TP. Hồ Chí Minh: Lễ lạy kinh Ngũ Bách Danh và trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm tại chùa Hoà Khánh

PGĐS-Tối ngày 12/12/2022 (nhằm ngày 19/11 năm Nhâm Dần), chư Tăng, Phật tử tại chùa Hoà Khánh (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) đã làm lễ lạy kinh Ngũ Bách Danh và trì niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm nhằm cầu nguyện thế giới hòa bình, dịch bệnh tiêu trừ, nó chúng sanh an lạc.

 

Chứng minh và hướng dẫn buổi lễ là Thượng Toạ thích Quảng Pháp, trú trì chùa Hoà Khánh; TT. Thích Thiện Thật uỷ viên HĐTS, phó thư kí kiêm chánh văn phòng ban hoằng pháp TW; cùng chư tôn đức tại trú xứ và quý Phật tử xa gần cũng đã đến tham dự.

Được biết, buổi lễ được diễn ra vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 19 (âl) mỗi tháng và đây được coi như là khoá tu định kì mỗi tháng được duy trì trong suốt gần hai năm gần đây.

Được biết, kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm không có Đại tạng kinh. Trong Kiến Đàn Giải Uế Nghi của Thủy Lục Chư Khoa có lời tán thán Bồ Tát Quán Thế Âm: “Nhân tu sáu độ, quả chứng một thừa, thệ nguyện rộng sâu như biển lớn mênh mông không thể đo lường, từ bi cao lớn tợ trời xanh che trùm chẳng thấy ngằn mé, cúng thân bất hoại, rộng phát mười hai nguyện đẹp, trải vô lượng kiếp, linh ứng năm trăm tên lành.” Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang, Thủy Lục Chư Khoa, “một nghi thức cúng cô hồn dưới nước và trên cạn”, bên cạnh có lạy danh hiệu Quán Thế Âm có lẽ xuất hiện vào thế kỷ thứ 13, khi mà tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm ngàn tay ngàn mắt được truyền tụng rộng rãi vào thời đó.

Công đức lễ bái 500 lạy danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát rất lớn, tiêu diệt tội nghiệp, ma chướng đều trừ, thân tâm an lạc. Vì thế ngày nay, các chùa, Tổ Đình, Tu viện… đều có tổ chức hằng tháng, tổ chức ngày vía Quan Thế Âm 19 tháng 6 âm lịch, ngày vía Quan Thế Âm 19 tháng 9… và chùa Hoà Khánh cũng là nơi mà hàng Phật tử vân tập thực hành pháp sám hối này. Không những thế, nơi đây vào 8 giờ chủ nhật hàng tuần đều có diễn ra buổi lễ trì lạy chú Đại Bi tiếng Phạn, nguyện học theo hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm là lắng nghe, hiểu thấu và luôn bình đẳng với mọi loài, để giúp đời giúp người thông qua 84 hoá thân của Bồ Tát.
“Để dứt trừ ba nghiệp cần tu sám hối. Phàm là người sinh trong cõi Dục này, trừ các bậc đã hoàn toàn giác ngộ, thì không một ai tránh khỏi lỗi lầm, bởi ba nghiệp gây nên. Các tội lỗi đã từ ba nghiệp phát sinh, nên người muốn dứt trừ hết tội lỗi, tất nhiên phải đem ba nghiệp ấy để sám hối, thì tội lỗi mới được thanh tịnh.


Đức Phật dạy: “Nếu không có phương pháp sám hối thì tất cả các Phật tử không một ai mà được giải thoát”. Đó cũng chính là những ưu tư và chia sẻ của Thượng toạ trú trì khi được hỏi về ý nghĩa và động lực để thành lập nên đạo tràng lạy Ngũ Bách Danh.
Thượng toạ cho biết: “Nhân sinh tàn khuyết là lẽ thường. Trăng không thể tròn mãi, người cũng không thể như ý hoài. Để có một đêm trăng tròn sáng tỏ, là biết bao ngày tháng khuyết tàn. Để có một ngày giác ngộ, là bao tháng năm học hỏi, rèn luyện kiếm tìm và thay đổi bản thân. Chúng ta đừng chỉ vì những khiếm khuyết nhất thời mà đã vội từ bỏ. Học đạo làm người là một hành trình rất dài. Và đầy gian nan thử thách. Nhưng kết quả cũng lại rất tuyệt vời. Vậy nên chúng ta đừng vội thấy cuộc đời bấp bênh, nhân sinh không toàn vẹn hay cuộc đời nhiều tăm tối mà đã vội nản lòng.”

Nhân dịp này, chư Tăng đã nguyện hồi hướng năng lượng đến chư Phật tử bệnh nhân, nạn nhân, tai nạn, dịch nạn covid, mong tất cả mọi người đều có một sức khoẻ và đời sống tinh thần vững chãi để vượt qua mọi khổ ách trong đời.

Tường Chơn 

Bài viết liên quan

Phản hồi