kiếp và trải qua 81 kiếp nạn mới được trở lại Linh Sơn.
Trong 9 kiếp nạn đầu, Kim Thiền Tử có đi lấy kinh qua sông Lưu Sa bị Quyển Liêm (Sa Tăng) ăn thịt, mỗi lần ăn thịt lại ném đầu lâu xuống sông nhưng đầu lâu không chìm, thấy là vật lạ nên Quyển Liêm xâu thành vòng cổ. Tổng cộng 9 kiếp của Kim Thiền đều bị Quyển Liêm ăn thịt không thể đi lấy kinh được.
Kiếp trước của Đường Tăng là Kim Thiền Tử
Đến kiếp thứ 10, Kim Thiền Tử bị đọa sang Đông Thổ Đại Đường, bắt đầu kiếp nạn. Vừa ra đời thì cha cậu bé bị giết. Vừa đầy tháng thì mẹ phải thả cậu lên bè trôi sông, suýt chút nữa thì bị chết đuối.
Lớn lên đi tìm họ hàng chẳng dễ dàng, về sau trên con đường tu luyện tìm chân kinh phải trải qua muôn vàn sóng gió. Mỗi lần gặp khó khăn chỉ cần trong lương tâm thoáng có niệm không chính, tâm cầu phật có một chút “lung lay” thôi thì mọi công sức đều đổ bể, hơn nữa lại còn có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.
Trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, Đường Tăng đã nạp Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, Bạch Long Mã. Mấy thầy trò kiên định tâm cầu Phật pháp, trải qua 81 kiếp nạn để đến với thế giới Phật.
Đường Tăng và các đồ đệ trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh
Giống như Tôn Ngộ Không, Đường Tăng có nhiều tên gọi khác nhau:
– Kim Thiền Tử: Trong tiếng Hán, “Kim Thiền” nghĩa là con ve sầu, mượn ý trong “Kim thiền thoát xác” (ve sầu lột xác).
– Giang Lưu Nhi: Có nghĩa là đứa trẻ trôi sông. Cái tên này được đặt bởi Pháp Minh thiền sư, khi Đường Tăng hồi bé bị mẹ thả trôi sông lưu lạc.
– Trần Huyền Trang: Cái tên này được đặt bởi Pháp Minh thiền sư khi Đường Tăng lên 18 tuổi, lấy họ của cha là Trần.
– Đường Tam Tạng (Đường Tăng): Được vua Đường Thái Tông đặt trước khi đi lấy kinh, lấy tên nước Đường làm họ, đi lấy 3 tạng kinh nên gọi là Tam Tạng.
Chiên Đàn Công Đức Phật: Được phong phật khi lấy được kinh, tu thành chính quả.
Đỗ Thu Nga
Phản hồi