Thương Thân

Khi nói đến thương yêu, ta hay nghĩ rằng đối tượng thương yêu phải là một người khác. Nhưng Bụt dạy rằng đối tượng đầu tiên của thương yêu là chính bản thân mình. Nếu không thương yêu được bản thân thì ta không thể thương yêu được bất cứ một loài nào khác.

Khả năng thương yêu của chúng ta, khả năng thương yêu người khác, tùy thuận nơi khả năng thương yêu được chính bản thân ta. Nếu anh không thương được anh, thì anh không thương được người nào khác. Điều đó là điều rất rõ trong đạo Bụt.

Mình không thương được mình, mình không chăm sóc được mình, mình không chuyển hóa được mình, thì làm sao mình có khả năng thương yêu, chăm sóc và chuyển hóa người khác? Vì vậy cho nên Từ Bi quán trước tiên phải hướng tới bản thân. Đây không phải là ích kỷ.

Khi ta thương được ta, thì tức khắc ta trở thành ra dễ chịu đối với người khác, và người khác đồng thời được hưởng kết quả của sự thực tập của ta, ngay lập tức. Theo yếu tố Xả – yếu tố thứ tư của tình thương – thì tình thương đích thực cũng có nghĩa là nếu mình thương được mình tức là mình thương được người khác, thương được người khác tức là thương được mình.

Không có sự phân biệt giữa mình và người. Tình thương đó gọi là tình thương vô ngã. Tình thương vô ngã là tình thương cao đẹp nhất (tiếng Anh gọi là selfless love).

Tình thương vô ngã là tình thương không phân biệt giữa mình và người. Vì vậy khi mình thương mình được thì mình cũng thương người. Hễ anh thương được anh, hễ anh làm cho anh có hạnh phúc, đó là anh đã thương người rồi đó.

Ở trong một đại chúng tu học mà có một người có hạnh phúc, một người biết tự thương mình, biết tự lo cho mình, thì người đó tức khắc trở thành niềm vui của cả đại chúng.

HT. Thích Nhất Hạnh

Bài viết liên quan

Phản hồi