Vì sao cầu nguyện có người được người không?
Cầu nguyện là phải có năng lượng, tương đương với vấn đề phải có dòng điện trong đường dây điện thoại. Trong sự cầu nguyện, dòng điện đó là tình thương, là chánh niệm, là chánh định. Phải có niệm, phải có định, phải có tuệ, và phải có tình thương, thì mới có hy vọng thành công trong sự cầu nguyện.
Chúng ta biết rằng khi ta có một đường dây điện thoại, muốn cho điện thoại của chúng ta có thể sử dụng được, thì trong đường dây đó phải có điện. Cũng giống như khi mình sử dụng máy quạt, tủ lạnh, hay bóng đèn, thì trong dây điện phải có dòng điện chạy qua. Sự cầu nguyện cũng vậy. Trong lúc cầu nguyện phải có một năng lượng. Năng lượng đó là đức tin, là tình thương yêu. Nếu cầu nguyện mà không có năng lượng của đức tin và của tình thương thì cũng giống như một đường dây không có điện, hành động cầu nguyện sẽ không đưa tới một kết quả nào hết. Nhiều khi mình tin rằng mình đã cầu nguyện hết lòng, cầu nguyện với tất cả mọi tế bào trong cơ thể của mình, với tất cả mọi giọt máu trong con người của mình, vậy mà cầu nguyện cũng không thành công! Mình thương người đó quá chừng, người đó đang hấp hối, vậy mà nói là mình không có tình thương sao được? Mình thật sự có thương mà!
Tuy vậy, nếu nhìn sâu vào thì ta sẽ thấy tình thương này đôi khi không hẳn là tình thương mình hướng về cho người đó, mà chỉ là vì mình sợ bị bơ vơ, mình lo bị thiếu vắng! Nếu mình lầm lẫn tình thương với sự sợ hãi về cái bơ vơ của mình, thì đó có phải là tình thương, hay đó chỉ là một cái ước muốn, ước muốn người đó được sống để cho mình khỏi bơ vơ? Cho nên đó không phải thật sự là tình thương mình dành cho người đó, mà chỉ là tình thương hướng về cho chính mình.
Đó là những câu hỏi được đặt ra trong khi mình thực tập nhìn sâu vào vấn đề. Tất cả những câu hỏi này cũng cần phải được trả lời. Năng lượng tu tập
Yếu tố thứ hai của sự cầu nguyện là phải có năng lượng, tương đương với vấn đề phải có dòng điện trong đường dây điện thoại.
Trong sự cầu nguyện, dòng điện đó là tình thương, là chánh niệm, là chánh định. Phải có niệm, phải có định, phải có tuệ, và phải có tình thương (tức là từ và bi), thì mới có hy vọng thành công trong sự cầu nguyện.
Như vậy tiến trình của việc cầu nguyện là trước hết ta phải thiết lập sự liên hệ, tức là nối cho được đường dây; kế đó ta phải chuyền năng lượng của chánh niệm qua đường dây đó. Dù trong tư thế ngồi, trong tư thế đứng, trong tư thế quỳ, hay trong tư thế nằm, nếu chúng ta có năng lượng của niệm, của định, của từ, và của bi thì chúng ta có thể cầu nguyện được, và hiệu quả của sự cầu nguyện có thể tức thời, xảy ra cùng một lúc với sự cầu nguyện.
Nếu hành trì như vậy mà kết quả của sự cầu nguyện vẫn không thấy, thì chúng ta thường phân vân với câu hỏi thứ tư: Nếu cầu nguyện không có kết quả, đó có phải là do đức tin yếu kém hay không? Đó có phải là do tình thương không có mặt, hoặc còn yếu kém hay không?
Đúng vậy! Nếu cầu nguyện mà không đủ niệm, mà thiếu định, thiếu từ, thiếu bi, thì việc cầu nguyện sẽ không thành công. Các yếu tố đó là những năng lượng cần có để chuyền vào đường dây. Khi trái tim của anh chưa mở ra, làm sao anh thấy khỏe được? Khi trái tim anh đã mở ra rồi thì anh thấy khỏe liền lập tức, anh thấy sự cầu nguyện có hiệu quả liền lập tức, rõ nhất là trong thân và trong tâm của chính anh, anh không cần thì giờ chờ đợi kết quả.
Không những đức tin cần phải có tình thương, mà còn cần phải có niệm. Theo sự thực tập của chúng ta tại Làng Mai thì niệm là sự có mặt đích thực của thân và tâm. Thân và tâm về cùng một mối, trong giờ phút hiện tại. Nếu không có điều đó thì chúng ta không cầu nguyện được, dù chúng ta là người Cơ Đốc giáo hay là người Hồi giáo. Nếu anh không có mặt thì ai là người đang cầu nguyện đây? Cho nên anh phải có mặt đích thực, thân và tâm anh phải an ổn tìm về một mối ngay trong giây phút đó, tức là anh phải có niệm trong lúc anh cầu nguyện. Khi có niệm thì anh có định, tức là có điều kiện để dẫn đến cái thấy sâu sắc (Tuệ).
Cái mà chúng ta nói là nguyên tắc đầu tiên, sự cảm ứng đạo giao, năng lễ sở lễ tánh không tịch, là một cái tuệ. Cái tuệ đó có thể được gọi là Không, là Tương tức, the nature of interbeing. Khi chúng ta chắp tay lại và quán tưởng Năng lễ, sở lễ tánh không tịch là chúng ta đem cái tuệ giác Bát nhã, cái tuệ giác tương tức vào để thiết lập sự liên hệ giữa ta và đấng ta cầu nguyện. Nếu không có cái đó thì cầu nguyện sẽ không thành. Nếu không có cái đó thì sự khấn vái chỉ là một sự mê tín. .
Phản hồi