Thành phố Thủ Đức: Lễ Huý Nhật Hoà thượng Thích Thông Kinh viện chủ Chùa Đông Hưng.

PGĐS – Trên tinh thần báo đáp Ân sư, tưởng nhớ Công hạnh của Bậc Thầy tổ; Sáng ngày 01 tháng 11 năm 2022 (nhằm ngày mồng 08 tháng 10 năm Nhâm Dần), tại Tổ đình Đông Hưng-phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, môn đồ đệ tử trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm Hòa thượng tôn sư Thượng Thông hạ Kinh nhân ngày huý nhật lần thứ 04.

Cố Hoà thượng Thích Thông Kinh (1958-2018), Ngài xuất thân trong gia đình thâm tín Tam Bảo, sâu trồng ruộng Phước, nên sớm có duyên với cửa Phật. Năm 13 tuổi, Ngài phát tâm xuất gia và cầu Hoà thượng Luật sư Thượng Hành hạ Trụ làm Bổn sư, Ngài được ban pháp danh Đồng Điển, Pháp tự Thông Kinh, nói dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 43.

Quang lâm chứng minh có Hoà thượng Thích Huệ Cảnh-Chứng Minh BTS GHPGVN Thành phố Thủ Đức; Hoà thượng Thích Thiện Minh Trưởng Ban BTS GHPGVN Thành phố Thủ Đức; Hoà thượng Thích Minh Hoá-Phó ban BTS GHPGVN Thành phố Thủ Đức; Hoà Thượng Thích Nguyên Phẩm- Chứng minh Tông phong Tổ Đình Đông Hưng; Hoà Thượng Thích Minh Nghĩa-trụ trì Tổ Đình Giác Nguyên; Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn- Trưởng phân ban Ni giới Tp HCM; Ni trưởng Thích Nữ Giác Trung-Trưởng phân ban Ni giới Thành phố Thủ Đức; cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni trụ trì các cơ sở tự viện, môn phong Tổ đình đồng về tham dự lễ tưởng niệm.

Trước Tổ đường, nơi Tôn trí di ảnh HT. Thích Thông Kinh, Chư tôn Đức giáo phẩm đã thắp nén tâm hương tưởng niệm, cầu nguyện Giác Linh Hoà thượng Cao đăng Phật Quốc; sau đó cung thỉnh Chư Tôn Tịnh Đức Tăng Ni quang lâm Trai đường chứng minh trai Lễ; thượng Toạ Thích Chúc Đạo-trụ trì Tổ đình Đông Hưng, đại diện môn đồ đệ tử có đôi lời bọc bạch, hoài niệm về Thầy nhân ngày huý nhật.

 Đáp lại lời tác bạch, Hoà thượng Thích Nguyên Phẩm đã tán thán công hạnh của Cố Hoà Thượng Viện chủ Tổ đình Đông Hưng đã cống hiến cho giáo hội Phật Giáo, cũng như công đức gầy dựng nên chốn già phạm vũ hưng long.

 

 

 

TIỂU SỬ

HÒA THƯỢNG THÍCH THÔNG KINH(1958-2018)

Viện chủ Tổ đình Đông Hưng – Sài Gòn Việt Nam

Khai sơn và viện chủ Chùa Đông Hưng –

Virginia (Vờ chi nha) – Hoa Kỳ.

  1. Thân thế

Hòa thượng thế danh Đoàn Công Thành, sanh ngày 26 tháng 9 năm 1958 (Mậu Tuất) tại quận 4 Sài Gòn, Việt Nam. Ngài xuất thân trong một gia đình thâm tín Tam Bảo. Thân phụ là ông Đoàn Văn Tư pháp danh Đồng Trí, thân mẫu là bà Võ Thị Năm (thọ Sa di ni pháp danh Đồng Lạc). Song thân của ngài đều quy y với Hòa thượng, thượng Hành hạ Trụ.

  1. Xuất gia tu học 

Hòa Thượng được sinh trong gia đình nhiều đời kính tín Tam bảo, sâu trồng ruộng phước, nên sớm có duyên với cửa Phật. Năm 13 tuổi (1971) Ngài phát tâm xuất gia và cầu Hòa thượng luật sư Thích Hành Trụ viện chủ Tổ Đình Đông Hưng làm thầy. Ngài được ban pháp danh Đồng Điển, pháp tự Thông Kinh, pháp hiệu Điển Kinh, nối dòng Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 43.

Túc duyên đã sẵn và thường hầu cận ân sư, Ngài sớm biểu lộ tư chất của người xuất gia trẻ tuổi ham học siêng tu. Đến năm 15 tuổi, ngài  được sư phụ cho thọ giới Sa di tại giới đàn phương trượng, được tổ chức tại Tổ đình Đông Hưng.

Được sự trực tiếp giáo dưỡng của ân sư và tham học với chư Tôn đức giáo thọ đương thời, Ngài càng nỗ lực nghiên tầm giáo điển và chăm lo công quả, tích công bồi đức nên sớm có phong vị của bậc xuất trần.

Năm 1977, ngài được Hòa thượng tôn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới, tại giới đàn Thiện Hòa do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tổ chức tại chùa Ấn Quang – Sài Gòn vào ngày 25 tháng 1 năm 1977, do chính Hòa thượng Thích Hành Trụ làm đàn đầu Hòa thượng, Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm Yết ma A xà lê, Hòa thượng Thích Mật Hiển và Hòa thượng Thích Thiện Tường làm giáo thọ A xà lê.

Sau khi chính thức trở thành bậc trưởng tử Như Lai, Ngài được hòa thượng ân sư cho làm thị giả hầu thầy sớm tối. Do đó, Ngài được ân sư dạy dỗ rất chu đáo từ kinh luật đến phong cách làm vị lãnh đạo.

  1. Hành đạo

Năm 1978 Ngài được Hòa thượng ân sư giao trọng trách kế nhiệm trụ trì ngôi Tổ đình và được Giáo hội suy cử chức Phụ tá cho Hòa thượng Thích Hành Trụ (đương kim Tổng vụ trưởng tổng vụ Tăng Sự – Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất).

Năm 1982, theo sự chỉ dạy của Hòa thượng ân sư, Ngài trùng kiến lại ngôi Tổ đình Đông Hưng tại Thủ Thiêm, và ngôi chùa này được duy trì cho đến năm 2013 (sau đó chùa được dời về vị trí hiện nay).

Năm 1984, Hòa thượng ân sư viên tịch. Ngài cùng với chư huynh đệ tại chốn Tổ tiếp tục duy trì và phát triển ngôi Tổ đình.

Từ những năm 1984 đến 1996, Ngài thế độ nhiều đệ tử xuất gia và tiếp nhận học Tăng từ các nơi về lưu trú để tu tập và theo học các trường Phật học tại Sài Gòn, với số lượng trên 40 vị. Mặc dù ngôi chùa cũ tại Thủ Thiêm có điều kiện sinh hoạt thiếu thốn chật hẹp, nhưng với tâm lượng hải hà, Ngài vẫn tiếp nhận và thu xếp cho đại chúng có điều kiện để an tâm tu học. Ngài luôn dạy Tăng chúng rằng: “các thầy, các chú phải cố gắng thực tập ba điều: Ăn thật, nói thật và làm thật”.

Từ năm 1987 đến 1996: Ngài giữ chức Chánh thư ký Ban đại diện Phật giáo huyện Thủ Đức. Hòa thượng cùng với Cố Hòa thượng Thích Quảng Tâm, HT. Thích Đạt Niệm và chư tôn đức Tăng Ni trong huyện Thủ Đức cũ đã tạo nên rất nhiều sinh khí trong tất cả các hoạt động Phật sự tại huyện và đóng góp nhiều công đức cho sinh hoạt Phật giáo tại thành phố.

Năm 1988, trong khóa an cư kiết hạ tại chùa Vạn Đức, ngài giữ chức Phó na của trường hạ.

Năm 1989, Ngài làm giáo thọ lớp gia giáo Phật học tại chùa Kim Liên quận 4 – Sài Gòn.

Năm 1990 khi Trường cơ bản Phật học cơ sở 2 được thành lập tại chùa Thiên Minh, Hòa thượng cùng các thầy trong Ban giám hiệu nhà trường, đã hết lòng chăm lo cho ngôi trường Phật học. Từ đây rất nhiều những học Tăng học Ni tài đức, ngày nay đã thành tài, trở thành những vị trụ trì, nhà phiên dịch kinh điển, hoặc lãnh đạo các cấp Giáo hội.

Trong thời gian này, vào mỗi mùa an cư kiết hạ, Ngài luôn giữ chức Chánh na, chăm lo cho đời sống của Tăng chúng về tu học tại hạ trường chùa Thiên Minh (quận 9).

Năm 1994: Lớp Sơ cấp Phật học khóa 1 tại chùa Thiên Minh được thành lập, Ngài được bầu làm Phó chủ nhiệm và đảm nhiệm giảng dạy môn Sơ Đẳng Phật Học giáo khoa thư và làm  giáo thọ lớp sơ cấp Phật học tại quận 4.

Năm 1996, đáp lại lời thỉnh cầu của các Phật tử tại Hoa Kỳ, cũng là các đệ tử tục gia của  cố Hòa thượng Thích Hành Trụ, và cũng nhận thấy các Phật tử hải ngoại đang cần chỗ dựa tâm linh và hành trì Phật Pháp, Ngài phát nguyện đến Hoa Kỳ để hoằng dương Phật pháp, hướng dẫn cho các Phật tử tại Hoa kỳ tu học.

Năm 1998, Ngài khai sơn ngôi chùa Đông Hưng tại thành phố Virginia Beach (Vờ chi nha bít), bang Virginia (Vờ chi nha) Hoa Kỳ và được đặt tên là Trung tâm giáo dục Phật giáo – Chùa Đông Hưng. Đây là ngôi chùa đầu tiên của cộng đồng người Việt tại thành phố Virginia Beach (Vờ chi nha bít). Chùa Đông Hưng hải ngoại nhanh chóng trở thành ngôi nhà tâm linh và nơi tu học cho rất nhiều Phật tử và đồng hương tại địa phương. Với tâm nguyện tạo duyên và truyền bá Phật pháp đến người bản xứ như tên gọi Trung tâm giáo dục Phật Giáo (Buddhist Education Center), Ngài đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của ngôi chùa như hiện nay. Được biết, hiện tại chùa là nơi tu học của 3 cộng đồng: người Việt, người Mỹ, người Sri Lanka (Tích Lan) và trung tâm Việt ngữ…

Ngoài ra, Ngài còn đi giáo hóa và giảng dạy các đạo tràng khác tại Hoa Kỳ, Ca Na Đa, Anh quốc và các nước tại Châu Âu.

Từ những năm 2000 đến 2007, ngài được Hòa thượng Thích Huyền Vy mời làm giáo thọ, giảng dạy kinh luật cho chư Tăng Ni trực thuộc Giáo hội Phật Giáo Linh Sơn Thế Giới (tại Pháp và Hoa Kỳ) trong các mùa an cư Kiết hạ.

Năm 2011 – 2014: Cùng với các đệ tử và Môn phong pháp phái, ngài đã trùng kiến ngôi Tổ đình Đông Hưng tại vị trí mới tại Phường An Phú, quận 2.

  1.  Viên tịch

Ngài phát tâm xuất gia và hành đạo khá sớm,gánh vác nhiều trọng trách. Luôn luôn nghĩ đến việc hoằng hóa lợi sinh, Ngài đi khắp đó đây trong nước cũng như ngoài nước. Nơi nào cần Ngài đến, chúng sanh cần Ngài đi,không từ gian lao chẳng nề khó nhọc.

Đầu năm 2008, Ngài giao lại mọi trọng trách điều hành Phật sự tại Hoa Kỳ cho đệ tử và về lại chốn Tổ nơi quê nhà để tịnh dưỡng và tĩnh tu.

Giữa tháng 10 năm 2018, Hòa thượng trở bệnh và được đưa vào điều trị tại bệnh viện Triều An.  Thân tuy bệnh nhưng tâm trí ngài luôn giác tỉnh, hoan hỷ và buông xả đã để lại niềm cảm xúc vô biên cho bốn chúng đệ tử. Trong suốt những ngày này, Ngài thường dạy các đệ tử phải sống hòa thuận, cùng chăm lo chốn Tổ và tinh tấn tu tập. Ngài thường nhắc lại hai câu kệ sau:

Tượng vương ký khứ tượng tử tùy.

Nhất đăng diệt nhi nhất đăng tục

Thuận thế vô thường, ngài thâu thần an tịch tại chốn Tổ vào lúc 16 giờ 5 phút ngày 14 tháng 11 năm 2018 (nhằm ngày 8 tháng 10 năm Mậu Tuất) trong tiếng niệm Phật của Chư huynh đệ và hàng đệ tử.

Cuộc đời Hòa thượng luôn luôn thể hiện được lòng tôn kính vô hạn đối với ân sư của ngài là cố Hòa thượng thượng Hành hạ Trụ, mà ngài thường gọi theo cách gọi của để tử là Sư Ông. Đồng thời, Ngài còn là tấm gương sáng về tâm buông xả và lòng hoan hỷ với người khác.

Kính nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

Nam mô Đông Hưng Đường thượng, Tự Lâm Tế Chánh Tông, tứ thập tam thế, húy thượng Đồng hạ Điển, tự Thông Kinh, hiệu Điển Kinh, Đoàn công hòa thượng giác linh.

Một số hình ảnh ghi nhận:

Tin ảnh Thầy Thiện (chùa Nguyên Phước)

Bài viết liên quan

Phản hồi