Hải Phòng: Ra mắt Trung tâm Phật học Ứng dụng

PGĐS – Chiều ngày 18/4/2025 (nhằm ngày 21/3/ Ất Tỵ), tại Trụ sở Trường Trung Cao Đẳng Phật Học Hải Phòng; Địa chỉ: Phường Tân Tiến, quận An Dương, TP. Hải Phòng, Lễ Ra mắt Trung Tâm Phật Học Ứng Dụng đã diễn ra trước sự chứng minh của nhiều quý Ngài Trưởng lão Hòa Thượng, quý Thượng Tọa, quý lãnh đạo; sự hiện diện của hơn 30 chư Tăng Ni và hơn 300 Phật tử vân tập.
Thiền sư Ottamathara – viện chủ hơn 125 trường Thiền tại Myanmar và Quốc Tế, Tăng đoàn Thabarwa; Cư sĩ Đinh Thu Hà (mảng doanh nghiệp), Cư sĩ Pháp Không (giảng dạy) tại Đài Loan cũng có mặt, bên cạnh đại diện Sư Tiến sĩ Ratana tại Bodhgaya, Sư Uttam – Ấn Độ, Sư Tiến sĩ Paramananda – Srilanka phụ trách nối kết thường trực các Phật sự Quốc Tế.
Buổi lễ đã thu hút các báo đài chính thống như VTV, Truyền hình TP Hải Phòng, Truyền hình An Viên, Phật sự online và nhiều báo đài tự do tham gia.
Cơ cấu Trung Tâm bao gồm: Giám đốc Trung Tâm: HT.TS Thích Quảng Tùng; Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị Sự, Trưởng Ban Từ TƯGHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVNTP. Hải Phòng. Các Phó giám đốc: 1. HT. Thích Thanh Giác (HP); 2. TT. TS Thích Thanh Huân; 3. TT. Thích Thanh Vân (HD); 4.TT. Thích Minh Thuận (PT); 5. TT. Thích Tục Khang (HP); 6. TT. Thích Minh Tuân (HN); 7. TT. Thích Tục Minh (HP); 8. Ni sư Thích Tâm Chính (HP); 9. SC. TS Thích nữ Viên Giác (kiêm Thư ký), (NĐ); 10. Cư sĩ Nguyễn Đoàn Kim Sơn (TP. HCM). Ủy viên Thường trực: 1. TT. Thích Thanh Đoàn (NĐ), 2. ĐĐ. Thích Đạo Viên (PT), 3. ĐĐ. Thích Đạo Nguyên (PT), 4. ĐĐ. Thích Tâm Luật (PT), 5. Tu nữ Trần Ngọc Dung (TP. HCM), 6. Cư sĩ Bùi Thị Thuận (NĐ).
Các Phân Ban – Đối tác: 1. Ban Quốc Tế; 2. Ban Khoa học; 3. Ban từ thiện, Pháp phục, Thực phẩm, an sinh phúc lợi xã hội; 4. Ban Media Truyền Thông đại chúng; 5. Ban Tổ chức khóa tu chư Tăng cư sĩ trong nước; 6. Ban Tổ chức khóa tu chư Tăng nước ngoài; 7. Ban kinh tế; 8. Ban dịch thuật; 9. Ban Truyền thông chính thống và xuất bản in ấn; 10. Ban tổ chức sự kiện, ngoại giao; 11. Ban y tế phối hợp ứng dụng thanh lọc thân tâm qua các khóa thiền và hỗ trợ y khoa; 12. Ban hậu cần hỗ trợ nấu ăn, quản lý các khóa tu; 13. Ban khuyến học: TT. Minh Thuận, ĐĐ. Đạo Hưng, Đạo Viên, Đạo Nguyên. Đối tác thường trực nối kết cộng tu Phật sự trong nước bao gồm các chùa, các tổ chức, cá nhân ở khắp ba miền đã có danh sách đại diện; và dự án sẵn sàng kết nối hơn 18.000 ngôi chùa và hơn 54.000 Tăng Ni Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Hòa Thượng Thích Quảng Tùng điểm qua sơ lược phương hướng hoạt động và chứng minh tâm đạo của Tăng Ni Cư sĩ trong Ban điều hành. Hòa Thượng khẳng định, Phật giáo có phong phú các hình thức tu tập nhưng như “trăm sông đổ về một biển và biển chỉ có một vị mặn; giáo pháp của đức Phật có nhiều phương tiện, mục đích cuối cùng cũng là ban vui cứu khổ, giải thoát giác ngộ”. Trung Tâm với thái độ thiện ý tôn trọng sự đa dạng của các hệ phái Phật giáo tại Việt Nam, cùng kết duyên vừa chuyên tu vừa hoằng pháp theo đúng Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp Luật nhà nước Việt Nam, để các cấp ban ngành dễ quản lý.
Các việc làm của Trung Tâm ứng dụng khóa tu Thiền tông của Đại thừa, Thiền Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, Thiền Tứ Niệm Xứ (Thiền định và Thiền Tuệ Vipassana của Nguyên thủy), cộng tu trì kinh niệm Phật Bát quan trai giới của Đại thừa… được triển khai. Pháp học nghiên cứu tổng quát Kinh – Luật – Luận của Nguyên thủy và Đại thừa, quá trình hình thành và phát triển Thiền tông (cả Kim Cang thừa); nghiên cứu các Bộ phái Phật giáo, các Pháp tu Thiền – Tịnh – Mật (Đông Mật và Tây Mật), rút ra những điểm giống và khác nhau, đưa ra các Pháp số Phật học căn bản để ứng dụng vào cuộc sống hiện đại. Cam kết cùng Giáo Hội và chính quyền, hệ thống giáo dục đào tạo các cấp cả Phật học và thế học, các ban ngành, kết duyên lành trên mọi phương diện… Đây là mô hình tiến bộ và hợp với xu thế thời đại để phục hưng phát triển Phật giáo đi vào cuộc sống, tạo sức mạnh khối đoàn kết toàn dân và thắt chặt lục hòa Tăng đoàn.
TT Thích Minh Thuận Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự, Phó Ban Hoằng Pháp Trung Ương, trong bài phát biểu cũng bày tỏ với việc mở các khóa tu thực tế khoảng 1-3-10 ngày – 1 tháng; giúp phần cung cấp hiểu biết đúng đắn về giáo lý Phật, lịch sử Phật giáo, để thiền sinh có chánh kiến, không hoang mang trước các thông tin ác ý gây chia rẽ của ngoại đạo; góp phần hưng thịnh Phật giá trong và ngoài nước, vì sự tiến bộ và phát triển chung. TT cũng nhấn mạnh, việc nghiên cứu chuyên sâu thông qua tiểu luận, tạp chí, tọa đàm, Hội thảo, trao đổi Khoa học trong và ngoài nước liên kết với các tổ chức ban ngành liên ngành chính thống; xuất bản sách; tận dụng đội ngũ nhà trí thức; dịch thuật các sách Phật học ra các thứ tiếng. Tất cả dựa trên chánh kiến, bồ-đề tâm, bồ-đề nguyện, lý tưởng bồ-tát hạnh, chắc chắn sẽ phát huy sức mạnh nội lực cá nhân và sức mạnh cộng thiện duyên với đại chúng, Phật giáo góp phần phát triển mọi mặt đời sống xã hội thông qua việc mỗi người tự thân tin tưởng thực hành và phụng hiến trong thời đại mới. Thượng Tọa mong các cá nhân/ tổ chức, doanh nghiệp, những tổ chức Phi chính phủ trong và ngoài nước trên tinh thần bất hại vì lan tỏa Phật Pháp đúng tinh thần Nhân Qủa tốt đời đẹp đạo sắp tới sẽ quan tâm đến Dự án Trung Tâm Phật học ứng dụng đồng hành lâu dài để các nội dung ý nghĩa được triển khai sâu rộng cả đạo và đời; cũng là tinh thần hộ đạo của người con Phật/ những người yêu mến cái đẹp, cái thiện lành, quý hóa âm đức.
TT Thích Minh Tuân – Ủy viên Ban Kinh Tế Tài Chính Trung ương, phát biểu trong lễ ra mắt với quan điểm nhất quán của Trung Tâm là tôn trọng các truyền thống, hài hòa văn hóa, lục hòa Tăng đoàn, đoàn kết đại chúng; các thành viên vừa chuyên tu vừa tích cực nhập thế hộ trì Tam bảo, mang lại an vui thiện pháp cho xã hội theo tinh thần lời Phật vô ngã từ bi, đưa Phật giáo Việt Nam tự nhiên ăn sâu trong tâm hồn người dân. Thượng Tọa hứa khả các khóa tu mở ra mục đích thực tiễn hóa và gắn kết pháp học qua nghiên cứu giành cho giới Phật tử và gieo duyên. Với người trí thức mở các hội thảo tọa đàm và ra sách. Với chính quyền an sinh phúc lợi xã hội. Với Giáo hội đồng hành hỗ trợ lan tỏa cúng dường đồng hành cùng Tăng Ni và các chùa trong khả năng, đồng hành các sự kiện lớn của Quốc gia và Quốc Tế. Thượng Tọa tin tưởng, trong thời đại hiện nay toàn cầu hóa là một khách quan đòi hỏi tất cả thế giới, Việt Nam không ngoại trừ, phải hội nhập để đi đến một tiếng nói chung trong sự hợp tác giữa các quốc gia với các thể chế khác nhau, cùng giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.
Cô Nguyễn Đoàn Kim Sơn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường liên cấp Tuệ Đức, sáng lập Làng Hạnh Phúc và Thầy Trần Việt Quân – Chủ tịch HĐTS Viện Bách Khoa, sáng lập Cộng đồng sống tử tế – đại diện cho phân ban Phật tử hộ trì, phụ trách mảng tổ chức các khóa tu trong nước, chia sẻ nhiều năm gần đây, qua các Phật sự quốc tế như Vesak, Diễn đàn Phật giáo Châu Á vì hòa bình ABCP,…, việc mở các khóa tu để lan tỏa giá trị Phật giáo, chứng minh Phật Pháp ngoài khả năng hướng đến giác ngộ tỉnh thức, còn có khả năng tự chữa lành các tổn thương nơi tâm và ngăn ngừa bệnh tật, phù hợp với khoa học; đồng thời cũng mang tinh thần tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng sự sống, tôn trọng hệ phái vùng miền, hướng đến lục hòa giữa những người xuất gia để cùng hành đạo, ổn định trật tự xã hội.
Phật tử Đinh Thị Thu Hà – Thư kí Trưởng Hiệp Hội Phát Triển Toàn Cầu Đông Nam Á Việt Thăng, Trường Đại học Quốc Lập KHKT Vân Lâm – CEO Trung Tâm thúc đẩy giao lưu hợp tác khu vực Việt Nam, Tập đoàn Phúc Trí, Đài Loan, đại diện Việt kiều phát biểu hứa khả tại buổi ra mắt. Phật tử khẳng định tinh thần Phật giáo đặt chân đến bất kì một địa phương nào cũng từ bi, bất hại, làm lợi ích cho dân chúng vùng đó; góp phần phát triển Phật giáo đồng bộ phát triển mọi mặt của mỗi quốc gia trong trí tuệ thiện lành phụng hiến. Việc nghiên cứu quá trình hình thành phát triển hệ phái Nguyên thủy, Đại thừa từ Ấn Độ, đến các nước Thái Lan, Srilanka, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… cũng như 1 số nước phương Tây hiện nay; đồng thời chăm lo các phúc lợi an sinh xã hội trong nước, có điều kiện nối kết Phật sự Quốc Tế: tại nơi đức Phật thành đạo, các trường Phật học Quốc tế có Tăng Ni sinh Việt Nam du học như Myanmar, Thái Lan, Srilanka, Ấn Độ…, triển khai mô hình hỗ trợ thực phẩm chay, Pháp Phục miễn phí người tu và cư sĩ… là những đề án vô cùng ý nghĩa. Dù chưa triển khai được luôn trong một thời gian ngắn nhưng nếu đồng bộ cùng đan cài vận hành lý thuyết và ứng dụng của cá nhân/ các đầu Phật sự khắp cả nước chắn chắn thiện Pháp lớn nhỏ luôn xen nhau được duy trì.
Với mục đích vực lại sự hưng thịnh của Phật giáo, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, phát triển cùng Phật giáo Quốc Tế, hướng đến áp dụng đúng lời Phật vào cuộc sống, chú trọng qua nghiên cứu Pháp Hành, thắt chặt Lục hòa, tôn trọng các Pháp tu và các truyền thống hệ phái; rút lại những tinh hoa chung của cốt lõi giáo lý Phật, lan tỏa thông điệp Phật giáo vì hòa bình, phổ quát Phật giáo lan tỏa đến mọi đối tượng, Trung Tâm đã và đang tiến hành được trực tiếp và gián tiếp, chủ động và cộng tu được khá nhiều các Phật sự ý nghĩa vừa qua trong 6 tháng dự án đã được báo cáo tại buổi lễ ra mắt khiến người dự ai cũng hoan hỷ.
Một số hình ảnh của sự kiện :
Tin: TN Viên Giác
Ảnh: Media Thabarwa VN & Xanh Tuệ Đức
Phản hồi