Tết là vẹn tròn yêu thương

Nhắc đến Tết, phần lớn mọi người thường nghĩ ngay đến niềm hạnh phúc đủ đầy, trọn vẹn… Mỗi người đều có một quan niệm về Tết vẹn yêu thương khác nhau, tuy nhiên, để có được sự viên mãn đó, mỗi người cũng cần làm tròn vai, tức nghĩa vụ và trách nhiệm với bản thân, gia đình cũng như cộng đồng.

Một năm với thật nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn đã qua đi. Từ ngày 23 tháng Chạp, không khí Tết đã nô nức khắp mọi góc nhà, con đường, ngõ phố. Nhà nhà, người người tiếp tục sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, làm đẹp… đón Tết. Không khí đón Tết cổ truyền hiện hữu ở khắp mọi nơi, hương xuân ngập tràn, mai vàng đào thắm đua nhau khoe sắc.

Năm mới, tinh thần của mỗi người thường có xu hướng thả lỏng. Mọi người hầu như đều được nghỉ ngơi, tạm dừng lại công việc để về nhà sum vầy bên gia đình, thoát khỏi những áp lực tranh đấu trong học hành, làm việc và những mưu toan trong cuộc sống. Bất kể là công nhân, nông dân, nhân viên văn phòng hay “đội quân” học sinh sinh viên đều được phép tận hưởng những ngày thoải mái nhất. Ai cũng tự thưởng cho mình khoảng thời gian để “xả hơi” sau một năm mệt mỏi vì cố gắng. Khi không còn áp lực, con người dễ dàng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Tết là lý do để con người từ chối tiếp nạp năng lượng tiêu cực, là khoảnh khắc để chúng ta cảm thấy cuộc sống ý nghĩa nhất.

Empty

Ảnh minh họa

Tùy vào địa lý mà mỗi vùng quê lại mang những phong tục ăn Tết khác nhau. Tết miền Tây rộn ràng, linh đình, Tết miền Bắc quây quần đông đủ, miền Nam lại đón năm mới ấm cúng trong sắc mai vàng. Với nhiều người, dù đã trải qua bao nhiêu ánh đèn hoa lấp lánh nơi phố thị, Tết quê luôn đọng lại trong lòng người cảm giác đầm ấm thân quen mà không đâu sánh được. Như ca từ trong bài hát của ca sĩ Đen Vâu: “Bước ra đường là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan”. Với những người xa nhà, về quê ăn Tết là trở lại với một quãng ấu thơ được quây quần bên ba mẹ, họ hàng, bên mâm cơm nóng hổi và những cảnh vật thân thuộc.

Chẳng thế mà trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Tết là ngày của sum họp, của đoàn viên, của sự vui vầy, quây quần bên nhau để tận hưởng những ngày đầu năm mới hết sức an lành và vui vẻ. Tết bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, hy vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, với cuộc sống tất bật như hiện nay thì ngày Tết mới là khoảng thời gian mọi gia đình quây quần bên nhau. Bởi gần Tết, không khí của những ngày cuối năm, mọi người trong gia đình được cùng nhau bận rộn chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chăm từng nụ hoa cho nở đúng mùng 1 Tết và những tiếng cười đùa quanh nồi bánh chưng đêm 30. Những khoảnh khắc ấy có lẽ là những gam màu tuyệt vời nhất cho bức tranh sum họp và hạnh phúc gia đình.

Đối với nhiều người trẻ hiện nay, ngày Tết ý nghĩa không chỉ là việc về nhà mà còn là ăn Tết cùng người nhà. Ở cuộc sống bận rộn thời hiện đại, người ta sẵn sàng linh động mỗi phút giây, miễn có thể sắp xếp ở bên gia đình thì bất cứ đâu cũng có thể là “nhà”. Vậy nên, họ không chỉ về nhà, mà sẵn sàng cùng nhà đi khắp mọi nơi, đón những cái Tết quây quần truyền thống, song theo phong cách chu du hiện đại. Cứ thế, “nhà” không chỉ gói gọn trong “ngôi nhà”, mà rộng hơn, đó là những điểm đến có sự hiện diện của “người nhà”, của những tiếng nói cười quen thuộc.

Với quan điểm này, nhiều gia đình đã chọn kết hợp việc ăn Tết với những chuyến du lịch cùng nhau. Đón năm mới tại những điểm đến mới, nơi giúp họ lấy lại tinh thần, thoải mái dành toàn thời gian gần nhau, tương tác trò chuyện giữa các thành viên để thêm gắn kết. Chẳng còn những ngày bận bịu chuẩn bị mâm cao cỗ đầy, tay chân liến thoắng để làm tròn thủ tục đón Tết, giờ đây kỳ nghỉ năm mới trở về bản chất nghỉ ngơi đơn thuần. Mọi thành viên đều có thể cùng nhau tận hưởng pháo hoa, tiệc rượu ở một khung cảnh “đổi gió”. Đây cũng là cách mà nhiều mong muốn bù đắp thời gian ở cạnh ba mẹ, người thân sau một năm xa nhà, bôn ba công việc.

Empty

Ảnh minh họa

Tết là sum vầy và Tết cũng là để sẻ chia. Đây cũng là thông điệp ý nghĩa được nhiều người lựa chọn. Bên cạnh việc sum vầy cùng người thân, tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng là cách để mỗi người lan tỏa tinh thần Tết yêu thương. Không chỉ đón năm mới với nguồn năng lượng tích cực, những hành động đẹp còn góp phần mang không khí xuân đến nhiều mảnh đời khó khăn trên cả nước. Tết đến gần mang theo không khí sum vầy và yêu thương. Mỗi người sẽ có một cách đón và tận hưởng Tết riêng. Song, một mùa “Tết tròn” hứa hẹn thật sự ý nghĩa và trọn vẹn khi chúng ta lan tỏa những giá trị tích cực không chỉ tới bản thân, gia đình mà còn cả cộng đồng.

Để những cái Tết trọn vẹn, mỗi cá nhân gia đình cần tạo ra không khí thân tình cởi mở, ấm áp giữa các thành viên. Văn hoá Tết xưa nay được cha ông ta vun đắp mà thành. Những tập quán cũ tốt đẹp như chúc Tết, du xuân lễ hội là để cùng nhau vui đón một năm mới an lành. Người xưa kiêng to tiếng, cãi nhau trong những ngày Tết. Và các cụ già thường dặn con cháu phải biết tiết chế nóng giận ba ngày Tết… Văn hoá Tết chính là thời điểm để con người thánh thiện nhất, tử tế nhất với con người, từ trong gia đình ra xã hội. Đó là những ngày lý tưởng nhất trong năm, trong đời người ta. Hãy sống vui như Tết. Để những cái Tết đoàn viên luôn vui tươi lành mạnh, “tròn đầy” và vẹn yêu thương.

Thảo Nhi

Bài viết liên quan

Phản hồi