Nghệ An: Triển lãm cổ vật “Di sản Phật giáo Hoan Châu”
PGĐS – Sáng 21/10/2024, triển lãm cổ vật “Di sản Phật giáo Hoan Châu” đã khai mạc tại chùa An Thái xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu nhân chuỗi sự kiện tổ chức Lễ Hội Quán Âm Nam Hải, thu hút hàng ngàn tăng ni, Phật tử và giới sưu tầm cổ vật trong cả nước.
Tại buổi triển lãm, ban tổ chức đã trưng bày giới thiệu bộ sưu tập hàng trăm cổ vật của các cơ sở tự viện trong tỉnh tại chùa An Thái. Đây là cơ hội để nhân dân Phật tử và những người có cảm tình với Phật giáo, các nhà nghiên cứu có cơ hội chiêm ngưỡng, tìm hiểu và có cái nhìn rõ nét hơn về văn hóa, nghệ thuật cũng như tính đa dạng trong cách thức thể hiện văn hóa Phật giáo, thông qua họa tiết hoa văn của các hiện vật được trưng bày tại triển lãm có gắn liền với Phật giáo vùng Hoan Châu xưa (Nghệ An ngày nay). Đồng thời triển lãm cũng là dịp để lan tỏa những giá trị nhân văn đã được lưu giữ qua nhiều thế kỷ, khơi lại mạch nguồn văn hóa truyền thống dân tộc.
Đông đảo du khách tới tham dự lễ hội đã được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cổ vật được lưu giữ qua nhiều thế hệ tại các tự viện địa phương. Các cổ vật được lưu giữ cẩn thận, trang trọng tạo nên một không gian hoài niệm cho mỗi người tới thăm quan như hệ thống tượng Phật, kinh sách, văn bia… đặc biệt là giếng cổ ngàn năm tuổi tại chùa An Thái.
Cũng tại buổi lễ, chư tôn đức tăng ni và du khách đã chứng kiến nghi thức số hóa tất cả các cổ vật trong buổi triển lãm nhằm bảo tồn một cách tốt đẹp nhất cho các di sản của ông cha.
Vùng Hoan Châu, bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay, có nguồn gốc từ thời kỳ Bắc thuộc. Ban đầu, vùng này thuộc các quận Cửu Chân, Cửu Đức của phong kiến phương Bắc. Đến nhà Lương (502-557), Nghệ An nằm trong Đức Châu. Năm 598, dưới thời nhà Tùy, Đức Châu đổi thành Hoan Châu. Tên gọi này chính thức ra đời năm 597, khi Linh Hồ Hy – Tổng quản Quế Châu – xin đổi tên Đức Châu thành Hoan Châu.
Qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ cho đến đầu Lê sơ, Hoan Châu hay Nghệ An châu, Nghệ An phủ lộ được dùng để chỉ vùng đất từ nam Nghệ An đến hết Hà Tĩnh. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông đổi Nghệ An thừa tuyên thành xứ Nghệ An. Thời Tây Sơn, xứ Nghệ đổi thành Nghĩa An trấn. Năm 1831, Minh Mệnh chia trấn Nghệ An thành hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1976, hai tỉnh hợp thành tỉnh Nghệ Tĩnh, rồi tách ra năm 1991 như hiện nay.
Như vậy, Hoan Châu là cái nôi hình thành nên vùng đất Nghệ An – Hà Tĩnh ngày nay, trải qua nhiều thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Nền văn hóa Phật giáo Hoan Châu cũng từ đây mà hình thành, ăn sâu bám rễ vào cội nguồn văn hóa dân tộc, hình thành nên nếp văn hóa Phật giáo đặc thù của khu vực và lưu giữ đến ngày nay.
Một số hình ảnh ghi nhận:
Hồng Nga
Phản hồi