Phật dạy: Hiểu nhân quả nghiệp báo để cuộc sống tốt đẹp hơn
Một khi chúng ta đã có phước vật chất rồi thì đến lúc phải mở ra con đường tâm linh để bay lên thành Thánh, không nên ở lại trần gian tầm thường này mãi.
Chữ nghiệp trong nhà Phật, ý nghĩa của nó rất sâu rộng. Nghiệp nguyên tiếng Phạn là Karma, Trung Hoa dịch là nghiệp. Nó có nghĩa là một hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, nên gọi đó là nghiệp.
Như nghiệp hút thuốc, nghiệp cờ bạc, nghiệp rượu chè say sưa… Như người ghiền xì ke ma túy, lúc đầu mới hút hay chích một hai liều thì không sao, nhưng khi làm nhiều lần thì thành ra thói quen nghiện ngập.
Khi đã thành ghiền rồi thì thiếu vắng nó không được. Bấy giờ nó có một sức mạnh rất lớn. Nó khống chế sai sử chúng ta phải làm theo mệnh lệnh sai khiến của nó.
Bởi thế nên có câu nói: “Thói quen ban đầu chỉ là khách lạ qua đường, sau trở thành người bạn thân và cuối cùng làm ông chủ khó tính”. Khi đã trở thành ông chủ khó tính rồi, chúng ta khó mà cưỡng lại những gì ông chủ sai khiến. Đó là một hậu quả vô cùng tai hại.
Nghiệp là một hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen từ đó mà hình thành nhân quả báo ứng
Với người nghèo, chuyển nghiệp từ nghèo lên giàu đòi hỏi cả một quá trình cố gắng nỗ lực không ngừng, không dễ dàng ngày một ngày hai mà được.
Với người giàu, nếu không tiến lên thì sẽ bị tụt xuống rất nhanh.
Trong một bài kinh Phật dạy có nói “giàu mãi là một tai họa”. Nhiều người vì giàu quá, vừa sinh ra đã được sung sướng nên không biết giá trị đồng tiền, không biết sử dụng đồng tiền cho đúng, lúc nào cũng ỷ vào sức mạnh của tiền bạc để tự cho phép mình hưởng thụ, không tạo thêm được công đức, thì sau này sản nghiệp xuống dốc rất nhanh.
Chúng tôi vẫn thường nói với những người đang giàu, sắp giàu và sẽ giàu rằng: dù mình giàu có hay bận rộn thế nào đi chăng nữa, thì vẫn phải cố gắng tìm những việc lao động công ích thấp hèn mà làm. Tự tay nhặt từng cọng rác, từng bịch ni lông, vác cuốc san lấp từng ổ voi, ổ gà trên đường, sẵn sàng phụ giúp những nơi có đắp đường, làm cầu…
Phật dạy về nhân quả nghiệp báo để tin hiểu, nhận biết và suy ngẫm về những nhân quả căn bản nhất, từ đó xây dựng cho mình để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chỉ khi chúng ta biết tự tay làm những việc công ích căn bản thấp thấp như vậy thì sự giàu có mới bền vững được. Đừng Nghĩ có tiền rồi đụng việc gì cũng thuê, cũng mướn người khác làm, đó là một suy nghĩ rất sai lầm.
Cho nên, khi xét về nhân quả giàu nghèo chúng ta thấy rất phức tạp, có nhiều khía cạnh, nhiều vấn đề , mà chỉ những bậc Thánh cao siêu mới đủ khả năng thấu rõ hết được.
Chúng ta nghe theo lời Phật dạy về nhân quả nghiệp báo để tin hiểu, nhận biết và suy ngẫm về những nhân quả căn bản nhất, dễ thấy, dễ gặp nhất, từ đó xây dựng cho mình để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Và, dù nghèo hay giàu nhưng một khi đã là đệ tử Phật thì chúng ta nguyện lòng mãi mãi thương yêu nhau và thương yêu tất cả chúng sinh.
Phản hồi