Những ngày tâm còn động
Khi tâm tĩnh lặng, người ta vẫn thấy cuộc sống này là một cuộc đua dài, rất dài, nhưng đối thủ không phải là những người chung quanh nữa, không phải ai cả, mà là chính mình.
“Có kẻ, dù không đọc nhiều kinh điển, nhưng đọc xong, hiểu, rồi thực hành. Dùng câu Kinh để sống. Dùng câu kinh để thanh lọc tham sân si… chất chứa trong lòng. Dùng câu kinh để nuôi lớn tâm từ. Tựa vào câu Kinh để không ngã đổ.
Kẻ đó, dù ở đâu, nơi này hay nơi khác, hôm nay hay ngày mai, luôn thấy lòng bình yên”.
Ngày tâm còn động, người ta dễ dàng nhận ra cuộc sống này là một cuộc đua dài, rất dài. Vì thấy nơi đó là một cuộc đua, nên nhìn chung quanh thấy rất nhiều đối thủ, từ người bạn học chung lớp chung trường, đến người đồng nghiệp cùng cơ quan, rồi người hàng xóm, thậm chí đến một người lạ ngang qua, cũng phải hơn thua với nhau cho bằng được.
Trong những ngày tâm còn động, câu Kinh trong tay cũng trở thành thứ để mà hơn thua.
Từ xa xưa, lâu lắm rồi, hơn cả nghìn năm trước, có kẻ đến ngồi trước Phật, lắng nghe một câu Kinh, nhưng mang câu Kinh về chỉ để làm đẹp cho câu nói của mình.
Câu Kinh giải thoát lại trở thành một vật trang sức, để cho mình có vẻ như thanh cao hơn những con người còn đang miệt mài trong giông gió ngoài kia.
Mang câu Kinh bình yên về để làm lòng mình động.
Khi tâm tĩnh lặng, người ta vẫn thấy cuộc sống này là một cuộc đua dài, rất dài, nhưng đối thủ không phải là những người chung quanh nữa, không phải ai cả, mà là chính mình.
Câu Kinh là để sống, để thanh lọc, cho tâm tĩnh lặng, cho lòng bình yên.
Vô Thường
Phản hồi