Từ Pháp Hoá Sanh

Trong kinh Pháp Hoa, khi nghe Đức Phật tuyên bố đạo Nhất Thừa, ngài Xá Lợi Phất cảm thán:”Ngày nay mới biết mình thật là Phật tử, từ miệng Phật sanh, từ pháp hoá sanh, đặng pháp phần của Phật”. Vì nghe Đức Phật nói tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật, nên Tôn giả Xá Lợi Phất ba phen thưa thỉnh cầu Đức Phật khai thị pháp Đại Thừa. Do Niết bàn của hàng Thanh Văn chỉ là hoá thành, chưa phải bảo sở nên gọi là đặng pháp phần của Phật. Thanh Văn là người nghe pháp ngộ đạo, nên quý ngài phải trải qua quá trình văn -tư – tu vậy. Tức nhờ nghe đọc, suy nghĩ và thực hành mà giác ngộ.

Pháp tu Nhĩ Căn Viên Thông của Bồ Tát Quán Thế Âm, không ngoài tiến trình đó. Nhưng sự thực hành sâu sắc hơn, nên Ngài không chỉ chứng phần giác như Tôn giả Xá Lợi Phất mà là toàn giác.

Kinh Lăng Nghiêm nói:

“Ban đầu, ở trong tính nghe, vào được dòng viên thông, không còn tướng sở văn nữa. Trần tướng đã vẳng lặng, hai tướng động, tĩnh rõ thật không sinh. Như vậy thêm lần, các tướng năng văn, sở văn đều hết. Không dừng lại nơi chỗ dứt hết năng văn, sở văn mà tiến lên nữa, thì năng giác, sở giác, đều không. Không giác tột bậc viên mãn, các tướng năng không, sở không đều diệt. Sinh diệt đã diệt, thì bản tính tịch diệt hiện tiền”. ( Tâm Minh- Lê Đình Thám)

Do ngã pháp vốn không, nên vượt hẳn lên trên hàng nhị thừa còn kẹt nơi chấp pháp. Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Cổ Phật thị hiện, tương lai sẽ thành Phật nơi cõi Tây Phương Cực Lạc. Cổ Phật đây, không nhất định là Đức Phật Chánh Pháp Minh Như Lai, mà chính là pháp thân thanh tịnh. Nên Kinh Pháp Hoa nói:” Tất cả chúng sanh đều đã thành Phật”. Đó là về mặt bản thể.

Thực trạng sự tu học của chúng ta ngày nay, so với ngài Xá Lợi Phất còn kém xa, chẳng được pháp phần nào cả sao có thể làm bạn với chư Bồ tát Bất thối nơi cõi Tây Phương Cực Lạc? Vì chúng ta không chịu từ miệng Phật sanh, từ pháp hoá sanh nên không được phần giác. Do không y cứ vào kinh điển tu tập mà mãi dùng trí phàm phu phản biện đúng sai, cao thấp. Chẳng những không hiểu thấu hạnh lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm mà càng tu theo Ngài càng không tự tại. Bởi chúng ta luôn tin vào sự cứu giúp của Bồ Tát Quán Thế Âm mà không tự nhìn lại sửa mình. Càng niệm danh hiệu Bồ Tát càng tham cầu, không biết chuyển hoá chất liệu tham cầu kia thành trí tuệ. Nên mãi bị tư tưởng chấp thật trói buộc, không thể giải thoát được. Còn đối với Bồ Tát Quán Thế Âm tất cả đều giả cả. Những thành tựu do chúng ta trì danh Quán Âm là “ Dĩ huyễn độ huyễn”. Vì Ngài “ Soi thấy năm uẩn đều không”.

Pháp môn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm bắt đầu bằng niềm tin vào lòng từ bi của Bồ Tát để chuyển hoá tất cả những rắc rối của thế gian, xây dựng một hoá thành thông qua nguyện vọng của phàm phu thoát khỏi bát khổ hiện tại, nhưng kết thúc bằng trí tuệ, đó là từ đa cầu chuyển thành nhất niệm, nhờ có niệm lực, nên định, tuệ và giới vô lậu phát sinh. Đó chính là giải thoát như Kinh Phổ Môn dạy: “ Người nào lễ bái, cúng dường, trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ hết tham dục, sân hận và si mê”. Nên lực dụng của pháp trì danh Quán Âm thành tựu cả thế gian và xuất thế gian. Nó dành cho những chúng sanh hạ căn chấp ngã ham sống sợ chết, thích những phù phiếm danh lợi tình tiền, chưa sẵn sàng nhàm chán cõi này, để vãng sanh tịnh độ, mà vận dụng tất cả phương tiện thế gian để dẫn dụ họ thoát ra khỏi căn nhà lửa tam giới, từ vãng sanh tịnh độ cho đến chứng quả Vô Thượng Bồ Đề.

Kinh Địa Tạng nói, bất cứ chúng sanh nào chỉ cần thấy hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ không còn thối chuyển Phật quả. Nghĩa là chắc chắn trong tương lai họ sẽ thành Phật. Điều này chẳng thể nghi ngờ. Vì tánh thấy của chúng sanh biểu lộ thanh tịnh ngay khi tiếp xúc với hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm. Như hạt giống Kim Cang rơi xuống đất sẽ xuyên qua biên tế địa cầu chứ không hề mất. Huống chi kinh Pháp Hoa nói: “ Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh”. Nhưng thay vì gieo “ Viễn nhân thành Phật” như thế, tại sao chúng ta không dựa vào công huân tập văn – tư- tu để giải thoát cho chính mình ngay trong hiện tại tại và vị lai?

Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, không những hiện đời an ổn, mai hậu vãng sanh Cực Lạc, mà còn “ Kiến tánh thành Phật”. Đó là pháp môn tối ưu trong thời mạt pháp này. Nhưng chúng ta mãi si mê như kẻ đẻo cày giữa đường, chỉ niệm Bồ Tát mỗi khi có bệnh tật, tai nạn? Chẳng đoái hoài đến sự giải thoát sanh tử luân hồi.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “ Bồ Tát Quán Thế Âm hợp với bản giác diệu tâm thập phương chư Phật, cùng với chư Phật Như lai đồng một từ lực”. Cho nên, niệm Bồ Tát Quán Thế Âm là niệm tất cả chư Phật trong mười phương ba đời. Là an trụ trong lòng từ bi vô tận của các Đức Như Lai. Nhất định sẽ thành tựu Bồ Đề Tâm vững chãi. Vì tâm Bồ đề là lòng từ bi đặt trên nền tảng tánh không vậy.

Chỉ bằng cách kết nối tâm thức với Bồ Tát Quán Thế Âm, chắc chắn trong tương lai chúng ta sẽ thành Phật. Nhưng đủ niềm tin hay không tuỳ thuộc vào trí lực mỗi người. Nếu chúng ta xem Bồ Tát chỉ là đối tượng để cầu nguyện thì Bồ Tát sẽ hiện thân đúng với bản hoài của mình mà giúp đỡ. Nhưng mong muốn lớn nhất của Bồ Tát Quán Thế Âm là đánh thức Phật tánh nơi mỗi chúng sanh. Để mỗi chúng ta mãi là một hoá thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đem đạo Phật đi vào cuộc đời, đến với những nơi cùng khổ nhất. Đó là khi ta chấp nhận từ pháp hoá sanh.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.


Thích Như Dũng

Bài viết liên quan

Phản hồi