TP. HCM: Truyền thống “Ẩm Thuỷ Tư Nguyên” trong ngày Huý kỵ Tổ Phi Lai và tưởng niệm Ni trưởng Thích nữ Diệu Tấn

PGĐS – Sáng ngày 24/03/2024 (nhằm ngày 15 tháng 2 Giáp Thìn), Chư Ni tại Tổ Đình Kim Sơn cùng môn đồ pháp quyến tưởng niệm huý kỵ Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền, cùng tưởng niệm 77 năm ngày Ni trưởng Thích nữ Diệu Tấn (1910-1947) – Khai sơn tổ đình Kim Sơn viên tịch.

Chúng đệ tử và môn đồ pháp quyến tại tổ đình Kim Sơn

Theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của người con Việt, cũng như truyền thống Hiếu Đạo của Phật giáo, Chư Ni tại chốn Tổ Kim Sơn luôn sống và tu tập trong sự Biết ân, Tri ân và Báo ân đến những Bậc tiền bối khai sơn kiến lập cũng như trùng kiến ngôi già lam mà mình nương náu, và việc tổ chức lễ tưởng nhớ đến chư vị Tổ Sư là biểu hiện của tinh thần “Hiếu Đạo” và “Ẩm thuỷ tư nguyên”.

Tổ Phi Lai thế danh Nguyễn Văn Hiển, húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, sinh tháng hai năm Tân Dậu (1861) tại xã Diêm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông Nội là Hộ Quốc Công Nguyễn Công Thành, triều vua Tự Đức. Thân phụ làm đến chức Tổng trấn Quảng Nam.

Tôn dung tổ Phi Lai – Chí Thiền

Năm Tân Tỵ (1881), Ngài tỏ ngộ lý vô thường, đến xin quy y xuất gia với Tổ Minh Khiêm – Hoằng Ân, trụ trì chùa Giác Viên, Giác Lâm Gia Định, được Tổ ban Pháp húy Như Hiển, hiệu Chí Thiền, nối pháp dòng Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 39. Năm Quý Dậu (1933), Ngài thọ bệnh và trước khi viên tịch Ngài chắp tay niệm lớn: “Nhất niệm viên quang tội tánh không, đẳng đồng Pháp giới hàm thanh tịnh”. Niệm xong Ngài an nhiên viên tịch vào ngày 15 tháng 2 năm Quý Dậu. Trụ thế 73 năm và 52 mùa an cư kiết hạ.

Chư Ni dâng cơm cúng dường và tưởng nhớ

Trong thời gian hơn 60 năm thi hành Phật sự, Hòa thượng đã Quy y Tam bảo cho hàng trăm Phật tử hữu duyên, và hơn 20 Tăng Ni xuất gia, trở thành Pháp khí cho Đạo pháp, góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, làm cho Tổ ấn quang huy, chúng sanh lợi lạc, tốt đời đẹp đạo như: Về Chư Tăng có HT. Hồng Pháp, hiệu Thiện Minh, HT. Hồng Diệu, hiệu Thiện Đạo, HT. Hồng Nhơn, hiệu Từ Nhẫn, HT. Hồng Tôi, hiệu Thiện Tường, HT. Hồng Xứng, hiệu Thiện Quang, HT. Hồng Mão, hiệu Thiện Tâm, HT. Hồng Nở, hiệu Thiện Hoa, tự Hoàn Tuyên, HT. Hồng Minh, hiệu Từ Hội (HT. Pháp Long), HT. Hồng Tòng, hiệu Thiện Tòng, tự Phổ Quảng, HT. Hồng Chương, hiệu Trí Đức (Y chỉ), HT. Hồng Trung, hiệu Thiện Tín (HT. Huệ Hải); Về Chư Ni có NS. Hồng Từ, hiệu Diệu Nga, NS. Hồng Trung, hiệu Diệu Hậu, NS. Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh, NS. Hồng Lầu, hiệu Diệu Tấn, NS. Hồng Tích, hiệu Diệu Kim, NS. Hồng Quý, hiệu Bửu Thanh, NS. Hồng Khoái, hiệu Bửu Chí, NS. Hồng Đắc…

Nhục thân Hòa thượng được nhập tháp trong khuôn viên chùa Phi Lai, thị trấn Chi Lăng, huyện Tịnh Biên, Châu Đốc.

Chư Ni tổ đình Kim Sơn, môn đồ pháp quyến đã dâng hương thành kính tưởng niệm 91 năm ngày Tổ Phi Lai – Tổ sư Như Hiển – Chí Thiền, cùng tưởng niệm, cung tiến Giác linh Ni trưởng Thích nữ Diệu Tấn tại Tổ đường.

Tôn dung Ni Trưởng Thích nữ Diệu Tấn

Ni sư Thích nữ Lệ Thuận, trụ trì tổ đình Kim Sơn đã dâng lời tưởng niệm, ôn lại hành trạng, công đức của Tổ Phi Lai cho đạo pháp, tông phong; cùng công lao to lớn của cố Ni trưởng Thích nữ Diệu Tấn, vị Ni trưởng khai sáng Ni trường Kim Sơn vào giữa thập niên 40 của thế kỷ trước tại Gia Định xưa.

Ni sư Thích nữ Lệ Thuận – trụ trì tổ đình Kim Sơn dâng lời tưởng niệm

Ni trưởng thế danh là Phạm Thị Xá, sinh năm 1910, húy Hồng Lầu,  Pháp hiệu Diệu Tấn. Nguyên quán tỉnh Sa Đéc, gia đình thuộc hàng trung lưu. Thân phụ là cụ ông Phạm Văn Quyền, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Hòa, Pháp danh Diệu Hậu.

Sau khi xuất gia tu học với Tổ Phi Lai tại Châu Đốc, Ni trưởng Diệu Tấn về lại Sài Gòn – Gia Định. Năm 1935, Ni trưởng ra Huế theo học các lớp dự thính tại chùa Từ Đàm, Báo Quốc, sau đó mới chính thức vào Ni trường Diệu Đức tu học.

Năm 1939, Ni trưởng mở Ni trường Kim Sơn tại Phú Nhuận. Nơi đây vốn chỉ là một thảo am nhỏ vách lá đơn sơ do một đạo hữu hiến cúng. Ni trưởng sửa sang lại ngôi Tam bảo cho trang nghiêm, mở Ni trường dạy chúng Ni cho đến năm 1945. Đây là Ni trường đầu tiên của đất Sài Gòn – Gia Định xưa và cũng là “tiền thân” của nhiều Ni trường do chư vị Ni tiền bối tiếp nối gầy dựng để nuôi chúng, đào tạo Ni tài. Năm 1990, Ni sư Thích nữ Lệ Thuận về tổ đình Kim Sơn tiếp tục chăm lo ngôi tổ đình và nối tiếp hạnh nguyện của cố Ni trưởng là nuôi chúng, đào tạo Ni trẻ.

Ngoài việc mở Ni trường, khai hạ lạp, lập Giới đàn cho chư Ni các nơi về lãnh thọ giới pháp với nhiệt tâm giúp đỡ Ni trẻ; tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ và chia sẻ với các tầng lớp còn khó khăn trong xã hội.

Ni trưởng bệnh duyên và viên tịch vào ngày rằm tháng hai (1947), với tuổi đời mới chỉ 37 năm.  

Một số hình ảnh được ghi nhận trong buổi tưởng niệm:

  

 

 

BBT Miền Nam

Bài viết liên quan

Phản hồi