PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI TRIẾT LÝ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

       PGĐS – Trong lịch sử, tôn giáo có vai trò là sự thúc đẩy tích cực về mặt tinh thần, khi đưa ra những giả thiết, nhận định và hướng con người đến việc truy tìm chân lý. Do vậy, việc nghiên cứu những vấn đề về tôn giáo là hướng đến phát hiện những hạt nhân hợp lý, từ đó tìm ra những ảnh hưởng mà tôn giáo đã, đang và sẽ mang đến cho lịch sử nhân loại.

       Ra đời từ khoảng hơn 2500 năm trước, Phật giáo đã có những đóng góp cho lịch sử nhân loại, đặc biệt trong lĩnh vực đời sống văn hoá, tinh thần. Nhiều chuẩn mực, quy phạm đạo đức đã được thể nghiệm trên giáo lý, giới luật Phật giáo, cụ thể hoá thành những hoạt động hữu ích, thiết thực. Trên cơ sở lựa chọn những điều phù hợp và tích cực để phát huy, Phật giáo đã góp phần hình thành những giá trị về chuẩn mực đạo đức trong đời sống con người. Có thể nói, sự tồn tại cùng nhân loại hơn hai ngàn năm qua cho thấy Phật giáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hoá nhân loại.

       Ngày nay, vấn đề công bằng xã hội được xem như một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu của thế giới. Thế nhưng từ hơn 2500 năm trước Phật giáo đã quan tâm đến điều này và đã có những đóng góp cụ thể đến đời sống văn hoá, xã hội nhằm tìm kiếm, vận dụng phù hợp giá trị tích cực của Phật giáo vào đời sống.

       Khi bàn về công bằng, Phật giáo thường nhắc đến quan điểm về Vô Ngã bởi nó hàm chứa khả năng tiềm tàng cho một lý thuyết về công bằng xã hội hiện thời, ở đó con người được nhìn nhận như những thực thể bình đẳng, có Phật tánh và khả năng giác ngộ, liễu tri như nhau. Phật giáo đã xác nhận và tuyên bố về “quyền bình đẳng căn bản của nhân loại như là một cộng đồng với ý nghĩa rằng những bản chất căn bản của con người là giống nhau, cho dù có thể có sự khác nhau do di truyền, môi trường hay những yếu tố nghiệp”.

       Ngày nay, Phật giáo thường ít nói đến đề tài công bằng xã hội trong ý nghĩa hiện đại, như những vấn đề như nhân quyền, phân phối tài nguyên hợp lý, luật pháp công bằng, hay tự do chính trị. Trong các bản kinh Đại thừa, chẳng hạn như Duy Ma Cật sở thuyết kinh (Vimalakīrti-nirdeśa-sūtra), cụm từ được đề cập thường xuyên là “Khi tâm của ta tịnh thì xã hội cũng sẽ tịnh”. Dễ nhận thấy rằng Phật giáo nhìn nhận những khái niệm liên quan đến các vấn đề xã hội như lợi ích chung có thể thu được thông qua việc rèn luyện đạo đức cá nhân.

       Khi mô tả về khái niệm công bằng, Phật giáo thường biểu hiện qua hai nội dung chính. Thứ nhất là dưới lập trường luân hồi nhân quả với phạm trù cơ bản là nhân, duyên và quả cùng mối liên hệ mật thiết chuyển hóa lẫn nhau. Về mặt ngữ nghĩa, một trong những từ thường dùng nhất để diễn tả nghĩa cả hai từ tạo ra kết quả (duyên khởi) và nhân quả là paticcasamuppada (đó là sự kết hợp của hai từ paticca “đã đến vì” và samuppada “khởi lên”). Từ đó thấy được quan điểm về nhân quả của Phật giáo giúp con người tin vào năng lực tự thân, thay vì trói buộc bản thân vào định mệnh hay sự sắp đặt, điều khiển của thần thánh.

       Nội dung thứ hai là lập trường giải thoát, qua đó Phật giáo cho rằng tất cả mọi loài chúng sanh, từ con người cho đến các sinh vật nhỏ bé đều ẩn chứa khả năng thành Phật, sự lương thiện thuần tuý hay còn gọi là Phật tánh, từ đây khẳng định được nền tảng để hình thành sự bình đẳng, công bằng triệt để về khả năng tu và chứng đắc của mọi người, mọi loài. Và hơn hết là trên con đường ấy, mọi người đều có cơ hội và khả năng thành tựu như nhau, không bị tác động bởi giai cấp hay địa vị xã hội. Đạo Phật cho rằng giải thoát nghĩa là cởi mở những dây ràng buộc mình vào một hoàn cảnh đau khổ nghịch ý. Ðạo Phật chủ trương vạn vật vô thường và vô ngã, vì thế không bao giờ công nhận có một sự tồn tại bất biến của một thế giới.

       Trên nền tảng của đạo đức, những ý niệm về sự công bằng đã ra đời để bảo toàn sự vận hành của vạn vật và xã hội. Tuy nhiên, với sự biến đổi vô cùng tận của các thực thể xã hội để rồi các hệ lụy khổ đau luôn song hành trong đời sống con người, Phật giáo đã, đang và sẽ làm được gì để góp phần giải quyết vấn nạn ấy? Bằng giáo lý đạo Phật hành động, tăng cường tính ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống con người và xã hội, nhằm định hình cho những nếp nghĩ, lời nói và hành vi xã hội, đạo Phật đã có những đóng góp tích cực vào xây dựng công bằng xã hội hiện nay.

       Thứ nhất là sự công bằng và cơ hội của tăng chúng trong tăng đoàn. Đức Phật từng dạy rằng: “Ta ra đời vì lòng thương tưởng với đời và vì hạnh phúc của chư Thiên và loải người”, hay “Cũng như nước biển chỉ có một vị là mặn, đạo của Như Lai cũng có một vị là giải thoát”, đây chính là cơ sở nền tảng để mỗi cá nhân tự giải thoát khổ đau cho chính mình và cộng đồng, xã hội. Điều này giúp thực thi lý tưởng xây dựng đời sống hạnh phúc, bình đẳng, dân chủ và tự do trong mọi thiết chế. Ý nghĩa giải thoát mà Đạo Phật thiết lập không chỉ bao quát về vấn đề giải thoát xiềng xích, mâu thuẫn đối kháng giữa các giai tầng, hay vấn đề cơm áo gạo tiền của sinh tồn mà còn là giải thoát khỏi sự thống khổ của sanh, già, bệnh, chết, của sanh tử luân hồi trong thế giới vô thường đầy biến động.

       Từ đó nhận thấy rằng, tăng ni tham gia vào vào giáo đoàn của đức Phật, dù xuất thân khác nhau ra sao, thì cũng đều công bằng trên con đường tu tập và giải thoát, vì Phật tánh trong mỗi chúng sanh là như nhau. Nếu có khác biệt gì thì sự khác biệt duy nhất là vấn đề hạ lạp của tăng sĩ, bởi nó đánh dấu thời gian và nỗ lực tu tập, học đạo của tu sĩ ấy. Ngoài ra, cơ hội được tiếp thu, lắng nghe pháp và tu tập là như nhau với tập thể tăng đoàn, bởi Phật cho rằng lời Phật nói như cơn mưa lớn, người nghe được nhiều ít là do căn tánh và sự lãnh ngộ cá nhân, cộng với sự kiên định hành trì lời pháp ấy ấy để đạt được kết quả nên có thể khẳng định cơ hội của tu sĩ và tín chúng trên con đường tu giải thoát là như nhau. Quan điểm này thể hiện tính nhân văn, vượt thời đại của đạo Phật, giáng một đòn mạnh mẽ lên xã hội và giáo điều Ấn Độ cổ đại, bởi sự nặng nề mà phong kiến và thần quyền mang lại cho nhân dân khi phân chia đẳng cấp con người trong xã hội.

       Thứ hai là quan điểm bình đẳng về lý tưởng giải thoát. Phật giáo khẳng định mọi người đều có cơ hội như nhau về sự giải thoát, cũng như cơ hội về việc tu tập và thừa hưởng lỷ tưởng giải thoát mà Phật giáo đề ra. Đây là một hình thái lý tưởng cao hơn của con người, vì con người xã hội lúc này không còn đòi hỏi những sự công bằng về mặt vật chất, công cụ lao động hay vật tư đơn thuần, mà được đón nhận sự công bằng ý thức hệ một cách tiến bộ, thuận lợi. Sự công bằng về lý tưởng giải thoát là nền tảng thiết yếu giúp người ta lựa chọn pháp môn tu tập, và tăng cơ hội tiến xa hơn trên con đường giải thoát. Trong tứ chúng gồm Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Phật tử nam và Phật tử nữ thì sự công bằng về lý tưởng giải thoát lại càng không có sự sai biệt. “Trong tâm đức Phật “dường như không có một sự nghi ngờ thực sự nào … về quyền bình đẳng giữa nam và nữ”. Từ đây thấy được tính công bằng về lý tưởng giải thoát của tứ chúng trên con đường tu chứng, cũng một lần nữa nhấn mạnh tác động của Phật giáo đề sự xây dựng và phát triển quan điểm về công bằng xã hội.

       Thứ ba là vai trò của đạo đức cá nhân. Trong xã hội công bằng, mỗi con người đều phải nỗ lực thực hiện đạo đức cá nhân, hoàn thành nhân cách bản thân, làm tròn bổn phận của mình. Trong các mối quan hệ xã hội ấy, nếu được duy trì bằng những giá trị đạo đức thì kết quả của xã hội sẽ khác xa những thực trạng của xã hội hiện nay. Và đặc biệt, những mối quan hệ của nhà lãnh đạo luôn có một ảnh hưởng rất lớn đến cơ chế và tình hình xã hội. Nói cách khác, nếu người lãnh đạo đối xử với nhân dân bằng đạo đức thì tự thân quần chúng nhân dân sẽ đi vào quỹ đạo của tự giác, đó là điều căn bản nhất tạo thành một xã hội công bằng, bình đẳng, phát triển bền vững và an vui tại thế gian.

       Thứ tư, vai trò của đạo đức đối với quan hệ xã hội. Giáo lý đức Phật cho rằng, nếu 5 nguyên tắc đạo đức được thực hiện nghiêm túc thì các tiêu chuẩn của một xã hội công bằng sẽ được hiện thực hóa trong đời sống nhân sinh. Điều đó đồng nghĩa rằng, hạnh phúc là một hiện hữu thực sự chứ không phải là một lý thuyết để con người mơ ước. Trong ý nghĩa công bằng ấy, mọi người sẽ an vui hạnh phúc, xã hội ổn định, minh mẫn nếu mỗi chúng ta tự thiết lập cho mình một đời sống lành mạnh hoàn toàn.

       Sau cùng là ý nghĩa của phúc lợi xã hội. Xuất phát từ lòng từ bi, không ái nhiễm, bình đẳng trong các mối quan hệ, đức Phật dạy phương pháp phân chia lợi dưỡng theo tinh thần lợi hòa đồng quân. Cách thức này không bình quân hóa tất cả mà là chú trọng ở sự chia sẻ dựa trên tinh thần yêu thương và cảm thông. Như ca dao Việt Nam có câu: “Ở đời muôn sự của chung. Nhường cơm sẻ áo sống cùng với nhau”.

       Bằng giáo lý đạo Phật xây dựng trên nền tảng từ bi, bình đẳng, hướng đến hoàn thiện đạo đức con người, đạo Phật đã làm cho đời sống tâm linh bớt đi những tham ái, sân hận và thay bằng chất liệu yêu thương, niềm tin vào nỗ lực giải thoát tự thân. Triết lý về công bằng xã hội được thể hiện xuyên suốt trong các nội dung giáo lý, giới luật và kinh sách Phật giáo, khiến cho ta thấy được tính vượt thời đại của giáo lý Phật Đà cũng như sự tiềm năng thích ứng mạnh mẽ của đạo Phật với mọi thời đại.

       Từ đây, đạo Phật đã định hướng về xã hội thuần lương cho con người, không chỉ có chân – thiện – mỹ về mặt hình thái mà còn cả chất liệu giải thoát mang tính chân thật, vững bền và cứu cánh. Trong xã hội ấy, mọi tham ái và dục vọng, cũng như những bất công xã hội không còn hiện hữu. Như trong kinh Trung Bộ Đức Phật nói: “Nơi nào có tình thương, chân thật, bình đẳng, công bằng thì nơi ấy không có khổ đau. Vì nguyên nhân của khổ đau là tham dục đã bị đoạn trừ. Và chính đấy cũng là một thế giới hoàng kim, thiên đường, cực lạc tại nhân gian”.

Thích Ngộ Hạnh

Bài viết liên quan

Phản hồi