Vấn đề nghiên cứu Tâm lý giáo dục theo quan điểm Duy thức học Phật giáo (Phần 2)

PGĐS – Phật giáo quan niệm rằng mọi chúng sinh đều có Phật tính. Duy Thức học cung cấp một phương pháp luận giúp hướng dẫn con người rèn luyện để đạt đến nhận thức đúng về thế giới hiện tượng, từ đó có những phản ứng thích đáng đối với thế giới ấy hầu mang lại an lạc cho mình, cho người và cho môi trường.

3. Cơ sở lý luận về Tâm lý Giáo dục theo Duy thức học

Để hiểu thấu Duy Thức học và sử dụng học thuyết này trong việc tu tập, hành giả phải đọc thẳng vào Thành Duy Thức Luận cùng những bản kinh và luận có liên quan. Việc giới thiệu rất sơ lược ở đây chỉ để đi đến nhận định rằng Duy Thức học chứa đựng những yếu tố tâm lý giáo dục có thể áp dụng vào hệ thống học đường hiện đại.

3.1. Một số thuật ngữ quan trọng cần biết

Duy Thức học sử dụng một hệ thống thuật ngữ đặc biệt, cần nắm vững để hiểu rõ các hình thái nhận thức theo Duy Thức học. Dưới đây là những thuật ngữ có liên quan đến việc xác định cơ sở luận lý về Tâm lý Giáo dục theo Duy Thức học.

3.1.1. Căn là cơ năng cảm giác do vật chất tạo thành, là chỗ nương dựa của thức, thí dụ, nhãn căn là con mắt, chỗ nương dựa của nhãn thức.

3.1.2. Cảnh là đối tượng được nhận thức, có khi là đối tượng ngoại giới (bên ngoài tâm thức), có khi là đối tượng bên trong tâm thức, vì theo Duy Thức học thì ngay trong tâm thức cũng có sẵn chủ thể nhận thức và đối tượng được nhận thức, được gọi là kiến phần và tướng phần; chính quan điểm này của Duy Thức cho phép phương pháp nội quan mang một giá trị nhất định trong việc khảo sát tâm lý. Duy Thức học chia cảnh thành ba loại: Tánh cảnh là cảnh chân thực, là thực tại tự thân của sự vật, điều mà hầu như chủ thể nhận thức không đạt tới được vì khi tiếp xúc với sự vật, chủ thể nhận thức đã áp đặt lên đó những tư kiến. Đới chất cảnh là cảnh chỉ còn chút bóng dáng của cảnh chân thực vì đã bị bóp méo bởi tâm thức của chủ thể nhận thức. Độc ảnh cảnh là cảnh do tâm thức dựng lên theo ký ức có sẵn, không phải là cảm giác thực.

3.1.3. Lượng là tiêu chuẩn và căn cứ để nhận thức sự vật. Duy thức học nêu ra ba lượng: Hiện lượng là sự nhận biết bằng trực giác; chẳng hạn, khi mắt thấy thì lập tức nhận biết mà không cần suy nghĩ. Tỉ lượng là sự nhận biết dựa trên so sánh, suy xét, là tác dụng phân biệt của trí thức, chẳng hạn, thấy khói thì biết là có lửa. Phi lượng là nhận thức sai lầm. Ngay cả nhận thức trực giác cũng sai lầm vì thấy cái chưa biết bao giờ.

3.1.4. Tánh được sử dụng trong các văn bản về Duy Thức học là để chỉ phẩm chất tốt xấu, thiện ác của nhận thức. Phẩm chất của nhận thức có ba tánh là thiện, ác và vô ký; vô ký nghĩa là không thiện không ác.

3.1.5. Chủng tử có nghĩa là hạt giống. Tương tự như các loại hạt giống của các loài thực vật có thể làm sinh khởi các giống cây khác nhau, các hạt giống tâm thức được lưu trữ trong thức thứ tám (Tàng thức) có khả năng làm sinh khởi mọi loại sắc pháp và tâm pháp, nghĩa là tất cả những hiện tượng vật chất cũng như tâm lý. Trong Duy thức học, hạt giống còn được gọi là tập khí.

3.1.6. Hiện hành là sự sinh khởi dẫn xuất từ hạt giống đã được lưu trữ trong Tàng thức. Duy Thức học cho biết sự sinh khởi này chỉ diễn ra khi có đầy đủ nguyên nhân và điều kiện.

3.1.7. Huân tập có nghĩa là xông ướp, chẳng hạn như dùng mùi thơm để xông ướp cho quần áo. Sức mạnh của các hành vi tốt hay xấu in sâu vào tâm thức con người, được gọi là huân tập. Duy thức học cho rằng tất cả những hiện tượng sinh khởi trong bảy thức trước đều là những hiện tượng có năng lực xông ướp vào thức thứ tám, và tất cả những gì được huân tập ở thức thứ tám lại luôn luôn được gìn giữ để khi có điều kiện thì hiện hành.

3.1.8. Kiến phần là tác dụng nhận thức của chủ thể có năng lực nhận thức; đối lại với tướng phần là đối tượng của nhận thức.

3.1.9. Thức biến là nói về tác dụng của thức, luôn biến đổi nhận thức trực tiếp thành nhận thức của riêng nó theo các tâm sở tương ưng với chủ thể nhận thức; mặt khác, khi một hiện hành được huân tập vào thức thứ tám trở thành chủng tử, chủng tử này cũng luôn biến thiên theo nội dung huân tập của thức thứ tám. Duy thức học cũng như nhận thức luận Phật giáo cho rằng mọi hiện tượng sinh diệt đều chỉ tồn tại trong từng sát-na (là một đơn vị nhỏ nhất của thời gian) nhưng sau khi diệt thì lại trở thành một hiện tượng mới, đó là sự chuyển biến của thức và sự chuyển biến do thức, gọi chung là thức biến.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

3.2. Sơ lược về Tâm sở hữu pháp

Các nhà Duy Thức học đã phân biệt tất cả 51 trạng thái tâm lý gọi là tâm sở hữu pháp, thường xuất hiện cùng lúc với các tâm pháp trong quá trình nhận thức và chia thành năm loại tuỳ thuộc tính chất của chúng.

3.2.1 Năm tâm sở biến hành là những trạng thái tâm lý luôn luôn có mặt cùng với tâm pháp trong mọi quá trình nhận thức: Xúc là sự xúc chạm, tiếp xúc với đối tượng. Tác ý là sự chú tâm vào đối tượng; Thọ là trạng thái cảm nhận được về đối tượng, gồm các cảm nhận khổ thọ thể hiện tâm trạng bất an lo buồn, lạc thọ là cảm nhận an vui hạnh phúc, và xả thọ là tâm trạng dửng dưng. Tưởng là ấn tượng và tri giác về đối tượng, thường kém giá trị vì có tính cách sai lầm. Tư ở đây có nghĩa là ý chí, chính là hành động với sự quyết tâm, một trong những tác nhân tạo nghiệp.

3.2.2. Năm tâm sở biệt cảnh, là những trạng thái tâm lý chỉ có mặt trong một số trường hợp liên quan đến các chủ thể nhận thức thích hợp: Dục là tác dụng tinh thần mong muốn sự nghiệp được hoàn tất; Thắng giải là trạng thái hiểu rõ về một đối tượng; Niệm là tác dụng của tâm, ghi nhớ rõ ràng về đối tượng được lưu ý; Định là trạng thái chuyên chú vào đối tượng; Tuệ là tác dụng của tinh thần suy lý. Tâm sở Tuệ có mặt ở thức thứ bảy.

3.2.3.  Mười một tâm sở Thiện: Tín là niềm tin, lòng tin, sự tin tưởng; Tàm là tự thẹn với chính mình, Quý là cảm thấy xấu hổ trước người khác, Vô tham là kềm chế được lòng tham, Vô sân là biết kềm chế sự giận dữ, Vô si là có đủ hiểu biết để phân định đúng sai, Tinh tấn là cố gắng làm điều tốt và từ bỏ điều xấu, Khinh an là giữ được tâm thái nhẹ nhàng trước đối tượng nhận thức, Bất phóng dật là không buông lung, Hành xả là an trụ trong trạng thái tâm tĩnh lặng, Bất hại là không gây hại, không làm phiền. Các tâm sở này luôn có mặt ở Năm thức Cảm giác và tuỳ trường hợp sẽ có mặt ở thức thứ sáu.

3.2.4. Các tâm sở phiền não gồm hai hạng:

Hạng căn bản phiền não có 6 tâm sở gồm Tham là thích vơ vào cho mình, Sân là dễ bị khích động để giận dữ, Si là thiếu hiểu biết khiến sẵn sàng tin những chuyện sai lầm, Mạn là tự phụ, so sánh hơn thua với người khác rồi đem tâm coi thường hay có thái độ thách thức, Nghi là thiếu niềm tin, có lòng ngờ vực, Ác kiến là những suy nghĩ sai lầm. Ba tâm sở Tham, Sân, Si luôn luôn có mặt cùng với Năm thức Cảm giác. Tuỳ trường hợp cả sáu tâm sở Căn bản Phiền não này sẽ có mặt ở thức thứ sáu. Các tâm sở Tham, Si, Mạn, Kiến luôn có mặt ở thức thứ bảy.

Hạng Tuỳ phiền não, thuộc loại tâm sở bất thiện ở mức độ ít quan trọng, gồm 20 tâm sở có các tên gọi như sau: Phẫn là có hành động thô bạo khi gặp sự trái ý, Hận là sự oán giận dai dẳng, Phú là che giấu tội lỗi của mình, Não là sự buồn bực vì nhớ tưởng chuyện quá khứ và không vui với chuyện hiện tại, Tật là ghen ghét đố kị, Xan là keo kiệt bủn xỉn, Cuống là dối trá lừa gạt với thái độ giả đạo đức, Siểm là nịnh nọt ton hót bợ đỡ, Hại là gây hại, làm tổn thương, Kiêu là hợm mình, tự cho mình là hay là giỏi, Vô tàm là không biết tự thẹn với chính mình, Vô quý là không biết xấu hổ trước người khác, Trạo cử là trạng thái xao động của tâm, Hôn trầm là trạng thái bải hoải trì độn của tâm, Bất tín là thiếu niềm tin, Giải đãi là lười biếng, Phóng dật là buông lung, Thất niệm là thiếu khả năng nhớ về đối tượng nhận thức và các thiện pháp, Tán loạn là tâm trở nên loạn động khi đối cảnh, Bất chánh tri là không có khả năng hiểu đúng điều đang quán sát, cái biết chân chính bị che lấp. Các tâm sở này luôn  có mặt ở năm thức trước và tuỳ trường hợp có mặt ở thức thứ sáu.

3.2.5. Bốn tâm sở bất định là Hối là ăn năn về những lầm lỗi đã phạm, Miên là ngủ mê khiến thân tâm hôn ám, Tầm là tìm cầu suy tính khiến thiếu bình tĩnh, Tứ là sự chú tâm dò xét. Các tâm sở này có mặt tuỳ trường hợp

3.3. Quá trình nhận thức theo Duy thức học

Duy Thức học cho rằng với việc kiên trì thực hành những biện pháp rèn luyện thích đáng, mọi chúng sinh ở cõi người đều có khả năng đạt tới nhận thức đúng như thật về thực tướng của vạn pháp. Khi được nhận thức đúng thì vạn pháp có thực tướng hệt như điều Đức Phật đã chỉ ra, là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Tuy nhiên, chính với nhận thức đúng đó, mọi chúng sinh ở cõi người có thể điều chỉnh thái độ và hành vi của họ để mang lại an lạc cho chính mình và góp phần xây dựng một xã hội loài người an bình, một Niết bàn trong thực tại.

Ở trình độ chưa tu tập, con người nhận thức theo cảm tính bằng tiền ngũ thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức và thân thức) rồi tiến đến nhận thức theo tri giác bằng thức thứ sáu (ý thức); tất cả những nhận thức đó đều được huân tập vào thức thứ tám (tàng thức) gọi là những hạt giống; những điều được huân tập vào thức thứ tám (gọi là chủng tử tân huân) được thức này gìn giữ và tự động biến đổi theo thời gian căn cứ vào nội dung đã được huân tập của thức thứ tám vì bản thân thức thứ tám có chứa những hạt giống sẵn có (gọi là chủng tử bản hữu). Nếu nội dung đã huân tập của thức thứ tám có các yếu tố thiện nổi trội thì các chủng tử có nhiều khả năng được thức biến theo khuynh hướng thiện; và ngược lại, chúng sẽ được thức biến theo khuynh hướng ác. Thức thứ bảy và thức thứ tám luôn lặng lẽ hoạt động và chuyển biến trong suốt quá trình sống của một cá thể. Ở đây chỉ giới thiệu quá trình nhận thức ở các cá nhân bình thường, không đi sâu vào giáo nghĩa giải thoát của Phật giáo.

3.3.1. Quá trình nhận thức ở Năm thức trước (Tiền ngũ thức, Năm thức Giác quan)

Đối với những người chưa qua quá trình rèn luyện, cả thân lẫn tâm của con người đều sinh hoạt ở dục giới, nơi được gọi là chỗ cư ngụ hỗn tạp của năm đường thuộc các nẻo luân hồi (thiên, nhân, ngã quỷ, súc sanh, địa ngục; không kể a-tu-la vì loài này có mặt giữa cõi thiên và cõi nhân). Ở năm thức cảm giác, khi chưa có sự can thiệp của thức thứ sáu (ý thức), vào lúc chủ thể nhận thức tiếp xúc với đối tượng nhận thức liền có sự quan tâm để hướng các giác quan (các thức) vào đối tượng và lập tức có cảm nhận về đối tượng dựa vào hình tướng, âm thanh, mùi, vị và cảm giác của sự đụng chạm. Cảm nhận này có tính cách trực giác, thấy là biết ngay nhưng không rõ rệt và chưa chắc là đã thấy đúng như thật, có thể có phẩm chất tích cực (thiện), tiêu cực (ác) hay dửng dưng (vô ký). Sở dĩ như vậy vì tuy chưa có sự can thiệp của ý thức nhưng vẫn có tác động của các trạng thái tâm lý đồng hành thuộc căn bản phiền não là tham, sân, si bên cạnh 11 trạng thái tâm lý tích cực (11 tâm sở thiện). Chủ thể nhận thức cũng có thể cảm thấy có nhu cầu tìm hiểu thêm nhờ tác động của các tâm sở biến hành và biệt cảnh. Tại đây, cảm nhận có thể dừng lại và cũng có thể tiếp tục mở rộng để có nhận thức sâu hơn bằng cách kêu gọi sự trợ giúp của ý thức; hoặc có thể ý thức thứ sáu chủ động. Trong quá trình này, các tâm sở bất định không có mặt.

Năm thức cảm giác vận hành dựa vào các tịnh sắc căn, tương đương với các hệ thống thần kinh cảm giác và hệ thần kinh trung ương theo giải thích của khoa cơ thể học hiện đại. Tham gia vào quá trình nhận thức này, tuy chưa có sự can thiệp trực tiếp, nhưng vẫn có đóng góp của thức thứ sáu, thức thứ bảy và thức thứ tám. Hoặc trực tiếp, hoặc qua trung gian của thức thứ bảy và thức thứ sáu, vẫn có thể có sự trao đổi về hiện hành và huân tập chủng tử giữa tàng thức và các thức cảm giác.

Đối với những người đã có sự rèn luyện theo các biện pháp Phật giáo (giữ giới, tập thiền, phát triển tuệ giác), đối tượng nhận thức của năm thức cảm giác trở nên rõ ràng hơn; bấy giờ, các tâm sở phiền não đã được ngăn chận trong khi các tâm sở thiện phát triển, năm thức cảm giác có thể đạt tới tánh cảnh và hiện lượng chân thực của đối tượng nhận thức; phẩm chất của nhận thức là thiện. Tuy vẫn sinh hoạt trong Dục giới, tâm thức của người tu tập có chứng đắc có thể đã thể nhập các cảnh giới cao hơn thuộc Sắc giới, cõi vật chất thanh tịnh.

3.3.2. Quá trình nhận thức ở Thức thứ sáu (Ý thức)

Thức thứ sáu chính là Ý thức, có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình nhận thức. Trong khi năm thức trước chỉ có tác dụng cảm giác thuần tuý mà duyên theo ngoại cảnh thì ý thức thực sự có tác dụng nhận thức và phân biệt mọi sự vật trong thế giới hiện tượng. Trong khi năm thức trước phải sinh khởi cùng một lượt với thức thứ sáu và chỉ có thể tiếp xúc với những đối tượng đồng loại mới có thể cảm nhận rõ ngoại giới thì ý thức có thể tự nhận thức về mọi đối tượng dù thuộc nội giới hay ngoại giới, thuộc hiện tại hay thuộc quá khứ và vị lai; lại nữa, ý thức còn có khả năng so sánh suy lường để đưa đến quyết định hành động. Tuỳ trường hợp, nhận thức của Ý thức có thể đạt tới tánh cảnh hay chỉ là đới chất cảnh và có lúc thuần là độc ảnh cảnh; phẩm chất của nhận thức thuộc về cả ba lượng (hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng), có thể thiện, có thể ác, có thể vô ký.

Khi ý thức hoạt động cùng với năm thức trước thì gọi là ngũ câu ý thức. Khi ý thức hoạt động độc lập thì gọi là độc đầu ý thức. Kể cả khi không cùng sinh khởi với năm thức trước, ý thức vẫn có thể phát sinh để chi phối năm thức trước trong quá trình nhận thức. Ngay khi tiếp xúc với ngoại cảnh, chính ý thức phát khởi khả năng phân biệt, suy xét để tính toán mọi điều lợi hại, sau đó thiết lập kế hoạch hành động, huy động mọi tâm sở tương ưng để thực hiện kế hoạch. Thức thứ sáu tương ưng với toàn bộ 51 tâm sở, nhưng tuỳ theo bản chất nhận thức là thiện, ác hay vô ký mà có những tâm sở nào được thức thứ sáu huy động. Với những nhận thức thiện, các tâm sở tương ưng được huy động thường là những tâm sở thiện. Bên cạnh đó, ý thức còn nhận được những thông tin từ các chủng tử chín muồi ở tàng thức đã biến thành hiện hành được thức thứ bảy truyền tống để góp phần làm sáng tỏ nhận thức của nó. Ý thức là cơ quan chỉ huy cả thân và khẩu phục vụ cho những kế hoạch của một cá nhân; do đó thức thứ sáu là chủ thể tạo nghiệp. Qua đó thấy rằng ý thức bén nhạy nhất trong hệ thống cơ cấu Tâm-Ý-Thức và xứng đáng là đối tượng để hoạt động giáo dục can thiệp vào giúp ý thức phát triển nhận thức thiện rồi từng bước tịnh hoá toàn bộ tâm thức của một cá thể. Ý thức không hoạt động liên tục: khi ngủ say và bất tỉnh, cùng các trường hợp liên quan đến giáo lý giải thoát là ở cõi trời vô tưởng và khi nhập Vô tưởng định, Diệt tận định.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

3.3.3. Quá trình nhận thức ở Thức thứ bảy (Mạt-na thức)

Thức thứ bảy là Mạt-na, nương vào thức thứ tám (Tàng thức) để sinh khởi nhưng lại bám vào Kiến phần của Tàng thức để chấp đó là “cái tôi”, do đó tương ưng với bốn tâm sở căn bản phiền não là Tham, Si, Mạn và Ác kiến. Bên cạnh đó, nhận thức của Mạt-na cũng có sự góp mặt của các tâm sở biến hành và một tâm sở biệt cảnh là Tuệ. Mạt-na thức hoạt động không ngừng, luôn luôn so sánh suy lường, có đặc tính là bị che lấp (hữu phú) nhưng không thiện không ác. Mạt-na chỉ có thể nhận thức được đới chất cảnh và vì tính chấp ngã, phẩm chất nhân thức của Mạt-na thường thuộc về phi lượng. Thức này có một nhiệm vụ đặc biệt: Một mặt, nó tiếp nhận thông tin từ Ý thức rồi biến đổi trước khi chuyển vào Tàng thức làm các chủng tử; mặt khác, những hạt giống từ tàng thức đã chín muồi trở thành hiện hành cũng được nó truyền ra cho ý thức để góp thêm thông tin cho việc xử lý của thức này; vì thế Mạt-na còn có tên là Truyền tống thức. Do việc bám chấp vào Kiến phần của Tàng thức làm “cái của tôi”, việc Mạt-na biến đổi thông tin từ Ý thức đưa vào trước khi truyền tống cho Tàng thức chỉ nhằm bảo vệ tự ngã chứ không do tính bất thiện tự thân của Mạt-na, vì nó vốn vô ký. Đối với những hạt giống hiện hành được chuyển ra Ý thức, Mạt-na không can thiệp được. Tại đây, một lần nữa ta thấy vai trò của Ý thức trong việc tịnh hoá nhận thức của một cá nhân. Nếu Ý thức chỉ đưa vào huân tập trong tàng thức những hạt giống thiện, sự can thiệp của Mạt-na cũng chỉ sẽ làm tăng trưởng những hạt giống thiện trong Tàng thức và hiện hành ở Ý thức.

3.3.4. Quá trình nhận thức ở thức thứ tám (A-lại-da thức)

Duy Thức Tam Thập Tụng cho biết hành tướng của thức A-lại-da rất vi tế, không thể hiểu rõ đối tượng của thức này như thế nào, chỉ biết Tướng phần của A-lại-da chứa đựng mọi hạt giống của tâm thức, kể cả hạt giống sắc thân và toàn bộ thế giới. Cũng không thể biết rõ phần có vai trò chủ thể nhận thức (Kiến phần) của A-lại-da như thế nào, chỉ biết nó bị Mạt-na thức nắm giữ coi là tự ngã và nó tương ưng với năm tâm sở biến hành là Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư. Ngoài ra, A-lại-da bình thản trước mọi nhận thức, không mê đắm bất kỳ cảnh sở duyên nào vì nó chỉ tương ưng với xả thọ. Nhận thức của A-lại-da đạt tới cả Tánh cảnh bên cạnh Đới chất cảnh và Độc ảnh cảnh. Thức A-lại-da hoạt động không lúc nào dừng nghỉ, được Tam thập tụng mô tả là hằng chuyển như bộc lưu (chuyển động liên tục như dòng nước chảy xuống từ thác dốc). Mặc dù hạt giống được coi là nhân và A-lại-da thức được coi là quả của các hạt giống, nhưng một tác dụng quan trọng của Tàng thức vẫn là tưới tẩm các hạt giống để giúp chúng chuyển biến. Khi Tàng thức tiếp nhận nhiều hạt giống tốt thì những hạt giống tốt cùng loại sẵn có được tưới tẩm nhiều hơn và sớm chín muồi để hiện hành, góp phần vào việc tăng cường nhận thức tốt ở ý thức của cá nhân.

Như trên đã nói, thế giới hiện tượng chỉ là hình ảnh của mọi đối tượng sai biệt mà chủ thể nhận thức là con người đã nắm giữ. Trong khi đó, hạt giống chính là những ấn tượng về mọi đối tượng sai biệt đã được tích luỹ từ vô thuỷ; nghĩa là trong tàng thức luôn có sẵn vô số tập khí sai biệt, không chỉ tập khí của chủ thể nhận thức mà còn tập khí của đối tượng nhận thức, tập khí của mọi nghiệp lực xa xưa. Khi có điều kiện thích hợp thì các hạt giống trở thành hiện hành, nghĩa là xuất hiện trở lại ở tầng ý thức; bấy giờ hạt giống đã có nội dung mới, vì nó đã được tưới tẩm trong tàng thức. Có thể nói rẳng mọi hạt giống đều chứa đựng toàn thể thế giới hiện tượng; và vào lúc hiện hành sau khi đã được tưới tẩm, nó chứa đựng toàn thể thế giới hiện tượng trong phạm vi khu biệt mà ý thức cần xử lý. Hạt giống tốt khi hiện hành cung cấp cho ý thức nhận thức đúng tốt trong việc xử lý để có hành động đúng tốt về thân và khẩu, nghĩa là hành động đem lại an lạc cho chính chủ thể nhận thức cũng như cho môi trường sống của chủ thể ấy. Đây cũng chính là một kết quả đáng mong muốn của hoạt động giáo dục.

3.3.5. Tạm kết luận về giá trị giáo dục của Duy Thức học

Phật giáo quan niệm rằng mọi chúng sinh đều có Phật tính. Duy Thức học cung cấp một phương pháp luận giúp hướng dẫn con người rèn luyện để đạt đến nhận thức đúng về thế giới hiện tượng, từ đó có những phản ứng thích đáng đối với thế giới ấy hầu mang lại an lạc cho mình, cho người và cho môi trường.

Bằng việc phân tích tâm lý con người, vốn là một hiện tượng vô cùng phức tạp, Duy Thức học đã thấy ra được chiều sâu tâm thức và phương pháp chuyển biến tâm thức từ xấu thành tốt. Việc nghiên cứu tâm lý mang tính nội quan là điều đã được Đức Phật dùng chính sắc thân của Ngài làm phòng thí nghiệm trong suốt sáu năm tu khổ hạnh cách đây hơn 25 thế kỷ, và được các vị Tổ sư dày công tìm hiểu trong giáo nghĩa mà Đức Phật đã truyền giảng để hệ thống hoá giúp chúng ta hiểu rõ, đã được truyền thừa hàng thiên niên kỷ. Tâm lý học phương Tây thực ra chỉ xuất hiện biện pháp thực nghiệm từ khi Wilhelm Wundt thiết lập phòng thí nghiệm đầu tiên ở Đại học Leipzig vào năm 1879. Điều quan trọng hơn, tâm lý học mà Duy Thức học trình bày mang nội hàm vô ngã, trong khi tâm lý học phương Tây vẫn ôm ấp tư duy hữu ngã, một trong những trở ngại chính khiến mọi tiến bộ của khoa học kỹ thuật cuối cùng đều biến thành công cụ trong tay giới thượng lưu, tiếp tục đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo, tiếp tục đem lại khủng hoảng. Có lẽ đã đến lúc khoa Tâm lý Giáo dục cần thay đổi cách nhìn để thử áp dụng một biện pháp giúp người được giáo dục có khả năng định vị đúng họ đang đứng ở đâu trong thế giới loài người; từ đó mới có thể có những giải pháp phát triển mang tính bền vững.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

4. Định hướng giáo dục theo quan điểm Duy thức học

Qua các trình bày trên, có thể thấy hiện tượng tâm lý của con người là vô cùng phức tạp, bị tác động bởi các yếu tố mà Tâm lý học phương Tây gọi là bản năng, vô thức hay nhu cầu; những điều mà Duy Thức học cho là xuất phát từ hạt giống của tâm thức, một yếu tố có thể chuyển ác thành thiện, một yếu tố đóng góp vào kết quả của giáo dục. Cũng các trình bày trên cho thấy trong hệ thống tâm lý của Duy Thức học, vai trò chuyển biến của Ý thức là hết sức quan trọng, vì tuy Mạt-na thức và A-lại-da thức có những vai trò quan yếu nhưng quá sâu kín, khó thấy; trong khi Ý thức có biểu hiện hoạt động bên ngoài để nhận biết được; do đó, có lẽ việc ứng dụng Duy Thức học vào giáo dục cũng bắt đầu từ những biện pháp tác động vào ý thức.

Do hạt giống trong Tàng thức có khả năng chuyển biến dựa trên nội dung của chính Tàng thức, một trong những biện pháp áp dụng được là ngay từ rất sớm, các nhà giáo dục cần giới thiệu cho trẻ em những hành vi có kiểm soát để những chủng tử tân huân đưa vào tàng thức của các em luôn là những hạt giống tốt.

Theo quan điểm Phật giáo, trong tàng thức của trẻ em vẫn có sẵn những hạt giống được gọi là chủng tử bản hữu, tuỳ theo túc nghiệp (những hành vi gây tạo kết quả trong các đời trước) của các em là tốt hay xấu mà trong hiện tại các em gặp được môi trường thuận lợi hay bất thuận lợi. Thế nhưng việc gieo trồng từ rất sớm vào tâm thức các em những hạt giống tốt sẽ là những yếu tố làm giảm tác động của các hạt giống xấu có sẵn, nếu có. Đây là quan điểm thai giáo[1] [dạy con từ trong bụng mẹ] của các Phật tử Việt Nam vẫn được truyền dạy từ mẹ cho con gái suốt hàng ngàn năm qua, hiện nay đang trở thành một phong trào được nhiều bà mẹ trẻ ở Việt Nam tìm hiểu. Thai giáo chỉ là một phần rất nhỏ được ứng dụng từ Duy Thức học.

Đề nghị mà tham luận này muốn đưa ra là các nhà giáo dục nên quan tâm đến một định hướng giáo dục theo quan điểm của Duy Thức học, mà điều trước tiên có thể làm ngay là nên tổ chức nghiên cứu về phương pháp luận của Duy Thức học. Vì Duy Thức học là một tông phái Phật học hướng đến giải thoát, ngôn ngữ Duy Thức học hiện hành vẫn sử dụng nhiều khái niệm trình bày bằng thuật ngữ cổ điển, khó hiểu bên cạnh những khái niệm Phật giáo có thể gây ngộ nhận. Có lẽ việc cần làm trước hết là chuẩn bị thêm những tài liệu về Tâm lý học Phật giáo như các tác phẩm Tâm lý học Phật giáo của tác giả Thích Tâm Thiện và tác phẩm Lý thuyết Nhân tính qua Kinh tạng Pali của Hoà thượng Thích Chơn Thiện qua bản dịch của dịch giả Tâm Ngộ, có sử dụng nhuần nhuyễn thuật ngữ Tâm lý học hiện đại, sao cho nhận thức về Tâm lý học Phật giáo được mở rộng. Có thể không cần thiết định danh đó là Tâm lý học Phật giáo, mà chỉ thấy rằng đấy là một hệ thống tâm lý học có khả năng bổ sung cho quan điểm Tâm lý học chính thống hiện hành.

Về lâu về dài, có thể tổ chức những cuộc hội thảo hội nghị về việc áp dụng Duy Thức học vào giáo dục với sự tham dự của các nhà nghiên cứu có liên quan đến giáo dục, tâm lý học, triết học, sinh học, y học, xã hội học… để khẳng định vai trò Tâm lý Giáo dục của Duy Thức học, điều mà hiện nay vẫn còn gặp khó khăn ở thế giới phương Tây.

Tại mục từ Psychology trong Encyclopedia of Buddhism, sau khi trình bày giá trị tâm lý học Phật giáo và những khoảng cách giữa nền tâm lý học này với những quan điểm Tâm lý học phương Tây, giáo sư Luis Ó. Gomez Rodríguez[2] đã kết luận như sau: “Rất nhiều khả năng là các nhà tâm lý học khoa học, bất kể lĩnh vực nghiên cứu của họ là gì, không muốn mô tả học thuyết và những phương pháp thực hành Phật giáo là tương đương với bất kỳ một nền tâm lý học phương Tây nào. Ngược lại, thật khó để tưởng tượng rằng một người đã đặt niềm tin vào Phật giáo, đã thực hành Phật pháp, lại sẵn lòng quy giản hệ thống niềm tin và sự thực hành của mình thành một thứ gì đó được coi là thực nghiệm hay khoa học. Thế nhưng, nếu lịch sử là một người thầy có hiệu quả, chúng ta có thể hy vọng tìm được một sự thúc đẩy chung ngày càng mạnh mẽ giữa hai phong cách nghiên cứu và trị liệu cho con người như một thể thống nhất của thân và tâm”[3]. Phải chăng nền giáo dục Việt Nam có thể bắc cầu cho niềm mong đợi nói trên?

Tài liệu tham khảo:

1. Encyclopedia Britannica, https://www.britannica.com/

2. Phật Quang Đại tạng kinh Biên tu Uỷ viên hội, Phật Quang Đại Từ Điển, Sa-môn Thích Quảng Độ dịch, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản

3. Robert E. Buswell, Jr. Tổng Biên tập Encyclopedia of Buddhism, MacMillan Reference USA, 2004.

4. Thích Nhất Hạnh, Giảng luận Duy Biểu học, Biết rõ sự vận hành của tâm, nxb Lá Bối, 1996.

5. Thích Thiện Siêu, Luận Thành Duy Thức, nxb Văn hoá Sài gòn, 2006.

6. Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali, Tâm Ngộ dịch từ luận án Tiến sĩ The Concept of personality revealed through the Pancanikaya, nxb Phương Đông, Sài Gòn (2006).

7. Thích Tâm Thiện, Tâm lý học Phật giáo,

8. Một số tài liệu trên Wikipedia,

 

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bài viết liên quan

Phản hồi