Tâm bình, tĩnh lặng giữa thương ghét

Ta sẽ không chạy theo cảnh để giữ hoàn cảnh như ý mình mong muốn, mà thay vào đó ta sẽ giữ tâm không xao động trước sự đổi thay của cảnh. Thực hành được như thế tâm ta sẽ luôn an vui, tự tại giữa chốn vô thường.

Mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua, những chiếc lá trên cành cây sẽ xao động. Nếu như có cơn gió mạnh hơn thổi qua, các nhánh cây sẽ xao động. Tuy vậy, khi ta đưa tầm mắt mình hướng xuống thân cây và gốc cây. Ta sẽ thấy được sự tĩnh lặng và vững chãi. Thân cây và gốc cây là hình ảnh của tâm chánh niệm, tỉnh giác.

Tâm chánh niệm, tỉnh giác luôn nhận biết các pháp đang là một cách trọn vẹn, không thêm không bớt và cũng không bị các pháp ấy cuốn đi. Tâm ta thường bị cuốn đi đâu? Tâm ta thường bị cuốn vào trong hai trạng thái đối lập như: Thương – ghét, tốt – xấu, có – không, được – mất…

118073672_1263588067325337_75047997847388162_n

Chính vì tâm luôn bị cuốn vào và giao động trong hai trạng thái đối lập đó nên tâm mất đi sự tĩnh lặng. Một khi tâm bị giao động bởi những ngọn gió của thương ghét, tốt xấu, được mất, có không… thì ta biết rằng tâm ta chỉ đang ở phần ngọn của cây thôi.

Và khi ấy ta phải trở về suối nguồn của chánh niệm, để thiết lập tâm an trú trọn vẹn trong cái thấy biết hiện tiền. Điều này cũng có nghĩa rằng tâm đang ở phần thân và phần gốc của cây.

Chính lúc đó tâm ta sẽ có nhiều bình an và tĩnh lặng giữa thương ghét, tốt xấu, được mất, có không… và nếu ta luôn đạt được trạng thái tâm như thế thì bất cứ các pháp nào đến với ta trong giây phút đó, ta sẽ không ngại việc cọ xát các pháp để thấy ra chân lý.

Ta sẽ không chạy theo cảnh để giữ hoàn cảnh như ý mình mong muốn, mà thay vào đó ta sẽ giữ tâm không xao động trước sự đổi thay của cảnh. Thực hành được như thế tâm ta sẽ luôn an vui, tự tại giữa chốn vô thường.

Đã biết có thương là có ghét

Thì thà đừng ghét cũng chẳng thương

Tâm bình tĩnh lặng giữa thương, ghét

An vui tự tại chốn vô thường.

Pháp Nhật

Bài viết liên quan

Phản hồi