Tu sĩ trẻ trước làn sóng thời đại

Mục đích giáo hóa của đạo Phật là hướng chúng sanh đạt đến sự giải thoát chân chánh, phương pháp giáo hóa của đạo Phật là tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với từng cá thể chúng sanh hoặc tổ chức, để từ đó giúp các đối tượng chúng sanh đó nhận chân ra đâu là nguyên nhân khiến mình không đạt được hạnh phúc.

Phương pháp ấy chính là tinh thần nhập thế hay dấn thân của đạo Phật, một trong những cách thức đưa đạo Phật vào cuộc đời hiệu quả và tích cực nhất.
Như vậy, để có thể dấn thân bước vào xã hội hành đạo một cách thành công, thì tu sĩ Phật giáo, nhất là tu sĩ trẻ trong thời đại hôm nay cần phải làm những gì để có thể dấn thân vào xã hội. Trước tiên, chúng ta phải thấy rõ được nhưng tiềm năng tức cơ hội và đâu là những thách thức tức khó khăn trên con đường dấn thân phụng sự của mình.

Đất nước sau khi chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Vì thế, đời sống con người được nâng cao, tỉ lệ người nghèo ngày càng giảm xuống. Theo thông tin thống kê từ Ngân Hàng Thế Giới thì “Trong một vài thập niên vừa qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận về giảm nghèo. Hiện nay, tỷ lệ người nghèo đã giảm xuống còn dưới 10%”[1]. Chính vì đời sống vật chất của người dân Việt Nam nói chung và đời sống người Phật tử nói riêng ngày càng được nâng cao. Do đó, vấn đề hộ pháp cho Tăng Ni tu học nhất là về mặt tài chính được đảm bảo hơn so với các thời kì trước.

Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Phật giáo Việt Nam đã tiến hành hợp nhất các tổ chức Phật giáo thành một tổ chức Phật giáo duy nhất với tên gọi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam vào năm 1981. Đây là tổ chức giáo hội được nhà nước ủng hộ và hậu thuẫn, vì thế các tăng ni thuộc tổ chức giáo hội này cũng được nhà nước thế quyền tạo các điều kiện thuận lợi để hoạt động và phát triển.

Xã hội phát triển thì hệ thống giáo dục cũng ngày được đẩy mạnh như: “Trong năm 1981, Trường Cao cấp Phật học VN đã được thành lập tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội. Sau 35 năm, đến nay Giáo hội có 4 Học viện mà tiền thân là Trường Cao cấp Phật học VN: Học viện Phật giáo tại Hà Nội, tại Huế, tại TP.HCM và tại TP. Cần Thơ. Hệ cao đẳng Phật học có 8 cơ sở đào tạo lớp cao đẳng Phật học và cả nước hiện nay có 35 trường trung cấp Phật học. Hầu hết các tỉnh đều mở lớp sơ cấp Phật học. Thành tựu nổi bật sau 38 năm của công tác đào tạo Tăng Ni là việc GHPGVN đã chủ động gửi các Tăng Ni sinh đi du học nước ngoài, GHPGVN đã được Nhà nước cho phép đào tạo hệ cao học thạc sĩ, tiến sĩ Phật học tại Học viện Phật giáo VN tại Hà Nội và Học viện tại TP.HCM.”[2]

Nhân loại bước vào thiên niên kỷ mới cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt đỉnh cao của thời đại công nghệ số. Xung quanh chúng ta đầy đủ các loại đường truyền liên kết con người với thế giới bên ngoài thông qua các thiết bị truyền thông điện tử: laptop, ipad, điện thoại di động, internet… Đó được xem là những tiện ích của thời đại mới, một phương cách hoằng pháp, truyền bá đạo Phật nhanh nhất và rộng khắp toàn cầu so với ngày xưa. Công nghệ số là một phương tiện hữu ích trong việc nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin trong xu thế kết nối toàn cầu hiện nay như các website, facebook, zalo, twitter, các trang tài khoản cá nhân … Công nghệ thông tin ngày càng phát triển, mang lại nhiều tiện ích, nhưng đồng thời cũng để lại hệ quả đáng tiếc cho người sử dụng[3].

Hiện nay, tăng ni trẻ tham gia mạng xã hội rất nhiều và đa số mang tinh thần truyền tải Phật pháp, triết lý giác ngộ, giải thoát cao thượng của Đức Phật và con đường tu tập, hướng thiện đến cho mọi người, phục vụ cho công tác hoằng pháp lợi sanh trong thời hiện đại. Với những tu sĩ đã định hình được nhân cách tu tập tốt, nó trở thành một phương tiện hữu ích trong sự nghiệp hoằng pháp và giúp họ trau dồi thêm nền tri thức nội điển cũng như ngoại điển. Tuy nhiên, Công nghệ thông tin phát triển quá nhanh, một bộ phận nhỏ tăng ni sinh trẻ bị động trước những thay đổi đó, lạm dụng các tiện ích công nghệ thông tin, dành quá nhiều thời gian vào chúng dẫn đến lối sống buông thả, mất tự chủ khi tham gia facebook, zalo và các trang mạng xã hội, đã đăng tải những hình ảnh mất oai nghi, đầy phản cảm khi sử dụng công nghệ thiếu chọn lọc, có những biểu hiện tiêu cực, phóng túng, gây ô nhiễm trong đời sống tu hành, ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội và gây mất niềm tin nơi quần chúng Phật tử. Với những ai thiếu ý chí tu học, đạo tâm thanh tịnh, nó sẽ tác động đáng kể đến quá trình hình thành nhân cách và nhãn quan tu hành của họ.

Nguyên nhân chính là do các tăng ni sinh trẻ bị động trước những công nghệ hiện đại, ý thức tự giác thúc liễm thân tâm trong đời sống tu tập và việc hành trì giới luật ngày càng giảm sút. Bản thân mỗi người thiếu tính tự giác, ỷ lại và phóng túng, a dua và tham vọng.

Con người thời nay đạo tâm có phần giảm sút, nhiều người đến với đạo không phải vì chí nguyện cần cầu giải thoát, mà vì hoàn cảnh đưa đẩy, đời sống vật chất chi phối, chưa ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của những người xuất gia chân chính, với lý tưởng hoằng pháp lợi sanh, báo Phật ân đức.

Gần đây, những thông tin về các tu sĩ phạm giới, sa đọa, mất oai nghi… xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang mạng xã hội và trang cá nhân. Rất nhiều những “comment” phê phán, những thái độ bức xúc, thậm chí tẩy chay… đã dành cho chủ nhân của những bức ảnh đó. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực từ các bức ảnh không chỉ gây giảm thiểu lòng tin từ giới Phật tử nói riêng mà còn gây ngộ nhận, hiểu lầm cho không ít quần chúng nói chung khi nhìn về một bộ phận Phật giáo với cái nhìn thiếu thiện cảm. Do tính tương tác cao và không được kiểm soát trong nội dung đăng tải nên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, twitter… được xem là nhạy cảm ở nhiều nước.

Giới luật của Phật giáo không cấm các tu sĩ sử dụng internet và tạo tài khoản trên các trang mạng xã hội nên một số tu sĩ trẻ có đời sống thiếu sự kiểm thúc lục căn khi tham gia facebook phần nào ảnh hưởng đến Phật giáo và quần chúng phật tử khi đăng tải những hình ảnh mất oai nghi và đầy phản cảm. Một số ít chưa nghiêm trang trong cách nói chuyện với nhau giữa tu sĩ và Phật tử hay ngược lại, chưa thể hiện sự mẫu mực cần có. Họ chưa ý thức được rằng: trang mạng cá nhân, cũng là trang mạng xã hội, nó không đơn thuần như một quyển nhật ký cá nhân chỉ viết cho một mình mình đọc, mà là viết cho toàn xã hội đọc. Qua những gì chúng ta trình bày trên trang mạng cá nhân đó, nó sẽ phản ánh tính cách con người của chúng ta cho mọi người biết.

Do bên ngoài xã hội ngày một phát triển, phương tiện cuộc sống quá đầy đủ tiện nghi, tiện ích, mọi thứ đều rất dễ dàng tiếp cận. Các bậc tôn đức cao niên phần lớn chưa tiếp cận được hết với mọi “thủ thuật” trong công nghệ nên khó khăn trong vấn đề quản lý, giám sát, theo dõi cách sử dụng công nghệ của đồ chúng đệ tử. Giáo hội mới chỉ quan tâm đến công tác điều hành và quản lý hành chính nhân sự chứ chưa có biện pháp quản lý và giáo dục việc sử dụng công nghệ của tăng ni trẻ một cách hợp lý.

Cần đưa ra những giải pháp tích cực về chủ quan lẫn khách quan nhằm định hình tư cách phẩm hạnh và khả năng tu tập của người xuất gia trẻ khi tham gia sử dụng các tiện ích xã hội sao cho đúng với mục đích và lý tưởng xuất thế, xứng đáng là những “sứ giả Như Lai” đầy đủ tâm đức và trí đức để thừa hành mạng mạch, hoằng truyền chánh pháp trong thời hiện đại.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm có dạy rằng “Việc sử dụng mạng xã hội mất kiểm soát, thiếu tinh thần tỉnh giác sẽ làm bản năng thấp hèn của con người được kích hoạt. Người ta có thể nói ra bất cứ điều bậy bạ nào họ suy nghĩ mà không sợ bị phê phán; người ta có thể chửi mắng bất cứ ai họ ghét mà không sợ bị vạch mặt chỉ tên… bởi vì họ giấu con người thật của mình đằng sau những nickname và những hình ảnh không thật của họ… Một “quốc độ” như thế làm sao người Phật tử xuất gia có thể “nhập tịch” làm cư dân cho được?”[4]. Đây là lời dạy của bậc tôn túc nói rõ hiện trạng thực tế về việc sử dụng công nghệ thông tin một cách sai lệch và nguy hại cho đời sống tâm linh, mỗi hành giả cần tự trang bị cho chính bản thân sự chánh kiến và chánh tư duy, tinh tấn tu học kinh điển hơn là dành thời gia vô bổ với chúng.

Vì vậy sử dụng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát là một mối nguy hiểm cho bản thân Tăng Ni trẻ và là thách thức lớn cho Giáo hội các cấp trong việc quản lý và giáo dục thế hệ kế thừa sự nghiệp hoằng dương Chính pháp sau này.

Các tăng ni trẻ thời đại ngày nay ít được giáo dục, định hướng cho con đường thực tập đời sống nội tại tâm linh. Mối liên hệ thầy trò là một trong những mối quan hệ huyết thống tâm linh tuyệt diệu nhất. Thế nhưng, các bạn trẻ ngày nay xuất gia sau đó liền được gửi vào các trường học mang nặng tính chất giáo dục tri thức, học thuật. Các vấn đề cốt lỗi cho việc thực hành để có được một sự nội chứng tâm linh vững chãi dường như là không được chú trọng, đào sâu. Dẫn tới ngắt kết nối trong mối quan hệ huyết thống tâm linh. Hơn nữa, tiện nghi vật chất đã dẫn đến sự tha hóa trong tinh thần. Đời sống vật chất ngày càng phong phú, tăng ni trẻ dường như bị rơi vào các nhu cầu cá nhân quá mức mà quên đi mục tiêu, chí nguyện vì tha nhân của mình.

Tăng ni cần phải nâng cao ý thức của một người xuất gia, tự khép mình trong nếp sống thiền môn, quy củ, thực hành theo lời Phật dạy và tìm cho mình một bậc minh sư và những pháp môn tu tập chuẩn mực, thu rút lục căn và kiểm thúc oai nghi. Cần ý thức rõ ràng vai trò và trách nhiệm “Tác Như Lai sứ- hành Như Lai sự”, mang trong mình hoài bão “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, dành nhiều thời gian cho việc trau dồi giới hạnh, hướng đến một đời sống cao thượng, lập nguyện độ sanh.

Trong thời đại công nghệ 4.0, nhiều cơ sở, tổ chức Phật giáo đã và đang quan tâm cũng như mạnh dạn ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm tạo sự hiện đại, thân thiện và phù hợp với thời cuộc. Đây cũng là một ưu thế rất quan trọng, giúp nắm bắt những tiện ích truyền bá Phật pháp nhanh nhất và rộng khắp. Kinh điển được số hóa, và lưu trữ tạo thành thư viện kỹ thuật số trên hệ thống “Cloud”. Hay như việc sử dụng hệ thống Internet để phổ biến giáo lý là một sức mạnh to lớn đối với sự phát triển của Phật giáo. Các giảng sư có thể chuyển tải những tài liệu của họ vào mạng Internet và mọi người đều có thể truy cập được. Như vậy, việc truyền dạy Phật pháp nhanh hơn và thuận lợi hơn. Công nghệ lưu trữ toàn bộ hệ thống Tam tạng kinh điển Phật giáo, những bài thuyết giảng của các vị giảng sư. Các tăng sĩ, Phật tử cũng dễ tiếp cận và khai thác tư liệu để tu học được thuận tiện và tốt hơn trong thời kỹ thuật số.

Chúng ta thấy trước đây các vị trưởng thượng có nhiều bài giảng hay, lỗi lạc về Phật học nhưng ít người biết đến, trong khi ngày nay, tu sĩ trẻ được nhiều người biết đến một cách nhanh chóng, đây là phương pháp hiệu quả để Phật pháp được phổ biến hay nói cách khác giúp cho việc hoằng pháp có hiệu quả. Điều này giúp hình ảnh Tăng đoàn, hình ảnh Phật giáo được lan toả rộng rãi và quen thuộc đối với quần chúng, mà không quá vất vả trực tiếp trên mọi nẻo đường nữa mà sử dụng các trang mạng xã hội, không còn khoảng cách về không gian và thời gian. Việc sử dụng trang mạng của các cơ sở Phật giáo sẽ tạo sự nối kết, liên hệ giữa tăng ni, cộng đồng Phật tử và thế giới…

Công tác quản lý hành chánh trước đây khá thô sơ và cổ điển, đôi khi không mang tính khoa học và nhất quán ở các tu viện Chuyển đổi số sẽ giúp số hoá tài liệu bằng cách chuyển toàn bộ tài liệu bản cứng này sang dạng tài liệu mềm thuận tiện cho việc sàng lọc, tìm kiếm, đánh giá và chia sẻ thông tin, kéo dài tuổi thọ của tài liệu và tiết kiệm không gian lưu trữ và thuận lợi trong việc quản lý, điều hành. Việc ứng dụng các phần mềm, giải pháp công nghệ vào quá trình xử lý dữ liệu sẽ giúp các tổ chức đơn giản hoá quá trình xử lý và quản trị cơ sở dữ liệu của tổ chức của mình.

Trong tác phẩm “Đạo Phật ngày nay”, ở phần “Hiện đại hóa”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết rằng: “Mỗi lần xã hội biến thiên với những cơ cấu sinh hoạt của nó, là mỗi lần đạo Phật phải chuyển mình vươn tới những hình thái sinh hoạt mới để thực hiện những nguyên lý linh động của mình. Sau mỗi lần lột xác như thế, đạo Phật biến thành trẻ trung và lấy ngay lại được phong độ và khí lực của thời nguyên thủy”. Cần phải thực hành tâm linh để nâng cao năng lực nội tại của mỗi cá nhân. Thực hành tâm linh mà nhóm thuyết trình muốn đề cập ở đây là thực hành những phương pháp thiền tập nhằm giúp hành giả quay về bên trong, đi sâu vào bản chất để nhận diện, chuyển hóa và thăng hoa tâm thức.

Vai trò của thiền đã được đức Phật nhiều lần khẳng định trong các bản kinh lưu truyền lại: “đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý chứng ngộ Niết bàn”[5]. Điều cần lưu ý ở đây, dù có vai trò gì thì mục đích tối hậu của việc hạ thủ công phu trong thiền tập đó là nhận diện và chuyển hóa được những gốc rễ khổ đau vi tế trong tâm thức mỗi người ngay từ cuộc sống thường nhật đến đời sống tu tập. Nhờ vào công phu thực hành thuần thục, thường quan sát những tâm sở vi tế khởi lên trong tâm, khi đối diện với những chướng duyên từ ngoại cảnh, hành giả sớm phát hiện những trạng thái tâm bất thiện đang sinh khởi. Vì sớm được nhận diện nên những tâm bất thiện nhanh chóng bị suy yếu và chuyển hóa thành dạng tâm thức phẳng lặng, an yên. Theo nghiên cứu của David Hawkins[6], sự đau khổ, tuyệt vọng và oán thán có tần số rung động thấp, khiến người ta mang bệnh. Ngược lại, hòa ái, từ bi, an bình có tần số rung động cao khiến mọi người khỏe mạnh và hạnh phúc.[7]

Như vậy, có thể thấy rằng việc thực hành tâm linh là cần thiết đối với mỗi Tăng Ni trong con đường tu tập tự thân để có thể trở thành một “con người của chân lý, sống với chân lý nhưng không chấp trước vào chân lý”[8], mang đúng nghĩa của Phật giáo đi vào cuộc đời trước thời cuộc đầy rối ren trong ý thức hệ.

KẾT LUẬN

Trong suốt chiều dài đi tìm chân lý và thực hiện mục tiêu giải phóng con người thoát khỏi đau khổ, bế tắc của cuộc đời. Đức Phật Thích Ca đã sống hết mình vì chúng sanh, và Ngài chính là tấm gương nhập thế tiêu biểu nhất của lịch sử Phật giáo. Kế đó nữa là những vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni chân chính của Ngài, họ đã sống quên mình vì tha nhân, vì mưu cầu hạnh phúc của chúng sinh. Sau cùng, là những người Phật tử có tâm hồn thánh thiện, họ cũng lấy đại thể làm chánh sự cho đời mình. Họ cũng hi sinh những lợi ích tầm thường để hướng tới tình yêu cao đẹp hơn, tình nhân loại. Thế hệ hậu học tu sĩ trẻ thời đại hôm nay, chúng ta phải nỗ lực hết mình để hoàn thiện nhân cách cá nhân, trau dồi kiến thức nội ngoại điển, để dấn thân vào cuộc đời, xây dựng một tịnh độ ngay giữa trần thế. Đồng thời, chúng ta cũng không cho phép đánh mất vai trò và nhiệm vụ của người tu sĩ là con đường tu tập giải thoát. Lợi người, lợi mình, đời này, đời sau chính là lý tưởng của tinh thần nhập thế của Phật giáo vậy.

——————————
[1] https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=hoi-thao-tai-khanh-hoa-2018/tang-ni-tre-voi-viec-su-dung-mang-xa-hoi-thoi-dai-cong-nghe-so-422.html (Truy cập vào ngày 5 tháng 1 năm 2020).

[2] Thích Đức Thiện, phát biểu tại lễ kỷ niệm 35 năm Học viện Phật giáo VN – TP.HCM, 2019

[3] http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/kinh-te-viet-nam-40-nam-qua-duoi-goc-nhin-quoc-te-97459.html , truy cập ngày 20/4/2015.

[4] https://giacngo.vn/hoa-thuong-thich-bao-nghiem-tang-ni-tre-phai-chinh-niem-khi-su-dung-mang-xa-hoi-post54240.html (Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2021).

[5] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, Tr. 445.

[6] David Hawkins (1927-2012): bác sĩ, nhà tâm thần học, nhà khoa học thực nghiệm về ý thức nổi tiếng tại Mỹ. Ông đã làm nhiều nghiên cứu thông qua khoa học lượng tử để đo tần số rung động của mỗi người và cho ra đời Bản đồ ý thức (cới thang đo từ 1-1000) thể hiện khái quát tình trạng sức khỏe thể chất, cảnh giới tinh thần của con người bằng con số cụ thể.

[7] David R. Hawkins, Power vs Force, Quế Chi – Hoàng Lan dịch, Hà Nội, Thế Giới, 2020.

[8] Thích Minh Châu, Trước sự nô lệ của con người, Sài Gòn, Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh, 1969.

Bài viết liên quan

Phản hồi