Hải Phòng: Lễ tác pháp Tự tứ tại Hạ trường chùa Nam Hải

PGĐS – Sáng ngày 28/9/2023 (nhằm ngày 14/8/Quý Mão), chư Tăng Ni hành giả tại Hạ trường chùa Nam Hải, phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng đã trang nghiêm thanh tịnh làm lễ tác pháp Tự tứ, kết thúc Khóa hạ an cư PL.2567 – DL.2023.

Tham dự buổi lễ có Hòa thượng đạo hiệu Thích Quảng Tùng – Trưởng BTS GHPGVN TP. Hải Phòng, Đường chủ Hạ trường; Hòa thượng đạo hiệu Thích Thanh Giác – Phó Trưởng BTS GHPGVN TP. Hải Phòng, Giáo thọ sư, cùng gần 300 Tăng Ni hành giả an cư tại Hạ trường.

Sau khi cung rước chư Hòa thượng, Đại đức Tăng Ni quang lâm hội trường lễ Phật, cầu minh huân gia bị, Hòa thượng đường chủ giảng về ý nghĩa của việc Tự tứ, chư hành giả an cư phân lập lưỡng ban tại Chính điện (tầng 5) và điện Quán Âm (tầng 2) để tác pháp Tự tứ. Kết thúc, chư Tăng Ni tập trung lễ tạ Tổ tại tổ đường tầng 4 và trao trả các chức sự trong Hạ trường.

Tự tứ, phiên âm tiếng Phạn là Bát-hòa-la, dịch là Tùy ý, nghĩa là thỉnh cầu người khác tùy ý chỉ điểm những lỗi lầm cho mình dựa vào 3 căn cứ: Kiến – Văn – Nghi, giúp mình tỏ được lỗi lầm, thành tâm ăn năn sám hối để được thanh tịnh. Bởi chúng ta thường đối với mình thì mê, đối với người khác thì sáng, không thể tự thấy sai lầm của bản thân mình. Vì vậy, cần phải nương vào sự thanh tịnh, thương xót của chư Tôn đức để chỉ bày cho những chỗ thiếu xót của mình để họ như pháp cử tội, nội chướng không ngăn che được; ngoài bày sự thuần tịnh về thân, khẩu nhờ vào đại chúng.

An cư rồi giải hạ bằng Tự tứ. Đức Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện dạy rằng: “Người này kẻ kia phải dạy bảo lẫn nhau, nghe lời của nhau, khuyên bảo lẫn nhau, giác ngộ cho nhau”. Bởi vậy, lễ Tự tứ có ý nghĩa rất quan trọng đối với người xuất gia. Tự tứ là chấp thuận để người khác nêu tội cho mình một cách hoan hỷ và tự nguyện, nên từng người một làm phép tự tứ, chẳng được tùy ý tự tứ mà phải theo thứ tự từ trên hàng Thượng tọa xuống dưới hạ tọa.

Căn cứ vào Luật Tứ phần, vị thụ Tự tứ phải đủ 5 đức cử tội là: (1) Phải đúng thời không lấy trái thời, (2) Đúng sự thật không lấy giả dối, (3)Phải có lợi ích không lấy vô ích, (4) Phải mềm mỏng, không lấy thô tháo cứng rắn, (5) Phải dùng từ tâm, không có sân hận. Và 5 đức Tự tứ là: (1) Không thiên vị, (2) Không giận ghét, (3) Không sợ hãi, (4) Không bất minh, (5) Biết người nào Tự tứ rồi hay chưa.

Mục đích của việc thụ Tự tứ giống như việc Thuyết giới, đó là biểu hiện sự hòa hợp và thanh tịnh của Tăng. Nhưng quan trọng hơn là mở ra một giai đoạn mới trong đời sống đạo hạnh của một vị Tỳ-khiêu, Tỳ-khiêu-ni sau khi kết thúc ba tháng Hạ sống chung giữa Tăng, đó là sự tinh tấn du hóa, lấy “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bản hoài”, xemviệc hoằng pháp lợi sanh như là sự nghiệp, là điều mà người con Phật luôn canh cánh bên lòng.

Người xuất gia, kết thúc khóa an cư, sau khi làm lễ Tứ tứ, vị ấy được thêm một tuổi đạo mới. Do vậy, ngày Tự tứ còn được gọi là ngày Tết của người xuất gia.

Tại buổi lễ, chư Tôn đức giáo phẩm Ban Chức sự trường hạ ra bái chào và trả chức sự, Hoà thượng Thích Quảng Tùng đã ban đạo từ đến toàn thể hội chúng, nói lên tầm quan trọng của việc an cư kiết hạ và ý nghĩa ngày lễ Tự tứ, cũng như tán thán công đức của Phật tử thập phương đã phát tâm cúng dàng phẩm vật trong mùa an cư.

Đây là ngày hoan hỷ nhất của người tu sĩ trong một năm, được gọi là ngày chư Phật hoan hỷ. Bởi lẽ Ngài đã thấy đệ tử của Ngài thực hành đúng giới luật, hành trì lễ bái, tu tập tam vô lậu học và giảng diễn kinh văn. An cư ba tháng là nghĩa vụ thiêng liêng của người đệ tử Phật xuất gia, giờ này là giờ tăng trưởng công đức nhất, chính vì vậy mà Đức Phật chỉ dạy Tôn giả Mục Kiền Liên cầu Tăng trong giờ tự tứ để hồi hướng cho vong mẫu. Người tu không căn cứ vào tuổi đời mà căn cứ vào tuổi hạ. Cho nên nói, Hạ lạp với người con Phật rất quan trọng.

Qua đó, Hòa thượng cũng chúc mừng Tăng lạp của chư Tôn đức Tăng Ni hành giả an cư, đồng thời nguyện mong “đem công đức này hồi hướng về tất cả quý vị Phật tử đời này gia đình mạnh khỏe, phúc thọ tăng long, thành tựu trong mọi công việc của cuộc sống. Xin đem công đức này hồi hướng cho Tổ tiên của tất cả chúng ta được siêu sinh an lạc quốc”.

Nhân đây, Hòa thượng cùng đại chúng đã vọng bái khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN cùng chư Tôn đức HĐCM, Hòa thượng Chủ tịch, chư Tôn đức HĐTS thêm một tuổi đạo, bồ-đề tâm tăng trưởng để làm bóng cây đại thụ cho Phật giáo đồ nói chung và Phật giáo thành phố Hải Phòng nói riêng.
Buổi lễ tự tứ đã thành tựu viên mãn trong niềm hoan hỷ vô biên của toàn thể hội chúng.

Sau đây là một số hình ảnh ghi nhận tại buổi lễ:

Bản Nghiêm – Thọ Tường – Diệu Thuần

 

 

Bài viết liên quan

Phản hồi