TP. HCM: Chùa Giác Quang trang nghiêm lễ Tưởng niệm Tổ sư sáng lập – Đại lão Hòa thượng Thích Giác Quang (1895-1967)

PGĐS – Sáng ngày 13/7/2023 (nhằm 26/5/Quý Mão), tông môn chùa Giác Quang (Q.8) đã trang nghiêm cử hành lễ Tưởng niệm 57 năm ngày viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Giác Quang.

Hiện diện và chúng minh buổi lễ có Hòa thượng Thích Minh Giác – Phó Ban Trị sự GHPGVN TP. HCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhân; Hòa thượng Thích Thiện Hòa – đồng Chứng minh Giáo phẩm hệ phái; Thượng tọa Thích Tuệ Quyền – Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, trụ trì chùa Quảng Nghiêm; Thượng tọa Thích Thiện Đạt – Trụ trì chùa Giác Quang (Q.8); Thượng tọa Thích Pháp Đăng – Trụ trì chùa Từ Thiện; Thượng tọa Thích Pháp Nhiên – Trụ trì chùa Siêu Lý (Q.6); Thượng tọa Thích Minh Đức – Trụ trì chùa Từ Quang  (Q. Gò Vấp), cùng chư Tôn đức trong Phân Ban Hệ Phái Nam tông Kinh và Tu nữ, Phật tử các chùa đồng về tham dự.

Thay mặt Môn đồ tứ chúng, Thượng tọa Thích Tuệ Quyền ôn lại cuộc đời và đạo nghiệp của cố Đại lão Hòa thượng Thích Giác Quang.

Khi hạnh nguyện hoằng dương Phật pháp, tế độ chúng sinh của Đại lão Hòa thượng đã viên mãn, thì cũng chính là lúc luật vô thường đưa Đại lão Hòa thượng trở về Tây phương kiến Phật vào lúc 6 giờ 15 phút, ngày 13/7/1967 (nhằm ngày 26/5/Đinh Mùi). Trụ thế 72 năm, hạ lạp 27 năm.

Trước di ảnh của cố Đại lão Hòa thượng, chư Tôn đức Tăng Ni Phật tử thành kính đốt nén tâm hương tưởng niệm và đảnh lễ tri ân bậc Long tượng thiền gia.

Chư Tôn giáo phẩm Tăng Ni Phật tử đồng phát nguyện học theo đức hạnh sáng ngời và thừa hành di huấn của Đại lão Hòa thượng, phát huy sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp, làm lợi lạc tha nhân, xây dựng và phát triển Phật giáo nước nhà ngày càng trang nghiêm, vững mạnh trong lòng dân tộc.

Hòa thượng thế danh là Dương Văn Thêm, sinh năm 1895, trong một gia đình trung lưu tại Tân Sơn Nhất, Sài Gòn.

Từ thuở nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Ngài đã hấp thụ nền giáo dục đậm nét Nho phong cổ kính, có đức tính vị tha, từ ái bao dung.

Mặc dù có một tương lai đầy hứa hẹn trong đời, nhưng Ngài đã sớm giác ngộ lẽ vô thường, khổ đau nhân thế. Nên năm 1940, Ngài từ bỏ gia đình sang Campuchia để xuất gia, tầm sư học đạo.

Đến năm 1945, Ngài trở về Sài Gòn và lập chùa Giác Quang ở Bình Đông – Chợ Lớn, đây là một trong những ngôi chùa có uy tín trong hệ phái Phật giáo Nam Tông Việt Nam. Tại đây, Ngài đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni Phật tử cho hệ phái Nam Tông. Ngài đã cùng với các Ngài Bửu Chơn, Hộ Tông, Thiện Luật, Tối Thắng, Giới Nghiêm thành lập Giáo hội Tăng-già Nguyên Thủy Việt Nam.

Năm 1957, Ngài được suy cử chức vụ Cố vấn Ban Chưởng quản Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam và liên tục các nhiệm kỳ tiếp theo cho đến khi Ngài viên tịch vào năm 1967. Đối với đạo pháp, Ngài đã thực hiện hai nhiệm vụ trong buổi sơ khai của lịch sử Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam vô cùng khó khăn gian khổ. Đó là xây dựng cơ sở tự viện đầu tiên của Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam và hoằng pháp độ sanh.

Nhiều nhà sư Nam tông đã trưởng thành từ chùa Giác Quang này, hiện chư vị đã có nhiều đóng góp trong việc truyền bá Phật giáo Nguyên thủy ở Việt Nam.

Việc du nhập Phật giáo Nguyên thủy vào Việt Nam của Ngài là một công đức vô cùng to lớn. Ngài đã viên tịch vào năm 1967, hưởng thọ 72 tuổi, với 27 năm hành đạo. Tuy Ngài mất đi, nhưng vầng hào quang sự nghiệp đạo pháp của Ngài vẫn rực rỡ huy hoàng đến muôn sau.

Những hình ảnh ghi nhận được:

Tin/ảnh: Quí Nguyễn

Bài viết liên quan

Phản hồi