TP.HCM: Trang nghiêm lễ tưởng niệm Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Sự (1913-1984)
PGĐS – Sáng ngày 25-6 (nhằm 8-5 Quý Mão), Tông môn chùa Bửu Đức, trang nghiêm cử hành lễ Tưởng niệm 39 năm ngày viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Sự.
Hiện diện có sự quang lâm: Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Giới- Trụ trì chùa Siêu lý Vĩnh Long; Hòa thượng Pháp Chất- Trụ trì Thiền viện Nguyên Thủy; Hòa thượng Chí Tâm- Trụ trì Thiền Quang 2; Thượng tọa Minh Huệ- Trụ trì chùa Phước Hộ; Thượng tọa Thiện Đạt – Trụ trì chùa Giác Quang Q8; Thượng tọa Pháp Đăng- Trụ trì Chùa Từ Thiện; Thượng tọa Pháp Nhiên Trụ trì chùa Siêu Lý Q6; Thượng tọa Minh Đức- Trụ trì chùa Từ Quang quận Gò vấp cùng chư Tôn đức trong Phân Ban Hệ Phái Nam tông Kinh và Tu nữ các chùa đồng về tham dự.
Thay mặt Môn đồ tứ chúng, Trụ trì chùa Siêu Lý Q.6, Thượng tọa Thích Pháp Nhiên ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Sự.
Khi hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, tế độ chúng sinh của Đại lão Hòa thượng đã viên mãn, thì cũng chính là lúc luật vô thường đưa Đại lão Hòa thượng trở về Tây phương kiến Phật vào lúc 6 giờ 15 phút, ngày 5/6/1984 (nhằm ngày 7-5-Giáp Tý). Trụ thế 72 năm, hạ lạp 52 năm.
Trước di ảnh của Đại lão Hòa thượng, chư Tôn đức Tăng Ni Phật tử thành kính đốt nén tâm hương tưởng niệm và đảnh lễ tri ân bậc Long tượng thiền gia.
Chư Tôn giáo phẩm Tăng Ni Phật tử đồng phát nguyện học theo đức hạnh sáng ngời và thừa hành di huấn của Đại lão Hòa thượng, phát huy sứ mệnh hoằng dương chánh pháp, làm lợi lạc tha nhân, xây dựng và phát triển Phật giáo nước nhà ngày càng trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc.
Hòa thượng Tịnh Sự, thế danh là Võ Văn Đang, sinh năm Quí Sửu (1913), trong một gia đình có truyền thống Nho giáo, tại một vùng quê miền Nam, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ Ngài là cụ Võ Văn Tỏ, thân mẫu là cụ Trần Thị Thông.
Năm 7 tuổi Ngài đã học chữ Nho. Rất thông minh, Ngài được người đương thời gọi là “Thần đồng Lê Quí Đôn”. Do túc duyên sẵn có từ nhiều đời, đến năm 12 tuổi Ngài xuất gia và thọ giới Sa Di tại chùa Bửu Hưng (Sa Đéc). Thấy Ngài quá thông minh nên Bổn sư đặt pháp danh là Thích Huệ Lực.
Năm 20 tuổi Ngài thọ giới Tỳ kheo tại chùa Kim Huê, Sa Đéc. Đến năm 25 tuổi Ngài được bổ nhiệm về trụ trì tại chùa Phước Định, Chợ Lách. Năm 30 tuổi Ngài trụ trì chùa Viên Giác, Vĩnh Long. Năm 35 tuổi duyên lành đối với Phật giáo Nam Tông đã chín mùi, Ngài được du học tại Chùa Tháp Campuchia, thọ giới theo Phật giáo Nam Tông tại chùa Kùm Pung (Treyloko) ở Trà Pét.
Từ Campuchia Ngài có thiện duyên du học tại Thái Lan, thọ giới Tỳ kheo tại chùa Pakknam Bangkok. Ngài được thầy tế độ ban pháp danh là Tịnh Sự (Santakicco) vì thấy Ngài chuyên tâm hành đạo. Tại xứ Phật giáo Thái Lan này, Ngài đã thực hành hạnh đầu đà, tu thiền Minh Sát và học A Tỳ Đàm (Abhidhamma) trong bảy năm. Rời Thái Lan về Việt Nam, Ngài trở lại trụ trì chùa Viên Giác – Vĩnh Long. Ngài bắt đầu mở mang truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy. Ngài dạy Pháp học A Tỳ Đàm Pàli (Abhidhamma) và Pháp hành Tứ Niệm Xứ.
Muốn cho môn học Abhidhamma được truyền bá rộng rãi nên vào năm 59 tuổi Ngài về trụ trì chùa Siêu Lý – Sài Gòn. Mở trường chuyên dạy về môn Abhidhamma và dịch các bộ sách Giáo Khoa Phật Học như Vi Diệu Pháp Sơ Cấp, Trung Cấp và Chánh Tạng Abhidhamma.
Ngài đã đào tạo nhiều thế hệ học trò Vi Diệu Pháp. Các thế hệ đệ tử này đã kế thừa sự nghiệp của Ngài truyền bá môn Abhidhamma khắp nơi. Những thế hệ đệ tử Vi Diệu Pháp đầu tiên hiện nay còn những vị tiêu biểu như Đại Đức Giác Chánh, cư sĩ Vĩnh Phúc, cư sĩ Trần Quỳnh Hương đã có công đức duy trì và phát triển môn học Abhidhamma.
Về phương diện đào tạo Tăng tài, Ngài đã từng làm thầy Tế độ truyền giới xuất gia cho hàng trăm Sa Di, Tỳ Kheo. Họ đã tiếp nối được sự nghiệp truyền bá giáo pháp của Ngài một cách tốt đẹp.
Không những chỉ đào tạo Tăng tài mà Ngài còn xây dựng rất nhiều cơ sở tự viện: chùa Viên Giác (Vĩnh Long), chùa Long Linh, chùa Giác Phước, chùa Pháp Độ, chùa Trúc Lâm, chùa Siêu Lý, chùa Thiền Quang 1, chùa Thiền Quang 2.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Quí Nguyễn
Phản hồi