Nữ tình nguyện bật khóc, quyết vào bệnh viện dã chiến gội đầu, thay tã cho bệnh nhân Covid-19
Suốt hai tháng qua, chị Đặng Thị Như Ý (36 tuổi, ngụ TP.HCM) vẫn đang bền bỉ góp sức chống dịch, từ lấy mẫu test nhanh trong cộng đồng cho tới vào bệnh viện bón cháo, thay tã, cắt tóc… cho các bệnh nhân Covid-19.
Suốt hai tháng qua, chị Đặng Thị Như Ý (36 tuổi, ngụ TP.HCM) vẫn đang bền bỉ góp sức chống dịch, từ lấy mẫu test nhanh trong cộng đồng cho tới vào bệnh viện bón cháo, thay tã, cắt tóc… cho các bệnh nhân Covid-19.
Đầu tháng 7, công ty đóng cửa, chị Như Ý đăng ký làm tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu và xét nghiệm nhanh Covid-19 tại cộng đồng. Một tháng nay, chị xin vào một bệnh viện điều trị Covid-19 trên địa bàn Q.10 để giúp đỡ các bệnh nhân không thể tự chăm sóc bản thân.
Chị chia sẻ: “Ở nhà xem các clip lực lượng tuyến đầu chống dịch vất vả, mình đã bật khóc vì thấy bản thân vô dụng quá. Không muốn ngồi yên nhìn thành phố bị thương thêm nữa, mình quyết đi hỗ trợ cho bằng được”.
Một ngày ở BV của chị Như Ý bắt đầu từ 7 giờ và kết thúc vào 18 giờ với những công việc quen thuộc như bón cháo, gội đầu, thay tã, tắm khô, vỗ lưng, làm móng và dọn dẹp quần áo, thay ga trải giường. Thỉnh thoảng chị lại trở thành thợ cắt tóc mà khách hàng không ai khác chính là các F0.
“Tôi nhớ lại cách cầm kéo, dùng tông đơ của thợ cắt tóc cho con trai rồi bắt chước. Vui nhất là lúc cắt xong cho một chú, mọi người ở đó liền đùa rằng trông chú trẻ ra 10 tuổi, khỏi bệnh về nhà vợ không nhận ra luôn”, chị Như Ý cười nói.
Nhưng cũng có những ngày thật buồn. Chẳng hạn như hôm trước vừa cho một nam bệnh nhân ăn xong thì chẳng may người này trở nặng, hôn mê và phải nằm hồi sức tích cực. Dù vậy, đều đặn mỗi ngày, chị lại tranh thủ đến phòng bệnh để trò chuyện mong sao có thể dùng năng lượng của mình giúp ông chiến thắng Covid-19.
Với những F0 nằm trên giường lâu, chị giúp họ lau người thường xuyên để tránh lở loét. “Chính nụ cười, lời cảm ơn của các bệnh nhân được xuất viện đã đem đến cho mình niềm hạnh phúc cũng như động lực để tiếp tục với công việc này”, chị bộc bạch.
Coi bệnh nhân như người thân
Khi được hỏi: “Chị có lo sợ khi tiếp xúc gần với F0 mỗi ngày không?”, chị Như Ý nhẹ nhàng đáp: “Mình đã chuẩn bị sẵn tâm lý, nếu nhiễm bệnh thì trước tiên phải bình tĩnh, còn khỏe thì vẫn ở lại để chăm sóc cho những người yếu hơn”.
Vóc dáng nhỏ nhắn đôi khi gây khó khăn cho nữ tình nguyện viên trong quá trình thay tã, dìu bệnh nhân đi vệ sinh. “Mấy ngày đầu thì đau lưng nhưng giờ đã quen. Đặt mình vào vị trí bệnh nhân, nằm một chỗ cũng thải ra những chất như vậy nên không có gì phải ngại hết. Mình coi họ như người thân và cố gắng chăm sóc chu đáo nhất có thể”, chị bộc bạch.
Anh Hoàng Ngọc Minh (30 tuổi, ngụ TP.HCM) biết chị Như Ý từ những ngày đi lấy mẫu cộng đồng cho đến khi hai chị em cùng xin vào bệnh viện hỗ trợ F0. “Nhìn chị Ý nhỏ con vậy chứ tinh thần và ý chí phụng sự cộng đồng lại vô cùng mãnh liệt. Thật sự rất quý mến, khâm phục, trân trọng sự tận tụy và xông pha ấy. Cảm ơn và tự hào khi có một người chị, một đồng đội tuyệt vời như thế”, anh Minh bày tỏ.
Anh N.T.A (25 tuổi, ngụ Q.Bình Tân), đang điều trị Covid-19 tại đây, xúc động nói: “Tôi ở bệnh viện được 20 ngày. Mỗi ngày, chị Ý đều vô sớm để thay ga trải giường, hỗ trợ F0 vệ sinh cá nhân, ăn uống và luôn động viên, an ủi bệnh nhân. Ở đây không có người thân chăm sóc nên cảm thấy rất ấm lòng trước sự tận tâm của chị. Mình muốn gửi lời cảm ơn tới đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên nói chung và chị Như Ý nói riêng”.
Theo Báo Thanh Niên
Phản hồi