Vị cao tăng kể chuyện về luật nhân quả ‘Gieo gió gặt bão’
Từ xưa đến nay, thành ngữ “Gieo gió gặt bão” được sử dụng rất phổ biến trong dân gian. Câu thành ngữ này thường được dùng để chỉ một người nếu thực hiện hành vi ác thì sẽ phải chịu nhận hậu quả báo ứng thậm chí còn lớn hơn…
Cách ví von này rất chính xác, tuy nhiên vẫn chưa lột tả hết nội hàm của câu thành ngữ. Có câu “Phúc do mình tạo, họa do mình sinh” có lẽ sẽ diễn tả được nội hàm của thiện ác báo ứng rõ nét hơn.
Dưới đây là câu chuyện mà học giả nổi tiếng thời nhà Thanh, Kỷ Hiểu Lam ghi chép trong ‘Kỷ văn đạt công bút ký trích yếu’ minh chứng cho nội hàm của câu thành ngữ trên:
Lúc ông cố Nhuận Sinh Công còn ở Tương Dương có gặp gỡ một vị tăng nhân. Nghe nói người này từng là khách mời của Huệ Đăng Tương. Vị tăng nhân kể lại sự tình giặc cỏ năm đó một cách rất chi tiết kỹ càng. Mọi người nghe xong không khỏi lắc đầu thở dài nói: “Đây là kiếp số do Trời cao sắp đặt, khó tránh khỏi”.
Tuy nhiên, nhà sư lại không cho là đúng. Ông nói:
“Theo cách nhìn của bần tăng, đây là loại kiếp nạn do chính con người tạo ra. Trời cao không bao giờ vô duyên vô cớ giáng tai nạn xuống nhân gian. Cuối triều đại nhà Minh phát sinh nạn giết chóc, gian dâm, tình trạng cướp bóc nổi lên khắp nơi, hay Hoàng Sào nổi loạn vào cuối triều đại nhà Đường khiến cho cảnh đao binh đổ máu lan rộng tới 3 ngàn dặm. Đây đều nghiệp chướng do con người tạo ra. Bởi vì từ khoảng giữa đến cuối triều đại nhà Minh, quan lại đều tham lam bạo ngược, thân sĩ hống hách. Bầu không khí dân gian lúc đó gian hoạt âm hiểm, xảo quyệt dối trá, phẩm hạnh xấu xa…
Vì vậy, tầng lớp dưới mang theo tâm oán hận sâu sắc. Còn người có quyền thế địa vị lại thực hiện những việc làm đồi bại khiến Thiên Thần phải phẫn nộ. Oán khí tích tụ hơn 100 năm, một khi nó bùng phát, ai có thể ngăn cản được? Theo như bần tăng nhìn thấy thì, những người chịu nhận kiếp nạn đều là người lúc bình thường sống rất hung ác. Cái này sao có thể gọi là “thiên tai” được?
Ta nhớ trước kia bản thân từng là một tên cướp. Một lần nhóm cường đạo bắt được con cháu của một quan viên. Tên cướp dẫn đầu lớn tiếng ra lệnh yêu cầu người này quỳ trước doanh trại, sau đó ông ôm thê thiếp của anh ta vào lòng uống rượu mua vui rồi nói: “Ngươi dám tức giận không?” Người này dập đầu nói: “Không dám”. Tên cướp lại hỏi tiếp: “Ngươi sẵn lòng hầu hạ chúng ta không?” Hắn vội vàng đáp: “Sẵn lòng”. Vì vậy hắn ta đã được thả lỏng dây trói, ngồi ở bên rót rượu hầu hạ. Cảnh tượng này khiến người ngoài nhìn vào đều thở dài ngao ngán. Lúc đó, một cụ già trong nhóm người bị bắt đã thốt lên: “Hôm nay ta mới biết nghiệp báo rõ ràng quá!” Thì ra là gia đình hoạn quan này, từ đời ông nội của hắn thường xuyên đùa cợt với vợ của nô bộc trong phủ. Nếu người nô bộc có chút bất mãn thì sẽ bị đánh đập một cách tàn bạo, sau đó trói vào cây hòe, nhìn chủ nhân ôm vợ mình ngủ. Đây chẳng qua chỉ là một mặt hung ác, nhiều tội ác nữa không thể đếm xuể”.
Khi nhà sư nói lời này, trong số người ở đó có một vị cường hào, sau khi nghe xong liền tỏ ra bất mãn nói: “Trên đời này vẫn tồn tại việc cá lớn nuốt cá bé, chim dữ ăn thịt đồng loại, vì điều gì mà Thiên Thần không tức giận? Duy chỉ con người làm việc ác, Thiên Thần lại tức giận vậy?” Vị hòa thượng quay đầu lại tỏ ra khinh thường nói: “Chim và cá là động vật, chẳng lẽ con người cũng giống động vật sao?” Vị cường hào không nói gì, hết sức tức giận phẩy tay áo đứng lên rồi bỏ đi.
Ngày hôm sau, vị cường hào liền gọi một số người thân cận kéo đến tu viện, nơi vị tăng nhân ở để làm nhục nhà sư. Không ngờ nhà sư đã gói ghém đồ đạc rời đi từ lâu. Trên vách đá ông có để lại hai mươi chữ, nói: “Ngươi không nói, ta không nói, dưới lầu không có người, trên lầu có trăng sáng”. Câu này có thể là để nhắc nhở việc làm ngấm ngầm xấu xa của vị cường hào. Sau này cường hào nọ cũng bị tan cửa nát nhà, tuyệt tử tuyệt tôn.
Trong câu chuyện mà nhà sư kể có âm thầm nói lên hành động xấu xa của vị cường hào. Vì vậy mà vị cường hào này muốn trả thù nhà sư. Vậy là đã sai lại càng thêm sai, cuối cùng vị cường hào phải nhận lấy cảnh tán gia bại sản, tuyệt tử tuyệt tôn. Đây gọi là báo ứng “gieo gió gặt bão”. Nếu như ông ta có thể tỉnh ngộ sau khi nghe lời giáo huấn của vị cao tăng mà sám hối trước Thần Phật, thành tâm làm việc thiện, thì cuối cùng cũng sẽ gặt được phúc báo. Thế nhưng ông ta đã không làm như vậy.
Trên thế gian này không có việc gì là ngẫu nhiên, nó đều có nguyên do và kết quả, nếu không hành ác thì chắc chắn sẽ không gặp ác báo. Do vậy, trong văn hóa truyền thống luôn khuyến khích con người làm nhiều việc thiện sẽ gặt được phúc báo. Câu chuyện ác báo là ví dụ phản diện, dùng để cảnh tỉnh con người thế gian về sự uy nghiêm của thiên lý và lẽ Trời “thiện ác hữu báo”.
Theo Vision Times
San San biên dịch
Phản hồi