Nghĩ cho người khác mới là đại trí tuệ
Có một ngôi tự viện nổi tiếng nọ được biết đến là nơi cất giấu chuỗi hạt cầu nguyện mà thuở còn tại thế, Đức Phật từng sử dụng qua…
Nơi cất giấu chuỗi tràng hạt quý báu này chỉ có vị Sư phụ và 7 người đệ tử biết rõ.
7 vị đệ tử đều có ngộ tính cao. Sư phụ trụ trì chùa cảm thấy rằng, nếu đem y bát truyền cho bất kỳ ai trong số họ, người đó cũng sẽ giúp hồng dương Phật Pháp được tốt. Tuy nhiên, thật không ngờ một ngày nọ chuỗi tràng hạt lại đột nhiên biến mất.
Vị Sư phụ hỏi đệ tử: “Ai trong các đệ tử đã lấy tràng hạt, chỉ cần đặt lại chỗ cũ, ta sẽ không truy cứu, Phật Tổ cũng không trách tội”. Các đệ tử đều lắc đầu.
Đã 7 ngày trôi qua, nhưng chuỗi tràng hạt vẫn biến mất. Sư phụ trụ trì còn nói: “Chỉ cần đệ tử nào dám thừa nhận, chuỗi tràng hạt sẽ đến tay người đó”. Nhưng sau 7 ngày, không ai thừa nhận.
Vị Sư Phụ tỏ ra thất vọng nói: “Ngày mai các đệ tử hãy xuống núi. Nếu muốn ở lại thì cần lấy ra chuỗi tràng hạt”. Ngày hôm sau, 6 đệ tử thu dọn đồ đạc, thở dài một cái rồi chuẩn bị xuống núi, chỉ có một đệ tử ở lại.
Sư phụ hỏi đệ tử ở lại: “Chuỗi tràng hạt ở đâu?”
Vị đệ tử nói: “Con không cầm”.
“Vậy tại sao con lại chịu nhận cái danh ăn trộm?”
Đệ tử nói: “Mấy ngày nay trong chúng con đã nảy sinh tâm nghi ngờ nhau vô căn cứ, một người đứng ra thì những người khác sẽ được giải thoát. Hơn nữa, dẫu chuỗi tràng hạt không còn nhưng Phật Tổ vẫn ở đó”.
Thấy vậy, vị Sư phụ mỉm cười lấy chuỗi tràng hạt từ trong tay áo ra đeo vào tay vị đệ tử này.
Câu chuyện này khiến tôi cảm ngộ thật lâu. Không phải mọi thứ đều cần được làm rõ. Nhưng so với sự rõ ràng, có điều còn quan trọng hơn là: “Có thể gánh chịu, dám làm, có thể hóa giải, có thể thay đổi, có thể nghĩ đến thiếu sót của bản thân, có thể nghĩ cho người khác, đây là Pháp bảo”.
Người có thể hiểu được, bạn cũng không cần giải thích. Người không hiểu được bạn, lại càng không cần giải thích. Bởi vì người không hiểu thì dẫu có giải thích cũng vô dụng. Đây không chỉ là một loại cảnh giới mà còn là một loại đại trí tuệ.
Theo Vision Times
San San biên dịch
Phản hồi