Lễ Hằng Thuận nét đẹp văn hóa Phật Giáo – Nhịp cầu kết nối các gia đình Phật tử
PGĐS – Một vài năm gần đây hình ảnh những cặp đôi cô dâu chú rể đến chùa tổ chức hôn lễ khá phổ biến, hình thức làm lễ kết hôn này còn được gọi là Lễ Hằng Thuận. Đây được xem là nét văn hóa tâm linh đặc thù thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo, thông qua sự kiện trọng đại của cuộc đời mỗi người con Phật, gắn kết họ lại với nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội ổn định và phát triển.
Lễ hằng thuận bắt nguồn từ khi Đức Phật còn tại thế. Có lần Ngài trở về thăm thành Ca Tỳ La Vệ, gặp dịp kinh thành chuẩn bị làm đám cưới cho Vương tử Mahanam, Đức Thế Tôn và Tăng đoàn được thỉnh vào hoàng cung chứng minh cho hôn lễ, nhân đó Đức Phật đã dạy bổn phận đạo làm vợ, chồng và trách nhiệm của mỗi người với cuộc hôn nhân của mình.
Ở Việt Nam chưa có tài liệu nào khẳng định lễ Hằng Thuận ra đời chính xác vào thời gian, địa điểm nào. Hoà thượng Thiện Hoà trong bản “Nghi thức lễ thành hôn, 1971” có nhắc đến hai chữ Hằng thuận, có thể coi đây là văn bản đầu tiên xác nhận Hằng thuận là nghi thức lễ thành hôn tại chùa.
Các tư liệu sử chính thống cho rằng ông Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) là người khởi xướng phong trào “đạo Phật nên được dấn thân và hoà hợp với quần chúng”, ông là một nhà Nho sau qua theo Phật giáo và là người cổ vũ phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà. Cũng vào thời gian đó, năm 1930 bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám, người sáng lập nên Đoàn thanh niên Phật học đức dục gia đình Phật hoá phổ, tiền thân của “Gia đình Phật tử” đã tổ chức cưới cho con gái đầu lòng. Đây được coi là lễ cưới đầu tiên tại chùa được chư Tăng chứng minh.
Theo Đại đức Châu Hoài Thái- Uỷ viên Hội đồng trị sự, phó ban thông tin truyền thông TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Tông Kim Quang cho biết: “Lễ cưới của người Khmer gắn với nhiều nghi thức trong đó có nghi thức trước ngày cưới một ngày, thí chủ sẽ thỉnh chư Tăng cầu an chúc phúc và thuyết giảng tại gia. Nghi thức này đã có từ lâu”.
Qua đây chúng ta thấy người đầu tiên tổ chức lễ cưới tại chùa cho con chính là một cư sĩ Phật tử, người sáng lập ra tiền thân của “Gia đình phật tử” sau này, cũng thể hiện một điều nữa là lễ Hằng Thuận đã có từ lâu trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Phật tử. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xây dựng nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống hôn nhân gia đình người Phật tử.
Trong buổi lễ hằng thuận, cô dâu chú rể không chỉ thực hiện những nghi thức thông thường mà trước đó họ còn được đỉnh lễ chư Phật, chư Tăng, Cha Mẹ hai bên, đặc biệt còn được làm lễ Quy y Tam Bảo, được đặt tên Pháp danh – chính thức trở thành người Phật tử, cùng với sự chứng kiến của tất cả mọi người, cô dâu chú rể nguyện cùng nhau xây dựng một gia đình tâm linh hướng thiện, nắm tay nhau đi đến chặng đường cuối cùng của cuộc đời. Việc thụ tam quy ngũ giới ngoài ý nghĩa về mặt tôn giáo còn thể hiện rất rõ tinh thần nhập thế của Phật giáo.
Trong nghi thức Hằng Thuận cũng có một phần không thể thiếu đó là trao nhẫn cưới.
Thượng Toạ Thích Thanh Đoàn – trụ trì chùa Thọ Vực chia sẻ về ý nghĩa chiếc nhẫn:
– Nhẫn có nghĩa là nhường nhịn, đã là vợ chồng không nên hơn thua nhau lời nói. Chiếc nhẫn lại được đeo vào tay để dễ nhìn thấy, nhằm nhắc nhở cô dâu chú rể luôn luôn phải nhẫn nhịn.
– Chiếc nhẫn hình tròn, tiêu biểu cho phước báu và tiền của đầy đủ, nhà cửa thịnh vượng, phúc lộc tròn đầy. Muốn được như thế phải siêng năng làm việc, chi tiêu hợp lý, biết san sẻ cứu giúp người nghèo khó, cúng dàng ngôi Tam Bảo như vậy phúc báu mới được lâu dài.
– Chiếc nhẫn được làm bằng vàng, là kim loại quý. Đức Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm, vàng có tính chất tuỳ duyên bất biến. Nghĩa là hình dạng tuy có thay đổi nhưng tính chất thì vẫn nguyên vẹn. Đạo vợ chồng cũng thế, dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa thì tình cảm vẫn phải trước sau như một, đừng vì danh lợi mà thay lòng đổi dạ. Vàng còn thể hiện màu sắc tươi đẹp, không phai nhạt, đạo vợ chồng cũng thế, lúc nào cũng phải “tương kính như tân”.
Chiếc nhẫn không phải chỉ mang trong mình giá trị vật chất, mà nó còn mang một ý nghĩa khác lớn hơn. Đó là sự nhường nhịn, là phước báu tròn đầy, sự kết nối bền chắc như kim cương, giống như sự bền bỉ son sắc thuỷ chung của vợ dành cho chồng và ngược lại. Đây cũng là món quà kỉ niệm được chư Tăng chú nguyện, được hai bên gia đình và bạn bè chứng minh. Nói cách khác chiếc nhẫn chính là minh chứng cho tình yêu của mỗi cặp vợ chồng. Vì vậy mà các cặp vợ chồng rất giữ gìn và luôn mang theo bên mình.
Trong kinh Thiện Sinh có dạy về đạo đức và trách nhiện trong đời sống hôn nhân:
Đối với người chồng có 5 bổn phận:
1. Lấy lễ đối đãi với vợ
2. Chuẩn mực nhưng không hà khắc
3. Tuỳ thời cung cấp y thực
4. Tuỳ thời cung cấp trang sức
5. Cùng vợ làm tốt việc nhà.
Đối với người Vợ có 5 bổn phận:
1. Siêng năng thức dậy trước chồng
2. Nể chồng trước sau trong ngoài
3. Dùng lời hoà nhã xây dựng
4. Nhún nhường ủng hộ điều hay
5. Hiểu chồng cảm thông chia sẻ
Rõ ràng mối tương quan hai chiều giữa vợ – chồng đã được đề cập đến từ rất sớm, không những thế còn thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trong mối quan hệ hôn nhân.
Đối với Cha Mẹ, Đức Phật dạy người con phải làm tròn 5 bổn phận:
1. Phụng dưỡng không để thiếu thốn
2. Không chống điều cha mẹ dạy
3. Trình báo và xin lời khuyên
4. Không trái lời cha mẹ làm
5. Không cản tất cả chánh nghiệp của cha mẹ
Đối với con cái, cha mẹ cần thực hiện 5 trách nhiệm
1. Ngăn chặn con làm việc ác
2. Chỉ dạy con làm việc lành
3. Thương con đến tận xương tuỷ
4. Sắp xếp hôn phối tốt đẹp
5. Tuỳ thời cung cấp những thứ cần dùng
Trong đời sống xã hội hiện nay sự quan tâm của cha mẹ với con cái nhiều lúc cũng bị xao nhãng, còn con cái đối với cha mẹ thì có phần thờ ơ hơn. Dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng tiếc trong xã hội. Lễ hằng thuận góp phần giải quyết phần nào thực trạng trong cuộc sống gia đình thông qua giáo lý, giáo điều, và sự tự nguyện Phát nguyện trước Tam Bảo của hai bên gia đình.
Cổ nhân có câu: “Cha mẹ có đạo đức cao thượng thì chính là tấm bùa hộ mệnh lớn nhất của con cái”, cha mẹ thiện lương và bao dung, sẽ nuôi dưỡng nên những đứa trẻ biết quan tâm yêu thương những người xung quanh. Trên chặng đường nuôi dạy nên những đứa trẻ thành công và hạnh phúc, bài học đầu tiên cha mẹ nên dạy con của mình chính là bài học làm người. Để con trẻ thấu hiểu được: Người hạnh phúc nhất chính là người thiện lương, mà người thiện lương là người luôn nghĩ cho người khác trước tiên.
Lễ cưới đối với người Việt từ lâu đã được xếp vào một trong ba sự kiện trọng đại của đời người “ làm nhà, cưới vợ, tậu trâu”. Nó không chỉ ảnh hưởng đến cặp vợ chồng mới cưới mà còn ảnh hưởng đến gia đình, dòng họ, hàng xóm, rộng ra ảnh hưởng đến cả xã hội. Đứng trước bối cảnh như vậy lễ Hằng Thuận đóng vai trò trợ duyên cho gia đình Phật tử và các bạn trẻ đã quy y sắp bước vào quan hệ hôn nhân có sự đảm bảo, bền vững hơn, có thêm hành trang bước vào đời sống mới với nhiều mối quan hệ xã hội hơn.
Lễ Hằng thuận là cây cầu nối giữa đạo và đời, giúp gắn kết cộng đồng những người con Phật với nhau tạo nên hạt nhân của Phật Pháp đó là những gia đình Phật tử thuần thành và có đạo./
Nghiêm Yến – PGĐS
Phản hồi