GƯƠNG HIẾU HẠNH CỦA TÔN GIẢ MỤC KIỀN LIÊN – BIỂU TƯỢNG NGÀY VU LAN BÁO HIẾU

Trong Kinh “Mục Liên Sám Pháp” có ghi: Khi Phật còn tại thế, ở thành Vương Xá có người trưởng giả tên Phó tướng, vợ là bà Thanh Đề, sinh một con trai tên là La Bốc. Nhà cửa giàu có, của đầy kho, voi, ngựa, trâu, dê có nhiều vô số. Ông trưởng giả ấy chuyên tu Lục độ, nhưng trái lại vợ ông lại làm 10 điều ác.

Sau khi cha qua đời, La Bốc ba năm thọ tang báo hiếu. Mãn kỳ, La Bốc thưa mẹ, mở hết các kho, xem của cải còn lại bao nhiêu và chia làm ba phần. Một phần dâng mẹ, một phần cúng Tam bảo cầu đức cho cha, còn phần thứ ba La Bốc xin mẹ đi ra nước ngoài làm vốn kinh doanh.

Hình ảnh minh họa

Khi La Bốc đi rồi, bấy giờ bà mẹ mới gọi tất cả người ăn kẻ làm bảo họ rằng:

– Con ta ra đi, có dặn ta rằng, cúng dường chư Tăng nhưng tội tình chi làm việc nhảm nhí đó, ích lợi gì đâu. Nếu các ông ấy đến đây khất thực, chúng bây lấy cây gậy đánh đuổi cho ta, còn đứa nào lén nhịn thức ăn để cúng dường, thì chớ trách ta độc ác. Còn số tiền trai tăng ta sẽ mua heo, gà vịt, trâu dê…cúng tế chư thiên, rồi ngả ra giết thịt ăn cho sướng miệng, lợi cho ta mà cũng lợi cho tụi bây nữa, chư thần sẽ ban phước lành cho chúng ta.  Khi La Bốc trở về đứa nào bép xép thì đừng bảo sao cây roi ta vô tình.

Từ đó bà Thanh Đề càng ngày đi sâu vào tội lỗi. Không việc thiện nhỏ nào bà làm, không một việc ác lớn nào bà từ. Bà thích thú khi nghe những tiếng kêu rống thảm thiết của những con vật trong lúc tế thần, vui vẻ trên sự đau khổ của người khác.

Thời gian thấm thoát trôi qua, La Bốc buôn bán thành đạt của tiền khấm khá, liền trở về quê nhà. Đường xa mệt mỏi, nên La Bốc tạm nghỉ ngoài thành, bảo người hầu tên là Ích Lợi về báo tin cho mẹ hay trước. Nghe con sắp về, bà vừa mừng vừa lo, vội bảo gia nhân treo phan trướng tại phòng ăn, giả làm trai đường cúng dường chư Tăng.

Khi Ích Lợi vào bà Thanh Đề hỏi rằng: – Con ta đã về hiện ở đâu ?

Ích Lợi trả lời: – Dạ, Ở phía tây thành.

Thanh Đề nói với Ích Lợi rằng: – Sau khi La Bốc và ngươi đi rồi ta liền thiết trai cúng dường chư Tăng hơn năm trăm vị, như vậy chủ ngươi hẳn bằng lòng chứ ?

Ích Lợi nghe nói lòng sinh vui mừng, khi vào nhà trong lại thấy phan trướng, bàn ghế, chén bát ngổn ngang chưa được dọn dẹp. Ích Lợi trở ra báo cho La Bốc biết những việc mắt thấy tai nghe. La Bốc mừng rỡ vô cùng, nên dù mệt mỏi vẫn hối gia nhân thu xếp hành lý về ngay.

Lòng tôn kính mẹ càng tăng lên bội phần khi biết ở nhà mẹ chuyên tu nên gần đến nơi Là Bốc xuống kiệu, một bước đi một bước lễ lạy.

Họ hàng nghe La Bốc trở về nên mới ra đón tiếp, họ thấy La Bốc vừa đi vừa lạy nên kinh ngạc hỏi: – La Bốc ơi vì sao người làm thế, Phật chẳng có mà Tăng cũng không kia mà !

La Bốc mặt mày rạng rỡ cao giọng trả lời:– Tôi lễ lạy đây chính là lễ lạy mẹ tôi. Khi tôi đi rồi, mẹ tôi ở nhà tu hành tinh tấn, làm phước tạo duyên, ăn chay niệm Phật, mới đây mẹ tôi thiết trai cùng dường 500 vị.

Họ hàng nghe thế liền nói: – Khi ông đi rồi mẹ ông ở nhà chỉ tạo ác nghiệp, đánh đuổi chúng Tăng. Còn tiền ông dặn thiết trai cúng dường mẹ ông mua heo dê gà chó trâu bò, cắt tiết tế thần, ông về nhà sẽ rõ đừng vội tin lời ai cả.

La Bốc nghe nói như sét bên tai, té xỉu xuống đất hồi lâu mới tỉnh, bà Thanh Đề thấy thế liền vội đến và lại gần bên cầm lấy tay con mà cả quyết thề rằng: – Con ơi, trời kia cao lồng lộng, đất nọ rộng mênh mông, mẹ xin thề trước chư Thánh, chư Thần, nếu lúc con đi rồi mẹ ở nhà không cúng dường chư Tăng thì đời đời mẹ chịu ác báo chốn địa ngục A Tỳ, họ hàng vì ghét mẹ không chu cấp mà chỉ lo cúng dường chư Tăng, nên xúc xiểm với con đó thôi.

La Bốc nửa tin nửa ngờ, cố đổi buồn thành vui chuyện trò cùng mẹ. Một tháng sau, bà Thanh Đề cảm thấy khó chịu trong người, ngũ tạng nhức nhối vô cùng. Mụt nhọt nổi lên khắp mình, máu mủ chảy ra hôi thúi, bất kỳ loại thức ăn nào vào cũng ói mửa ra dù là rất khát nước và muốn ăn. La Bốc lòng đau như cắt khi thấy mẹ lăn lộn rên la như vậy. Các danh y mời đến cũng đều bó tay. Sau bảy ngày quằn quại đói khát bà đã trút hơi thở cuối cùng. La Bốc mai táng mẹ trong một khu rừng, rồi dựng lều cỏ bên cạnh hàng ngày thắp hương lễ bái, tụng kinh hồi hướng cho vong linh của mẹ.

Nhưng La Bốc tự nghĩ muốn báo thâm ân, cần phải xuất gia tu hành học đạo, cho nên La Bốc đã đến tìm người bạn thân là Xá Lợi Phất, nghe Xá Lợi Phất đọc bốn câu kệ tóm tắt phần giáo lý cao siêu của Đức Phật về luật nhân quả. (Xá Lợi Phất biết được bốn câu kệ này là do Tỳ Kheo Mã Thắng dạy)

HÌnh ảnh minh họa

“ Chư pháp tùng duyên sanh

Diệc phục tùng duyên diệt

Ngã Phật đại Sa môn

Thương tác như thị thuyết”

Tạm dịch:

“ Các pháp tử duyên sanh

Cũng lại theo duyên diệt

Bậc đại Sa môn của tôi

Thương hay dạy như thế ”

La Bốc đắc ngay sơ quả Tu Đà Hoàn. Hai người vô cùng hân hoan liền đi đến chỗ Phật. La Bốc đến Trúc Lâm tịnh xá làm lễ Đức Phật và thưa rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn, Cha mẹ con đều đã qua đời con muốn xuất gia được lợi ích gì cho cha mẹ không? . Đức Phật bảo rằng: – Này thiện nam tử trong cõi Diêm Phù, nếu có người nào cho một người, hoặc trai hay gái xuất gia tu đạo, thì công đức ấy còn hơn xây cất 84.000 ngôi tháp quý báu, bởi vì cha mẹ hiện tiền nhờ công đức ấy được thêm phước huệ, cha mẹ quá khứ được siêu sanh tịnh độ.

Bấy giờ La Bốc lòng hân hoan vô cùng, liền cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, được Phật thọ ký với tên là Đại Mục Kiền Liên. Mục Kiền Liên tinh tấn tu hành, một tuần sau Ngài đắc quả A La Hán, chẳng bao lâu chứng lục thông trở thành vị đệ tử thần thông đệ nhất của Đức Phật.

Vốn là người con chí hiếu, nên sau khi đắc Lục Thông Ngài xin phép Phật cho Ngài dùng thiên nhãn tìm xem mẹ vui, khổ cảnh nào. Tìm khắp 33 tầng trời nhưng không thấy mẹ, Ngài rọi đạo nhãn xuống các địa ngục. Đến ngục cuối cùng, tên là vô gián, Ngài thấy khắp mình mẹ tua tủa những ngọn đao, đầu tóc rũ rượi, mắt như hai lỗ sâu hoắm, toàn thân lửa cháy đỏ rực, cổ gông rất nặng nề, máu rịn từ các chân lông, bụng to như cái trống, thân hình gầy ốm trơ xương.

Mục Kiền Liên thấy mẹ như thế, thương cảm vô cùng vội vận thần thông bay xuống gặp mẹ, thưa với mẹ rằng:

– Mẹ ơi, con cứ ngỡ rằng mẹ có thiết trai, cúng dường Tam Bảo, phước đức vô biên nên tìm mẹ khắp các từng trời, nào ngờ mẹ thọ khổ chốn này. Mẹ ơi hãy nói cho con nghe vì sao nên nỗi?

Bà Thanh Đề buồn bã đáp lời con:

– Con ơi, mẹ biết tội mẹ nhiều rồi. Ngày con đi mua bán xứ xa, mẹ nào thiết lập trai đàn cúng dường Tam Bảo, đã thế lại còn nhục mạ rủa nguyền chúng Tăng, giết hại thú cầm, cúng tế thần linh, ngỡ đâu mẹ con ta không còn ngày gặp lại. Con ơi, hãy tha thứ cho mẹ, tội mẹ thề dối gạt con cũng quá nặng nề. Khi về đến chốn dương gian con hãy lập công bồi đức thật nhiều mới mong cứu mẹ ra khỏi ngục vô gián này. Nơi đây khổ sở trăm bề, đói ăn sắt nóng, khát uống nước đồng…

Bà nói chưa dứt lời chúa ngục đã giục, vì giờ chịu tội đã đến rồi. Thấy vậy, Ngài xót xa vô tả xin chúa ngục cho chịu khổ hình thay mẹ. Chúa ngục trả lời:

– Mẹ Ngài tạo tội không có bờ bến, dù Ngài là con cũng không thay được. Ngài muốn cứu mẹ phải về lễ Phật xin chỉ cách cứu mẹ.

Ngài Mục Kiền Liên quay về lễ Phật, bạch rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn, con đã nhìn thấy mẹ con thọ khổ, con rất đau lòng, xin Phật từ bi chỉ cách cứu độ mẹ con.

Tấm lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên vô cùng rộng lớn, Đức Phật thương xót nhận lời thỉnh cầu, Ngài cùng đệ tử và Thiên Long Thánh Chúng, ngự trên hư không phóng hào quang soi xuống địa ngục, ánh sáng rọi tràn khắp nẻo tối tăm, núi đao biến thành bảo cái, gươm đồng hóa thành hoa quả, gường chông biến thành Tòa Sư Tử, vạc dầu sôi biến thành hồ sen. Bấy giờ Diêm La cùng Thánh Chúng khen rằng: Hay thay ! Hay thay ! Lành thay Lành thay ! Tất cả chúng sanh trong địa ngục này được thấy thân Phật, tâm sanh hoan hỷ liền được thoát cảnh khổ. Sau đó, chúng cõi âm đồng hướng lên hư không lễ tạ từ ơn Phật, hết thảy tội nhân được sanh cõi trời. Mục Kiền Liên thấy vậy liền bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn, mẹ con hiện giờ sinh chỗ nào ?

Phật thương xót trả lời:

– Tội chướng mẹ ông quá nặng, vừa ra khỏi ngục Vô gián, bà lại rơi vào địa ngục Hắc ám.

Mục Kiền Liên đau xót vô cùng, Ngài liền dùng đạo nhãn nhìn xuống ngục Hắc ám thì thấy mẹ đang bị giam cầm trong chốn ngạ quỷ, đói khát và lạnh lẽo vô cùng … bọn quỷ sứ coi ngục lại cho mẹ ăn toàn dòi ! Ngài Mục Kiền Liên mục kích sự khổ sở của mẹ làm cho Ngài xót thương vô tả, mặc dù Ngài biết rằng, đó hoàn toàn là quả báo do sự tham lam tật đố của mẹ lúc sanh tiền. Thế rồi, Ngài dùng bát đựng cơm dấu trong tay áo và dùng sức thần thông xuống địa ngục thăm mẹ. Gặp mẹ, Mục Kiền Liên vội lấy bát cơm ra dâng mẹ.

Hình ảnh minh họa

Bà Thanh Đề đói khát đã lâu nay được bát cơm lòng mừng khôn xiết bèn đưa hai tay chộp lấy bát cơm, rồi thò tay vào bát bốc ra một phúm đưa lên miệng … nhưng than ôi ! Cơm chưa kịp vào miệng thì một ngọn lửa từ cổ họng bốc ra, nhúm cơm trong tay và bát cơm đều biến thành lửa đỏ, Bà tức tối kêu khóc như điên như dại.

Sự cảm xúc dâng lên tột độ trước cảnh tượng đau khổ của mẹ, Ngài Mục Kiền Liên lập tức trở về Tịnh Xá xin Phật chỉ cách cứu mẹ. Đức Phật dạy rằng:

– Mẹ ông vì nghiệp quả quá sâu dày, lòng hiếu thảo của ông dù có cảm động đến trời, rồng, quỷ, thần đi nữa, nhưng một mình cũng không có thể cứu được. Chỉ có sức cầu nguyện của mười phương đại đức chúng Tăng mới có thể cứu mẹ ông ra khỏi cảnh khổ ấy mà thôi. Vậy thì đến ngày rằm tháng bảy là ngày tự tứ của chư Tăng sau ba tháng an cư kiết hạ sách tấn tu hành, các nghiệp được thanh tịnh, công đức tăng trưởng khiến chư Phật mười phương hoan hỷ, ông nên nhân ngày tốt đẹp đó làm Lễ Vu Lan, để cải nghiệp cho mẹ, đánh thức tâm mê muội của bà đã hằng sa kiếp chưa biết tin nhân quả. Ông hãy chí thành cúng dường lễ bái chư Tăng, xin chư Tăng hợp lực dùng sức mạnh của hàng ngàn tâm thanh tịnh và lòng từ bi quảng đại, đưa tư tưởng lành xuống cõi âm, cho mẹ ông tiếp thị sức mầu, tâm thức khai mở bỏ hết tính tham lam ích ký thì mới mong chuyển nghiệp.  

Mục Kiền Liên vâng lời Phật dạy đến ngày rằm tháng bảy liền lập hội Vu Lan thiết trai cúng dường. Do kết quả sự hợp lực chú nguyện của chư Tăng, nên vong hồn mẹ Ngài thoát kiếp ngạ quỷ sanh về cõi lành. Không riêng gì bà Thanh Đề mà cha mẹ từ nhiều đời nhiều kiếp của Ngài cũng được sinh lên cõi trời.

Sau khi thấy thân mẫu được thoát khổ, Ngài Mục Kiền Liên hết sức vui mừng, liền bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn ! Thân mẫu con được nhờ công đức Tam Bảo và oai thần của chư Tăng, nên được thoát khỏi kiếp ngạ quỷ khổ não. Vậy về sau trong hàng Phật tử, nếu có người làm Lễ Vu Lan Bồn này để cứu độ cha mẹ hiện tại và cả cha mẹ bảy đời có thể được chăng ?

Phật dạy: – Quý thay ! Mục Kiền Liên, nếu các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Quốc vương, Thái tử … cho đến nhân dân muốn báo hiếu cha mẹ hiện tại và cha mẹ bảy đời thì ngày rằm tháng bảy, ngày Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng tự tứ, thiết Lễ Vu Lan này để cúng dường trai tăng. Nhờ công đức của chư Tăng thanh tịnh chủ nguyện, cha mẹ hiện tại được tăng long phước thọ, tai qua nạn khỏi, nghiệp chướng tiêu trừ, nhẫn đến cha mẹ nhiều đời thoát khỏi cảnh khổ đau mà sanh cõi lành.

Thế là kể từ đó cho đến ngày nay, bốn chúng đệ tử xuất gia, tại gia của Phật cứ đến ngày rằm tháng bảy, ngày hội Vu Lan đều nô nức làm lễ trai Tăng cầu nguyện Tam Bảo cứu độ cửu huyền thất tổ, đa sanh phụ mẫu quá vãng được siêu sanh tịnh độ; cha mẹ còn sanh tiền thì phước thọ tăng long, Bồ đề tâm kiên cố. Tinh thần đó được thể hiện rất chân thành trong lời Kinh ” Sám Vu Lan”.

Hình ảnh minh họa

Đệ tử chúng con

Vâng lời Phật dạy Gặp hội Vu lan

Ngày rằm tháng bảy

Phạm vũ huy hoàng

Đốt hương đảnh lễ

Mười phương tam thế

Phật Pháp Thánh hiền

Noi gương đức Mục Kiền Liên

Nguyện làm con thảo

Lòng càng áo não

Nhớ nghĩa thân sinh

Con đến trưởng thành

Mẹ dày gian khổ

Ba năm nhũ bộ

Chín tháng cưu mang

Không ngớt lo toan

Quên ăn bỏ ngủ

Ấm no đầy đủ

Cậy có công cha

Chẳng quản yếu già

Sanh nhai lam lũ

Quyết cùng hoàn vũ

Phấn đấu nuôi con

Giáo dục vuông tròn

Đem đường học đạo

Đệ tử ơn sâu chưa bảo

Hổ phận kém hèn

Giờ này quỳ trước đài sen

Chi thành cung kính

Đạo tràng thanh tịnh

Tăng bảo trang nghiêm

Hoặc thừa tự tứ

Hoặc hiện tham thiền

Đầy đủ thiện duyên

Dũ lòng lân mẫn

Hộ niêm cho

Bảy kiếp cha mẹ chúng con

Đượm nhuần mưa pháp

Còn tại thế thân tâm yên ổn

Phát nguyện tu trì

Đã qua đời ác đạo xa lìa

Chóng thành Phật quả

Ngửa trông các đức Như Lai

Khắp cõi hư không

Từ bi gia hộ.

Đã hơn 25 thế kỷ trôi qua biết bao thăng trầm vinh nhục vật đổi sao dời, nhưng hàng năm cứ đến tiết tháng 7 khi ngọn gió heo may bắt đầu thổi, đem cái lạnh đến tê buốt lòng người, lá vàng rơi khắp nẻo, thiên nhiên trùm xuống một nỗi buồn da diết của tiết lạnh mưa ngâu, chúng ta lại thấy tâm hồn mình xao động, nhớ thương những người thân đã khuất bóng không biết giờ này đang ở nơi đâu ? Thiên đường hay địa ngục ai biết nẻo nào ? Và dường như, ta đang nghe dưới lòng đất lạnh hoang vu kia tiếng nức nở của thập loại chúng sanh hay của ông bà cha mẹ ta đang vang vọng hướng về trần thế, mong mỏi con cháu mình tạo phước để cứu rỗi hương linh. Ôi ! Sao mà nghe thê lương, lạnh lẽo … khoảng khắc chạnh lòng, nấc nghẹn qua hai tiếng “ Mẹ ơi”

” Vu lan mẹ ở nơi nao ?

Để con ruột thắt nghẹn ngào nhớ thương”

Hãy để cho những giọt lệ nhớ thương chảy dài trên má, cho vơi đi những nỗi niềm xót xa ray rứt, vì chưa ai mạnh dạn nói rằng mình đã chu toàn bổn phận với mẹ cha.

Từ tâm trạng đó, ta nghe tiếng chuông chiều tháng bảy như thôi thúc chúng ta hãy cùng nhau dành trọn tâm tư chân thành chắp tay hướng về mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, cùng chư đại đức Tăng để được thêm gia trì lực của các Ngài mà hồi hướng cho cha mẹ, lục thân quyến thuộc và tất cả chúng sanh được về cõi an lành.

Giữa giờ phút thiêng liêng này chúng con thành tâm đốt nén tâm hương hướng về ba ngôi Tam Bảo, nguyện cầu cho cây “Hiếu hạnh” ngày càng mọc lên tươi tốt trong lòng người, để cho “hoa hiếu hạnh” khai nở ướp đầy hương thơm trong trái tim mọi người, mùi hương vi diệu đó sẽ làm cho suối nguồn Từ Bi tuôn chảy bất diệt, cho nụ cười của nhân loại tươi như đóa sen vừa mới nở, cho Thiên thần rẽ mây bước xuống rải hoa đón chào những người con đã thực hiện chữ hiếu đúng nghĩa nhất.

Trích Trong tác phẩm: “CON ĐƯỜNG THỰC HIỆN CHỮ HIẾU”

Tác giả: Bửu Hữu

Năm xuất bản: Năm 2002

NXB: Thành Phố Hồ Chí Minh Tr. 52-66.

Bài viết liên quan

Phản hồi