TIỂU SỬ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN AN

TIỂU SỬ
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN AN

Chứng minh Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé – Bình Dương

Viện chủ chùa Bửu Phước

I. THÂN THẾ

Trưởng lão Hoà thượng Thích Thiện An, thế danh: Trần Văn Mạnh; Bí danh: Trần Tấn Thinh (tên trong kháng chiến); Sanh năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Phước Vĩnh (nay thuộc Thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).

Thân phụ: Trần Quới, một nhà Nho yêu nước, một lương y. Thân mẫu: Hà Thị Tiếng, Hoà thượng là người con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em.

Hoà thượng Thiện An sanh ra trong một gia đình có niềm kính tin Phật pháp và tinh thần yêu nước. Cha mất sớm, năm Hoà thượng mới 12 tuổi, lúc bấy giờ Ngài theo mẹ đến chùa Bửu Phước để làm công quả, được quý Hoà thượng thương yêu, nuôi dưỡng cho ăn học.

II. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC

Sau khi cha mất, khoảng 02 năm sau, mẹ ngài cũng về cõi Tịnh. Từ đó, Ngài nhận thức sâu sắc về tính vô thường, Thành – Trụ – Hoại – Không của cuộc đời, với tinh thần cần mẫn, siêng năng trong thời gian 02 năm được nuôi dưỡng ăn học tại chùa, Hoà thượng quyết định xuất gia theo lý tưởng giải thoát, giác ngộ của Đức Phật và được Hoà thượng Từ Chí, Trụ trì chùa Bửu Phước thế phát xuất gia và ban cho pháp hiệu Thiện An. Từ đây, một trang sử mới được mở ra cho lý tưởng giải thoát, giác ngộ trong cuộc đời xuất gia, hành đạo của mình.

Kể từ ngày là một chú tiểu xuất gia, trong ý nghĩa của một chú Điệu “Sa di Khu Ô”, ngày ngày chú tiểu Thiện An vừa hành trì thời khoá tụng niệm, vừa học kinh, luật, vừa nỗ lực hoàn thành chương trình Tiểu học văn hoá trường Làng, sự hiếu học và siêng năng hành trì của chú luôn được chư huynh đệ và thầy tổ kính yêu, đặc biệt là sự phụ Từ Chí đã trực tiếp truyền trao Phật pháp và dạy dỗ. Chú tiểu Thiện An vốn mồ côi cha mẹ từ rất sớm, do đó, chú luôn ý thức và xem Hoà thượng Bổn sư như người cha, huynh đệ như anh em ruột của mình, chính vì vậy năm vừa tròn 17 tuổi, chú tiểu Sa di Khu ô Thiện An chánh thức được Hoà thượng Bổn sư cho thọ Sa di giới. Kể từ ngày được đắp lên mình tấm y Sa di, Sa di Thiện An càng nỗ lự hơn nữa tinh tấn tu tập trao dồi kinh luật. Trong thời gian để chuẩn bị cho ngày bước lên nấc thang để thọ Đại giới, trong khoảng thời gian này, Sa di Thiện An đã thông làu 04 bộ Trường hàng Luật (Tỳ ni, Sa di, Oai nghi, Cảnh Sách) và bộ kinh Tam Bảo (bộ kinh của những ngôi chùa truyền thống cổ xưa). Ngoài ra, vốn được thừa hưởng truyền thống của cha mình, một lương y tài đức, cho nên ngoài việc trau dồi kinh luật, thầy Thiện An đã theo học ngành y để bắt mạch, hốt thuốc làm công tác từ thiện cho bà con tại địa phương và những vùng lân cận.

Hội đủ duyên lành, vào năm Mậu Dần (1938), khi vừa tròn 20 tuổi, với túc duyên thù thắng và hạnh nguyện sâu dầy, Ngài được Hoà thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ Túc giới tại Trường Hương – Trường Kỳ Đại Giới đàn Tổ đình Long Thiền, tỉnh Biên Hòa do Hoà thượng Như Quới – Pháp Ấn đương vi Đường đầu Đắc giới Hoà thượng. Sau khi thọ Cụ Túc giới, Tỳ kheo Thiện An càng tinh tấn siêng năng hành trì kinh luật, được Bổn sư tin tưởng giao trọng trách Tri sự trực tiếp điều hành công tác Phật sự tại bổn tự.

Với ý chí cầu học, Hoà thượng Bổn sư Từ Chí giới thiệu và cho phép sư Thiện An đi tham vấn, học đạo tại các Trường Hương, Trường Kỳ ở tỉnh Biên Hoà và Sài Gòn – Gia Định. Sau thời gian vân du học đạo, vào năm 1945, Ngài trở về phụng dưỡng Bổn sư và được Hoà thượng Bổn sư giao nhiệm vụ Giám Tự cho đến ngày giặc Pháp đốt chùa, Ngài cùng hoà thượng Bổn sư và Tăng chúng trong chùa phải vào vùng kháng chiến, tham gia cùng toàn dân ủng hộ cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

III. THỜI KỲ PHỤNG SỰ ĐẠO PHÁP

Sau khi hoà bình lập lại, năm 1955, Ngài đến cầu pháp với Hoà thượng Thích Huệ Thành, Trụ trì Tổ đình Long Thiền và được đặt pháp hiệu Nhựt Phước, thuộc đời thứ 41, dòng Lâm Tế Gia Phổ (Sau khi hoà thượng Từ Chí bổn sự viên tịch năm 1948 trong vùng kháng chiến).

Năm 1955, Hoà thượng Thiện An cùng với đồng bào địa phương phát hoang và xây dựng lại chùa Bửu Phước, thuộc xã Phước Hoà, Phú Giáo, Bình Dương – ngôi chùa lịch sử đã bị giặc Pháp tàn phá vào những năm 1940 – 1947.

Là một nhà sư yêu nước, một bậc chân tu thạc đức đã có quá trình tu học, dấn thân phụng sự cho đạo pháp. Do đó, kể từ khi tổ chức Giáo hội Phật giáo Lục Hoà Tăng ra đời năm 1957, sau đó tổ chức này được lan rộng ra nhiều khu vực các tỉnh thành, trong đó có tỉnh Biên Hoà, ngài đã tích cực tham gia là thành viên của tổ chức này tại tỉnh Biên Hoà, và sau đó tham gia vào bộ phận Thư ký của Quận Hội Phật giáo Lục Hoà Tăng quận Tân Uyên.

Năm 1970, Ngài được Đại lão Hoà thượng Thích Huệ Thành, Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Lục Hoà Tăng và Lục Hoà Phật tử Việt Nam công cử đảm nhận làm Uỷ viên Hoằng pháp tỉnh Biên Hoà và Tăng Giám Quận Hội quận Phú Giáo. Trong khoảng thời gian này, với vai trò và trách nhiệm được giao, Ngài tích cực tham gia công tác Phật sự, đào tạo Tăng tài như giảng dạy và thuyết pháp tại các Trường Kỳ, Trường Hương và mở lớp dạy giáo lý Phật pháp cùng thực hiện nhiều công tác từ thiện, an sinh xã hội… Ngài đã góp phần quan trọng cho sự phát triển của Tổ chức Giáo hội Lục Hoà Tăng và Lục Hoà Phật tử.

Với đức độ và sự uyên thâm Phật pháp, tinh tấn tu học nghiêm trì giới luật, cho nên vào năm 1972, tại Trường Hương chùa Núi Bửu Phong, Biên Hoà khai mở Đại Giới đàn, Ngài được công cử vào hàng Tam sư, Yết-ma A-xà-lê.

Vào năm 1982, với công đức cống hiến cho đạo pháp và dân tộc, Yết-ma  Thiện An được chư Sơn Thiền đức Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam công cử làm Hoà thượng Đàn đầu tại Đại Giới đàn Tổ đình Long Thiền.

Năm 1985, khi Ban Đại diện Phật giáo huyện Tân Uyên thành lập, Ngài được mời làm Chứng minh Huyện hội Phật giáo Tân Uyên; vào năm 1987, Ngài được cung thỉnh Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Sông Bé và sau đó được cung thỉnh tiếp tục Chứng minh Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương.

Thế nhưng, Hoà thượng luôn sống giản dị thanh cao, với trí dũng sáng ngời tự tại vô ngại của Ngài qua hạnh nguyện từ bi, vị tha vô ngã, cùng uy đức khiêm tốn của bậc cao Tăng, được biểu hiện nghiêm túc trong đời sống đạo hạnh, là tấm gương sáng cho biết bao môn sinh soi rọi kế thừa đạo nghiệp. Do đó, trong suốt quá trình hành đạo, Hoà thượng Thích Thiện An đã quy y, hướng thiện cho hàng ngàn tín đồ; đào tạo, nuôi dưỡng hàng chục Tăng chúng xuất gia, trong đó hàng xuất gia có Hoà thượng Thích Huệ Thông; hàng tại gia có Cư sĩ Nguyên Lý – Trần Văn Sao (Nguyên Phó Thư ký – Chánh Văn phòng Thành hội Phật giáo TP. HCM).

Theo lời tự sự của Hoà thượng Thích Huệ Thông về cuộc đời và đạo nghiệp của vị thầy Bổn sư, Hoà thượng Thích Thiện An là một bậc Tăng sĩ khả kính, dung dị giữa đời thường, cuộc đời của Ngài dành trọn cho bổn hoài thanh tu đạo đức, đề cao tinh thần tu tập thiết thực trong đời sống thường nhật.

Đặc biệt, Ngài là một trong các vị Tôn túc của vùng đất Sông Bé – Bình Dương am tường về Nghi lễ thiền môn và Thập khoa Ứng phú đạo tràng ở Nam bộ, Hoà thượng đã vận dụng những nghi thức hành trì cùng từng lời huấn thị, cảnh văn vào ngay trong cuộc sống tu tập hằng ngày, qua đó Ngài luôn răng dạy đồ chúng tu tập theo hành trạng và tư tưởng thiền học của các bậc Tổ sư. Dung dị ngay trong những lời giáo huấn, Ngài khai mở cho chúng đệ tử nhận chân được lẽ vô thường chỉ qua những câu kệ thân thuộc trong các buổi hành trì, công phu thường nhật của Thiền môn như: “Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc…”; khuyến tu, khuyến học qua những bài văn Cảnh sách của Tổ Quy Sơn: “ Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu…” (Là người xuất gia phải cất bước vượt tới phương trời cao rộng, tâm tánh và hình dung khác hẳn thế tục, tiếp nối một cách rạng rỡ dòng giống của Phật, làm cho ma quân phải khiếp sợ khuất phục, với mục đích báo đáp bốn ân, cứu vớt ba cõi…). Đây cũng chính là bổn hoài, là đạo nghiệp của một tu sĩ Phật giáo mà Hoà thượng Thiện An luôn tâm niệm cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc. Qua đó, cho thấy tinh thần tu học và hoằng truyền chánh pháp của Hòa thượng là một tấm gương tinh tấn, bất thối chuyển, không bao giờ tự mãn nguyện và an nghỉ. Hình ảnh Hòa thượng với đức tướng Bi – Dũng đỉnh đạc là những nét sáng ngời và cao đẹp, luôn là bậc thầy mô phạm, soi sáng cho đồ chúng và hàng cư sĩ Phật tử noi theo.

IV. THỜI KỲ PHỤNG SỰ TỔ QUỐC

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống nồng nàn yêu nước, Hoà thượng Thiện An luôn canh cánh trong lòng về nỗi thống khổ của một dân tộc bị áp bức, một đất nước bị nô lệ.

Việc đạo không rời việc đời, một khi xã tắc lâm nguy thì đạo nghiệp cũng không an. Vào năm 1941, thời kỳ Tiền Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chứng kiến cảnh Thực dân Pháp đập phá ngôi chùa mà Ngài đã xuất gia từ thuở ấu thơ tại vùng đất Bưng Lơn, làng Phước Vĩnh (vùng ven của vùng Chiến khu D), nơi đã in dấu bao kỷ niệm của ngài, rồi Thầy trò phải di dời đến một nơi khác, để tiếp tục cất lại chùa Bửu Phước tại vùng Suối Nước Trong, thuộc làng Phước Vĩnh bên cạnh cầu Sông Bé lúc bấy giờ. Không bao lâu sau đó, vào năm 1947, khi Thực dân Pháp quay lại tái chiếm đất nước Việt Nam, thì giặc Pháp tiếp tục đốt ngôi chùa Bửu Phước do chùa nuôi giấu cán bộ cách mạng, từ đây thầy trò cùng nhau vào vùng kháng chiến trực tiếp tham gia kháng chiến, lúc này sư Thiện Linh em của Hoà thượng Thiện An đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ (đã được công nhận Liệt sĩ).

Quả thật!

“Nghe theo tiếng gọi của núi sông

Cà-sa gửi lại chốn thư phòng

Xông ra trận tuyến trừ hung bạo

Thực hiện từ bi lực phải hùng”

Trong khoảng thời gian, kể từ năm 1945 – 1947, Hoà thượng tham gia vào Đoàn viên Thanh niên Cứu quốc và Hội Phật giáo Cứu quốc xã Chánh Hoà cũ (nay thuộc xã Phước Hoà).

Từ năm 1948 – 1949: Ngài tham gia làm Uỷ viên Uỷ ban Hành chánh kiêm Kinh tài xã. Trong thời gian này, Ngài được kết nạp vào Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong thời gian này, được cử làm Trưởng Công an xã An Linh.

Từ năm 1950 – 1954: Do yêu cầu xây dựng căn cứ địa cách mạng Đồng Nai – Chiến khu D, sư Thiện An được điều động qua công tác với cương vị Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chánh kiêm Kinh tài Sông Lô (Phước Vĩnh và Thạnh Hoà cũ).

Dù trực tiếp tham gia bảo vệ Tổ quốc, nhưng Ngài vẫn không quên lãng việc nghiên cứu, trao dồi kinh điển đã thể hiện rõ trong tư tưởng qua bài thơ của Ngài làm trong kháng chiến:

Tâm thức nào yên giặc quặn lòng

Mõ chuông đành gác dạ xót xa.

Một khi đất nước mừng an lạc

Ríu rít trời xuân “Chứng Đạo ca

Từ năm 1954 – 1974: Hoà bình lập lại, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, Ngài được Cơ sở Cách mạng cử về xã Phước Hoà tiếp tục lập lại chùa Bửu Phước để làm cơ sở nuôi giấu Cách mạng. Trong suốt thời gian này, Hoà thượng trong cương vị Trụ trì chùa Bửu Phước cũng như làm Tăng Giám Quận Hội Phú Giáo, chùa là cơ sở nuôi, giấu, tiếp tế, cung cấp lương thực cho cách mạng, Ngài âm thầm hoạt động để bảo vệ an toàn cho cơ sở cách mạng cũng như các đồng chí của mình. Mở lớp học tình thương cho con em nghèo tại địa phương có điều kiện đi học, trong lớp học tình thương này đã dạy dỗ cho các em trưởng thành và đóng góp tích cực vào các Đoàn thể, xã hội tại tỉnh Bình Dương cũng như các vùng lân cận; Hoà thượng lập Hội Bảo trợ Cấp táng cho đồng bào khu vực trong việc ma chay và nhiều công tác từ thiện, an sinh xã hội khác, từ những hình ảnh cao đẹp này của Hoà thượng Thiện An đã đi vào lòng dân làng với tên gọi quen thuộc thân thương là “Thầy Năm”, Hoà thượng luôn dấn thân, chia sẻ với dân làng trong mọi hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, chùa luôn là nơi để dân làng tập trung trú ngụ, tránh sự giao tranh khi chiến sự xảy ra và trong những lúc thiên tai, lũ lụt.

Để ghi nhận sự đóng góp cao quý của ngôi chùa Bửu Phước trong 02 thời kỳ kháng chiến, chùa Bửu Phước được danh dự công nhận là Di tích lịch sử cấp Tỉnh.

Với công đức cống hiến của Hoà thượng vào sự nghiệp đạo pháp và xây dựng bảo vệ Tổ quốc qua nhiều giai đoạn. Hoà thượng vinh dự được Đảng, Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: 02 Huân chương Kháng chiến, cũng như công nhận Gia đình Người có công với Cách mạng và nhiều tặng thưởng danh dự cao quý khác cũng như nhiều bằng Tuyên dương Công đức của các cấp Giáo hội.

Để ghi nhận công đức của Hoà thượng trong công cuộc bảo vệ đất nước và sự nghiệp hoằng dương Phật pháp. Tại buổi Lễ công bố quyết định tặng thưởng 02 Huân chương kháng chiến, Tăng Ni Phật giáo Sông Bé – Bình Dương đã có câu liễn đối kính tặng Ngài:

“Thiện tâm đại lực cứu nguy dân tộc vị sơn hà xã tắc

An nhiên Tự tại thường hằng tấn tu xiển Phật pháp tiền đồ”

V. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Trải qua hơn 70 năm tu học hành đạo, hoằng pháp lợi sanh, truyền thừa chánh pháp và đóng góp tiêu biểu vào sự nghiệp phát triển của đạo pháp và giải phóng dân tộc Việt Nam, Hoà thượng xứng đáng là bậc thạch trụ Tăng già, trí đức vẹn toàn, là nhà mô phạm mẫu mực, làm tấm gương sáng muôn đời cho thế hệ mai sau noi dấu.

Thuận theo lẽ vô thường, do tuổi cao lão bệnh, mặc dù được sự tận tình chăm sóc của đồ chúng đệ tử cùng các y bác sĩ, Hòa thượng sức yếu dần nhưng ngài rất an nhiên tự tại, như đã làm trọn vẹn mọi sứ mệnh truyền trao tinh hoa cho hàng hậu bối. Hòa thượng dặn bảo đồ chúng mọi việc, rồi mặc nhiên xả báo an tường thâu thần viên tịch, trở về cảnh giới Niết-bàn, vô tung bất diệt vào lúc 16 giờ, ngày 11 tháng 10 năm Mậu Dần (1998), Trụ thế 80 năm, Hạ lạp 60 năm.

Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, Hòa thượng đã đến và đi như thế, nhưng công hạnh của một bậc Thầy thanh tu mẫu mực vẫn sống mãi trong sự kính tiếc của toàn thể môn hạ đệ tử. Hoà thượng đã viên mãn sự nghiệp hoằng hoá độ sinh, phục vụ đạo pháp và dân tộc, trở về thế giới Niết-bàn, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hoà thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư, ký ức của Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sông Bé – Bình Dương và trong trang sử hào hùng, vẻ vang của Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam thời hiện đại.

Bài viết liên quan

Phản hồi