Trải qua “ba kiếp”, tượng Phật lớn nhất phía nam sông Dương Tử mới thành hình

Tượng Phật được tạc theo phong cách đặc trưng khiến bất cứ ai ghé qua cũng phải ngỡ ngàng.

Tượng Phật lớn nhất phía nam sông Dương Tử (Ảnh: QQ)

Tượng Phật lớn nhất phía nam sông Dương Tử (Ảnh: QQ)

Huyện Tân Xương nằm ở phía đông của tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, thuộc quyền quản lý của thành phố Thiệu Hưng. Đây là một huyện miền núi, đất đai khô cằn.
Tuy không nổi tiếng như nhiều thành phố ở Chiết Giang nhưng Tân Xương lại có không khí trong lành và nhiều di tích, công trình kiến trúc cổ kính. Đặc biệt, nơi đây là nơi tọa lạc của tượng Phật Di Lặc “độc nhất vô nhị”.
Ngôi chùa Đại Phật được xây dựng vào năm 486 ở Tân Xương, Thiệu Hưng, Chiết Giang. Ở mỗi nơi tại ngôi chùa đều xuất hiện các bức tượng Phật được chế tác tỉ mỉ. Tượng Phật Di Lặc bằng đá có lịch sử hơn 1600 năm là bức tượng trong hang sớm nhất ở miền nam Trung Quốc.
Tương truyền, vào năm 486, một nhà sư nhìn thấy ánh sáng của Phật xuất hiện trên vách đá Tây An, nên đã phát nguyện tạc tượng Phật Di Lặc tại đây. Sau đó, ông đi khắp nơi kêu gọi quyên góp bố thí, chuẩn bị chu đáo, mười năm sau mới chính thức bắt tay vào công việc.

Cận cảnh tượng Phật tại Tân Xương (Ảnh: Saturdaysoft)

Cận cảnh tượng Phật tại Tân Xương (Ảnh: Saturdaysoft)

Nhưng chỉ sau một năm, sức khỏe của vị sư đã kiệt quệ, ông chỉ có thể đục phác thảo đường viền khuôn mặt như phù điêu. Bệnh tật ngày một nặng hơn, trước khi qua đời, ông đã gọi người học trò của mình đến và dặn dò thế hệ sau phải tiếp tục hoàn thành bức tượng còn dang dở.
Sau này, người học trò đã nỗ lực thuyết phục mọi người cùng hoàn thành bức tượng nhưng không thành công.
Mãi đến năm 507, tượng Phật Di Lặc mới tiếp tục được người đời chú ý tới. Vị sư này là một tài năng bậc nhất về kiến trúc, điêu khắc thời bấy giờ. Nhờ có sự ủng hộ từ triều đình và tài năng của nhà sư này, nên không lâu sau, tượng Phật Di Lặc cuối cùng cũng được hoàn thiện.
Bức tượng mất khoảng 30 năm để hoàn thành, trải qua 3 đời nên được thế hệ sau này nhắc đến là tượng Phật “tam sinh tam thế”. Không chỉ vậy, tượng Phật Di Lặc còn ra đời sớm hơn 200 năm so với Tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn ở Tứ Xuyên.
Chiều cao của bức tượng là 13,74 mét, dái tai dài 2,8 mét, miệng rộng 1,28 mét, hai đầu gối cách nhau 10,6 mét. Không giống như tượng Di Lặc thông thường, bức tượng Phật lớn nhất ở phía nam sông Dương Tử có ngoại hình “gọn gàng” hơn thay vì có phần bụng lớn đặc trưng.
Quan sát kỹ, tượng Phật có đôi lông mày hiền từ, đôi mắt nhân hậu, dáng vẻ trang nghiêm, môi mỏng, hai dái tay chạm đến vai, dáng vẻ tổng thể thanh thoát, uyển chuyển. Theo lời kể của những người đã từng ghé qua, khi nhìn ngắm tượng Phật, người ta có cảm giác nhẹ nhõm và yên bình kỳ lạ.
Đặc biệt, tỷ lệ từng bộ phận của tượng Phật sử dụng nguyên tắc phối cảnh. Theo đó, phần đầu của bức tượng được cố tình phóng to, để khi mọi người nhìn vào có cảm giác cân đối. Tượng Phật Di Lặc không chỉ có ý nghĩa về mặt tôn giáo mà còn có giá trị nghệ thuật phi thường, thể hiện trình độ điêu khắc hàng đầu của thời đại lúc bấy giờ.

Theo Soha

Bài viết liên quan

Phản hồi