Thái Bình:  Chùa Khánh Vân – Tấm lòng Chư Tăng lan tỏa ánh sáng Phật pháp mùa Phật đản

PGĐS- Không khí Đại lễ Vesak tại Việt Nam đang lan tỏa ánh sáng từ bi nhiệm màu, vượt qua mọi khoảng cách, len lỏi tới từng ngõ nhỏ, từng mái nhà, từng tấm lòng đang hướng về Đức Thế Tôn.

Ông: Nguyễn Tấn Võ,  Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ tặng hoa chúc mừng.

Không chỉ ở những đại lễ trang nghiêm nơi đô thị lớn, ánh sáng Phật pháp cũng đang nhẹ nhàng thấm đượm đến những ngôi chùa nhỏ bé nơi miền quê thanh bình – nơi không có tiếng kèn trống rộn rã, nhưng có sự hiện diện đầy cảm hóa của những vị Tăng sinh trẻ từ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội trở về hành đạo. Như lễ Phật đản đầm ấm tại ngôi chùa Khánh Vân, thuộc tổ 10, thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Ông Nguyễn Minh Thường, Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn An Bài trao chứng nhận Chùa cảnh bốn gương mẫu cho Đại đức Thích Long Bảo.

   Dẫu còn đang trên ghế học tại Học viện Phật giáo Việt Nam, Đại đức Thích Long Bảo đã chọn cách dấn thân về nơi thôn dã, trợ duyên cùng bà con dựng lễ đài, tụng kinh, chia sẻ Pháp thoại, trao truyền tinh thần yêu thương và tỉnh thức bằng chính đời sống giản dị và gương mẫu của mình. Hình ảnh những chiếc áo nâu sồng đi giữa đồng quê, giữa nắng sớm hay chiều muộn, không chỉ là biểu tượng của sự tu học, mà còn là hiện thân sống động của tinh thần Bi – Trí – Dũng trong thời đại mới: Bi để cảm, Trí để dẫn, Dũng để đi vào cuộc đời mà không ngại gian nan.

   Giữa nhịp sống yên bình của thị trấn An Bài, ngôi chùa Khánh Vân nhỏ bé nhưng thân thương đã tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025 trong không khí ấm cúng, gần gũi như một mái nhà tâm linh.

   Dưới sự hướng dẫn của Đại đức trụ trì, buổi lễ diễn ra với đầy đủ các nghi thức truyền thống: tụng kinh Khánh đản, lễ tắm Phật, dâng hoa cúng dường và thắp nến cầu nguyện. Không có ánh đèn sân khấu rực rỡ hay âm thanh hoành tráng, nhưng từng lời kinh, mỗi ngọn nến đều sáng lên bằng lòng thành kính, sự giản dị và sâu sắc của những người con Phật nơi miền quê thanh tịnh.

  Đáng quý hơn cả, lễ Phật đản tại chùa không chỉ là sự kiện của riêng nhà chùa, mà là ngày hội tinh thần chung của cả cộng đồng. Sự quan tâm của các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể thị trấn An bài, cấp ủy chính quyền khu phố 11, người dân địa phương, từ các cụ già đến em nhỏ, từ Phật tử thuần thành đến những người chưa quy y, đều hòa mình trong niềm vui thanh tịnh và tình đạo vị.

  Chùa Khánh Vân – với trái tim chân thành và cánh cửa luôn rộng mở – đã chứng minh rằng: nơi nào có tình thương, có chánh pháp, nơi đó chính là nơi Đức Phật ngự trị. Đại lễ Phật đản tại đây không chỉ là một nghi lễ, mà là một sự hồi sinh tinh thần, là kết nối giữa đạo và đời, giữa người với người trong tình thân Phật pháp.

   Dẫu còn đang miệt mài đèn sách tại Học viện Phật giáo Việt Nam, nhưng những vị Tăng trẻ đã không ngại xa xôi, trở về những miền quê yên bình để trợ duyên hành đạo, gieo duyên lành nơi xóm nhỏ.

Hình ảnh các thầy áo nâu sồng, tay ôm kinh sách, tay nâng bát hương, cùng bà con dựng lễ đài, trang trí xe hoa hay giản dị chia sẻ lời kinh tiếng kệ giữa phiên chợ chiều… đã trở thành điểm sáng giữa mùa Phật đản nơi làng quê.

   Không cần pháp tòa cao sang, không cần tiếng trống pháp vang vọng, chính phong thái điềm đạm, gương mặt hiền hòa và tâm nguyện phụng sự của các vị Tăng trẻ đã lan tỏa đạo vị, khiến Phật pháp trở nên sống động, gần gũi và chân thật trong lòng người dân.

   Đây chính là hình ảnh đẹp của Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới: khi người trẻ mang ánh sáng chánh pháp về những nơi bình dị nhất, bằng tất cả tâm nguyện thanh tịnh và hành động cụ thể.

       TrọngHảitb

Bài viết liên quan

Phản hồi