Những điều cần biết về cúng ông Công, ông Táo 2024

Lễ cúng ông Công, ông Táo là một trong những nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt. Lễ cúng được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch) hàng năm. Cúng lễ ông Công, ông Táo 2024 cần phải lưu ý điều gì?
Những điều cần biết về cúng ông Công, ông Táo 2024
Người dân mua những vật phẩm truyền thống đồ cúng để cúng tiễn ông Công ông Táo về chầu trời. (Nguồn: TTXVN)

Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết ông Công ông Táo

Không ai biết chính xác tục cúng ông Công, ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận ngày nay, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, trong khi ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núp. Cả 2 vị thần này được coi là những nhân chứng đáng tin cậy, ghi chép mọi việc làm Thiện – Ác của con người. Mỗi năm, vào ngày 23 tháng Chạp, họ cưỡi cá chép lên Thiên đình để báo cáo về tất cả những việc tốt và xấu của con người, để Thiên đình định đoạt công, tội.

Người Việt tin rằng việc cúng ông Công, ông Táo không chỉ là để xin phước đức mà còn để đảm bảo công bằng, để nhận ra những việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Trong tâm niệm của họ, ông Công và ba vị Thần Táo là những vị thần đích thực, làm nên sự công bằng, phân phối phúc đức cho gia đình.

Cúng ông Công, ông Táo năm 2024 vào ngày giờ nào đẹp?

Theo lịch vạn niên, Tết ông Công, ông Táo năm 2024 rơi vào thứ Sáu, ngày 2/2/2024 (dương lịch).

Trường hợp gia chủ bận việc, có thể cúng Táo quân trước ngày 23 tháng Chạp. Tùy điều kiện gia đình, bạn có thể cúng ông Công ông Táo trước từ 1 ngày – 1 tuần, nhưng tốt nhất là trong khoảng thời gian từ 20 – 23 tháng Chạp.

Theo quan niệm phong thủy, việc chọn ngày, giờ cúng ông Công ông Táo năm 2024 có ảnh hưởng rất lớn đến vận may của gia đình trong năm mới.

Dưới đây là một số ngày, giờ hoàng đạo để bạn có thể thực hiện lễ cúng ngày 23 tháng Chạp một cách trọn vẹn, giúp đem lại nhiều bình an, tài lộc và may mắn theo gợi ý của chuyên gia phong thủy Linh Quang:

– Ngày 20 tháng Chạp (tức ngày 30/1/2024 dương lịch): 7 – 9h; 13 – 15h, 19 – 21h.

– Ngày 21 tháng Chạp (tức ngày 31/1/2024 dương lịch): 15 – 17h; 17 – 19h.

– Ngày 22 tháng Chạp (tức ngày 1/2/2024 dương lịch): 9 – 11h; 15 – 17h; 19 – 21h.

– Ngày 23 tháng Chạp (tức 2/2/2024 dương lịch): 7 – 9h; 9 – 11h.

Cúng ông Công, ông Táo ở đâu?

Khi tiến hành lễ cúng ông Công, ông Táo, không chỉ việc chú ý đến thời gian mà còn rất quan trọng là nơi và cách thực hiện lễ.

Ông Công được coi là thần thổ, vì vậy lễ cúng ông Công thường được tiến hành trên bàn thờ chính trong nhà. Đối với những gia đình có bàn thờ ông Công, thì nơi này là lựa chọn phù hợp.

Ông Táo là vị thần trông coi việc bếp núc, nên lễ cúng ông Táo thường được thực hiện ở dưới bếp hoặc tại bàn thờ chính giữa nhà. Nếu gia đình không có bàn thờ ông Công, ông Táo, người ta có thể cúng tại những nơi sạch sẽ và trang nghiêm.

Lau dọn bàn thờ và tỉa chân nhang

Sau một năm thờ cúng, chân nhang sẽ nhiều lên khiến bát hương bị đầy gây khó khăn cho việc dọn dẹp bàn thờ cũng như thắp hương bái thỉnh cho năm sau. Nhưng do quan niệm của người Việt, không có việc gì thì không được động vào bát hương để tránh những điều không may mắn. Vì vậy, khi lau dọn bàn thờ và bao sái bát hương, người ta chỉ rút chân hương hoặc tỉa chân nhang và lau dọn 4 phía bên ngoài bát hương chứ không bê cả bát hương xuống để dọn dẹp.

Các gia đình thường chọn ngày 23 tháng Chạp, ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời để dọn dẹp bàn thờ, bao sái bát hương. Vậy, nên tỉa chân nhang trước hay sau lễ cúng ông Công, ông Táo? Không có quy định cụ thể nào về việc này nhưng nhiều người cho rằng nên tỉa chân nhang sau khi đã tiễn ông Công, ông Táo về trời với ý niệm dọn bàn thờ sạch sẽ để đón Táo quân trở về.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, nếu không thể thực hiện việc lau dọn bàn thờ, bao sái bát hương, tỉa chân nhang sau khi cúng ông Công, ông Táo thì gia chủ cũng hoàn toàn có thể chọn một ngày lành bất kỳ trong tháng Chạp để tiến hành.

Nếu cúng ông Công, ông Táo trước 23 tháng Chạp thì ngay sau khi cúng xong gia chủ nên rút tỉa chân nhang, bao sái, dọn dẹp tổng vệ sinh nơi thờ cúng luôn.

Nếu cúng ông Công, ông Táo đúng ngày 23 tháng Chạp, sau khi khi cúng xong để an yên và sang ngày 24 hay 25 tháng Chạp gia chủ mới được rút tỉa chân nhang.

Chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo

Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo gồm lễ mặn và lễ chay. Lễ mặn thường bao gồm một mâm cơm canh, tùy thuộc vào điều kiện gia đình. Lễ chay bao gồm bánh trái, hoa quả, bộ mũ ông Công, ông Táo và thường có 3 con cá chép (hoặc có thể thay thế bằng cá giấy).

Trong mâm cúng ông Công, ông Táo từ xưa đến nay người ta kiêng không nên cúng thịt chó, thịt trâu, cá mè, vịt, ngan…

Nghi lễ cúng ông Công, ông Táo

Sau khi đặt mâm cúng lên, gia chủ thắp hương và tiến hành đọc bài khấn. Đến khi đọc xong bài khấn, cắm hương vào bát hương. Sau khi cúng xong thì lại kính lễ 9 lần. Lễ xong đi lùi ba bước mới được quay lưng đi. Sau khi hoàn thành nghi thức khấn bái, gia chủ chờ hương cháy 1/3 thì đã có thể tiến hành hóa vàng, thả cá chép và hạ lễ.

Khi cúng, gia chủ cần ăn mặc lịch sự. Trang phục nam nữ là quần dài, áo đẹp, sáng màu, không hở và thành tâm lễ bái khấn nguyện với ngôn từ chuẩn mực.

HP (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Phản hồi