Thế giới tự do

Tự do chính là sự bằng lòng với nơi mà bạn đang ở. Nó trở thành ngục tù khi bạn muốn ở một nơi khác. Chỉ có những người “ham ít biết đủ”, hay biết bằng lòng với những gì mình có thì mới có thể nếm được mùi vị của thế giới tự do.

Một huynh đệ của tôi đã giảng dạy thiền tại một trai giam có hệ thống an ninh bậc nhất gần thành phố Perth trong khoảng thời gian vài tuần. Một nhóm tù nhân đã đến làm quen và rất kính trọng thầy. Cuối mỗi buổi giảng, họ thường hỏi thầy ấy về những sinh hoạt hằng ngày trong một tu viện Phật giáo.

‘Chúng tôi phải thức dậy vào lúc bốn giờ mỗi sáng.’ thầy bắt đầu, ‘Nhiều khi trời rất lạnh bởi vì trong căn phòng nhỏ của chúng tôi không có lò sưởi. Một ngày chúng tôi chỉ ăn một bữa, tất cả thức ăn được trộn chung trong một cái bát. Vào buổi chiều và buổi tối chúng tôi không ăn gì thêm. Và dĩ nhiên là không có rượu bia và tình dục. Chúng tôi cũng không có Ti-vi, máy thu thanh hoặc là máy nghe nhạc. Chúng tôi không xem phim, và cũng không có thể chơi thể thao. Chúng tôi nói ít, làm việc chăm chỉ và dành thời gian rảnh rỗi cho việc ngồi thiền để quán theo hơi thở của mình. Tối chúng tôi ngủ trên sàn nhà.’

Những tù nhân đã kinh ngạc về cuộc sống khắc khổ và thanh đạm của tu viện chúng tôi. Nếu so sánh với những gì thầy ấy kể thì trại giam an ninh cao của họ chẳng khác nào khách sạn năm sao. Một tù nhân vì quá cảm động và thương hại cho hoàn cảnh khó khăn của người bạn tu sĩ mới quen, anh ta đã quên mất nơi mình đang ở và nói: ‘Cuộc sống ở tu viện của thầy thật là khủng khiếp. Tại sao thầy không đến đây và ở cùng với chúng tôi?’

Căn phòng như vỡ tung trong tiếng cười. Tôi cũng không thể nhịn cười khi nghe thầy kể đến đoạn này. Lúc ấy tôi chiêm nghiệm thật sâu về những lời anh tù nhân đó nói. Đúng là tu viện của chúng tôi khắc khổ hơn nhiều so với sự khắc nghiệt trong những trại giam đối với những người phạm tội, nhưng nhiều người đến tu viện chúng tôi một cách tự nguyện, và chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc khi ở đây. Trong khi rất nhiều người không hạnh phúc và rất muốn trốn thoát khỏi những trại giam với đầy đủ tiện nghi. Tại sao như vậy?

Đó là bởi vì, trong tu viện của chúng tôi, chúng tôi (được ví như những người tù nhân) muốn ở đó; còn trong nhà tù, những tù nhân không muốn ở đó. Điểm khác nhau là chỗ đó.

Bất cứ nơi đâu bạn không muốn ở, cho dù thoải mái như thế nào, đối với bạn đó là một nhà tù. Đó là ý nghĩa thực sự của từ ‘nhà tù’ – danh từ chỉ cho bất kỳ nơi nào mà bạn không muốn ở. Nếu như bạn đang làm một công việc mà bạn không hề mong muốn, lúc ấy bạn đang ở trong một nhà tù. Nếu như bạn đang trong một mối quan hệ mà bạn không thích, bạn cũng đang ở trong nhà tù. Nếu như bạn bệnh và thân thể đau đớn, điều mà bạn không mong muốn, đó cũng là ngục tù đối với bạn. Do đó, nhà tù là bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào mà không mong muốn.

Vậy làm cách nào để thoát khỏi hàng nhiều những ngục tù trong cuộc sống? Rất dễ dàng. Bạn chỉ việc thay đổi nhận thức của bạn về hoàn cảnh mình đang ở hay đang đối mặt rằng bạn ‘muốn được ở đó!’ Ngay cả nhà tù nổi tiếng San Quentin[1], hay tu viện của tôi, một khi mà bạn muốn ở đó, nó không còn là nhà tù đối vối bạn. Bằng việc thay đổi nhận thức của bạn về công việc, các mối quan hệ hoặc là bệnh tật, và bằng cách chấp nhận hoàn cảnh hơn là chối bỏ nó, lúc đó bạn sẽ không còn cảm giác như mình đang ở trong tù. Khi bạn hài lòng với một nơi nào đó, ở đó bạn sẽ được tự do.

Tự do chính là sự bằng lòng với nơi mà bạn đang ở. Nó trở thành ngục tù khi bạn muốn ở một nơi khác. Chỉ có những người “ham ít biết đủ”, hay biết bằng lòng với những gì mình có thì mới có thể nếm được mùi vị của thế giới tự do. Sự tự do thực sự là tự do thoát khỏi lòng ham muốn; chừng nào còn ham muốn, khi ấy bạn chưa có tự do.

Thích Châu Viên chuyển Ngữ
Từ cuốn sách  “Opening the Door of Your Heart” của Ajahn Brahm

Bài viết liên quan

Phản hồi