Nghiệp báo

“Nghiệp” là những hành động, tạo tác do ba nơi “Thân, Khẩu, Ý”. Ðức Phật hướng dẫn chúng ta ý thức được sự quan trọng của nghiệp tức là “hành động” của mình làm, vì chỉ có hành động mới là quan trọng, mới là chủ yếu.

Nhân quả nghiệp báo có hai thứ là “biệt nghiệp” và “cộng nghiệp”. Biệt nghiệp là nghiệp báo riêng biệt của mỗi chúng sinh. Cộng nghiệp là nghiệp chung cho nhiều chúng sinh đang cùng sống trong một hoàn cảnh. Như những người sống trong chiến tranh tại một quốc gia thời đều chịu ảnh hưởng chung của chiến tranh. Như sinh ở một nước tiên tiến, thì mọi người đều tương đối được hưởng một đời sống vật chất đầy đủ. Ðã sinh chung một gia đình, một xứ sở hay một dân tộc, cố nhiên cái nghiệp quả phải có liên quan với nhau. Một người làm phúc, ngàn người đều được ảnh hưởng, một cây trổ hoa, muôn cây chung quanh đều được thơm lây.

Nghiệp có thể chia ra ba tính cách: lành là “thiện nghiệp”, dữ là “ác nghiệp”, hoặc không lành không dữ là “vô ký nghiệp”. Lành nghĩa là có lợi ích cho chúng sinh trong hiện tại cũng như tương lai. Dữ, nghĩa là có hại cho chúng sinh trong hiện tại cũng như tương lai. Ðức Phật dạy:

(Pháp Cú 165)
Làm điều ác cũng bởi ta
Nhiễm ô cũng vậy tạo ra bởi mình
Và khi làm những điều lành
Hoặc là thanh tịnh cũng mình tạo ra,
Tịnh hay không tịnh do ta
Chính ta tự tạo, ai mà khác đâu!

Nói suông không đủ, lời nói phải đi theo với việc làm mới mong có kết quả. Người miệng nói điều lành mà không làm điều lành thì chẳng ích lợi gì cho ai cả, giống như bông hoa đẹp mà chẳng có hương thơm:

(Pháp Cú 51)
Hoa kia sắc đẹp phô trương
Tiếc rằng chẳng có chút hương thơm nào
Khác chi người nói ngọt ngào
Trăm điều hoa gấm, trăm câu tốt lành
Nói xong không chịu thực hành
Chẳng đem lợi ích, cũng thành uổng đi.

Đức Phật dạy câu trên nhân vì có hai bà tín nữ, cùng là mệnh phụ phu nhân trong triều, đến học giáo pháp với Ðại đức A Nan. Một bà chăm chú học. Bà kia không tiến bộ nhiều. Ngài mới vạch rõ rằng tựa như cành hoa không hương vị, giáo pháp trở nên vô ích cho người không cố gắng tu học. Kế đó Ngài dạy thêm rằng còn như người miệng nói điều lành và làm được điều lành, đem lại kết quả tốt, như bông hoa tươi đẹp đã có sắc lại thêm hương:

(Pháp Cú 52)
Hoa kia sắc đẹp vô cùng
Lại thêm hương tỏa thơm lừng biết bao
Khác chi người nói ngọt ngào
Trăm điều hoa gấm, trăm câu tốt lành
Nói xong quyết chí thực hành
Tương lai kết quả tạo thành đẹp thay.

Đối với người xuất gia, thuyết pháp suông không đủ. Dù thông suốt nhiều kinh mà không thực hành theo lời dạy, thời chẳng được sự ích lợi của việc tu hành, không khác gì một kẻ chăn bò thuê, cứ sáng sớm dắt bò ra đồng, tối lại lùa bò về chuồng giao cho chủ, ngày ngày chỉ lo đếm bò của người ta mà đổi lấy ít tiền công, nhưng không có con bò nào là của mình, cũng không hưởng được sữa hay thứ gì của bò cả. Người xuất gia như thế không hưởng được phần lợi ích của Sa môn:

(Pháp Cú 19)
Dù cho có tụng nhiều kinh
Không theo giáo pháp thực hành sớm hôm
Tu hành lợi ích đâu còn
Khác chi một kẻ luôn luôn chăn bò
Chăn thuê nên chỉ âu lo
Đếm bò cho chủ, sữa bò hưởng đâu?

Theo Phật Giáo, pháp học sẽ không bổ ích nếu không thật sự thực hành điều đã học, Phật Giáo không phải là một triết học suông mà là con đường giác ngộ duy nhất.

Như vậy, chỉ có hành động, chỉ có nghiệp là quan trọng, vì chính nghiệp mới đem lại kết quả tốt đẹp hay không tốt đẹp cho con người và chính con người mới thật là chủ nhân của nghiệp, tác thành ra nghiệp, và khi nghiệp đã làm rồi, thời không thể nào trốn tránh kết quả của nghiệp. Tạo nghiệp ác không tránh khỏi ác báo.

Tìm hiểu Kinh Pháp Cú(DHAMMAPADA)
Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO

Bài viết liên quan

Phản hồi