Tiểu sử cố Ni Trưởng Thích Nữ Tịnh Thanh (1926-2025)

TIỂU SỬ CỐ NI TRƯỞNG THÍCH NỮ TỊNH THANH

(1926-2025)

I. THÂN THẾ

Ni trưởng Thích Nữ Tịnh Thanh thế danh là Nguyễn Thị Kim Dung, sinh năm 1926, tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trong gia đình trung lưu gia giáo, thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tồn, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Ngưu. Ni trưởng là người con thứ 8 trong gia đình 9 anh chị em.

Thuở nhỏ, Ni trưởng được song thân gửi chongười cô út nuôi dưỡng đến học hết Tú tài tại trường Gia Long – Sài Gòn. Sau khi rời ghế nhà trường Ni trưởng trở về quê ngoại tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giangnghiên cứu và thực hành giáo lý Phật giáo. 

Năm 1944 (18 tuổi), Ni trưởng nhận thức được sự đau khổ của kiếp người nên phát tâmxuất gia học đạo, nhưng vì song thân không đồng ý nên Ni trưởng đã viết thư để lại và âm thầm trốn khỏi gia đình tìm nơi ẩn náo tu hành.

Dầu tâm đã quyết, nhưng nhiều chùa không ai dám nhận vì song thân không cho phép. Cuối cùng cơ duyên cũng đủ, Ni trưởng được Hòa thượng Thích Thành Đạo (huý Hồng Huệ, tự Bổn Đức) nhận cho xuất gia tu học tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu – Mỹ Tho nơi Hoà thượng trụ trì.

II. TU HỌC

Năm 1945, Ni trưởng được Hòa thượng Bổn sư gửi đến tham học Phật học Ni trường tại chùa Tăng Già – Sài Gòn (nay là chùa Kim Liên, Quận 4, TP. HCM) do Hòa thượng Thích Hành Trụ (huý Thị An hiệu Phước Bình, đời thứ 42 thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh) tổ chức. Ni trưởng được Hòa thượng Thích Hành Trụ nhận làm đệ tử cho pháp húy Đồng Minh, tự Thông Giáo, hiệu Tịnh Thanh, thuộc đời thứ 43 thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Được Bổn sư cho phép, năm 1946 Ni trưởng đăng đàn thọ giới Sa di ni tại chùa Tăng Già, năm 1948, Ni trưởng thọ giới Thức xoa ma na, năm 1953 Ni trưởng thọ Cụ túc giới tại chùa Dược Sư do Ni trưởng Như Thanh làm Hoà thượng Đàn đầu.

Sau khi thọ Cụ túc giới Ni trưởng đến tham học Luật Tứ Phần và Luận Giải với sư bà Chí Kiên chùa Từ Quang – Sa Đéc, tiếp theo tham học Di Đà Sớ Sao với Hòa thượng Thích Thiện Hoa tại chùa Từ Nghiêm và chùa Ấn Quang, tiếp đến Ni trưởng tham học giáo lý với Hoà thượng Thích Thiện Chơn (Pháp sư Kiểu Lợi) chùa Bảo An tại An Phước, tiếp theo Ni trưởng tham học lớp dịch kinh với Ni trưởng Như Thanh tại chùa Hải Vân – Vũng Tàu.

Sau 10 năm tham học với các bậc cao Tăng thạc đức, năm 1962 Ni trưởng trở về chùa Tăng Già tiếp tục tu học.

Năm 1963, phong trào Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, ông Ngô Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân ra lệnh đốt phá chùa chiền, đánh đập sinh viên, bắt giam Tăng Ni, đã khiến cho Tăng chúng ly tán.

Năm 1964, Ni trưởng rời chùa Tăng Già xuống tỉnh Kiến Hòa (ngày nay là  tỉnh Bến Tre) gặp được Sư bà chùa Vạn Quốc mời về chùa Phước Lâm ở một thời gian.

Đến năm 1966, Cô Phật tử Diệu Hoa báo tin chiến tranh ở Sài gòn chưa ổn, không thể trở về chùa Tăng Già được, nên cô Diệu Hoa đưa Ni trưởng về nhận lãnh chùa Kim Quang (tỉnh Kiến Hòa, nay là tỉnh Bến Tre), ngôi chùa chưa có người trụ trì, do ông Trần Văn Dương thành lập.

Nhận thấy Ni trưởng là người ấu niên xuất gia, nhiệt tâm với đạo pháp nên ông Trần Văn Dương đã giao cho Ni trưởng làm Trụ trì chùa Kim Quang.

Sau khi đảm nhậm chùa, bằng sức lực của mình, Ni trưởng đã tích góp dành dụm cùng sự hỗ trợ của Phật tử đã tu bổ lại ngôi chùa từ mái lá vách gỗ thành mái ngói, tường bê tông, tránh được nắng mưa có chỗ cho Phật tử tu học.

Từ đây Ni trưởng bắt đầu xây dựng mở lớp dạy trẻ em từ lớp 1 đến lớp 5 và ẩn dật tu hành. Năm 1973 có người đem một đứa bé sơ sinh đến bỏ tại ở chùa Kim Quang với lòng từ bi của Ni trưởng đem vào nuôi dưỡng khai sanh đặt tên là Nguyễn Thị Thanh Diệu (pháp danh Chúc Nghiêm), bằng tấm lòng thương yêu trìu mến của vị tu hành, Ni trưởng đã nuôi dưỡng từ tấm bé đến lúc trưởng thành và nuôi cho ăn học, lấy được bằng tốt nghiệp phổ thông trung học.

Năm 1986 Ni trưởng mở lớp dạy luật chữ Hán cho quý Ni sư, sư cô tỉnh Bến Tre…Trong đó có Ni trưởng Thích nữ Như Tâm, Ni sư Thích nữ Huệ Hồng, Ni trưởng Thích nữ Huyền Liên…và một số Ni sư, Sư cô khác.

Ghi nhận những công đức của Ni trưởng tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc GHPGVN lần II nhiệm kỳ 1987 – 1992, Ni trưởng đã được GHPGVN tấn phong lên hàng Giáo phẩm Ni trưởng.

Trong thời gian hành đạo Ni trưởng đã thu nhận thêm 02 vị đệ tử Ni đến nay đã thành tựu nhiều Phật sự quan trọng: Trưởng tử pháp danh Thích Nữ Chúc Châu – Trụ trì chùa Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; kế là Thích Nữ Chúc Diệu – hiện đang hành đạo tại Mỹ quốc.

Riêng đệ tử Chúc Nghiêm đến 16 tuổi Ni trưởng cho xuất gia, đặt pháp danh là Thích Nữ Chúc Nghiêm và cho nhập chúng tu học tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu, theo học khóa I – trường Trung cấp Phật học tỉnh Tiền Giang; Học cao Đẳng Phật học khóa II và Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM khóa V.

Sau khi đệ tử Chúc Nghiêm tốt nghiệp các trường Phật học trở về, Ni trưởng đã giao lại Phật sự chùa Kim Quang để cô chăm sóc, hướng dẫn Phật tử tu học. Ni trưởng lui về ẩn cư nhập thất chuyên tu.

IV.  THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Hơn 70 xuất gi tu tập hành đạo, Ni trưởng đã đặt mình trọn vẹn trong chánh pháp, trong sự nghiệp giáo dục Ni đồ. Tiến thì đóng góp công sức vào bảo tồn và phát huy đạo pháp, thoái thì chuyên tu đem đức độ cảm hoá đàn hậu bối Ni trưởng đã tự tại trước cảnh vô thường:

Bầu trời trong xanh

Vầng mây trắng hồng

Tự do qua lại

Huyễn thân nào ngại

Vô thường khổ không

Phật sự vuông tròn

Bổn hoài viên mãn

Tự tại ra đi

Hơn mấy mươi năm

Có lợi ích gì?

Còn chăng đâu đấy

Ánh đạo từ bi

Thôi đừng thương nhớ

Quyến luyến làm chi

Bình tâm mỗi niệm

Niệm niệm A Di.

Trọn 100 năm thác tích Ta Bà, thân tứ đại của Ni trưởng dần mòn theo năm tháng, rồi bệnh duyên đã đến, tuy được hàng đệ tử tận tình chăm sóc cứu chữa, nhưng thân tứ đại nhân duyên giả hợp làm sao có thể tồn tại vĩnh hằng.

Ni trưởng đã thuận thế vô thường, thu thần thị tịch vào lúc 15 giờ 20 phút, ngày 16 tháng 02 năm 2025 (nhằm ngày 19 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Trụ thế 100 năm, hạ lạp 71 mùa.

Nam mô Kim Quang đường thượng, Từ Lâm Tế Chúc Thánh Tông, Tứ Thập Tam thế Húy Đồng Minh, tự Thông Giáo, thượng Tịnh hạ Thanh, Nguyễn Thị Ni trưởng Giác linh thùy từ chứng giám.

Theo Ban TT-TT PG Bến Tre

Bài viết liên quan

Phản hồi