Lời dạy đệ tử trước lúc viên tịch của Thiền sư Liễu Quán
Bài kệ Thị tịch của Thiền sư Liễu Quán để lại cho các môn đồ trước lúc về cõi Niết Bàn cũng là những chiêm nghiệm, đúc kết quý giá của bậc cao tăng về đạo và đời cho hậu thế.
“Câu nói sau cùng của Lão Tăng sống đạo là gì? Lồng lộng nguy nga, huy hoàng rực rỡ. Xưa đến, nay đi. Muốn hỏi chỗ trọng yếu đến đi thế nào? Kìa trời biếc lắng trong, trăng thu vằng vặc, toàn thân hiển lộ nơi sa giới đại thiên. Lời pháp sau cùng của ta, quý vị hãy nghĩ suy, vô thường nhanh chóng, Bát nhã phải tinh cần học tập. Đừng vội quên lời ta, mỗi vị hãy tự mình tinh tấn lên!”, tất cả những thâm ý đó được Thiền sư Liễu Quán đúc kết qua bài Kệ thị tịch để lại cho các môn đồ trước lúc về cõi niết bàn.
Ghi nhận những đóng góp của Tổ sư Liễu Quán cho Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết:
“Nếu ở Đàng Ngoài, Thiền sư Chân Nguyên được xem là nhân vật then chốt để phục hưng Phật giáo Ðàng Ngoài, thì ở Ðàng Trong Thiền sư Liễu Quán cũng được xem là vị thiền sư lãnh đạo công cuộc phục hưng Phật giáo Ðàng Trong…
…Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một thiền phái linh động, có gốc rễ ở Ðàng Trong. Trước ông, Phật giáo ở Ðàng Trong mang nặng màu sắc Quảng Ðông. Ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế, và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Ðàng Trong…”
Thiền sư Liễu Quán – Người chấn hưng Phật giáo xứ Đàng Trong
Vào thế kỷ XVIII khi nước ta bị chia cắt thành hai mà sử gọi là Đàng Trong và Đàng Ngoài, dù chế độ cầm quyền có nhiều khác biệt nhưng lòng dân vẫn luôn là một. Bởi dân hai miền vẫn coi nước ta là một, mọi phong tục tập quán, văn hóa, tín ngưỡng vẫn giống nhau. Đặc biệt, tín ngưỡng Phật giáo ở hai miền vẫn được nhiều người tin theo, dù lúc này đã không còn được hưng thịnh như thời Lý Trần. Do đó, trong suốt thời gian đất nước bị chia cắt này thì các Thiền sư Trung Quốc vẫn tiếp tục qua truyền bá đạo Thiền thuộc phái Lâm Tế và Tào Động.
Và trong quá trình Phật giáo du nhập đó, ở Đàng Trong có một vị Thiền sư Việt Nam, với đạo đức cao siêu, tâm quang sáng rực, được tôn làm Tổ, đó là Hòa thượng Liễu Quán. Cuộc đời của Ngài thật là một tấm gương tốt chói lọi về tu tập hành pháp, đồng thời Hòa Thượng Liễu Quán là một trong những vị sư thông thái nhất xứ Đàng Trong.
Liễu Quán (1667-1742) là một vị thiền sư nổi tiếng ở xứ Đàng Trong từ thế kỷ XVIII. Ông họ Lê, pháp danh là Thiệt Diệu, tự là Liễu Quán, người làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, phủ Phú Yên, nay là thôn Trường Xuân thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Sau nhiều năm tu hành, tổ Liễu Quán vào rừng thông làng An Cựu xưa, ở núi Thiên Thai lập am tranh (sau này là chùa Thiền Tônhiện ở thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, Huế) để tu tập. Cách đó khoảng 800m, bảo tháp của Tổ sư Liễu Quán được lập ở chân núi Thiên Thai. Đây là một ngôi tháp đẹp, cổ kính và uy nghiêm. Lễ nhập di cốt của Sư vào tháp được tổ chức vào ngày 19/2/1743 (Quý Hợi).
Và bên trái của tháp có tấm văn bia gồm gần 1.500 chữ Hán, do người cháu trong đạo của Tổ Liễu Quán, bấy giờ đang làm Sư ở chùa Tang Liên bên Trung Quốc soạn và dựng năm thứ 9 niên hiệu Cảnh Hưng (1748, vua Lê Hiển Tôn), đúng 6 năm sau ngày Tổ Liễu Quán viên tịch.Chính nội dung tấm bia này là một tài liệu đầy đủ nhất còn lại cho ta biết rõ công hạnh tu chứng và hóa đạo của Tổ Liễu Quán.
Dưới đây là bản dịch các điểm chính tấm bia ấy: “Ðặc điểm căn bản của Phật giáo chúng ta là gì? Theo Phật giáo, con người không phải từ cửa tử sanh ra, cũng phải chết đi là đi vào cửa tử. Thế nên người xưa sống trong rừng sâu hang động, chỉ ăn ngủ sơ sài, chẳng có gì quan trọng đáng lo nghĩ hơn là vấn đề sống và chết.
Tìm được một người chấp nhận hy sinh cho đạo pháp, nhất là lúc Phật giáo đang suy đồi như Hòa thượng Liễu Quán của chúng ta thật là điều hy hữu…”
Thiền sư Liễu Quán đã góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ được chứng minh bởi nhiều lý do. Cụ thể, nhìn một cách tổng thể về Phật giáo xứ Đàng Trong vào thế kỷ thứ XVII thì phái Tào Động khá thịnh, nhiều danh tăng Trung Hoa thuộc phái này đang truyền đạo ở đây và đang có ảnh hưởng rất lớn. Trên thực tế Tào Động chỉ mạnh bề nổi mà bề sâu thì không được như phái Lâm Tế.
Giữa lúc ấy, điều mà sư Liễu Quán băn khoăn hơn cả là Hà pháp tối vi đệ nhất? Đây chính là điểm cốt yếu trong sự nghiệp tu học của thiền sư. Nỗi băn khoăn ấy có thể xuất phát từ việc từng tiếp thu được tinh hoa của cả hai thiền phái, nhưng mặt quan trọng là thiền sư đã có cái nhìn thấu suốt về đời sống tinh thần của nhân dân, nên cố làm sao thỏa mãn được yêu cầu cơ bản về tín ngưỡng và ước vọng của con người thời bấy giờ.
Ở Thuận Hóa lúc này vừa là vùng đất mới, vừa là nơi mà chính quyền đang ưu ái với đạo Phật đã tạo nên sự hấp dẫn bước chân của các thiền sư truyền giáo từ Trung Quốc và cũng là chỗ hội nhập của nhiều thiền phái khác nhau. Trước tình hình xã hội như vậy, điều quan trọng là dù bất kỳ tông phái, hệ phái nào muốn tồn tại và phát triển ắt phải biết chọn hướng đi sao cho phù hợp với tình cảm và niềm tin của lòng người. Bối cảnh đó chính là điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp tinh hoa các môn phái lại với nhau, tạo cho Phật giáo một sắc thái mới mà thiền sư Liễu Quán là người tiêu biểu nhất cho sắc thái ấy lúc bấy giờ.
Từ năm Quý Sửu (1733) đến năm Ất Mão (1735), thiền sư Liễu Quán đã mở bốn đại giới đàn ở Huế, truyền giới cho rất nhiều người của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Năm Canh Thân (1740), sư còn chủ trì thêm giới đàn Long Hoa là loại giới đàn có thuyết pháp. Từ cơ sở ấy, Phật giáo phái Liễu Quán dần dần trở thành tông phái chính.
Vậy là từ thế kỷ XVIII, Phật giáo Đàng Trong hầu hết đều thuộc dòng thiền Liễu Quán. Thiền sư Liễu Quán đã xây dựng các chùa lớn như Thuyền Tôn, Viên Thông ở Huế, các trung tâm hoằng pháp lớn thời ấy đều do các đệ tử của thiền sư Liễu Quán như Trừng Trạm, Tổ Huấn, Từ Chiếu, Tế Nhân dựng nên. Phái Liễu Quán dần dần có vị trí xã hội nổi bật và trở thành thiền phái có ảnh hưởng rộng lớn không những thời đó mà mãi cho đến sau này.
Thiền sư Liễu Quán với lời giác tỉnh cho thế hệ sau
Cuối mùa thu 1742, Thiền sư Liễu Quán đang an trú tại chùa Viên Thông thì có chút bệnh. Sư gọiđệ tử đến bảo:” Nhân duyên cuộc đời đã hết. Ta sắp về quê thôi!”. Mọi người khóc. Sư bảo: “Các người buồn khóc điều chi vậy? Chư Phật xuất thế còn nhập Niết bàn, ta nay đi đã rõ ràng, về đã có nơi. Các người không nên buồn khóc”. Tháng 11/1742 (Âm lịch) vài ngày trước khi qua đời, Sư viết bài Kệ từ biệt như sau:
“Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn man vần tổ tông”
Dịch:
“Tuổi đời đã quá bảy mươi niên
Không không sắc sắc chăng ưu phiên
Hôm nay mãn nguyện về quê cũ
Hà tất lăng xăng hỏi Tổ Tông”.
Theo văn bia vừa kế thì Liễu Quán viên tịch vào ngày 22/11/1742, trụ thế 75 năm.
Bài kệ thị tịch của Tổ sư Liễu Quán vừa có tính tác dụng giác tỉnh nội quán, để thể chứng pháp thân thường trú hay thể tính không, bất sinh, bất diệt, nơi tự tâm và vạn hữu, đồng thời cảnh báo cho học trò và những thế hệ tiếp sau, đừng dong ruổi tìm cầu Thầy Tổ bên ngoài, mà luống uổng công phu tu tập và đồng thời cũng cảnh báo cho những người lãnh đạo xã hội đương thời, không nên biến Tổ tông trở thành một công cụ sắc thanh, danh tướng để phục vụ cho thời đại, mà cụ thể là danh tướng cho bản ngã của chính mình.
Tất cả những ý nghĩa trên được thể hiện qua hành trình gần 70 năm tuổi đạo. Theo TT. Thích Thanh Điện và TS. Phạm Thị Thanh Hương, đó là một quá trình tu luyện, buông bỏ những ưu phiền, không cầu mong hay lưu luyến. Tự tin vào chính mình và tìm ra cái chân thật an lạc thường còn nơi chính mình.
Mở đầu bài thơ thiền sư cho chúng ta tiếp cận ngay vào những trải nghiệm tu luyện của bản thân ngài. Đó là một cuộc đời hơn 70 năm tu luyện: “Tuổi đời đã quá bảy mươi niên”. Hơn 70 đó là một quá trình hiểu những sắc, không ở cuộc đời. “Không không sắc sắc chăng ưu phiên”, nghĩa là hơn 70 ở đời, ngài đã thấu rõ cái có và cái không. Biết rõ cái có, cái không ở đời rồi thì không còn ưu phiền nữa, đó cũng là lẽ tất yếu của kết quả tu luyện.
“Hôm nay mãn nguyện về quê cũ”, sau khi đã giác ngộ cái có, cái không, sự vô thường của cuộc đời, thì đó cũng chính là con đường trở về Như lai, trở về với bản thể thường còn không được, không mất.
“Hà tất lăng xăng hỏi Tổ Tông”, sau khi đã thấu rõ con đường trở về rồi, biết đi đâu về đâu rồi thì không còn cần phái bôn ba khắp trốn tìm kiếm gì nữa. Tổ Tông ấy, chính là pháp thân tu hành của mỗi người, là tâm, là pháp tánh thanh tịnh bất sanh bất diệt ở nơi muôn vật, chứ không phải Tổ tông ở Ấn độ, ở Trung hoa hay ở nơi bất cứ Tông phái, Tông môn nào để phải nhọc công kiếm tìm! Một cuộc đời tu luyện đã cho thiền sư một tinh thần giác ngộ, tự tin nơi chính mình và thấu rõ đường đi, nơi về của người tu hành.
Bài thơ toát lên một thông điệp mỗi chúng ta cần phải thấu hiểu rõ cái vô thường của cuộc đời để làm chủ và tự tin nơi chính mình, không sa đà trôi lăn theo mọi sự vô thường. Nếu mải chạy theo cuộc đời mà không biết buông bỏ ưu phiền trở về với bản tính chân thật thường, biết rõ nơi đi nơi đến của mình thì không thể tu hành, không thể giác ngộ đạo pháp.
Phản hồi