Phật giáo trong tôi

Bao lần tôi gục ngã giữa đời, tôi lại trở về bên mẹ, trở về căn gác nhỏ và niệm Phật Quan Thế Âm.

“Bà con nông thôn gần gũi với chùa, thương kính ông Phật, không phải vì hiểu biết giáo lý Phật giáo. Những tiếng Tam quy, Ngũ giới, Thập nhị nhân duyên… đa số không biết, không hiểu, chỉ biết nhìn theo các Thầy mà làm lành lánh dữ, cố gắng theo gương các Thầy mà bớt phạm sát sinh. Triết lý vốn sáng mà lạnh. Rất hay để nói, rất êm để nghe, mà phàm nói hay thì thường ít làm. Thì hãy cứ vui hồn nhiên như người đàn bà kia, tin rằng lễ Phật xong, đem tiền phát cho những người nghèo ngồi đợi xin ở bậc thềm trước chùa là lúc chết sẽ được Phật dắt về Tây phương Cực lạc”. (Trích “Tiếng chuông triêu mộ” của nhà văn Võ Hồng).

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Mỗi khi về chùa nghe kinh là tâm tôi lại tĩnh lặng một cách lạ kỳ. Tôi thích đọc truyện ngắn của nhà văn Võ Hồng và nhìn các chú huệ ngồi học bài dưới mái am đã ngả màu rêu. Cha tôi cũng hay về chùa trong những ngày trăng tròn. Mỗi đêm, tôi thường ngồi niệm Phật một mình trên căn gác nhỏ. Cuộc sống hàng ngày trôi qua, bao nhiêu điều hư huyễn cứ vậy theo mây trời tan biến vào hư vô. Tôi nằm lục lại ký ức của tháng năm, về những ngày còn bé, khi cha tôi đi làm ở một nơi rất xa.

Tuổi thơ bên mẹ là cả một quãng thời gian thơ mộng. Lần đầu tiên nước mắt tôi tự rơi trong đêm là khi tôi cầm cuốn kinh Vu Lan đọc từng dòng từng chữ, khi ấy tâm hồn tôi bỗng nhiên xúc động mãnh liệt. Kể từ hôm đó, tôi bắt đầu chuyên tâm vào việc học nhiều hơn. Mỗi năm tóc mẹ lại bạc thêm, làm sao tôi có thể giữ cho tóc mẹ đừng bạc, làm sao tôi có thể được nhìn thấy mẹ mỗi sớm, nơi căn bếp nhỏ mẹ nấu cơm, đun nước, khói tỏa thơm mùi rơm, mùi củi, mùi hạt lúa, ánh lửa nổ lép bép bung ra những viên cốm trắng thơm giòn…

Mẹ tần tảo sớm hôm, mẹ làm tất cả các công việc, kể cả công việc nặng nhọc kể từ khi cha tôi vắng nhà. Mỗi rằm, mẹ thường hay dẫn tôi về chùa để nghe kinh kệ. Mỗi tháng cứ vào ngày mùng một, mười bốn, mười lăm và ba mươi, mẹ lại nấu món chay cho cả nhà ăn, dù rằng chỉ có rau muống luộc, lạc rang và chén nước tương dầm củ sả; hương vị ấy vẫn còn trong trí nhớ của tôi cho đến bây giờ.

Mẹ dạy tôi học Phật, dạy tôi phải nhớ câu:

“Lấy oán báo oán, oán vẫn còn,

Lấy ân báo oán, oán sẽ tan”.

Bao lần tôi gục ngã giữa đời, tôi lại trở về bên mẹ, trở về căn gác nhỏ và niệm Phật Quan Thế Âm.

Tuổi thơ bên mẹ. Khi cha vắng nhà. Ngõ trước vườn sau thấp thoáng màu hoa ngà voi trắng. Chiều về, mẹ ngồi buộc những bó rau muống non, tôi ngồi bên mẹ nhìn những cánh cò bay về núi ngủ…

Bạn bè tôi, bây giờ có người đã không còn mẹ, còn cha. Tôi thấy trong đôi mắt họ in nỗi buồn không thể nói thành lời, như những vần thơ của nhà thơ Đồng Đức Bốn trong bài “Mẹ ơi”:

Bây giờ con chẳng có gì,

Cúi đầu lạy mẹ con đi về trời.

Chỉ xin mẹ một tiếng cười,

Và câu hát thuở mẹ ngồi ru con.

Chỉ mong trái đất vẫn tròn,

Biết đâu mẹ lại gặp con có ngày.

Cõi người nhiều nỗi đắng cay,

Cho nên Phật vẫn ngàn tay kêu cầu.

Cõi người còn lắm bể dâu,

Con lấy lục bát bắc cầu đi qua.

Tin rằng sông lắm phù sa,

Cho nên đời vẫn nở hoa bốn mùa.

Bây giờ trời đổ cơn mưa,

Xa xa có tiếng chuông chùa gọi con.

Trong hồi ức, tôi nhớ mãi cái ngày trời mưa tầm tã, lúc đứa em nhỏ của tôi khóc đòi cha, và cũng hôm đó cha tôi về nhà trong nét mặt mệt mỏi, râu ria lâu ngày chưa cạo cuộn vào chiếc cằm đã úa màu bụi đất. Và thế là cứ mỗi khi nhớ cha, đứa em của tôi lại khóc, nhưng cha tôi đi làm xa, lâu lâu mới về thăm nhà một lần, hồi ức của tôi chỉ để lại cho tôi về cái xa xăm, heo hút về sự xa cách ấy.

Rồi từng đêm khuya khi nghe tiếng võng vọng về quãng thời gian ký ức, nơi của những chiếc lá cuối mùa rơi rụng, nơi chiếc cần câu buông xuống giữa hai dòng nước trong đục của cuộc đời. Tôi nhớ lắm đôi vai cha lặng lẽ khuất sau rặng tre làng. Bao nhiêu câu chuyện đời thường dẫu có nhắc lại cũng không đủ lời để diễn tả cho hết, nhưng thiếu nó ta như thiếu đi linh hồn của trời đất. Nếu như trong cuộc đời của mỗi người, ai ai cũng có một niềm tin, một ký ức đẹp, thì dù giữa dòng đời ngụp lặn ta vẫn có thể tự mình đứng dậy trong sự tỉnh thức.

Như trong bốn câu thơ trong bài thơ “Nhớ chùa” của cố Hòa thượng Thích Mãn Giác, ta lại thấy được ngôi nhà chung của mỗi người con Phật:

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng,

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung,

Mái chùa che chở hồn dân tộc,

Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Phật giáo đã đi vào trong tâm thức của người Việt Nam, đặc biệt là những người sống ở nơi thôn quê dân dã, nơi mà những tiện nghi vật chất văn minh chưa xâm chiếm. Tâm hồn họ luôn hướng về sự tĩnh lặng an nhiên.

Trên vách tường, nơi căn gác nhỏ, tôi treo hai bức thư pháp viết về cha và mẹ. Mỗi sáng, khi mở mắt tôi đều nhìn thấy, bên phải bức tranh vẽ Đức Phật A Di Đà là câu:

“Bố là tất cả, bố ơi, bố ơi!”.

Còn bên trái là câu:

“Mẹ là sự sống tình yêu hạnh phúc,

Là bầu trời, mặt đất, vầng trăng”.

Hình ảnh của cha và mẹ trong tim những người con luôn cao cả. Biết bao nhiêu câu ca dao, tục ngữ, thơ, truyện, tiểu thuyết đã viết về cha về mẹ. Cha như vầng dương sáng, mẹ như ánh trăng diệu hiền, soi sáng lối con đi trong dòng đời lạnh lẽo…

Ngọc Kỳ Lân

Bài viết liên quan

Phản hồi