Thầm lặng những hy sinh

“Khi chăm sóc bệnh nhân, thấy được nỗi đau của họ quá lớn, mình không còn nỗi lo sợ nhiều nữa. Sự có mặt của mình giúp ích cho họ, đó cũng chính là động lực, sức mạnh thôi thúc mình đến và ở lại phục vụ” – đó là chia sẻ của một trong số các tình nguyện viên tham gia phụng sự tại các bệnh viện điều trị Covid-19 tại TP.HCM.

Sư cô Nhuận Bình chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần một bệnh nhân F0 ở phòng cấp cứu

Các bạn tình nguyện viên phục vụ tuyến đầu, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều giống nhau ở tinh thần muốn dấn thân, phụng sự. Để tham gia, trở thành tình nguyện viên, bạn Trần Ngọc Bích Phương, sinh viên năm thứ 2 Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia đã “trốn nhà” và xin bảo lưu kết quả học tập đến tháng 1-2022. “Khi đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, TP.Thủ Đức), em mới điện thoại về nhà báo tin cho mẹ. Em trấn an mẹ, thuyết phục mẹ rằng ngành học của con phải học trực tiếp, học online không tiếp thu được. Thêm nữa, mẹ cho con được sống, trải nghiệm và cống hiến ở tuổi trẻ này, con đi một tháng, dịch lắng xuống, con về”, Bích Phương trải lòng.
Gác lại công việc, khoác áo tình nguyện viên
Sau 1 tháng tham gia công tác tình nguyện tại Bệnh viện Hồi sức, Bích Phương quyết định đăng ký thêm một tháng nữa. Đến ngày thứ 40 phục vụ ở bệnh viện này, Bích Phương không may dương tính với Covid-19. Sau 16 ngày điều trị rồi khỏi bệnh, Bích Phương tiếp tục đăng ký ở lại thêm 1 tháng nữa cùng các anh chị tình nguyện viên khác phục vụ, chăm sóc bệnh nhân. “Em thấy thành phố còn dịch bệnh, bệnh nhân vẫn còn nhiều, bản thân mình còn trẻ, khỏe mình nên cống hiến, san sẻ với mọi người. Khi thấy các bệnh nhân mình chăm sóc từ nặng chuyển sang nhẹ, sau đó xuất viện, em hạnh phúc lắm”. Bích Phương còn hóm hỉnh rằng “sẽ ở bệnh viện phục vụ, chừng nào bệnh viện đuổi thì về”.

Thầm lặng những hy sinh ảnh 1
Các bạn tình nguyện viên phục vụ tuyến đầu, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều giống nhau ở tinh thần muốn dấn thân, phụng sự

Ngoài Bích Phương, bạn Lương Thị Hường Tường Vi, sinh viên Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur TP.HCM cũng gác lại việc học để góp một phần sức nhỏ của mình với nơi tuyến đầu chống dịch. “Em được phân công chăm sóc bệnh nhân từ nhẹ đến nặng, từ khoa 9A, 6B, đến ICU 2A. Mỗi ngày tiếp xúc với bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân, nghĩ họ là người thân của em, em không thấy cực, chỉ có buồn hay vui mà thôi. Lúc họ khỏe, chuyển biến bệnh tốt, hết bệnh xuất viện là điều em vui nhất, và buồn nhất là lúc họ không thể vượt qua…”, Tường Vi chia sẻ.
Hay như những tâm sự từ bạn Nguyễn Thị Thùy Thương, pháp danh Quảng Nhân về việc quyết định ở lại thành phố để tham gia phục vụ tuyến đầu. Khi dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM, dù đã nhiều lần chuẩn bị để về quê, nhưng cứ có điều gì đó trong lòng khiến Thương không đi được và cuối cùng, bạn quyết định ở lại. Khi có thông tin tuyển tình nguyện viên tôn giáo phục vụ tuyến đầu, bạn đăng ký ngay.
“Lúc đầu thật sự cũng lo sợ vì khả năng nhiễm là cao. Nhưng em xác định đi. Đơn giản em nghĩ mình còn trẻ, còn sức khỏe tốt để phục vụ khi mọi người cần đến mình. Bây giờ không làm thì đợi đến khi nào mới làm. Với lại, em nghĩ có sự gia hộ của Tam bảo, của Giáo hội và chư tôn đức nên em càng yên tâm. Dịch bệnh vẫn còn, bản thân không có việc gì gấp nên em ở lại cho đến khi nào cùng mọi người về chung”, Thùy Thương tâm sự.

Thầm lặng những hy sinh ảnh 2
Tình nguyện viên sẵn sàng thực hiện công việc được phân công

“Không thể bỏ khi bệnh nhân còn cần mình…”
Không chỉ riêng các bạn trẻ gác lại việc học, việc làm để ở lại bệnh viện thêm một thời gian, có không ít các tu sĩ cũng phát nguyện thực hiện công việc đầy ý nghĩa này.
Ban đầu, Đại đức Thích Chúc Khai, tình nguyện viên phục vụ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, phát nguyện tham gia 2 tháng, nhưng sau đó, khi y bác sĩ cần tình nguyện viên và bệnh nhân cần sự giúp đỡ của thầy, thầy đã viết đơn xin chủ nhiệm Lớp Cao cấp Giảng sư khóa XI cho phép nghỉ học đến hết ngày 25-11-2021, để tiếp tục hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. “Ngày 18-10 tôi nhận được giấy thông báo 2 ngày sau nhập học. Khi tôi nói với mọi người chắc sẽ về để tiếp tục việc học, thì bệnh nhân, các bạn tình nguyện viên và y bác sĩ cộng sự đều nói “thầy ơi đừng bỏ con”. Có bệnh nhân lớn tuổi nghe tin mình về, họ bỏ ăn. Điều dưỡng gọi tôi vào gấp để động viên tinh thần cho các cụ. Thấy thương và không nỡ. Mọi người cần mình, sao bỏ được”, thầy Chúc Khai cho biết.

Thầm lặng những hy sinh ảnh 3

Thầy Thích Chúc Khai chăm sóc bệnh nhân lớn tuổi

Tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, thầy Chúc Khai được phân công trách nhiệm là trưởng điều hành nhóm tình nguyện viên tôn giáo. Hàng ngày, ngoài việc sắp xếp lịch trực cho các tình nguyện viên, thầy Chúc Khai còn là người thay thế khi có tình nguyện viên đuối sức. Vì dấn thân ở tất cả các khoa nên thầy Chúc Khai được tặng cho biệt danh “thầy phụ khoa – khoa nào cũng phụ việc”.


Chuỗi thời gian phụng sự tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu Covid-19 là khoảng thời gian quý báu, giúp người tu sĩ như tôi trải nghiệm, thấu cảm nhiều hơn về nỗi đau của bệnh nhân, sự vô thường của kiếp người. Tôi đã đến với bệnh nhân, xoa dịu nỗi đau và tinh thần cho họ. Điều này không chỉ giúp tôi mở rộng thêm lòng từ mà còn là bài học quý giá, để tôi áp dụng thiết thực vào công tác hoằng pháp, phụng sự nhân sinh.
Đại đức Thích Chúc Khai

Đến với Bệnh viện Dã chiến số 12 trong đợt tham gia đầu tiên của tình nguyện viên tôn giáo, Sư cô Thích nữ Nhuận Bình được biết đến nhiều với sự tận tụy cùng công việc. Đa số những ca Sư cô chăm sóc là đặc biệt, người bệnh khủng hoảng tinh thần, vài bệnh nhân câm điếc, một số không hợp tác, vì vậy, việc chăm sóc và giúp họ ăn uống hàng ngày cần đến tình thương và sự nhẫn nại.
Bản thân là F0 và có người thân cũng nhập viện tại Bệnh viện Dã chiến số 12, chị Trần Thị Diễm (huyện Củ Chi) chia sẻ: “Trong những ngày ông xã Lê Văn Tuấn ở bệnh viện, nếu không có sự động viên của quý Sư cô thì không biết sẽ bước qua như thế nào. Ông xã tôi nhiễm Covid-19 rất nặng, 17 ngày phải thở máy, bản thân mình và đứa con 10 tuổi cũng nhiễm bệnh. Lúc khổ nhất, bấn loạn nhất thì may mắn nhất là có quý Sư cô…”.
Những lời cảm ơn sâu sắc từ tuyến đầu
Trong buổi lễ chia tay tình nguyện viên đợt 2 hoàn thành nhiệm vụ tại các Bệnh viện điều trị Covid-19, Thạc sĩ – Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trải lòng: “Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của chúng ta chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng và rất nặng. So sánh với số liệu của các nước, các trung tâm y tế trên thế giới thì các số liệu ca bệnh của bệnh viện chúng ta rất khả quan. Đó là những nỗ lực rất lớn trong điều trị bệnh nhân Covid-19 của tất cả lực lượng, đặc biệt là tình nguyện viên tôn giáo. Nếu không có lực lượng này hỗ trợ thì đơn vị rất khó hoàn thành được nhiệm vụ chăm sóc y tế cho bệnh nhân, nhất là trong những ngày đầu nguồn nhân lực còn thiếu thốn”.

Thầm lặng những hy sinh ảnh 4
Sư cô Nhuận Bình đi thăm các Sơ và quý Thầy tình nguyện viên Công giáo bị nhiễm Covid-19 – Ảnh: Nguyễn Á

Trong buổi chia tay, tình nguyện viên Võ Tấn Đạt trải lòng: “Em tham gia tình nguyện từ ngày 22-7, hôm nay đúng 2 tháng phục vụ, em về nhưng lòng cũng nhiều ngổn ngang. Em vẫn muốn khi sắp xếp xong công việc, vài tuần sau em sẽ trở lại nơi đây sát cánh cùng anh chị tình nguyện viên, tiếp tục thực hiện công việc chăm sóc bệnh nhân”.
Riêng tình nguyện viên Đinh Anh Hoàng Vũ, sau khi kết thúc thời gian làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 10, trở về địa phương anh đã đăng ký tham gia ngay đội tình nguyện viên ở nơi anh cư trú. “Mình vừa tiếp tục thực hiện được công việc thiện nguyện chống dịch, vừa chăm lo được cho gia đình. Mình hạnh phúc vì vẫn tiếp tục, tiếp nối và cống hiến được cho cộng đồng dù là những việc nhỏ nhất”, anh Vũ cho biết.


Tình nguyện viên có sự tham gia với những góc độ khác nhau, rất âm thầm nhưng những công việc đó đã góp phần rất lớn trong việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Sự xuất hiện của các tình nguyện viên đã cùng đồng hành với đội ngũ y bác sĩ, bên cạnh đó cũng xoa dịu đời sống tinh thần, tạo tinh thần tốt lành, lạc quan và tạo sự động viên cho những bệnh nhân khi trở nặng và tỉnh lại. Điều đó là mong muốn chung, để thành phố chúng ta sẽ có nhiều bệnh nhân được xuất viện trở về với cuộc sống bình thường và giảm được tỷ lệ tử vong. Xin được trân trọng cảm ơn những đóng góp âm thầm nhưng đầy trách nhiệm, đầy sự thiện nguyện và dấn thân của các bạn.
Bà Phan Kiều Thanh Hương,
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM

Bài viết liên quan

Phản hồi