Bậc Thánh nhân cầu Tâm chứ không cầu Phật

Trong kinh Phật viết: Muốn được tịnh thổ thì phải tịnh tâm mình, tâm mình tịnh rồi đó mới là tịnh thổ. Bậc Thánh nhân cầu tâm chứ chẳng cầu Phật, còn kẻ ngu muội chỉ cầu Phật mà chẳng cầu tâm…

 

Truyện kể rằng, tại biên giới tỉnh Tây Khương tiếp giáp với Tây Tạng, có một bà lão sống trong túp lều tranh chật hẹp. Chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời, chỉ còn lại bà với mảnh vườn trồng những hạt ngũ cốc. Tháng năm vần vũ, tử biệt sinh ly, bà đã nếm trải quá nhiều đắng cay cho một kiếp người, vậy nên nguyện ước duy nhất của bà là sống sao cho tâm hồn thanh thản bình yên.

Mãi sau này, một người đồng hương tốt bụng dạy cho bà câu thần chú của Quán Thế Âm Bồ Tát, gọi là “Lục tự đại minh chân ngôn” gồm có sáu chữ vàng: “Úm Ma Ni Bát Mê Hồng” (Om Mani Padme Hum), và khuyên bà hãy trì niệm thường hằng để tiêu trừ tội nghiệp.

Nhưng bà vốn không biết chữ, lại rất khó ghi nhớ dù là điều nhỏ nhặt nhất, nên mặc dù trên đường về nhà bà đã nhẩm đi nhẩm lại, vậy mà vẫn đọc nhầm thành “Úm Ma Ni Bát Mê Hành”.

Từ đó, ngày nào bà cũng tụng niệm câu thần chú, cả khi ăn, khi làm việc nhà, khi xới đất trồng vườn, hay khi ngồi tĩnh lặng trong căn buồng hiu quạnh, không lúc nào bà dám buông lơi. Và để khích lệ cho việc trì chú, bà đặt ra hai cái chén, một chén rỗng, còn một chén thì chứa đầy hạt đậu. Mỗi khi đọc xong một lần, bà lại nhặt một hạt đậu trong chiếc chén đầy bỏ sang cái chén rỗng, và khi chén rỗng đã đầy thì lại làm ngược lại.

Cứ như thế, bà đã thành tâm tụng niệm câu thần chú suốt 30 năm không ngơi nghỉ. Lòng thành kính của bà làm cảm động cả những hạt đậu vô tri, khiến chúng không héo, không tàn, mà cứ tròn mẩy chắc nịch như thế. Giờ đây, hạt đậu không còn cần đến bàn tay của bà nhặt lấy, mà hễ câu thần chú vừa dứt thì một hạt đậu tự động nhảy sang chiếc chén bên cạnh. Bà lão thấy những hạt đậu tự nhảy qua nhảy lại, nên không bao giờ biết buồn chán, và lại càng chuyên chú tụng niệm thành kính hơn.

Một ngày kia, có vị cao tăng từ Tây Tạng đi vân du, khi ngang qua mái nhà tranh lụp xụp của bà, ông bỗng nhìn thấy ánh hào quang toả ra rực rỡ. Vị cao tăng đã đi khắp góc bể chân trời, nhưng chưa bao giờ ông thấy có ánh hào quang nào trong trẻo và thanh khiết đến vậy. Phải chăng bên trong túp lều kia là một bậc chân tu đắc Đạo? Nghĩ vậy, ông liền bước vào, nhưng chỉ thấy đó là một bà lão thôn quê mộc mạc, không có vẻ đạo sĩ cũng chẳng phải thánh tăng. Ông bèn hỏi:

– Chẳng hay nữ thí chủ tu luyện bao nhiêu năm rồi? Ở đây còn có ai khác nữa không?

– Thưa ngài, ở đây chỉ có mình tôi sống cô độc đã hơn 30 năm.

– Vậy bà ở một mình chắc buồn lắm nhỉ?

– Ồ không, tôi tuy ở một mình nhưng nhờ có câu kinh tụng niệm hàng ngày nên tôi không bao giờ thấy buồn khổ.

– Xin hỏi thí chủ, bà đang tụng niệm kinh sách nào vậy?

– Tôi không biết chữ nên không thể đọc sách, mà chỉ tụng niệm duy nhất câu thần chú này thôi, là “Úm Ma Ni Bát Mê Hành”. Vị cao tăng lấy làm tiếc thay cho bà lão vì tụng nhầm câu thần chú, bèn nói:

– Bà lão ơi, bà đã đọc sai rồi, đúng ra phải là “Úm Ma Ni Bát Mê Hồng” chứ không phải là Bát Mê Hành. Là “Hồng” chứ không phải “Hành”, bà nhớ nhé.

Đến lúc này bà lão mới biết là mình đã đọc sai câu thần chú, vậy là uổng công tụng niệm suốt 30 năm qua. Cho đến khi từ biệt vị cao tăng kia rồi, bà vẫn chưa hết đau buồn vì cái sự đãng trí của mình. Và bà lại quay trở lại với công việc trì chú của mình, tất nhiên thì lần này bà đã nhớ nằm lòng, chính xác đến từng từ từng chữ của câu thần chú kia rồi.

“Úm Ma Ni Bát Mê Hồng”… “Úm Ma Ni Bát Mê Hồng”… nhưng sao thế này, miệng bà thì tụng niệm mà cái đầu không sao tĩnh tại lại được, trong tâm ngổn ngang hỗn độn với biết bao ưu phiền. Những hạt đậu trong chén cũng lặng thinh, không còn nhảy lên như lúc trước. Bà lão tụng niệm mà nước mắt cứ không ngừng tuôn rơi, bà nghĩ, chỉ vì sự nhầm lẫn kia mà công quả của biết bao năm qua thảy đều trôi theo làn gió, thật đúng là dã tràng xe cát biển Đông mà!

Vị cao tăng đi được một đoạn đường, ông ngoái đầu nhìn lại túp lều tranh của bà lão lần cuối. Nhưng kìa, lạ chưa, hào quang lúc trước đâu mất rồi, sao chỉ thấy một túp lều liêu xiêu trong cát bụi? Lúc trước mây lành quấn quýt bao nhiêu, thì bây giờ chỉ còn lại vẻ âu sầu buồn bã bấy nhiêu! Ông giật mình hiểu ra tất cả, vội vã quay đầu lại.

– Nữ thí chủ ơi, là bần tăng đã nhầm, xin bà lượng thứ. Bà cứ tụng niệm như trước kia là được rồi nhé!

– Ồ vậy sao? Cảm ơn thánh tăng, thật may quá, tôi cứ tưởng công sức của 30 năm qua đều đổ sông đổ biển.

Nhà sư lại tiếp tục lên đường, còn bà lão thì trở lại với câu thần chú trước kia của mình. Lúc này tâm hồn bà rộn rã tươi vui, thậm chí còn vui vẻ hơn trước vạn lần, câu thần chú vừa ra khỏi miệng, thì hạt đậu lại nhảy sang chiếc chén bên cạnh. Từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống, vị cao tăng thấy hào quang toả ra từ túp lều làm rực sáng cả một góc trời.

Câu chuyện trên được ghi chép trong một cuốn sách của tác giả Lâm Thanh Huyền. Nhớ lại lần đầu tiên đọc được, tôi luôn cảm thấy một dư vị nào đó, rất khó diễn tả thành lời.

Bà lão trong câu chuyện không phải bậc chuyên tu, nhưng tấm lòng thành kính lại có thể đạt đến độ tinh khiết, thuần tịnh, trong tâm nhẹ nhàng thản đãng như một bầu trời không gợn áng mây. Thế nên, dẫu phát âm sai câu thần chú, thì cái tâm thuần tịnh của bà lại có thể cảm hoá cả đất trời, ứng nghiệm tới cả những hạt đậu vô tri. So sánh với khi trong tâm âu lo bất ổn, thì dẫu có đọc chuẩn xác đến đâu, thì niệm lực vẫn bị những tạp niệm trong tâm làm vấy đục. Thế mới biết, lòng thành là quan trọng, tâm thuần tịnh còn quý giá hơn cái đúng sai trên bề mặt vạn lần.

Nhà văn Bạch Lạc Mai có một câu rất nổi tiếng rằng, “hồng trần và cõi Phật chỉ cách nhau một ngưỡng cửa mà thôi, trong cửa là lòng thiền mây nước, ngoài cửa là sóng đục cuộn trào”.

Chúng ta, ai ai cũng mong muốn đạt được sự thanh thản trong tâm hồn. Người bình thường cầu yên ổn, bậc chân tu cầu thanh tịnh, vô vi. Thế nên, kẻ không tu thì lên chùa bái Phật, còn người tu hành thì tụng niệm kinh thư. Nhưng thử hỏi, mấy ai tụng kinh niệm Phật có thể đạt đến độ “nhất tâm bất loạn”, trong tâm hoàn toàn là một lòng hướng Phật, không hề truy cầu đến tư lợi?

Người ngày nay miệng thì niệm danh Phật, nhưng trong lòng cái gì cũng nghĩ đến, nào là danh lợi, nào là thăng quan tiến chức, nào là phát lộc phát tài, nào là cầu sinh quý tử, nào là mong gặp tình duyên… Những gì phát ra từ cái miệng đang tụng niệm ấy, e rằng không phải hào quang, mà chỉ là một thứ khí đục đầy rẫy những danh – lợi – tình của kẻ tục tử phàm phu.

Kinh “Duy Ma Cật” chép rằng: “Dục đắc tịnh thổ, đương tịnh kỳ tâm, tuỳ kỳ tâm tịnh, tức Phật thổ tịnh”, còn “Lục Tổ Đàn Kinh” thì viết: “Thánh nhân cầu tâm bất cầu Phật, ngu nhân cầu Phật bất cầu tâm”, nghĩa là: Muốn được tịnh thổ thì phải tịnh tâm mình, tâm mình tịnh rồi đó mới là tịnh thổ. Bậc Thánh nhân cầu tâm chứ chẳng cầu Phật, còn kẻ ngu muội chỉ cầu Phật mà chẳng cầu tâm.Chỉ khi tâm bình hoà tĩnh lặng, mới có thể quét sạch gió mây vần vũ, mới có thể thoát khỏi cái long đong chìm nổi của thế gian. Như đoá sen tinh khôi dẫu mọc lên từ bùn mà không hề nhiễm bẩn, bởi mọi bụi bặm thế gian đã được gạn lọc đi rồi, thế nên hoa kia mới có thể rực sáng dưới ánh mặt trời. Con người cũng vậy, hãy để cho lòng này là chiếc gương sáng không vướng bụi trần ai…

Chân Thường

Bài viết liên quan

Phản hồi