Tượng Composite- Nghệ thuật hay là ánh trăng lừa dối?
Đi tìm chất liệu mới để đáp ứng nhu cầu nghệ thuật Phật giáo phục vụ quần chúng là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, nghệ thuật Phật giáo là biểu tượng của chân lý, nên không thể nào là một ánh trăng lừa dối, mà cần phải đảm bảo tính quy chuẩn sao cho phù hợp với kinh điển, truyền thống văn hoá, lịch sử của từng quốc độ, mang hơi thở của thời đại. Đặc thù của nghệ thuật Phật giáo là truyền bá Phật giáo thông qua các biểu tượng thuần tuý, thay đổi theo từng thời đại, quốc độ khác nhau, nên phản ánh đặc trưng của lịch sử văn hoá Phật giáo trong một bối cảnh nhất định, nhưng lại bao hàm rất nhiều lĩnh vực. Tạc tượng Phật chỉ là một phương diện của lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố di sản văn hoá Phật giáo về sau.
Ngày nay, Composite được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Đây là chất liệu tạc tượng Phật được mọi người quan tâm, phát triển song song với các chất liệu truyền thống như tượng đá, gỗ, đồng, gốm, sứ… Tuy nhiên Composite không chỉ là tượng nhựa vì bản chất Composite là chất liệu hỗn hợp, nên rất đa dạng. Thí như dòng tượng bột đá, đá ép thực chất là Composite được tạo thành từ bột đá và nhựa, người ta gọi là tượng đá ép để nâng giá thành lên. Tượng tự các hỗn hợp khác như bê tông cũng là Composite, vì nó là một hỗn hợp được cấu thành.
Dòng tượng thạch cao, xi măng cốt thép ở miền Nam là một dạng đặc thù, giá thành rất rẻ, phù hợp với túi tiền bình dân của nhiều người. Tuy nhiên, gần đây lại xuất hiện lan tràn những pho tượng Phật rất lớn được tạo thành bởi bê tông, cốt sắt, hay cốt inox, gạch vụn, quét màu đất được mệnh danh là gốm mộc hay hỗn hợp đất sét trộn với hoá chất được gọi là gốm không nung, nhằm đánh tráo khái niệm, chứ thật chất đó là Composite. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến nghề gốm, những người làm nghệ thuật chân chính.
Nói nôm na cho dễ hiểu, đã là gốm thì phải nung, còn trái lại, dù nguyên liệu gốc là đất sét, có phụ gia bất cứ thành phần nào thì vẫn là hỗn hợp Composite, chứ không phải là gốm. Như miền Tây, có chùa đất sét, các công trình nghệ thuật tại đây đều do đất sét tạo thành, từ tượng Phật, cho đến các pháp khí, linh thú, dù trải qua cả trăm năm vẫn bền vững, nhưng chẳng ai gọi đó là Chùa Gốm Mộc hay Chùa Gốm Không Nung. Nên bất cứ hỗn hợp nào, không phải đất sét, hoặc bao gồm đất sét, chưa trải qua quá trình nung, thì không thể gọi là gốm. Nếu có, đó chỉ là ngụy biện, xảo ngôn, để đánh lừa người tiêu dùng, nhằm tăng giá trị hàng hoá, phi thực tế. Điều này, sẽ hưởng xấu đến nghề gốm truyền thống cũng như di sản văn hoá Phật giáo về sau.
Do đó, cần phải phân biệt rõ Composite và gốm, nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá Phật giáo đúng nghĩa. Nghệ thuật Phật giáo không thể là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật Phật giáo phải là nghệ thuật chân chính. Vì Đạo Phật là đạo của sự thật. Không thể dựa vào bọn ngụy biện, xảo ngôn mà tồn tại.
Lý Diện Bích
Phản hồi