Sài Gòn – nhìn nhau mà sống

Mỗi lần về quê, tôi thường được bà con hỏi: “Sài Gòn kiếm tiền dễ lắm phải không?”. Tôi thưa: “Đồng tiền nào cũng nhọc nhằn, nhưng Sài Gòn dễ sống”.

Ở Sài Gòn dễ kiếm tiền lắm phải không?. (Ảnh: Phùng Huy)
“Ở Sài Gòn dễ sống lắm phải không?” (Ảnh: Phùng Huy)

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên những ngày mới đặt chân đến Sài Gòn. Ngày ấy tôi theo cha mẹ đi lấy hàng ở chợ Tân Bình. Giữa lối đi hẹp những gian hàng trưng bày mẫu giày dép san sát nhau. Lựa mẫu, nhận hàng rồi người mua sẽ đội cái bao tải lên đầu vừa đi vừa kêu “nước sôi, nước sôi” để người khác nhường đường.

Hàng đem ra đến cổng là nơi tập kết của những người giữ hàng, đóng hàng, chở hàng mướn. Người dân tứ xứ, những đôi bàn tay to bè, khách quen đặt hàng xuống là có “mối” đến nhận. Vài tiếng “bậy à nghen” tránh được bao nhiêu tai họa, người ta nhìn lại mình, nhìn nhau mà sống.

Ở cổng chợ có một quầy bán báo, từ quầy báo đó tôi tra điểm thi đại học của mình. Những người vác hàng thuê trong khi chờ khách giở nhật báo cập nhật thông tin đời sống. Sài Gòn ngày ấy, trên những vỉa hè đâu đâu cũng thấy cà phê và báo giấy.

Mỗi lần về quê, tôi thường được bà con hỏi: “Sài Gòn kiếm tiền dễ lắm phải không?”. Tôi thưa: “Đồng tiền nào cũng nhọc nhằn nhưng Sài Gòn dễ sống”.

Sài Gòn hối hả những ngày giáp Tết. Ảnh: Thái Sinh
Sài Gòn hối hả những ngày giáp tết (ảnh: Thái Sinh)

Dễ sống là bởi dựng một xe chuối chiên, gánh chè bà ba hay mở cái sạp bán vài món rau cải trong con hẻm nhỏ cũng sống được. Chỉ cần bỏ công sức ra, Sài Gòn sẽ không để cho ai thiếu thốn. Dòng người ở Sài Gòn lướt qua những cung đường hoa lệ lung linh ánh sáng rồi dừng lại trong hàng ngàn con hẻm thân thương. Thân thương là bởi người ở đâu mới tới cũng được hỏi “… trong nhà là thứ mấy” rồi cứ thế mà kêu bà Tư, chú Tám, chị Hai như bà con chòm xóm lâu ngày.

Sài Gòn người ta chia nhau những cái cây ở miền quê nào xa lơ xa lắc, cây lá é nấu lẩu gà, cây bụp giấm nấu canh chua, cây lá vối dùng để hãm nước nhỏ xíu đựng trong cái ly nhựa theo người lên máy bay rồi bám rễ ở Sài Gòn, xòe ra cành lá thơm tho cho ai thích thì cứ vin cành mà hái. Những cái cây đem theo bao nhiêu ký ức của đồng đất quê nhà.

Sài Gòn, người đàn ông ngoắc thằng bé bán nước đậu xanh, đậu nành “lại biểu nè”. Thằng bé dựng cái xe lạch xạch trước cổng nhà hỏi chú lấy mấy chai? “Đợi đó”, “chả” vô nhà lấy chai dầu nhớt và cái bơm, nâng chiếc xe lên tra dầu nhớt vào vòng sên rồi bơm bánh sau bị xuống hơi cho thằng nhỏ. Vừa làm vừa nói “xe vầy mà cũng đạp đi khắp nơi hay dữ ông thần”.

Tôi có cậu bạn thân lập nghiệp ở Sài Gòn. Trải qua biến cố khủng khiếp, bạn vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, từ làm thuê làm mướn rồi trở thành ông chủ có tiếng trong ngành kinh doanh vật tư công nghiệp. Những ngày Sài Gòn bị phong tỏa do dịch COVID-19, bạn huy động xe tải, tài xế chở thực phẩm cho người dân trong khu vực bị cách ly. Bạn kể cứ nhìn trên app SOS, theo dấu chấm đỏ là đi, Sài Gòn đã cưu mang bạn những ngày khốn cùng nhất – bây giờ bạn không thể làm ngơ với hoạn nạn của Sài Gòn. Một người đàn ông trưởng thành phải thấm thía và thương mảnh đất này đến nhường nào mới rưng rưng mà thốt lên những điều đó.

Ở Sài Gòn, bạn sẽ thấy cụ già bán vài chai nước mát ven đường mua ủng hộ vé số, người bán vé số hồn nhiên trả lời “không trúng đâu dì ơi, trúng là con để con xài rồi”, “mua cho vui” cụ già móm mém.

Người Sài Gòn là dân tứ xứ tụ hội, người ta nhìn nhau mà sống, lặng lẽ thay đổi sao cho “vậy phải rồi”. Đàn ông ở Sài Gòn, chỉ cần vợ con còn thiếu thốn thì ban ngày đi làm công sở, tối về ăn vội chén cơm rồi khoác chiếc áo tài xế công nghệ lên người. Đàn bà ở Sài Gòn, đi chợ thấy sát giá là mua, mua sao để người bán cũng có lời, bán sao để lần sau người ta còn ghé.

Hai chữ “người lớn” ở Sài Gòn được nể trọng lắm. “Người lớn” ngồi sau anh tài xế công nghệ dặn: “chạy xe ở Sài Gòn là phải biết tên những địa danh hồi xưa như Bến Nghé, Gia Định; biết chiều đánh số nhà gốc chuẩn từ Kênh Đôi, Kênh Tẻ, Kênh Tàu Hủ, Rạch Nhảy và sông Sài Gòn… Người lớn ngoài 80 tuổi vẫn “hồn nhiên” khen “nay có đám giỗ nên em dâu, em gái tôi đẹp quá”! Khi tôi xây nhà trong một con hẻm ven sông, “người lớn” đem chổi tre vừa phụ quét vật liệu xây dựng vương vãi vừa dặn: “Làm nhà chớ có ỉ i vô nhà thầu muốn làm sao thì làm nghen con, họ xây xong lấy tiền họ đi, bây thì sống ở đây với tụi tao, đừng để bùn cát chảy xuống làm nghẹt cống là bây khổ mà tụi tao cũng rầu à”.

Hoàng hôn trên sông Sài Gòn (Ảnh: Hoàng Hiền)
Hoàng hôn trên sông Sài Gòn (Ảnh: Hoàng Hiền)

Sống ở Sài Gòn gần 20 năm, nương tựa vào sài Gòn, chen chân giữa biển người bươn chải, tôi dặn mấy đứa em mình thi thoảng nhớ bỏ vài đồng tiền nho nhỏ ở cốp xe phía trước, đem theo vài bịch bánh cho mấy đứa nhỏ bồng em bán vé số ở khúc đèn xanh đèn đỏ. Đừng bỏ lỡ niềm vui be bé ấy cho người và cho mình. Có lần, tôi lặng người khi thấy cậu bé nhét vội xấp vé số vào cái túi đeo chéo bên hông, hai bàn tay đen nhẻm vốc những trái chò nâu vừa rụng nhón chân tung lên cao rồi say sưa ngắm những cánh nâu nâu xoay xoay chầm chậm. Tôi cúi nhặt vài trái chò nâu đem về cho các con, kể cho con nghe khoảnh khắc đẹp đẽ ấy.

Người ta vẫn nhắc đến Sài Gòn là thành phố có nền kinh tế sôi động nhất cả nước, nhưng mỗi khi đi xa tôi luôn nhớ về Sài Gòn với những gương mặt tứ xứ tụ về. Người ta cứ thế mà thong thả sống, thong thả “cập nhật” phương ngữ vùng miền của nhau rồi có thể tự tin rằng tiếng miền nào nghe cũng hiểu.

Bạn có ngạc nhiên không khi ở Sài Gòn, ngoài dân tộc Kinh thì có đến 44 dân tộc thiểu số của nước ta sinh sống, đông nhất là người Hoa rồi đến người Chăm, người Khơ-me, người Tày… Sài Gòn như bà mẹ đông con, lại cũng giống nàng dâu trăm họ – những con phố dài thức trắng đêm.

Sài Gòn – người ta nhìn nhau mà sống!

Hoàng Hiền (TPHCM)

Bài viết liên quan

Phản hồi